Đến thế kỷ 17, tiếng Việt bắt đầu được các nhà truyền giáo phương Tây tìm cách ghi lại bằng bộ chữ cái Latin mà về sau quen gọi bằng chữ quốc ngữ. Hiểu theo nghĩa Hán Việt, đó là bộ CHỮ ghi lại tiếng nói chính thức (QUỐC NGỮ) của người Việt. Tuy được quy định là bộ chữ chính thức ghi tiếng Việt, nhưng trong thời gian dài chữ quốc ngữ vẫn phải tồn tại song song với chữ Hán và chữ Nôm, vẫn bị các nhà nho bảo thủ coi thường vì “không phải là chữ thánh hiền”.

Sang thế kỷ 20, chữ quốc ngữ ở Việt Nam mới dần dần được phổ cập. Càng ngày người Việt Nam càng nhận rõ ích lợi của chữ quốc ngữ. Trong thời kỳ thuộc Pháp, nhiều người vẫn còn nghĩ rằng chữ quốc ngữ tuy có ghi được mọi lời nói ra, nhưng vẫn cần có tiếng Pháp để đủ sức diễn đạt mọi điều cần cho cuộc sống, nhất là những điều cao siêu trong khoa học và triết học. Cuộc sống thực đã đính chính điều hiểu lầm đó: bây giờ thì ai ai cũng thấy là có thể dùng tiếng Việt ghi bằng chữ quốc ngữ vào toàn bộ các hoạt động dù là khó khăn nhất.

Những dòng chữ quốc ngữ đầu tiên được in bên trong cuốn sách “Phép giảng 8 ngày”. Ảnh: Dân Trí.

1. Hoàn cảnh ra đời của chữ quốc ngữ

1.1. Xã hội Việt Nam

Vào thế kỷ 17 các nhà truyền giáo Dòng Tên tới nước ta (khi đó tên là nước Đại Việt). Vào lúc ấy, đất nước còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền với sông Gianh (ở tỉnh Quảng Bình) làm ranh giới. Về mặt chính trị, vua Lê vẫn là vua toàn cõi, nhưng chỉ có quyền ở phía Bắc (còn gọi là Đàng Ngoài) và do các chúa Trịnh nắm thực quyền, còn ở phía Nam (còn gọi là Đàng Trong) thực quyền nằm trong tay chúa Nguyễn đang mở mang bờ cõi rộng dần về phía Nam. Chính vì vậy, tuy là một đất nước, nhưng kỳ thực đó là hai miền riêng biệt, giới cầm quyền biến hai miền thành hai cõi.

Nhưng nếu tìm ở cột số 201 trong cuốn Từ điển Việt–Bồ–La của Alexandre de Rhodes, chúng ta còn thấy đề mục Đàng tlên (Đàng Trên), là phần đất thuộc tỉnh Cao Bằng do nhà Mạc chiếm giữ. Vậy nếu chấp nhận điều các nhà truyền giáo nêu ra, có thể nói đất nước bị chia thành ba miền chứ không chỉ là hai.

Người dân ta khi đó nói tiếng nói của dân tộc mình nhưng chữ viết vẫn được biểu đạt ở hai dạng: chữ Hán (còn gọi là chữ nho) và chữ Nôm.

1.2. Dòng Tên (Societas Jesus)

Những nhà truyền giáo đến nước ta ban đầu đều thuộc dòng tu gọi là Dòng Tên. Sao lại gọi là “Dòng Tên”? Đó là vì người sáng lập đã lấy chính tên Chúa Jesus để đặt tên cho Dòng. Dòng tu này được Ignace de Loyola thành lập ngày 27/9/1540 do Giáo Hoàng Paul III phê chuẩn. Các nhà truyền giáo Dòng Tên đều tình nguyện đến các nước phương Đông để […] “mở ra những chân trời mới cho Tin Mừng được gieo vào lòng người Á, Phi, Mỹ” (1). Do đó, có thể hiểu mục đích truyền giáo cùng đi kèm với mục đích tìm công bằng cho xã hội, và hoạt động trong địa hạt văn hóa và giáo dục. Các nhà truyền giáo này được đào tạo rất kỹ lưỡng trước khi đi truyền giáo ở những đất nước xa xôi, và sau đó các vị cũng học hỏi không ngừng và để lại nhiều công trình quý báu.

Chúng ta cũng nên biết rằng vào thời đó việc đi lại khó khăn và chủ yếu bằng đường biển. Vậy mà từ năm 1542, François Xavier đã tới Goa (2) mở ra một thời kỳ truyền giáo mới tại châu Á. Sau đó vào năm 1549 các nhà truyền giáo Dòng Tên đã tới truyền giáo ở Nhật Bản, tiếp đó năm 1582 họ tới Trung Quốc. Khi tới những quốc gia này, ngoài mục đích truyền giáo, các nhà truyền giáo Dòng Tên còn nghiên cứu về phong tục, tập quán, ngôn ngữ bản địa và tạo ra một loại chữ viết mới theo cách Latin hóa ngôn ngữ bản địa. Chính vì vậy ngay từ năm 1564 họ đã cho in cuốn Ngữ pháp tiếng Nhật (3) và năm 1595, cuốn Từ điển Latin–Bồ–Nhật được hoàn thành.

Cũng như vậy tại Trung Quốc, chỉ trong vòng 5 năm (1583–1588) các giáo sĩ Ruggieri và Ricci đã soạn xong cuốn Từ điển Bồ–Trung và đến năm 1626, Linh mục Trigault cũng cho ra mắt cuốn sách về phương pháp học tiếng Hán.

Sở dĩ các cuốn từ điển thời đó thường được xuất bản bằng cả chữ Latin và Bồ Đào Nha vì khi đó Dòng Tên hoạt động được phép của Giáo Hoàng nhưng lại được vua Bồ Đào Nha bảo hộ về mặt kinh tế, đi lại, cho nên các văn bản đều được in ấn bằng cả hai thứ tiếng.

1.3. Dòng Tên tới Việt Nam

Năm 1613, tại Nhật Bản nổ ra cuộc cấm đạo trên cả nước, cho đến năm 1614 hầu hết các nhà truyền giáo Dòng Tên bị trục xuất khỏi Nhật Bản và phải tạm lánh về Macao. Trong lúc đó có một nhà buôn người Bồ Đào Nha tới báo tin với Thống đốc Macao và Cha Valentim Carvalho, đức giám tỉnh Dòng Tên Nhật Bản (4) rằng Đàng Trong là xứ trù phú, tàu thuyền đi lại thuận tiện. Vậy là Cha giám tỉnh cử ba linh mục (5) đầu tiên tới miền đất Đàng Trong. Ngày 6/1/1615 tàu nhổ neo từ Macao và tới ngày 18/1/1615 ba ông đã đặt chân tới Cửa Hàn thuộc Đà Nẵng.

Theo bản tường trình của Linh mục Christoforo Borri (6), sau khi tới Cửa Hàn vào dịp lễ Phục sinh, Buzomi cho xây một nhà nguyện. Sau đó các ông tới Hội An cũng trong năm 1615 và các ông xây dựng cơ sở (7) đầu tiên tại đây vào cuối năm 1615. Khi đó Hội An là hải cảng sầm uất, là nơi giao thương buôn bán của các tàu thuyền người Bồ Đào Nha, Hà Lan và là nơi định cư của người Hoa và Nhật. Sở dĩ ba nhà truyền giáo này mở được cơ sở đầu tiên tại Hội An vì tại đó có rất nhiều giáo dân Nhật đang buôn bán và sinh sống. Có lẽ mục đích chính của các nhà truyền giáo này khi tới Đàng Trong là để lo linh hồn cho những Nhật kiều này, rồi nhận thấy đây là mảnh đất màu mỡ để truyền đạo Công giáo, nên nhờ sự thông ngôn của những người Nhật tại đây, các vị đã xây được cơ sở đầu tiên (8).

Khi đó, việc ghi tiếng Việt vẫn chưa như lối chữ chúng ta dùng ngày nay. Nếu muốn hỏi người dân có muốn gia nhập Công giáo không, câu nói được ghi như sau:

“Con gnoo muon bau tlom Hoalaom chiam” (9) – con nhỏ muốn vào trong Hoa Lang chăng?

Chú giải:

– gn tiếng Ý phát âm giống nh tiếng Việt ngày nay.

– Tiếng bau ghi cách phát âm ở thế kỷ 17, về sau âm đó biến dần thành v.

– Âm đầu tl là tổ hợp phụ âm kép sau này biến thành tr hoặc gi

tùy theo các phương ngữ.

– Hoa Lang để chỉ Đạo của người Bồ Đào Nha, ở đây là Thiên Chúa giáo.

Để tránh cho người dân hiểu nhầm về đạo Công giáo nên Buzomi đã tìm được câu hỏi ghi lại như sau:

“Muonbaudauchristiamchiam” – Muốn vào đạo Christiam (đạo Công giáo) chăng?

Nếu chú ý, các bạn sẽ thấy câu nói được ghi bên trên chưa ghi được tiếng Việt có thanh. Chúng ta không tìm được chính bản viết tay của Borri nên không biết được ở thời ấy các ông đã bắt đầu dùng dấu thanh để ghi âm tiếng Việt có thanh hay chưa. Câu ghi lại ở trên được trích trong bản in tại Roma. Chúng ta cũng biết rằng thời đó, kỹ thuật in ấn chưa cho phép in những chữ viết có dấu thanh như cách ghi tiếng Việt bây giờ.

Alexandre de Rhodes và cuốn Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latium

2. Tiếng Việt và các nhà truyền giáo phương Tây

Người phương Tây đầu tiên thành thạo tiếng Việt là giáo sĩ Francisco de Pina người Bồ Đào Nha tới Đàng Trong năm 1617. Khi in sách của mình, ngay trong phần “Cùng độc giả”, nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes (10) đã nhấn mạnh đến vai trò của Pina, nhà thừa sai Bồ Đào Nha này:

“Ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha, thuộc dòng hội Jesus rất nhỏ bé của chúng tôi, là thày dạy tiếng, là người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này”. (11)

Còn với Alexandre de Rhodes, ông tới Đàng Trong tháng 12 năm 1624 và ông được đưa về Thanh Chiêm (Dinh Chàm) học tiếng Việt với Francisco de Pina, và ông đã viết:

“tôi phải thú nhận rằng khi vừa tới Đàng Trong và nghe người dân xứ này, đăc biệt là phụ nữ nói chuyện, tôi có cảm giác như mình nghe tiếng chim gù và tôi gần như mất hy vọng có thể học được thứ tiếng này”. (12)

Trên thực tế với người nước ngoài, tiếng Việt khó vì “nó khác các ngôn ngữ châu Âu quá” (13). Khó là vậy nhưng không có nghĩa là không thể học được bởi “chỉ sau sáu tháng học, tôi có thể nghe và giải tội được, nhưng muốn hiểu biết đầy đủ, thì phải học thêm bốn năm nữa”. (14)

Riêng với Alexandre de Rhodes, ngoài việc học tiếng Việt với Cha Pina thì ông còn học tiếng Việt với một em nhỏ 13 tuổi, nhờ em mà chỉ sau ba tuần ông có thể phân biệt được thanh điệu và cách phát âm của tiếng Việt (15) và theo ông, sáu thanh của tiếng Việt hoàn toàn phù hợp với sáu âm vực do, re, mi, pha, sol, la. Có lẽ thanh điệu là rào cản lớn nhất để người phương Tây học được tiếng Việt; vì theo Rhodes, cùng một chữ dạ, có tới hai mươi ba nghĩa khác nhau theo từng cách phát âm. (16)

Ông còn thuật lại có lần ông bảo người giúp việc đi chợ mua cá thế nhưng sau đó người này mang về một rổ đầy , ông hiểu rằng ông đã phát âm sai thanh điệu. Lại một lần khác, ông bảo người giúp việc đi chém tre, thế nhưng ông thấy trẻ em trong nhà chạy tán loạn, nguyên do là ông phát âm nhầm tre thành trẻ.

Francisco De Pina.

3. Giai đoạn sơ khai của chữ quốc ngữ

Dựa vào các văn bản viết tay bằng chữ Bồ Đào Nha, Latin hiện được lưu trữ tại Văn Khố Dòng Tên tại Rome có điểm xuyết những chữ quốc ngữ đầu tiên (hầu hết là tên các địa danh hoặc tên người), chúng ta có thể phác họa lại đặc điểm của cách ghi bằng chữ quốc ngữ thời kỳ đầu tiên.

3.1. Thời kỳ sơ khai

STT João Roiz –1621 Christoforo Borri–1621 Gaspar Luis–1626 Antonio de Fontes–1626 Ghi tiếng gì  
1 Annam Annam  An Nam
2 Sinoa Sinnua sinuâ, sinoá Xứ Hóa 

(tức xứ

Thuận Hóa)

3 Unsai  Onsaij Ông sãi 
4 Cacham Cacciam Cacham Cacham Ca Chàm (tức Kẻ Chàm) 
5 Ungue Omgne unghe Ông Nghè  
6 Ongtrũ Ông trùm
7 Nuocman nuoecman Nuocman nuócman Nước mặn
8 Bafu Bà Phủ
9 Banco Bancò  Bàn cổ 
Bũa  Vua 
Chiuua Chúa 
10 Oundelim Ondelim Ondelim Ông đề Lĩnh 

Trong những cách ghi bên trên, ta thấy các linh mục vẫn ghi tiếng Việt với các âm tiết liền vào nhau. Chúng ta biết rằng các ngôn ngữ châu Âu mẹ đẻ của các Cha đều là đa âm tiết, còn tiếng Việt thì đơn âm tiết. Trong những văn bản viết tay có chữ quốc ngữ đầu tiên, dấu ấn cách ghi đa âm tiết thể hiện rất rõ trong các văn bản này.

3.2. Thời kỳ bắt đầu tách chữ theo âm tiết

Chúng ta cùng quay lại câu hỏi của Buzomi:

“Con gnoo muon bau tlom Hoalaom chiam”

Chúng ta thấy đây là một lối viết chưa có dấu thanh, nhưng các tiếng cũng đã được ghi lại tách rời nhau (trừ trường hợp Hoalaom).

Và đến các văn bản của Gaspar de Amaral (17) viết năm 1632, các tiếng đã được tách rời và dấu thanh cũng gần như hoàn thiện. Thực ra văn bản có trong tay hiện nay không phải là bút tích của Amaral viết. Sở dĩ như vậy vì vào thế kỷ 17, đi lại khó khăn, việc trao đổi thư từ phải gửi qua các thuyền buôn, có khi phải mất vài tháng thư mới tới nơi. Ấy là chưa kể tàu thuyền hay bị bão đánh, cho nên để đề phòng thất lạc, mỗi một lá thư gốc luôn được sao thêm một hoặc hai bản nữa (do các thợ chép sao chép lại), lá thư gốc được ký hiệu “1a via”, lá thư chép được ký hiệu lần lượt “2a via”, “3a via”. Ví dụ tài liệu mà chúng tôi có của Amaral được đánh ký hiệu ở đầu là “2a via” tức là nó không phải của Amaral viết nhưng ông đã rất cẩn thận sửa lại những chữ quốc ngữ được viết trong văn bản.

Trong thư đó, thấy có những cách ghi như sau:

Đàng tlão, đàng ngòay, đàng tlên: Đàng Trong, Đàng Ngoài, Đàng Trên.

Nhà thượng đày: nhà thượng đài, cơ quan cấp phủ.

Nhà huyẹn (nhà huyện): mỗi phủ có một số huyện.

Oũkhỏũ: Ông Khổng (Khổng Tử).

ʗbua (vua).

chúa oũ: Chúa Ông (thời đó, vua trị vì nhưng chúa mới là người có thực quyền).

3.3. Hoàn thiện cách ghi các thanh

Chúng ta đều biết tiếng Việt có sáu thanh. Thế nhưng, vì các ngôn ngữ Châu Âu không có thanh, nên trong thời kỳ đầu các nhà truyền giáo đều viết tiếng Việt không có dấu. Để phác thảo quá trình dấu thanh tiếng Việt được sáng tạo như thế nào, chúng ta sẽ xem lại các văn bản viết tay, và tìm các dấu thanh xuất hiện dần trong các văn bản này (theo thứ tự thời gian).

Dấu thanh Năm xuất hiện Trong văn bản của tác giả  ví dụ
Dấu huyền 1621 Borri Chià
Dấu sắc 1625 Antonio de Fontes Bến Đá 
Dấu hỏi 1632 Gaspar de Amaral K Chợ
Dấu ngã 1632 Gaspar de Amaral Vĩnh Tộ
Dấu nặng 1632 Gaspar de Amaral Ngh Ăn  

Vậy là phải sau 17 năm kể từ khi các giáo sĩ đặt chân đến Đại Việt, hệ thống dấu thanh của tiếng Việt mới xuất hiện đầy đủ trên các văn bản viết tay. Trên thực tế, khi đó các giáo sĩ Dòng Tên mới chỉ dùng chữ quốc ngữ để ghi các địa danh hoặc tên các nhân vật xen kẽ trong các lá thư mà các Linh mục gửi về cho vua Bồ Đào Nha hoặc Giáo Hoàng.

Các giáo sĩ đã lấy các dấu thanh trong các tiếng nào để áp dụng cho tiếng Việt?

Trong 31 trang ngữ pháp đính kèm vào cuốn Từ điển của mình, Alexandre de Rhodes cũng giải thích: 

“Chúng tôi đã nói rằng các thanh hầu như là hồn của các từ trong ngôn ngữ này, chính vì vậy phải rất thận trọng khi học các thanh. Do đó chúng tôi dùng ba dấu của tiếng Hy Lạp là: dấu sắc, dấu huyền và dấu ngã; mà bởi vẫn chưa đủ nên chúng tôi thêm dấu chấm dưới (nặng) và dấu hỏi của chúng ta”. 

Vậy dấu nặngdấu hỏi là mượn của ngôn ngữ nào mà các ông lại dùng cụm từ “của chúng ta”? Truy về nguồn gốc các dấu thanh, chúng tôi tìm thấy dấu nặng chính là chấm iota Hy Lạp và dấu hỏi là của tiếng Latin (trong tiếng Latin, nếu chúng ta đọc lên giọng một câu, thì có ý nhằm để hỏi, câu mang nghĩa khác đi). 

Có lẽ các ông muốn nhắm chỉ tới nhóm các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Roman. Các ông còn ví các thanh điệu tiếng Việt với sáu nốt nhạc do, re, mi, pha, sol, la, và quả thực đấy là sự giàu có của tiếng Việt như Rhodes đã lấy ví dụ tiếng ba nếu thêm các thanh và ghi chữ ba bằng các dấu khác nhau thì các tiếng sẽ mang ý nghĩa khác nhau. 

Trong cuốn Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, 1 ông đưa ra nhận định về sự khác nhau của thanh điệu tiếng Trung và tiếng Việt như sau: 

“Tiếng Trung chỉ có năm dấu, tiếng Annam thì có sáu, hoàn toàn phù hợp với các nốt nhạc của chúng ta. Điều này làm cho các tiếng đều khác nhau về nghĩa, đến nỗi không có tiếng nào mà không ghi thêm một trong sáu dấu như là hồn và đặc tính của tiếng đó”. 

Ông còn nhận ra được sự khác biệt giữa tiếng nói và chữ viết của nước ta thời đó: 

“Những dấu thanh không được ghi trong chữ viết của họ, nhưng chỉ biểu hiện trong giọng nói mà thôi: điều này thực sự làm khó chúng tôi, mặc dầu sự đa dạng các thanh này cũng thể hiện trí thông minh của dân nước này. Thế nhưng chúng tôi đã nghĩ cách ghi các giọng khác nhau đó bằng tất cả cách viết của chúng ta, làm cho chúng ta hiểu biết sự khác biệt trong cung giọng để hiểu ý nghĩa”

Truyền giáo tại Việt Nam

4. Cuốn Từ điển Việt–Bồ–La và văn bản in đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ

Trước tiên chúng ta sẽ nói về hoàn cảnh ra đời của cuốn Từ điển Việt–Bồ– La, mang tên gốc là: Dictionnarivm Annamiticvm Lvsitannvm et Latinvm được phép in ngày 5 tháng 2 năm 1651 với sự tài trợ của Nhà in bộ Truyền Giáo tại Roma. Trên cuốn từ điển, tên tác giả đề là: Alexandre de Rhodes. 

Cuốn Từ điển ngày nay đã được số hóa tại đường dẫn sau:

http://books.google.fr/books?id=2AdHAAAAcAAJ&printsec=frontcover&hl=fr&source=gbs_ge_summary_r&cad=0#v=onepage&q&f=false (Do Google số hóa); 

http://purl.pt/961/4/#/8 (Do Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha số hóa).

Vì sao thời đó lại viết là v chứ không phải u? Vì trong tiếng Latin, u phát âm như v cho nên chúng ta thấy trong các văn bản thế kỷ 17, 18 không thấy chữ u xuất hiện. Kể cả cho đến tận đầu thế kỷ 20 đôi khi người ta vẫn dùng v để chỉ u, ví dụ các bạn sẽ thấy ở Trường Đại học Dược Hà Nội, người ta ghi Directevr.

4.1. Cấu tạo cuốn Dictionarivm

Vì sao đây lại là một cuốn từ điển được viết bằng ba thứ tiếng? Tiếp theo phong trào Latin hóa các ngôn ngữ phương Đông, khi các giáo sĩ đến Đại Việt họ cũng bắt đầu Latin hóa tiếng Việt. Mặc dù không phải là các nhà ngôn ngữ, nhưng các giáo sĩ đã ghi âm với khả năng tuyệt vời theo nguyên tắc: nghe thế nào ghi lại thế ấy. Và chúng ta tin đây là các giáo sĩ đã ghi âm trung thành với âm mình nghe được, ta cũng sẽ lý giải nhận định này ở phần sau. 

Quay trở lại với cuốn Dictionarivm, theo Rhodes lý giải ở phần “Cùng độc giả”, mới đầu cuốn từ điển này được làm bằng tiếng Việt và tiếng Bồ, nhưng sau đó theo lệnh của các vị Hồng y, Rhodes mới thêm phần tiếng Latin vào. Chính vì vậy cuốn từ điển này mới thành Việt–Bồ–La. Tại sao lại là tiếng Bồ? Chúng ta biết rằng thời đó Bồ Đào Nha là một quốc gia hùng mạnh, họ giương buồm đi buôn bán trao đổi hàng hóa khắp nơi. Các giáo sĩ sang Đại Việt truyền giáo cũng là đi theo thuyền của các nhà buôn Bồ Đào Nha và Giáo Hoàng cho phép hoạt động nhưng bảo trợ tài chính lại là vua Bồ Đào Nha. Còn vì sao các vị Hồng y lại yêu cầu Rhodes thêm phần tiếng Latin vào? Thực ra có lẽ vì các vị cũng muốn giảm ảnh hưởng của vua Bồ Đào Nha tới Giáo hội và hơn nữa cũng để thêm một công cụ tra cứu cho người Việt học tiếng Latin. 

Ngoài phần trình bày lý do ra đời cuốn Từ điển ở trang đầu và phần “ad lectorem –cùng độc giả”, cuốn Dictionarivm bao gồm ba phần chính: 

Phần I. Lingvae Annamaticaeseu Tvnchinensis brevisdeclaratio (tức là phần Ngữ pháp tiếng Việt được soạn bằng tiếng Latin gồm 31 trang, chia thành 8 chương: 

Chương I – De literis et syllabisquibushase lingue constat (chữ và vần trong tiếng Việt), 

Chương II – De Accentibus et aliissignis in vocalibus (thanh điệu và các dấu), 

Chương III – De Nominibus (Danh từ), 

Chương IV – De Pronominibus (Đại danh từ), 

Chương V – De Aliis Pronominibus (các Đại danh từ khác), 

Chương VI – De Verbis (Động từ), 

Chương VII – De Reliquisoratio misindeclinabilibus (những phần bất biến), 

Chương VIII – Praceptaquacdamad syntaxim pertinentia (cú pháp). 

Phần II. Dictionarivm Annamiticvm seu Tunchinense cum lusiatna, et latina declaratione.

Phần này không đánh số trang, chỉ đánh số cột, mỗi trang chia làm hai cột, có tất cả 900 cột, nhưng mục từ (“đầu vào”) nọ sang mục từ kia thường để một vài trang giấy trắng. Mỗi mục từ được giải nghĩa theo thứ tự chữ Bồ rồi đến chữ Latin. 

Tôi đã đếm tổng số từ trong phần này: tổng cộng bao gồm 6.129 mục từ chính, mỗi từ chính lại có thêm các từ phụ thành ra tổng số từ tiếng Việt được viết bằng chữ quốc ngữ trong Từ điển là 9.085 từ. 

Phần III. Index Latini sermonis 

Phần này mỗi trang chia làm hai cột, không có ghi số trang và số cột, nhưng có tất cả 350 cột, tức là 175 trang. Trong mỗi cột, tác giả liệt kê các chữ Latin, bên cạnh mỗi chữ có ghi số cột của chữ Latin ấy ở Phần II. Như vậy người biết chữ Latin sẽ tra cứu được chữ Việt tương ứng.

4.2. Ai là tác giả cuốn Từ điển Việt–Bồ–La 

Từ mấy trăm năm nay, Rhodes vẫn luôn được coi là tác giả của cuốn từ điển. Thế nhưng ngay ở phần “Ad lectorem – Cùng độc giả” ông cũng đã nhấn mạnh: 

“Ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha thuộc dòng Jésus rất nhỏ bé của chúng tôi, là thày dạy tiếng và là người thứ nhất trong chúng tôi am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất có thể thuyết giảng bằng ngôn ngữ đó mà không cần thông ngôn. Tôi cũng sử dụng công trình của các Cha khác cùng hội Dòng, đặc biệt là của hai Cha Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng Annam, ông sau bằng tiếng Bồ Đào Nha, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông tôi còn thêm tiếng latin của các vị Hồng y đáng kính vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho người bản xứ học tiếng Latin”. 

Vậy là đã rõ, cuốn Dictionarivm là một công trình tập thể của các Cha Dòng Tên, và vì Rhodes là người chịu trách nhiệm in ấn tại Rome cho nên cuốn từ điển mang tên của Ngài, và có lẽ Ngài là người tổng hợp hai cuốn từ điển của hai vị người Bồ và dịch phần Latin. Nếu vậy, chúng ta sẽ xem hành trình của ba vị giáo sĩ ra sao, họ gặp nhau khi nào? Và tại sao Cha Rhodes lại có bản thảo của hai vị kia? 

Trước tiên chúng ta nói về Gaspar de Amaral. Ông sinh năm 1592 tại Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên ngày 1/7/1608, ông đã làm giáo sư dạy tiếng Latin, Triết học, Thần học tại các học viện và Đại học Evora, Braga, Coimbra ở Bồ Đào Nha. Năm 1623, Gaspar de Amaral đến Macao. Vào tháng 10 năm 1626, ông cùng với thầy Paulus Saito (1577–1633 người Nhật) đến Đàng Ngoài cho đến tháng 5 năm 1630, cả hai cùng với Linh mục Alexandre de Rhodes và Pedro Marques về Macao. Ngày 18/2/1631, Gaspar cùng ba linh mục khác là André Palmeiro, Antonio de Fontes và Antonio F. Cardim từ Macao đáp tàu Bồ Đào Nha đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) và đến ngày 15–3–1631, các nhà truyền giáo này mới đến Kẻ Chợ (Thăng Long). 

Sau đó các Linh mục Palmeiro và Fontes trở về Macao còn Amaral và Cardim ở lại tiếp tục công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài. Năm 1638, Linh mục Amaral được gọi về giữ chức Viện trưởng Viện Thần học tại Macao, như vậy ông đã ở Đàng Ngoài được bảy năm.

Trong thời gian ở Đàng Ngoài, ông bắt tay vào biên soạn cuốn từ điển Bồ–Việt. Điều này đã được ông nói đến trong bản tường trình gửi cho vua Bồ năm 1634. (18)

Antonio Barbosa sinh năm 1594 tại Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên vào ngày 13/3/1624. Năm 1629, ông được cử đến truyền giáo ở Đàng Trong và đến tháng 4 năm 1636, ông có đến Đàng Ngoài truyền giáo. Khi ông tới nơi, Amaral đã chuyển ông về Cửa Rum (19) để học tiếng Việt và biên soạn cuốn từ điển Bồ–Việt (20). Cho đến tháng 5 năm 1642, vì lý do sức khỏe, ông phải trở về Macao dưỡng bệnh. Cũng do tình trạng sức khỏe không tốt nên sau một thời gian tĩnh dưỡng, ông rời Macao đi Goa và ông đã từ trần trên đường đến Goa năm 1647. 

Còn Alexandre de Rhodes thì sao? Ông sinh ngày 15/3/1591 tại Avignon, miền Nam nước Pháp, tổ tiên ông gốc Do Thái. Chúng ta nhớ rằng thời đó, Avignon tiếng là nằm trong nước Pháp nhưng lại là phần đất của Tòa Thánh, cho nên Rhodes không phải là người Pháp mà là người của Tòa Thánh. 

Alexandre de Rhodes gia nhập Dòng Tên ở Rome ngày 14/4/1612. Sau khi được thụ phong linh mục, ông được phép đi truyền giáo. Ông đến Lisbonne, thủ đô Bồ Đào Nha, rồi từ đây đáp tàu đi đến Macao ngày 29/5/1623. Ông đặt chân lên Đại Việt lần đầu tiên vào tháng 12/1624 tại Cửa Hàn. 

Rhodes đến cơ sở truyền giáo Thanh Chiêm thuộc Quảng Nam Dinh, nơi đây có Linh mục Francisco de Pina (21). Tại đây Rhodes học tiếng Việt với Francisco de Pina. Tháng 7 năm 1626, ông rời Đàng Trong về Macao. Ngày 19–3–1627, ông cùng với Linh mục Pierre Marquez đến Cửa Bạng (Thanh Hóa), ở đây, hai ông có yết kiến Trịnh Tráng (22), rồi sau đó theo chúa Trịnh ra Thăng Long, thời gian này hai linh mục lập giáo đoàn Đàng Ngoài. Tháng 5 năm 1630, chúa Trịnh cấm đạo, trục xuất các giáo sĩ, Rhodes trở về Macao. 

Từ năm 1630 đến năm 1640, Rhodes dạy Thần học ở Học viện Thần học Macao. Năm 1640, ông được cử đến Đàng Trong làm Bề Trên, thay thế Linh mục Buzomi vừa từ trần tại Quảng Nam Dinh, ông ở đây cho đến ngày 3/7/1645, bị bắt buộc phải rời cơ sở truyền giáo Thanh Chiêm, ông rời hẳn Đại Việt, trở lại Macao. Ngày 20/12/1645 ông đáp tàu từ Macao đi Âu châu, nhằm mục đích vận động thành lập hàng giáo phẩm Đại Việt. 

Ngày 16/11/1654, Toà thánh La Mã cử Rhodes làm Bề Trên của phái đoàn truyền giáo ở Ba Tư (cách gọi cũ tên nước Iran ngày nay). Đầu tháng 11/1655, ông đáp tàu từ Marseille đi Ispaham thủ đô Ba Tư (ngày nay là Teheran), và tại đây ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5 tháng 11 năm 1660. 

Cho đến nay, chưa có tài liệu nào công bố thời gian và địa điểm Rhodes đã soạn quyển Dictionarivm Annamiticvm Lusitanvm et Latinvm. Theo dấu chân của Rhodes, chúng ta biết ông có thể bắt đầu soạn quyển từ điển trong khoảng năm 1636–1645 là thời gian ông dạy Thần học ở Học viện Thần học tại Macao. Sở dĩ chúng ta có thể đưa ra được giả thuyết này vì năm 1645, Linh mục Amaral bị đắm tàu chết đuối. Trước đó ít hôm, Rhodes đã rời Macao trở về châu Âu. Chúng ta lại biết thêm rằng, thời gian từ 3/7/1645 đến 20/12/1645 là thời gian cả ba Linh mục Rhodes, Amaral và Barbosa đều có mặt tại Học viện Thần học ở Macao, có lẽ họ đã có quyết định giao cho Rhodes mang hai quyển từ điển của họ về nhà in của Bộ Truyền giáo ở Roma để in và hai bản gốc của hai cuốn từ điển của hai Cha người Bồ vẫn là một ẩn số. 

 Vậy thời điểm Rhodes hoàn thiện việc biên soạn quyển Dictionarivm Annamiticvm Lusitanvm et Latinvm là khoảng năm 1649–1651, và ngày 5/2/1651 được Linh mục F. Piccolomineus Bề trên cả Dòng Tên cho phép xuất bản. 

4.3. Đóng góp của người Việt 

Dù sao, chữ quốc ngữ hình thành cũng nhằm mục đích chính là làm phương tiện truyền giáo cho các giáo sĩ thuộc Dòng Tên ở Đại Việt. Bên cạnh các giáo sĩ, giáo dân Annam thời đó đã có đóng góp không nhỏ vào công cuộc truyền giáo.

Trước tiên chúng ta điểm qua quá trình các nhà truyền giáo Dòng Tên học tiếng Việt. Các vị đã học và ghi lại điều mình học, thế rồi chữ quốc ngữ được hình thành dần dần. Đầu tiên là Pina: 

“phần con, con đã soạn thành một tập nhỏ về chính tả và các dấu thanh của tiếng này (Việt) và con đang bắt tay vào việc soạn ngữ pháp. Dù con đã thu thập được nhiều truyện thuộc các loại khác nhau giúp cho những trích dẫn thêm giá trị; hầu xác định được ý nghĩa của từ ngữ và quy luật ngữ pháp; tuy nhiên, cho đến nay con vẫn phải nhờ người ta đọc cho con những truyện đó để con viết sang chữ Bồ Đào Nha”. (23)

Còn Rhodes thì sao? Ông cũng học tiếng Việt với một em nhỏ 13 tuổi. Nhờ em nhỏ này mà chỉ cần sau ba tuần, Rhodes đã có thể phân biệt được các thứ thanh tiếng Việt và cách phát âm mỗi tiếng. (24)

Và chữ quốc ngữ đã dần dần ra đời và hoàn thiện. 

Chẳng hạn như tài liệu của 14 giáo dân người Việt ghi bằng chữ quốc ngữ, về việc họ xác nhận tán đồng ý nghĩa phương thức rửa tội, do 31 linh mục Dòng Tên soạn thảo ở Viện Thần học tại Macao năm 1645. (25)

Ngoài ra, như trong minh họa dưới đây, có bản viết tay năm 1659 của Bento Thiện, tựa đề Lịch sử nước An nam (26), tập Lịch sử nước An nam này gồm 6 tờ giấy tức là 12 trang, viết chữ nhỏ, phần nhiều các trang viết trong khổ 20 x 29 cm. Chúng tôi xin giới thiệu trang đầu của tập này, có ghi là la via:

“Nước Ngô trước hết mới có vua trị vì là Phục Hi. Vua thứ hai là Thần Nông. Con cháu vua Thần Nông sang trị nước Annam, liền sinh ra vua Kinh Dương Vương. Trước hết lấy vợ là nàng Thần Long, liền sinh ra vua Lạc Long Quân. Lạc Long Quân trị vì, lấy vợ tên là Âu Cơ, có thai đẻ ra một bao có trăm trứng, nở ra được một trăm con trai. Mà vua Long Quân là Thủy Tinh ở dưới biển, liền chia con ra: năm mươi con về cha ở dưới biển, mà năm mươi con thì về mẹ ở trên núi; đều thì làm Chúa trị mọi nơi. 

“Lại truyền dõi đến đời vua Hùng Vương, trị nước Annam được mười tám đời, cũng là một tên là Hùng Vương. Sau hết sinh ra được một con gái, tên là Mị Châu. Một nhà Sơn Tinh một nhà Thủy Tinh, hai nhà đến hỏi lấy làm vợ, thì vua cha là Hùng Vương nói rằng: ai có của đến đây trước thì ta gả con cho. Nhà Sơn Tinh là vua Ba Vì đem của đến trước, thì vua Hùng Vương liền gả cho. Bấy giờ liền đem về núi Ba Vì khỏi. Đến sáng ngày nhà Thủy Tinh mới đến, thấy chẳng còn liền giận lắm; hễ là mọi năm thì làm lụt, gọi là dơng sóng nước mà đánh nhau. 

“Ngày sau có giặc nhà Ân là người Ngô sang đánh vua Hùng Vương. Vua liền cho sứ giả đi rao thiên hạ, ai có tài mệnh thì đánh giặc cho vua. Sứ liền đi rao, đến huyện Vũ Đinh, làng Phù Đổng, thì có một con trai lên ba tuổi, còn nằm trong trõng (chõng), chẳng hay đi cũng chẳng hay nói, mà nghe tiếng sứ rao qua liền hay gọi mẹ mà hỏi rằng: ấy khách nào, đi gì đấy? Mẹ rằng: khách nhà vua đi rao ai mệnh thì đi đánh giặc cho vua, mà sao con chẳng dậy mà đi đánh giặc cho vua, cho mẹ ăn mày bổng lộc. Thằng bé ấy bảo mẹ rằng: mẹ hãy gọi quan khách ấy vào đây. Mẹ liền đi gọi quan ấy vào, mới chiềng quan rằng: mới thấy sự lạ, mà khiến tôi gọi ông vào. Quan ấy liền hỏi rằng: thằng bé kia, mầy muốn đánh giặc cho vua chăng mà mầy gọi tao vào? Bấy giờ thằng bé ấy nói rằng: mầy có muốn cho tao đánh giặc cho vua, thì về bảo vua đánh một con ngựa sắt, lại đánh một cái thiết vọt sắt đem đến đây, cùng thổi một trăm nong cơm, cùng một trăm nong rượu cho tao ăn uống. Quan ấy liền về tâu vua thì vua mừng, liền làm như vậy. Quân quốc vua liền đem đến cơm cùng rượu, thằng bé dậy ngồi, liền ăn hết một trăm nong cơm, một trăm lực sĩ dọn chẳng kịp, rượu thì cớt cả vào cong mà uống. Đoạn liền lên cỡi ngựa sắt ấy, liền hay chạy cùng kêu cả tiếng, ngựa liền đi trước, quân vua thì theo sau, đi đánh giặc nhà Ngô, giặc liền chết hết, lại giật lấy bụi gai là ngà mà kéo lên mình quân giặc, nát thịt cùng gãy hết chân tay ra. Đánh giặc đoạn liên lên trên núi Sóc mà bay lên trời và người và ngựa. Nước Annam còn thờ đến nay, gọi là Đổng Thiên Vương, nói nôm gọi là Vường Đống (Vương Đổng – Đổng Thiên Vương). 

“Ngày sau hết đời vua Hùng Vương liền có vua Thục Đế là vua Kinh Dương Vương, mà Vua ấy xây thành ở huyện Đông Ngàn mà dựng một rùa vàng. Vua liền lấy vuốt nó mà làm lãy nỏ mà bắn ra đâu thì giặc liền sợ đấy”.

Phạm Thị Kiều Ly

Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)

Chú thích:

(1) Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, tr.9. 

(2) Vùng đất nằm ở phía Tây Nam Ấn Độ vốn là thuộc địa của Bồ Đào Nha.

(3) Trong lá thư Cha Freiras gửi cho Bungo ngày 14/10/1564, ông khẳng định cuốn ngữ pháp và từ
điển đầu tiên bằng tiếng Nhật do F. Duarte da Silva viết (nguồn: Cartas, t I.f.156v).

(4) Giám tỉnh Dòng Tên Nhật Bản bao gồm Nhật Bản, Macao, Trung Quốc, Đàng Trong, Đàng Ngoài, Campuchia, Thái Lan.

(5) Francesco Buzomi (người Ý), Diogo Carvalho, và Antonio Dias (người Bồ).

(6) Christofoto Borri, Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine (traduite de l’italien), (“Tình hình đợt truyền giáo mới của đoàn truyền giáo Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong”), Rome, 1631, tr.101.

(7) Theo Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, tr.59 thì khi đó Dòng Tên không dùng từ tu viện, đan viện mà là cơ sở, hoặc chữ nhà mang màu sắc dân sự.

(8) Hiện nay mảnh đất này chính là Nhà Thờ Hội An nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ.

(9) Borri, sđd, tr.101.

(10) Sinh tại Avignon năm 1593 nhưng ở thời kỳ đó, Avignon là đất của Tòa Thánh La Mã không phải là đất của Pháp.

(11) Alexandre de Rhodes, Từ điển Việt–Bồ–La, Nhà xuất bản khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh, 1991 (Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính dịch).

(12) Rhodes, Divers voyages et missions du Père Alexandre de Rhodes en Chine et autres royaumes de l’Orient, (“Hành trình và truyền giáo của Cha Alexandre de Rhodes sang Trung Hoa và các vương quốc phương Đông khác”), Paris, 1653, tr.72.

(13) Joseph Tissanier, Relation du voyage du P. Joseph Tissanier de la Compagnie de Jésus. Depuis la France, jusqu’au Royaume de Tunquin, avec ce qui s’est passé de plus mémorable dans cette Mission, durant les années 1658, 1659 et 1660, (“Hành trình của Cha J. Tissanier thuộc Dòng Tên. Giai đoạn từ khi rời Pháp qua vương quốc Đàng Ngoài ghi lại những gì đáng nhớ hơn cả trong cuộc truyền giáo những năm 1658, 1659 và 1660 này”, Paris, 1663, tr.200.

(14) Borri, sđd, tr.78. 

(15) Rhodes, Divers voyages et missions,sđd, tr.73.

(16) Rhodes, sđd, tr.72.

(17) Gaspar de Amaral người Bồ Đào Nha sinh năm 1592 tới Đàng Ngoài lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1629. Dẫn lại văn bản trong cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620–1659 của Đỗ Quang Chính.

(18) Biblioteca de Ajuda, Jésuistas Na Asia, 49/V/31 ”annua de 1634 do Reyno de Annam” f.308 (“Năm 1634 của vua xứ Annam”).

(19) Thuộc tỉnh Nghệ An hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh cãi về vị trí chính xác của Cửa Rum, có hai giả thuyết: Cửa Rum là cửa Hội hiện nay và Cửa Rum là Cầu Rầm.

(20) Isabel Tavares Mourão, 2012, “Gaspar de Amaral au Tunkim, quelques remarques de la pédagogie missionnaire au XVIIème siècle” (“Gaspar de Amaral ở Đàng Ngoài, vài nhận xét về phương pháp sư phạm của các nhà truyền giáo”), in trong Pédagogies missionnaires, Editions Karthala.

(21) Sinh năm 1585 tại Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong năm 1617 và chết đuối ở Quảng Nam tháng 12/1625.

(22) Hiện ở Thư viện Vatican (fondo Barberini, vol. 158 (mss orient)) còn giữ lá thư viết trên giấy bạc của Chúa Trịnh viết bằng chữ Hán cho Palmeiro năm 1627 để cảm ơn Palmeiro đã gửi quà biếu và đồng thời cảm ơn Palmeiro gửi các giáo sĩ đến truyền giáo. 

(23) Đỗ Quang Chính, 2008, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, tr.46.

(24) Rhodes, Divers voyages et missions, tr.73 (Rhodes, Các chuyến đi và sứ mệnh).

(25) ARSI, Jap/sin. 80, f.76r–80v. 

(26) ARSI, JAP/SIN. 81, f 248– 259v

Share This Post!