5. Thành tựu Latinh hóa chữ tiếng Việt

Phần trên đã trình bày về quá trình các nhà truyền giáo Dòng Tên lấy các dấu của tiếng Hy Lạp, Latin để áp dụng vào quá trình Latin hóa chữ Việt. Sở dĩ chúng ta dùng cụm từ “Latin hóa” là để chỉ việc cách giáo sĩ đã dùng chữ cái và dấu của ngữ hệ Latin để ghi lại âm và thanh điệu của tiếng Việt và sản phẩm của quá trình này sẽ được dùng và gọi tên là chữ quốc ngữ – bộ chữ để ghi tiếng nói chính thức của một quốc gia–dân tộc. 

Quá trình làm ra bộ chữ quốc ngữ đó được kéo dài trong rất nhiều năm, và nhiều khi công việc bị ngắt quãng vì nhiều lý do không thuộc ý chí của các nhà truyền giáo. 

Như việc này: ngày 3–7–1645, Alexandre de Rhodes bị trục xuất khỏi vương quốc Đại Việt: 

“thân thể tôi rời khỏi Đàng Trong nhưng trái tim tôi còn mãi ở lại nơi này, cả ở Đàng Ngoài nữa” (27)

Ông bắt đầu cuộc hành trình về Macao rồi đi châu Âu, mãi tới ngày 27–6– 1649 ông mới về tới Vatican, và xin cấp giấy phép xuất bản cuốn Từ điển Việt– Bồ–La và cuốn Phép giảng tám ngày đồng thời vận động Giáo Hoàng gửi thêm linh mục sang Đàng Trong và Đàng Ngoài.

“Chúng tôi có đầy đủ lý do để sợ rằng những gì đã xảy ra ở Giáo hội Nhật Bản thì có thể sẽ xảy ra nơi Giáo hội Annam, vì những vua chúa ở Đàng Trong và Đàng Ngoài rất có quyền và thích chinh chiến. Tòa Thánh cần gửi những chủ chăn đến những miền Đông Phương nầy nơi mà Ki tô hữu gia tăng thật nhanh chóng. Nếu không có Giám mục, người ta chết không được làm bí tích gì cả, thật là tai hại!” (28)

Và với sự chấp thuận của Giáo Hoàng, Rhodes còn sang Pháp để vận động vua và hoàng hậu đưa thêm người sang miền Viễn Đông, và chính ông cũng là người thành lập Hội Thừa sai Paris. Đây là “Hội” chứ không là một “Dòng tu”. Đó là một tổ chức truyền giáo của Giáo hội Công giáo, bao gồm cả linh mục và giáo dân, tức những người dấn thân cho công việc truyền giáo ở hải ngoại. Tên tiếng Pháp của “Hội Thừa sai” có nghĩa là “Hội những nhà truyền giáo ở nước ngoài”. 

Năm 1659, Hội Thừa sai Paris được đổi thành Bộ Truyền bá đức tin, yêu cầu tuân thủ ba nguyên tắc nền tảng trong sứ mạng truyền giáo. Đó là: thích ứng với phong tục tập quán địa phương, thành lập Giáo sĩ bản xứ, và thông tin liên lạc với Rome

Từ đây công cuộc truyền Giáo ở Đại Việt có thêm nhân lực và họ cũng để lại những dấu ấn trong việc hoàn thiện chữ quốc ngữ. 

Từ điển của Pigneaux de Béhaine 

Cuốn từ điển thứ hai bằng chữ quốc ngữ là cuốn Việt–La của Linh mục Pigneaux de Béhaine (lâu nay vẫn gọi là Cha Cả, hoặc gọi theo tên Việt là Bỉ Nhu Bá Đa Lộc hoặc Bách Đa Lộc). 

Sinh năm 1741 tại Origny en Thiérache, Aisne Pháp, Pigneaux de Béhaine đã hoàn tất việc học của mình ở Paris và sau đó theo vào chủng viện Hội Thừa sai Paris (Société des Missions Etrangères – Paris). Nhà truyền giáo trẻ tuổi này rời Lorient Pháp năm 1765 và đến Hà Tiên năm 1767, được bổ nhiệm vào chủng viện ở đây và trở thành cha cả năm 1769 (29).

Chúng ta nhớ rằng thời đó Hà Tiên là phần đất mà Mạc Cửu (30) dâng cho chúa Nguyễn để được chúa Nguyễn bảo trợ, nên cư dân ở đó chủ yếu là người Hoa và người Việt sinh sống làm ăn buôn bán. Và trước tình hình chúa Nguyễn cấm đạo ở Đàng Trong thì tại vùng đất này các linh mục vẫn được tự do đi lại để truyền giáo, hơn nữa ở đó cũng có rất nhiều giáo dân sinh sống. 

Tuy nhiên, cũng trong năm 1769, ông lại bị trục xuất khỏi Đàng Trong cùng với các nhà truyền giáo khác do các cuộc cấm đạo của chúa Nguyễn. Các ông tới Pondichéry (nằm ở vùng Đông Nam Ấn Độ trong vịnh Bengale, nơi đã có nhiều cơ sở thương mại và hành chính của Pháp từ năm 1673). Trong thời gian ở Pondichéry, ông tiếp tục trau dồi và trở nên thông thạo cả tiếng Hoa và tiếng Việt. Đến năm 1772, ông đã biên soạn xong một bộ từ điển Việt–Latin “Dictionarium Anamitico–Latinum” (31). Cuốn từ điển này được ông biên soạn dưới dạng văn bản viết tay. Cuốn từ điển Việt–Latin làm trong thời gian de Béhaine ở Pondichéry, nghĩa là chỉ năm năm sau khi Pigneaux de Béhaine tiếp xúc với Việt Nam. Như vậy, ông phải là người có một sức làm việc, một óc tổ chức và một khiếu về ngôn ngữ tầm cỡ. Hơn nữa ông lại được một nhóm các nhà truyền giáo người Việt, người Pháp hỗ trợ đắc lực. 

Cuốn sách được biên soạn trong tinh thần nào? Bài nhập đề cuốn từ điển không phải của tác giả, mới thêm vào sau này, có nói đến chủ ý của Pigneaux de Béhaine là: 

“Phải truyền đạo bằng cách tấn công vào cái tim và cái đầu của xã hội mà ta muốn xâm nhập. Muốn được như vậy phải gây ấn tượng với giới có học, trên mặt khoa học cũng như trên mặt văn hoá. Muốn kéo vào đạo Ki tô những nhà nho hay những quan chức có thế quyền trong xã hội Đàng Trong, thì phải nhử họ và chinh phục họ ở lĩnh vực mà họ giỏi. Tôn giáo phải được trình bày với họ trong một ngôn ngữ và phong cách toàn hảo. Cuốn sách được làm ra như là một công cụ cần thiết cho những nhà truyền giáo Âu châu, cho các thầy giảng giáo lý Việt Nam, và nhắm vào việc in ấn sách tôn giáo có chất lượng. Cuốn sách không phải là một thứ tiêu khiển trí thức mà là một công cụ truyền đạo trong giới Hán–Việt.”

Từ điển song ngữ Việt–La, khổ 25 x 35cm, dày 729 trang, nên khá nặng. Mỗi từ đơn hoặc kép tiếng Việt hay cụm từ tiếng Việt được ghi bằng chữ Nôm hay chữ Hán và chữ quốc ngữ và được giải thích bằng tiếng Latin. Cách sắp đặt theo thứ tự chữ Nôm trước, chữ quốc ngữ sau. Một điều khác đáng chú ý là Pigneaux không phân biệt chữ Nôm và chữ Hán. Phải đợi đến Từ điển của Huỳnh–Tịnh Paulus Của (1895) và kế đó của J. Bonet (1898–1900) mới phân biệt chữ Nôm và chữ Hán. Qua sự phân biệt này ta mới thấy có sự đối lập rõ ràng giữa tiếng Việt và tiếng Hán. Xin lưu ý rằng năm 1867, G. Aubaret trong phần Nhập đề cuốn Grammaire Annamite (Văn phạm tiếng Việt) (32) vẫn nhận định là “Tiếng bình dân nói trong vương quốc Annam là một phương ngữ của tiếng Trung Quốc”

Về nội dung, từ điển của de Béhaine có gần 6.000 mục từ. Nếu tính cả từ kép và cụm từ thì vốn từ của sách có thể đến hơn bốn vạn, so với từ điển của de Rhodes thì tăng khá rõ. 

Vì đây là một cuốn từ điển lấy ngôn ngữ miền Hà Tiên làm gốc, cho nên chủ yếu từ vựng là phương ngữ miền Nam. Ví dụ: 

  1. a) Có từ lầm mà không có nhầm; có lanh mà không có nhanh; có lời mà không có nhời; nhưng có lem cũng có nhem. Có nhơn mà không có nhân; có ơn mà không có ân; nhưng vừa có mần vừa có làm.
  2. b) Trên mặt ngữ âm thì từ điển của Pigneaux de Béhaine không còn thấy những nhóm phụ âm đầu mnhầm, mlầm. Nhóm bl như trong blái cũng không còn. Nhóm tl chỉ còn có một từ Vì thế chữ quốc ngữ trong sách của Pigneaux gần với chữ quốc ngữ hiện đại ta đang dùng hơn.
  3. c) Từ điển của de Béhaine là một nhân chứng quý giá của tiếng Việt thế kỷ 18, là một nguồn tư liệu quý về tiếng Đàng Trong. Nhất là từ điển cung cấp cho ta nhiều cứ liệu về chữ Nôm thế kỷ 18.

Đặc biệt, cuốn từ điển của Pigneaux de Béhaine là một mốc quan trọng trong việc hoàn thiện chữ quốc ngữ so với cuốn từ điển đầu tiên in năm 1651 của Alexandre de Rhodes.

Các vần ong, ông, ung được ghi như chữ quốc ngữ hiện nay.

Các phụ âm kép đã biến mất hoàn toàn và chỉ còn duy nhất một phụ âm kép tl tồn tại trong từ tla (tra).

Hệ thống các âm và cách ghi

Như bên trên đã nói, thời gian GHI ÂM tiếng Việt, tạo ra chữ quốc ngữ, đã kéo dài nhiều trăm năm. Cũng trong khoảng thời gian quá dài đó, bản thân tiếng Việt cũng thay đổi [chúng ta có thể nhận thấy sự thay đổi đó trong tiếng Việt chúng ta đang dùng] và điều đó cũng phản ánh trong các bộ chữ được ghi lại.

Căn cứ vào các cuốn từ điển, ta thấy cuối cùng thì các linh mục cũng dần dần phân biệt được đúng các phụ âm tiếng Việt như hiện nay chúng ta đang dùng, được ghi bằng các con chữ sau (theo thứ tự trong từ điển):

Bảng chữ cái trong Việt–Bồ–La có các chữ như sau:

A–Ă–Â B–BL ʗb C–CH D Đ E–Ê G–GH–GI H I (J)

K–KH L M–ML N–NG–NH–NGH O–Ô–Ơ PH Q R S

T–TH–TL V (U)–Ư X

Phần phụ âm ghi được hồi thế kỷ 17 như sau:

B–BL ʗb C–CH D Đ G–GH–GI H K–KH L M–ML

N–NG–NH–NGH PH Q R S T–TH–TL V X

Và sau quá trình biến đổi ngữ âm, chúng ta có bảng phụ âm tiếng Việt

hiện đại như sau:

B C–CH D Đ G–GH–GI H K–KH L M N–NG–NH–NGH PH Q R S T–TH–TR V X

Về việc ghi các phụ âm đó, vừa là một nguyên tắc (nói ra hoặc không nói ra) và cũng vừa là thói quen, các cha đều dựa theo cách ghi quen thuộc của ngôn ngữ Âu châu. Điều đó dễ hiểu: vì việc ghi là để phục vụ trước hết cho các nhà truyền giáo Âu châu. Tuy việc ghi tiếng Việt bằng bộ chữ quốc ngữ về sau cũng rất có ích lợi cho người Việt, nhưng đó chưa phải là mục đích đầu tiên. Chưa kể là với bất cứ cách ghi nào thì cũng là điều mới mẻ cho người Việt, cần phải học mới nắm được luật ghi và cách dùng. 

Thực ra, ngay từ đầu, trong Từ điển Việt–Bồ–La, các linh mục còn ghi một số phụ âm kép, có thể điểm sơ qua và ca ngợi tính chính xác của các Linh mục như sau: 

Tổ hợp bl, ml, tl 

Vì sao các phụ âm kép này có mặt trong Từ điển Việt–Bồ–La

Tiếng Việt thế kỷ 17 vẫn còn tồn tại ba tổ hợp âm đầu tl, bl và ml (đôi khi là mnh), đó là kết quả còn lại của tiếng Việt (khi vẫn còn nằm trong nhóm Việt– Mường) những thế kỷ trước đây như pl, bl, kl, phl, khl, ml (33) đến giữa thế kỷ 17, hai nhóm phl, khl chuyển thành s [ş], còn tổ hợp pl nhập vào bl, kl nhập vào tl, vì vậy đến thế kỷ 17 chỉ còn lại ba tổ hợp âm đầu tl, bl và ml (đôi khi là mnh). Ba tổ hợp này được A.de Rhodes ghi lại trong Từ điển Việt–Bồ–La năm 1651. Trong tiếng Việt hiện nay, các tổ hợp tl, bl, ml không còn tồn tại. Điều đó chứng tỏ tiếng Việt có sự đơn hoá triệt để dần trong hệ thống phụ âm đầu; hay nói cách khác sự rút gọn dần hệ thống phụ âm đầu tiếng Việt chi phối đến cơ cấu ngữ âm tiếng Việt. Một số tổ hợp âm đầu có từ thời tiền Việt – Mường và một số tổ hợp âm đầu khác là kết quả rút gọn những từ ngữ âm song tiết trước đây và đến những thế kỷ sau này nó đã chuyển dần thành những âm đầu đơn. Chẳng hạn: từ nửa sau thế kỷ 17 đến nay các âm tl, bl và ml có những sự biến đổi rõ rệt; tl, bl > tr [ƫ] ml > nh [ɲ] và l [l]. Đây là con đường biến đổi cơ bản của ba tổ hợp âm đầu: 

Ví dụ: tlâu → trâu; tlời → trời, giời; blời → trời; mlời → lời.

Đến nửa sau thế kỷ 17, tl chuyển thành tr; đây là hướng biến đổi cơ bản của tl nói chung, ngoài ra tl còn một số biến đổi nhỏ khác phụ thuộc vào các thổ ngữ và phương ngữ; ở phương ngữ Bắc Bộ tlbl hợp nhất biến đổi thành tr hoặc gi ví dụ con tlai biến thành trai hoặc giai tùy vào cách phát âm của từng vùng và từng miền. Đến thế kỷ 18, trong Từ điển Việt–La của Pigneaux de Béhaine (1772) tl chỉ còn xuất hiện một lần là tla (tra)

Các nguyên âm tiếng Việt 

Cũng giống như với các phụ âm, các nguyên âm đã được các linh mục dần dần ghi lại đầy đủ như chúng ta đang biết hôm nay và ghi bằng các chữ cái: 

a – e – ê – i – o – ô – ơ – u – ư 

Song, nhìn vào cách ghi phần vần trong Từ điển Việt–Bồ–La, thì có thể thấy phần vần là phần khó phiên âm nhất. Các ông giải thích: 

“Từ những nguyên âm đã nói kết hợp được các nhị trùng âm ai, ao, ei, eo và i đứng trước mọi nguyên âm khác, nhưng lại đứng sau phụ âm g ví dụ gia, gie… phát âm theo thói quen, và oi, ei, aŏ, oŭ, ơi, ui, ưi, những thứ này thói quen sẽ dạy bảo” (34).

Điều đáng quan tâm nhất là cách phiên âm các vần: ong, ông, ung các ông đã dùng ký hiệu aŏ và oŭ là những âm mũi tròn môi của tiếng Bồ Đào Nha. Thế nhưng nếu chúng ta phát âm các vần ong, ông, ung trong tiếng Việt thì chúng ta sẽ thấy đó không phải là những vần tròn môi mà thực tế là các vần khép (môi khép lại khi phát âm). Vậy các giáo sĩ đã ghi sai? 

Trong một khảo sát điền dã mới đây, mùa hè năm 2015, tại tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đề nghị người dân phát âm các vần này và thấy người dân phát âm ong, ông, ung thành các âm mũi nửa khép (35). Vậy đây rõ ràng là một minh chứng tiêu biểu cho nguyên tắc phiên âm của các giáo sĩ: nghe thế nào ghi thế ấy

Bên cạnh đó, còn có cách ghi các phụ âm c, g, ng trước e, ê, i mà do các linh mục chịu ảnh hưởng của chính tả các ngôn ngữ châu Âu, nên ngày nay chúng ta thừa hưởng (và cũng hơi gây khó khăn cho người học): ke, kê, ki, ghe, ghê, ghi, nghe, nghê, nghi. 

Đồng thời, ở giai đoạn các giáo sĩ ghi âm tiếng Việt, do sự tôn trọng khắt khe cách phát âm của người Việt, các cha cũng ghi lại (khiến bây giờ thành một thứ luật bắt buộc đối với người học), đó là phân biệt cách ghi bằng chữ d, chữ gi, chữ r, (mà xu thế nói năng ngày càng đơn giản đi thành âm [z], đó là (một số ví dụ): 

ra (đi ra đi vô), rổ rá, (phá bom mìn), ra rả (kêu)… 

da (thịt da, da dẻ, nổi da gà, chén da lươn, nhớ da diết…), dạ (lòng dạ, mũ dạ, vâng dạ), (dã chiến, công dã tràng…)

gia (gia đình, gia tộc, gia chủ…), già (cụ già, tuổi già, già đòn non nhẽ), giá (giá đỡ, giá cả, giá trị…), giã (giã gạo, giã biệt, giã đám),…

rong (rong rêu, rong ruổi, rong chơi, bán hàng rong), dong (thong dong, cao dong dỏng, dong buồm ra khơi), giong (trống giong)

rung (rung rinh, rung cây dọa khỉ), dung (ung dung, khoan dung)

rông (thả rông, chạy rông), (nhà rông), dông (dông dài, dông bão),

giông (giông giống)

Linh mục Alexandre De Rhodes

6. Con đường áp dụng chữ quốc ngữ vào nền giáo dục toàn dân 

Phần này tổng hợp ý kiến của các chuyên gia về ngôn ngữ cũng như quan điểm của những người Pháp, các nhà trí thức Việt Nam thời đó, để xem việc áp đặt chữ quốc ngữ vào nền giáo dục toàn dân và phổ biến chữ quốc ngữ có hợp với tiếng nói của người Việt hay không? Và liệu đó có phải là một giải pháp cho việc nâng cao dân trí? 

Quay lại mục đích tạo ra chữ quốc ngữ của các cha Dòng Tên. Gaspar de Amaral muốn tạo ra một dạng chữ viết để các linh mục có thể liên lạc dễ dàng với nhau và họ sẽ được học thứ chữ này trước khi lên đường đi truyền giáo. (36)

6.1. Vì sao chữ quốc ngữ được áp dụng? 

Như đã trình bày ở phần trên, kể từ khi ra đời, chữ quốc ngữ chỉ được sử dụng trong cộng đồng Công giáo chứ nó chưa được phổ biến ra bên ngoài. 

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ năm 1858 sau khi người Pháp đổ bộ vào Cửa Hàn rồi đến khi họ đổ bộ vào Sài Gòn ngày 17 tháng 02 năm 1859. 

Tới năm 1861, trường Adran Sài Gòn được thành lập. Và ở thời kỳ đầu này, quân viễn chinh Pháp phải nhờ đến Hội Thừa sai để được cung cấp những người thông ngôn đầu tiên. 

Ở thời kỳ này, chữ quốc ngữ cũng đã bắt đầu được dạy trong nhà trường tuy thời lượng còn ít. Bắt đầu năm 1866, việc dạy tiếng Pháp cho người Việt Nam được khởi sự nhưng vẫn còn nằm trong tay các giáo sĩ; Giáo hội lần hồi mở trường ở Mỹ Tho, Vĩnh Long và Chợ Lớn. Các trường học nhà dòng được chính quyền thuộc địa trợ cấp. 

Ngày 17/11/1874, đô đốc Dupré ra quyết định tổ chức lại hoàn toàn nền giáo dục quốc dân (37). Nền giáo dục này được tuyên bố là miễn phí và tự do, tuân theo quy định chung của giáo dục quốc dân ở Pháp. Việc giáo dục (ở Nam Kỳ lúc đó) chịu mệnh lệnh trực tiếp của giám đốc nội vụ và đặt dưới sự giám sát của các trường quận mà trách nhiệm thuộc về các viên chức hành chánh. 

Các trường làng dạy chữ Hán bị bãi bỏ hoặc sáp nhập vào trường ở quận lỵ, biến thành một trường duy nhất dạy chữ quốc ngữ. Có sáu trung tâm thanh tra: Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, mỗi nơi đều có một trường Pháp. 

Có thể nói rằng buổi đầu thời Nam Kỳ thuộc địa Pháp, tổ chức giáo dục ở đây còn đang trong thời kỳ mò mẫm, việc đem chữ quốc ngữ thay thế hẳn chữ Nôm và chữ Hán có khi phải khựng lại, bằng chứng là việc tái lập các chức đốc học, giáo thọ, huấn đạo, và tổ chức lại các cuộc thi hương (38)

Có thể nói việc áp dụng chữ quốc ngữ vào nền giáo dục không hề đơn giản và vấp phải rất nhiều khó khăn. Vì dẫu sao người Pháp khởi xướng cũng là người đi chinh phục và không dễ thuyết phục người dân nước sở tại chấp nhận một lối viết khác thay thế một thứ chữ viết đã gắn với họ cả tận 19 thế kỷ. Hơn nữa, việc áp dụng chữ quốc ngữ sẽ có lợi cho người Pháp học tiếng Việt, vì chúng ta hiểu rằng khi người Việt nói tiếng Việt thì chỉ cần học cách viết nhưng đối với người nước ngoài học tiếng Việt, họ sẽ phải học tiếng Việt thông qua con chữ – hiển nhiên chữ quốc ngữ dễ học hơn với người Pháp vì cùng nằm trong lối viết theo ngữ hệ Latin. 

Trước làn sóng mới này, xuất hiện hai bên ý kiến ủng hộ và phản đối dùng chữ quốc ngữ: bên ủng hộ mà đại diện là Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, họ phải đương đầu với một hàng ngũ còn hùng mạnh thuộc trường học Hán–Nôm truyền thống mà đại diện là các nhà nho yêu nước như Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, v.v… Cuộc đối địch không thuần xảy ra giữa hai hệ chữ viết của một ngôn ngữ mà còn giữa hai thái độ chính trị, những niềm tin tôn giáo khác nhau: Thiên chúa giáo với ba tôn giáo khác đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân: Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo. 

Chúng ta hãy cùng xem quan điểm ý kiến của họ.

a) Bên ủng hộ 

Tờ Courrier de Saigon số 7 ngày 5–4–1865, đăng lời rao về Gia Định báo số đầu tiên như sau: 

“Trong tháng này sẽ ra số thứ nhất một tờ báo in bằng tiếng An Nam thông thường”.

và mục đích của Gia Định báo là: 

“Tờ báo này nhằm phổ biến trong giới dân bản xứ tất cả những tin tức đáng cho họ lưu ý và cho họ có một kiến thức về những vấn đề mới có liên quan đến văn hoá và những tiến bộ về ngành canh nông…” (39). Tờ báo này do “Pétrus Trương Vĩnh Ký, người với tư cách là chánh tổng tài của tờ này” (40)

Sau này, lợi ích và vai trò của nó còn được Trương Vĩnh Ký nhấn mạnh trong cuốn Manuel des écoles primaires (Giáo trình cho các trường tiểu học, 1876) như sau:

“Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này”.

Ông cho rằng loại chữ viết đơn giản, dễ học này sẽ là phương tiện hiệu quả để tiếp thu những kiến thức mới vì ba lý do: 

“Thứ nhất, do nạn mù chữ đại trà trong dân, tiếp theo là chữ Hán sẽ không còn có ích một khi người Pháp cai trị Nam Kỳ, và cuối cùng, chỉ cần ba tháng là có thể biết đọc và viết chữ quốc ngữ.” 

b) Bên chống đối 

Đại diện cho bên phản đối áp dụng chữ quốc ngữ là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, theo cụ đó là thứ chữ của kẻ xâm lược: xâm lược tôn giáo và xâm lược lãnh thổ. Chữ quốc ngữ còn có khi được cho là “Tây quốc ngữ tức là tiếng nói được viết ra bằng các con chữ Âu châu” (41)

Sau này Phạm Quỳnh có tổng hợp lại ý kiến của bên phản đối chữ quốc ngữ. Theo quan điểm của các nhà thủ cựu: 

[Họ cho rằng] “Phàm văn tự, có khó khăn mới thâm thuý. Nay chữ quốc ngữ dễ quá, đứa bé lên năm, học trò sơ học mở quyển sách ra cũng đọc lau láu được ngay, thì cái văn chương sản xuất bằng thứ chữ ấy tất là thô thiển bỉ tiện, không xứng đáng là văn chương được” (42) mà họ không biết rằng “chính chữ quốc ngữ là cái bè để cứu vớt bọn ta trong bể trầm luân vậy”

Mặc dù vậy chữ quốc ngữ cũng đã có những thắng lợi bước đầu, sau sự ra đời của Gia Định báo, tiếp đến một số tờ báo chữ quốc ngữ khác cũng được ra đời như Phan Yên báo (1868), Nhật trình Nam Kỳ (1883), Nam Kỳ địa phận (1883).

 Ngoài việc soạn giáo trình dạy chữ quốc ngữ, viết văn xuôi, Trương Vĩnh Ký chuyển ngữ ngay nền văn chương truyền khẩu bình dân, gồm những áng văn vần và chuyện dân gian rất được ưa chuộng, như Phép lịch sự Annam (1881), Thơ dạy làm dâu (1882), Thơ mẹ dạy con (1882),… “Hồi đó, ông (Trương Vĩnh Ký) cần phải xuất bản như thế, cốt dùng những chuyện phổ thông làm cái lợi khí cho chữ quốc ngữ được lan rộng trong nhân gian…” (43). Phải nhấn mạnh rằng một phần ba trong tổng số 118 tác phẩm của ông là các công trình dịch thuật. 

c) Quan điểm của người Pháp (44)

Eliacin Luro là thanh tra bản xứ vụ (inspecteur des affaires indigènes) trong chính quyền Pháp mới đặt ở Nam Kỳ: 

“Tôi không muốn sự dùng chữ tượng hình tiếp tục mãi. Nhưng tôi cho rằng muốn phá bỏ chúng… thì phải hiểu biết chúng để vận động một cách cẩn thận. Tôi nhìn nhận rằng chúng không thể được thay thế hoàn toàn trước khi một ngôn ngữ bình dân hoàn hảo hơn được tạo ra, tôi biết rằng phương tiện duy nhất để chuyển từ tiếng Việt qua tiếng Pháp là việc sử dụng các con chữ Latin […] Sau cùng tôi cho rằng sự thay thế một hệ chữ viết này bằng một hệ khác là không tùy thuộc vào một nghị định của chính phủ mà ý chí sẽ bị tan vỡ trước sức ỳ của dân chúng và trước sức mạnh của sự sử dụng trong thương mãi…

Thưa các ngài, nguồn gốc của những sai lầm đó là người ta cứ tưởng là người ta có thể dạy trong vài năm cho một dân tộc quên đi được ngôn ngữ và phong tục của mình… ” (45)

Tuy nhiên theo Etienne Aymonier (46): 

“Các nhà truyền giáo, những kẻ phát minh ra chữ quốc ngữ, đã sử dụng thứ chữ viết này để truyền đạo của mình. Chuyện này rất đúng nhưng phải nói thêm rằng công cụ này rất đơn giản, thật tiện lợi cho những ai chỉ nhắm vào một sự dạy dỗ có giới hạn những tư tưởng bình dân, luân lý, hay đạo giáo. Công cụ này không cho tiếp cận những chủ đề cao xa, văn chương hay khoa học”

và ông kiến nghị dạy tiếng Pháp: 

“Chớ nên dạy tiếng Pháp cho hàng thân hào, cho giới lãnh đạo, mà phải nhắm vào những đứa trẻ của dân thường, con gái lẫn con trai. Tốt hơn là nhắm vào từng nhóm làng xã, chỗ này chỗ kia, trước tiên là ở những vùng phụ cận những trung tâm, hay trong những làng Thiên chúa giáo, ở tất cả những nơi mà người dân có thiện chí. Đó là cách mà tôi gọi là cắm ngôn ngữ vào cội nguồn cho nó bắt rễ” (47)

Theo E. Roucoules (48):

“Chữ viết này (tức chữ quốc ngữ) trên mọi mặt là tối ưu, và chúng ta sẽ sai lầm nếu không dùng đến nó. Phải chăng là đã đạt đến một điểm lớn nếu có thể cho cả một dân tộc có khả năng trong vòng vài tuần lễ học viết được một ngôn ngữ nói thật thông thường… cũng như một ngôn ngữ hằng ngày, […]. Người An Nam viết và viết rất nhiều. Số lượng thư từ mà họ gởi cho nhau nhiều vô số và số tiền bưu điện thu vào gia tăng rất đều là một chứng cớ về cái nhu cầu trao đổi giữa họ với nhau. 

[…] Ta không thể cho rằng tiếng An Nam thông tục có khả năng dùng vào các lập luận trừu tượng hay khoa học. Nhưng việc dạy ở cấp cao đó chỉ có thể dành cho những phần tử tinh hoa trong dân chúng, và thực hiện bằng tiếng Pháp, bằng tiếng Pháp đúng đắn và chân chính […]. 

Sự dùng chữ quốc ngữ như chúng tôi đề ra đem đến một cái lợi tức khắc là không làm gián đoạn với quá khứ và những thói quen” (49)

6.2. Chữ quốc ngữ lan rộng ra Bắc Kỳ 

Sau khi được sử dụng làm chữ viết “chính thức” của tiếng Việt ở Nam Kỳ thuộc Pháp, chữ quốc ngữ bành trướng ra phía Bắc. Những biến cố lịch sử có tác động vào, hoặc đánh dấu lên sự bành trướng này là việc Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai. Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết (50). Sau đó ngày 6–6–1884, triều đình Huế và Pháp ký hiệp ước Patenôtre, theo đó nước Pháp sẽ thay mặt nước An Nam trong mọi quan hệ đối ngoại. Như vậy từ đây chữ/tiếng Hán nhường bước cho chữ/tiếng Pháp trên mặt ngoại giao. Một cách lặng lẽ trong các cuộc giao thiệp quốc tế, tiếng Việt/chữ quốc ngữ hoàn toàn vắng bóng, chịu sự “bảo hộ” của tiếng Pháp. 

Sau khi Paul Doumer sang làm Toàn quyền Đông Dương năm 1886, ông tiến hành một loạt cải tổ trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể trong năm này ông cho thiết lập Bắc Kỳ Hàn lâm viện (Académie Tonkinoise), rồi tới năm 1896, Toàn quyền Ðông Dương ra nghị định cho thành lập một trường Pháp–Việt ở Huế, gọi là Trường Quốc học Huế

Ngày 6/6/1898, Toàn quyền Ðông Dương đặt thêm một kỳ thi phụ cho khoa thi hương trường thi Nam Ðịnh. Môn thi gồm năm bài tiếng Pháp và có phần dịch sang tiếng Việt (bằng chữ quốc ngữ). 

Ngày 15/12/1898, Toàn quyền Ðông Dương Paul Doumer ra nghị định thành lập Phái đoàn Khảo cổ học Thường trực tại Ðông Dương (Mission Archéologique Permanente en Indochine), đến 20/10/1900 đổi thành Trường Viễn Ðông bác cổ (Ecole Française d’Extrême–Orient) đặt tại Sài Gòn rồi tới 1902 chuyển ra Hà Nội. 

Cùng với một loạt các cải tổ và đàn áp, nước Việt Nam dưới mắt người Pháp xem như đã được bình định, nhà cầm quyền Pháp bắt đầu đặt những cơ chế về hành chính, giáo dục để cai trị và bảo hộ các xứ thuộc địa. Các cơ chế chính quyền của triều đình nhà Nguyễn dần dần hoặc bị thay thế hoặc bị làm suy yếu đi không còn thực quyền. Hán học, nền tảng của công cuộc đào tạo sĩ phu, quan chức nhà Nguyễn, theo đó cũng tàn tạ nhường chỗ cho lớp quan chức mới xuất thân từ các trường Pháp–Việt. Chữ quốc ngữ từ trong Nam lan ra đất Bắc, xen vào các kỳ thi; biết Quốc ngữ trở thành một yêu cầu để bước vào quan trường. Tuy vậy, vào cuối thế kỷ 19, những bước đi đầu tiên của chữ quốc ngữ ở miền Bắc còn rất e dè, như lời tự thuật của nhà nho Nguyễn Bá Học: 

“Tôi lúc mới học Quốc–ngữ thường không dám học to tiếng, chợt có khách đến phải giấu ngay sách vào trong túi áo, hình như có hai mươi bốn mẫu– tự quốc ngữ, là một cái sách bí–mật cấm thư” (51).

6.3. Bước ngoặt cho thành công của chữ quốc ngữ 

Nhưng bước ngoặt quyết định dẫn đến sự thành công của chữ quốc ngữ là do chính các nhà nho trong hàng ngũ phong trào Duy pân và Ðông Kinh nghĩa thục. 

Phong trào Duy tân phát động từ năm 1905 ở Quảng Nam với ba lãnh tụ: Trần Quý Cáp (52), Phan Châu Trinh (53) và Huỳnh Thúc Kháng (54). Bộ ba này năm 1905 nhân chuyến vào Nam, đến Bình Ðịnh, mượn tên ứng thí trong một kỳ thi đã làm hai bài thơ Chí thành thông thánhDanh sơn lương ngọc đả kích những người còn bát cổ văn chương thụy mộng trung (ngủ mê trong giấc mộng văn chương bát cổ). Hai bài thơ này rõ ràng tấn công vào nền cựu học, bài xích cái học cử nghiệp, mở đầu cho chủ trương tân học sau này của phong trào. 

Ðông Kinh nghĩa thục khai giảng tháng 3 năm 1907 tại phố Hàng Ðào, Hà Nội, chương trình noi theo đường lối tân học của Trung Quốc và Nhật Bản. Trong các sĩ phu sáng lập có cụ cử Lương Văn Can, thục trưởng của trường; cụ huấn Nguyễn Quyền, giám học; cụ án Nghiêm Xuân Quảng,… và một số nhà tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, v.v… Mục đích của phong trào là: khai trí, mở những lớp dạy học không lấy tiền (để đúng với cái tên là nghĩa thục). Dùng chữ quốc ngữ để dạy là lợi khí để khai dân trí, nhưng hợp với chiêu bài “khai hoá” mà người Pháp không có lý do gì cấm. 

Từ buổi đầu cuộc chiếm đóng Nam Kỳ của Pháp đến khi phong trào Duy tân và Ðông Kinh nghĩa thục ra đời, nửa thế kỷ trôi qua, chữ quốc ngữ đã lột xác dưới mắt các sĩ phu Việt Nam. Chữ quốc ngữ trước kia bị xem như một toan tính của chính quyền thuộc địa hòng Âu hóa nền quốc học Việt Nam, và được xem như một thứ chữ rẻ tiền dưới con mắt của các sĩ phu thì bây giờ chữ quốc ngữ được đón tiếp như một công cụ chuyển tải hữu hiệu những tư tưởng yêu nước, những tri thức mới. 

Chữ quốc ngữ đã dần thay thế chữ Hán và nền giáo dục mới cũng dần thay thế nền giáo dục khoa cử đã tồn tại cả ngàn năm. Thắng lợi này được thể hiện rõ nét trong bài diễn văn của đại úy Jules Roux đọc ở Toà Ðốc lý quận 6 Paris, ngày 6–7–1912 nhan đề là: Cuộc thắng lợi vĩnh viễn của phương thức ghi tiếng Annam bằng con chữ latin hay “Quốc ngữ” (55): 

“Phần tôi, tôi không thù ghét gì chữ Hán nhưng thứ chữ này đối với Quốc ngữ trong 30, 40 năm tới đây sẽ giống như tiếng Latin đã trở thành đối với tiếng Pháp như ngày nay… […] “Việc giảng dạy Quốc ngữ đã toả lan với một tốc độ chóng mặt…” […] “Chính là thông qua Quốc ngữ mà dân An Nam gắn bó với nền văn minh Pháp và chính cũng qua Quốc ngữ mà chúng ta xáp lại gần với dân tộc này…” 

6.4. Sự bùng nổ của báo chí Bắc Kỳ 

Năm 1907, các nhà Duy tân trong Đông Kinh nghĩa thục sử dụng tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, sau này đổi thành Đăng cổ tùng báo in bằng hai thứ chữ: chữ Hán do Đào Nguyên Phổ phụ trách và chữ quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách. Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh điều hành ra số đầu tiên ngày 15 tháng 5 năm 1913, với phương châm “phổ biến văn hoá Tây phương, cổ động học chữ quốc ngữ, giới thiệu kiến thức thực nghiệm như canh nông, công nghệ…” (56)

Có thể nói Nguyễn Văn Vĩnh là người có công rất lớn trong việc truyền bá, cổ vũ cho chữ quốc ngữ. Ông và những cộng sự trong Đông Dương tạp chí nhận thấy chữ quốc ngữ là một lợi khí, một phương tiện để mở mang, nâng cao dân khí và chấn hưng nền văn hoá dân tộc nên đã tích cực viết nhiều về vấn đề này, tiêu biểu như: Chữ quốc ngữ, Cách viết chữ quốc ngữ, Chữ nho nên để hay nên bỏ, Tiếng Annam,… Qua đó, Nguyễn Văn Vĩnh phân tích, lý giải để khẳng định, đối với nhân dân Việt Nam, cần thiết phải sử dụng chữ quốc ngữ thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm. 

Sự nghiệp báo chí vẻ vang của Nguyễn Văn Vĩnh thể hiện qua hàng trăm bài viết của ông bằng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, ngoài ra ông còn dịch văn chương Pháp ra chữ quốc ngữ và chuyển thể những tác phẩm văn chương đặc sắc của Việt Nam qua tiếng Pháp. 

Tiếp theo thành công của Đông Dương tạp chí, năm 1917 Nam Phong tạp chí cũng ấn hành số đầu tiên do Louis Marty, thanh tra mật thám Đông Dương sáng lập. Trong đó, Phạm Quỳnh phụ trách về phần chữ quốc ngữ, Nguyễn Bá Trạc chịu trách nhiệm về phần chữ Hán. 

Phạm Quỳnh không khoan nhượng trước một bộ phận người Việt Nam có tư tưởng xem thường chữ quốc ngữ, coi chữ quốc ngữ là thứ chữ không đáng học, không thể bằng chữ Pháp: 

“Chữ quốc ngữ được thí nghiệm trong ba trăm năm được tiện lợi như thế, vậy mà còn có người bài bác, bao phen vận động muốn sửa đổi lại. Những nhà muốn cải cách ấy chỉ có câu nệ rằng trong chữ quốc ngữ có nhiều vần không hợp với tiếng Pháp: nhưng tiếng Pháp là tiếng Pháp, Quốc ngữ là Quốc ngữ” (57)

Ông nhấn mạnh: 

“Ngày nay chữ quốc ngữ đã nghiễm nhiên thành thứ chữ viết, cái văn tự chung của dân tộc Việt Nam vậy. Học vừa dễ vừa mau, dùng vừa hay vừa tiện, thật là một cái lợi khí để truyền bá sự học trong quốc dân. Nay chúng ta được dùng cái chữ thần diệu đó” (58).

Chúng ta còn chứng kiến sự bùng nổ của chữ quốc ngữ trong việc sáng tác tiểu thuyết, văn xuôi, thơ ca với sự ra đời của nhóm Tự lực Văn đoàn năm 1933, phong trào Thơ Mới những năm 1930… 

Như vậy từ một lối viết do các linh mục khởi xướng, chữ quốc ngữ đã trở thành chữ viết chính thức của người Việt. 

Một lớp học tại Đông Kinh nghĩa thục.

7. Liệu chữ quốc ngữ đã là lối viết tối ưu cho tiếng Việt? 

Việt Nam không phải là nước duy nhất phải đi vay mượn chữ viết. Chúng ta biết rằng chữ viết của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng của chữ Hán. Còn khi chúng ta nói đến ngữ hệ Latin, tức là chúng ta nói đến nhóm các ngôn ngữ sử dụng ký tự Latin để tạo nên chữ viết của họ. Lẽ dĩ nhiên trong quá trình vay mượn chữ viết này, con chữ Latin cũng bị thay đổi cho phù hợp với ngôn ngữ của từng nước như chữ Pháp, chữ Anh, chữ Ý, chữ Bồ Đào Nha. Và ngay cả lối viết của các dân tộc này cũng có những bất cập nhất định, ví dụ trong tiếng Pháp âm [ɛ] được thấy trong nhiều cách ghi: mère (mẹ), maire (lý trưởng, đốc lý), mer (biển), mais (nhưng mà). 

Chữ viết khác với lời nói, mặc dù cả hai đều được dùng để chuyển tải thông tin, lời nói chuyển tải thông tin bằng âm thanh, chữ viết chuyển tải bằng ký hiệu và được nhận dạng bằng mắt. Khi chúng ta luyện cho trẻ em cách đọc, cách viết một loại chữ viết, và dạy cho chúng quy tắc xếp vần thì hiển nhiên chúng ta có thể nhận biết được chữ viết đó sau vài tháng. Còn vấn đề đồng âm thì không thể tránh khỏi, ngay cả với các chữ viết thuộc ngữ hệ Latin như Anh, Pháp. 

Bù lại, chữ quốc ngữ đưa Việt Nam vào cộng đồng ngữ hệ Latin, giúp chúng ta dễ tiếp cận hơn với các loại chữ viết khác trong cùng ngữ hệ. Hơn nữa hệ thống âm đầu và vần phong phú của tiếng Việt giúp chúng ta học ngoại ngữ dễ dàng hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Cũng như vậy với nền giáo dục của Pháp, họ cũng đang có dự án xóa bỏ việc dạy tiếng Latin trong trường học. Và các chuyên gia giáo dục cảnh báo rằng sau này học trò Pháp chỉ hiểu vỏ nghĩa của từ mà không hiểu nguồn gốc của từ đó. Lịch sử vẫn luôn lặp lại những sai lầm đáng tiếc như vậy vì luôn có những người “quá nhiệt tình với cải cách” giữ trọng trách trong bộ máy giáo dục.

Chỉ có một điều cần suy nghĩ, ấy là chúng ta xóa bỏ việc dạy chữ Hán trong nhà trường. Trong khi lượng từ Hán–Việt chiếm đến 70% từ vựng của chúng ta sau 1000 năm Bắc thuộc, ấy thế mà chúng ta lại hoàn toàn thiếu hiểu biết trước lớp nghĩa Hán–Việt, đó chẳng là điều đáng tiếc lắm sao? Người Việt không thể giỏi tiếng Việt nếu không được trang bị những hiểu biết để hiểu được nghĩa Hán–Việt. 

Công việc của các nhà giáo dục là tìm ra cách học tối ưu cho con em của cả dân tộc. Chữ quốc ngữ sẽ là công cụ không thể thiếu trong nền giáo dục quốc dân ở giai đoạn Phổ thông cơ sở – bậc học chín năm trang bị những điều không thể thiếu, những điều không thể không có, hành trang bắt buộc cho mỗi thanh thiếu niên vào đời. Ở giai đoạn này, chính các nhà sư phạm sẽ phải tìm cách tổ chức việc học từ ngữ Hán Việt hoàn toàn dưới dạng chữ quốc ngữ

Đó là điều còn bỏ ngỏ cho cả những nhà sư phạm cũng như của những học trò của họ.

Phạm Thị Kiều Ly
Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)

Chú thích:

(27) Rhodes, sđd, tr.269.

(28) Rhodes, sđd.

(29) Tiểu sử của Pigneaux de Béhaine được M.E.P (Hội Thừa sai Paris) ghi lại.

(30) Hậu duệ của nhà Minh, sau khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh, rất nhiều con cháu nhà Minh không thuần phục nhà Thanh bèn chạy xuống phương Nam. 

(31) Theo sử liệu của Hội Thừa sai Paris – Phần cuộc đời của Pigneaux de Béhaine.

(32) Trang 1, nguyên văn tiếng Pháp như sau: La langue vulgaire parlée dans le royaume d’Annam est un dialecte chinois.

(33) Trần Trí Dõi, Giáo trình lịch sử tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005. 

(34) Từ điển Việt–Bồ–La, phần ngữ pháp, tr.10.

(35) Chúng ta nhớ rằng các giáo sĩ đến Quảng Nam trước tiên, và người thầy đầu tiên của các giáo sĩ là Francisco de Pina đã dựa vào tiếng Quảng Nam để thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt.

(36) Isabel Tavares Mourão, “Gaspar do Amaral au Tun Kim”, Pédagogies missionnaires, traduire, transmettre, transculturer, 2007. (Công cuộc dạy dỗ của các nhà truyền giáo, dịch thuật, truyền đạt, chuyển giao văn hóa).

(37) Theo Nguyễn Phú Phong, Việt Nam, chữ viết, ngôn ngữ và xã hội. 

(38) Ngày 31/3/1863, đô đốc Bonard ra quyết định tái lập hình thức giáo dục cũ như thời nhà Nguyễn.

(39) Huỳnh Ái Tông, Báo chí và nhà văn quốc ngữ thời sơ khởi, tr.13.

(40) Quyết định số 189 ngày 16–5–1869, do Thống đốc Nam Kỳ Ohier ký, theo Huỳnh Ái Tông, Báo chí và nhà văn quốc ngữ thời sơ khởi, tr.12.

(41) Nguyễn Phú Phong, 2005, Việt Nam, chữ viết, ngôn ngữ và xã hội, tr.64.

(42) Phạm Quỳnh (1927), “Khảo về chữ quốc ngữ”, Nam Phong tạp chí. 

(43) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại. 

(44) Phần này tôi lược lại các ý kiến đã được in trong cuốn: Việt Nam, chữ viết, ngôn ngữ và xã hội của Nguyễn Phú Phong.

(45) Luro, Cours d’administrationannamite, Saigon, 1905, cours No 38 viết cuối năm 1873 (Giáo trình hành chính áp dụng ở xứ An–nam).

(46) Công sứ Pháp tại Bình Thuận, giám đốc trường thuộc địa, thành viên của Hội đồng Quản trị Hội Pháp văn Liên hiệp (Alliance Francaise).

(47) Bài phát biểu năm 1886 và 1890.

(48) Hiệu trưởng Trung học Chasseloup–Laubat ở Sài Gòn, phó chủ tịch của Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Etudes Indochinoises).

(49) Bài viết năm1890, tựa là Le Francais, le quốc–ngữ et l’enseignement public en Indochine. Réponse à M. Aymonier (Tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và giáo dục quần chúng ở Đông Dương. Trả lời ông Aymonier). 

(50) Ngày 25/4/1882.

(51) Nam Phong,số 50, 1921, tr.167.

(52) Trần Quý Cáp (1871–1908) quê huyện Ðiện Bàn, Quảng Nam, đậu tiến sĩ năm 1904. 

(53) Phan Châu Trinh (1872–1926) quê huyện Tiên Phước, Quảng Nam, đậu phó bảng năm 1901.

(54) Huỳnh Thúc Kháng (1876–1947), quê huyện Tiên Phước, Quảng Nam, đậu tiến sĩ năm 1904. 

(55) Le triomphe défi nitif en Indochine du mode de transcription de la langue annamite à l’aide des caractères romains ou ”Quốc ngữ” (Chiến thắng hoàn toàn của cách ghi âm tiếng An–nam bằng những con chữ Latin, còn gọi là “Quốc ngữ”).

(56) Nguyễn Văn Vĩnh (1913), Đông Dương tạp chí.

Share This Post!