Qua “Cách sống”, Inamori đã chia sẻ cái nhìn sâu sắc của ông về ý nghĩa và cách thức để có một cuộc sống hạnh phúc. Điểm nhấn của cuốn sách là lời khuyên sống vị tha, hăng say làm việc, luôn mang lòng biết ơn, nỗ lực nghĩ điều thiện, làm việc thiện, luôn tự sửa mình, mài giũa nhân cách, nâng cao tâm hồn. Đó mới là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực.
Inamori Kazuo là ai?
Inamori Kazuo (21/1/1932-24/8/2022) người Kagoshima, đảo Kyushu, Nhật Bản.
Ông theo học và tốt nghiệp Đại học Kagoshima (Khoa Kỹ thuật Công nghiệp) năm 1955 với bằng Cử nhân Khoa học về hóa học ứng dụng.
Năm 1959, Inamori cùng một số đồng nghiệp khác đã thành lập Công ty gốm sứ Kyoto, sau này là Kyocera. Tại Kyocera, Inamori đã triển khai Hệ thống Quản lý Amoeba (Amoeba Management).
Năm 1984, Inamori đã thành lập Tập đoàn Daini Denden (DDI). DDI sau đó tham gia kinh doanh điện thoại di động, sáp nhập với KDD (Kokusai Denshin Denwa) và IDO (Nippon Idou Tsushin Corporation vào năm 2000 để thành lập KDDI, đã phát triển thành doanh nghiệp dịch vụ viễn thông lớn thứ hai của Nhật Bản.
Ở tuổi 65, ông trở thành thiền sư với pháp danh Đại Hòa, nhưng vẫn cố vấn cho Kyocera và KDDI. Ở chùa một thời gian ngắn, ông lại hòa nhập xã hội theo lời dạy của sư phụ, vì “như thế mới đắc đạo” được. Ông dồn sức cho công việc của trường Seiwa, và quỹ Inamori.
Trường tư thục Seiwa (Seiwajyuku) được Inamori mở năm 1989, đào tạo các nhà quản trị cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và giữ chức hiệu trưởng. Cho tới 2019, đã có 14,938 người theo học. Inamori nghỉ hẳn, trường dừng hoạt động vào cuối 2019.
Quỹ Inamori được Inamori thành lập năm 1984 (ông trích khoảng 200 tỉ Yên, tương đương khoảng 200 triệu USD từ tài sản riêng), theo mô hình giải Nobel, trao giải thưởng hàng năm Kyoto Prize (lần đầu trao giải năm 1985) để tôn vinh những người có “đóng góp phi thường cho khoa học, văn minh và tâm linh của loài người.”
Ở tuổi 77, Inamori trở thành CEO của Japan Airlines (JAL) khi được bảo vệ khỏi sự phá sản vào ngày 19/01/2010 và lãnh đạo hãng hàng không thông qua việc tái cấu trúc, cuối cùng cho phép công ty niêm yết lại trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo vào tháng 11/2012.
Năm 2003, ông là người Nhật Bản đầu tiên nhận được Giải thưởng Lòng bác ái của Quỹ Carnegie (Mỹ).
Suốt đời, Inamori mong muốn vẽ nên một viễn cảnh Nhật bản là một quốc gia được kính trọng, một dân tộc cao quý, không phải bởi vì giàu có hoặc sức mạnh quân sự mà bằng sự vị tha và nhân văn.
Tại sao lại là “Cách sống”?
Tác giả Inamori Kazuo bày tỏ lý do vì sao ông chọn “Cách sống” làm tên sách: “Nếu bạn hỏi tôi về lí do tại sao tôi thành công thì có lẽ chỉ có duy nhất một điều đó là cách sống. Mặc dù có thể trong con người tôi vẫn thiếu tài năng nào đó nhưng tôi luôn có một định hướng là tìm kiếm giá trị nhân văn. Cách sống đã được tôi lấy làm tên cho cuốn sách này, không chỉ là cách sống của một con người mà có thể mở rộng ra cho cộng đồng thậm chí là toàn thể nhân loại”.
Thông qua cuốn sách, tác giả muốn nhìn lại cách sống của con người từ chính diện, xem xét bản chất sự vật từ cốt lõi và nói thẳng thắn những suy nghĩ của mình; muốn xem xét lại từ cội nguồn, ý nghĩa cuộc sống và định hướng tương lai, muốn đóng một cây cọc nhỏ bé xuống dòng nước chảy xiết của thời đại: “Đối với tôi, không có gì vui hơn khi bạn tìm thấy niềm vui trong đời sau khi đọc xong cuốn sách này hoặc lời giải đáp cho những vấn nạn để sống hạnh phúc”
Inamori Kazuo chia sẻ, nếu sống đúng với cách sống như đã đề cập trong cuốn sách này thì dù là một cá nhân hay một gia đình, công ty hay quốc gia, nhất định cuộc đời sẽ đưa chúng ta tới một hướng tốt, mang lại những thành quả tuyệt vời. Trong cuộc sống đầy hỗn tạp, cuốn sách – dù chỉ một chút hy vọng có thể trở thành kim chỉ nam, giúp tháo gỡ vướng mắc trong cuộc đời cho nhiều người hay chỉ một người để tìm được cách sống đúng đắn – cũng làm ông mãn nguyện.
“Cách sống” có gì?
Trong “Cách sống”, Inamori Kazuo đã đúc kết ra những nguyên tắc, triết lý có thể đưa một người từ “bình thường trở lên phi thường”. Sách gồm 5 chương, mỗi chương được chia thành nhiều chủ đề nhỏ, tiềm ẩn trong tựa đề của từng phần, từng chủ đề nhỏ đã là những thông điệp tích cực, những bài học quý giá cho những ai muốn tìm cách sống: “Sống là quá trình mài giũa tâm hồn; Chân lý có thể có được bằng lao động quên mình; Thường xuyên xem xét đánh giá bản thân; Tìm tòi suy nghĩ mỗi ngày sẽ đưa đến kết quả to lớn; Ôm ấp hoài bão lớn – cuộc đời sẽ trở nên phi thường …”.
Các chương trong cuốn sách đều xoay quanh mục tiêu giúp độc giả biết cách sống sao cho có ích nhất cho xã hội, từ đó tìm được hạnh phúc chân thực cho riêng mình. Mỗi chương, mỗi quan điểm của tác giả đều đưa ra những dẫn chứng, những câu chuyện thực tế rất thuyết phục.
Chương mở đầu
Cuốn sách khởi đầu bằng câu hỏi mang tính triết lý sâu sắc: “Lẽ sống của con người là gì?“. Từ đó, tác giả bắt đầu hành trình khám phá và tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này.
Theo Inamori, trước hết phải thiết lập nền tảng “triết học” (hay quan điểm, tư tưởng) cho cuộc đời và phải dũng cảm đối mặt với mọi vấn đề. Nhân cách con người = Tính cách + Tư duy triết học.
Nâng cao nhân cách, mài giũa tâm hồn chính là ý nghĩa cuộc sống của con người. Tinh tấn là phương pháp quan trọng nhất, hữu hiệu nhất để chúng ta nâng cao tâm hồn, rèn luyện nhân cách. Thường xuyên xem xét đánh giá bản thân, sống sao cho đúng với đạo làm người.
Chương 1. Biến suy nghĩ thành hiện thực.
Chương này đề cập đến tầm quan trọng của việc biết và sử dụng có ý thức sức mạnh tư duy. Theo quy luật cuộc đời, điều gì mình không muốn thì chắc chắn nó không đến với mình.
Để biến điều không thể thành có thể, suy nghĩ phải mãnh liệt đến mức “điên khùng”. Để tạo ra một sản phẩm “có một không hai” “sờ vào là đứt tay”, thì cần dồn tâm, dồn lực. Chúng ta không thể có các ý tưởng và sáng tạo nếu lười suy nghĩ. Và “không thể thành công nếu không lập kế hoạch chi tiết và chuẩn bị chu đáo. Lòng quả cảm được kết tinh từ đức tính lo xa, thận trọng và tỉ mỉ, chứ không phải là chuyện “hữu dũng vô mưu”.
Không bỏ cuộc, làm đến cùng sẽ thành công. Nếu nỗ lực tiếp nối nỗ lực thì điều bình thường sẽ trở thành phi thường.
Chương 2. Suy nghĩ từ nguyên lý và nguyên tắc.
Những nguyên lý và nguyên tắc chân phương như những chuẩn mực đạo đức mà bạn vẫn được bố mẹ dạy bảo từ khi còn nhỏ, chúng không những tốt cho cuộc sống mà còn cả trong kinh doanh. Sự việc và hiện tượng càng phức tạp thì cách nắm bắt, cách nhìn nhận càng phải chân phương đơn giản.
Hãy sống kiên định với những nguyên tắc đó, nó sẽ chỉ đường cho bạn ngay cả khi bạn lạc lối. Sẽ không có ý nghĩa nếu không triệt để thực hiện nguyên lý, nguyên tắc bằng ý chí mạnh mẽ. Nguyên lý, nguyên tắc là gốc rễ của nhận thức đúng đắn, là cội nguồn của sức mạnh. Chúng ta phải luôn tỉnh táo, rút kinh nghiệm, tự đánh giá nghiêm khắc các hành động của bản thân. Và nhất là cần đưa nguyên lý, nguyên tắc thành cách sống.
Chương 3. Mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn.
Tác giả đưa ra một phương trình cuộc đời: “Cuộc đời và thành quả công việc = Tư duy x Nhiệt huyết x Năng lực”. Năng lực có thể do bẩm sinh hoặc học tập, nhiệt huyết có thể tìm thấy qua quá trình lao động nhưng có nhiệt huyết và năng lực mà đi sai hướng thì cũng không thể thành công. Vì vậy nhân cách và tâm hồn phải được đề cao, mài giũa qua thời gian. Mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn chính là mục đích sống, ý nghĩa cuộc đời. Bởi vì cuộc sống nhân loại là quá trình xây dựng nhân tính hay bản chất người.
Từ kinh nghiệm bản thân, tác giả đưa ra “sáu phép tinh tiến” cần thiết để mài giũa nhân cách: (1). Nỗ lực để không thua kém người khác. (2). Khiêm tốn, không tự mãn. (3). Nhìn lại bản thân mỗi ngày. (4). Cám ơn đời đã cho mình được sống. (5). Nhân hậu, vị tha. (6). Không để cảm tính chi phối, không quá dằn vặt trăn trở.
Chương 4. Sống với lòng vị tha.
Theo Inamori, lòng vị tha, nói một cách dễ hiểu nhất là cống hiến hết mình cho xã hội, cho nhân loại. Vị tha không phải là cái gì quá cao xa, đơn giản chỉ là những hành động “suy nghĩ cho người khác”. Chỉ khi nào sống hết lòng vì người khác thì bản thân ta mới cảm thấy hạnh phúc, tâm hồn ta mới trở nên sâu xa và rộng lớn.
Học cách sống tri túc từ thế giới thiên nhiên, “phải biết thế nào là đủ”. Nếu không có quan điểm “tri túc” – biết đủ với những gì đã có – thì chúng ta cũng chẳng thể cảm thấy thoả mãn ngay cả khi đã có trong tay những thứ mà chúng ta muốn có thêm nữa.
Nỗ lực để đạt được còn quan trọng hơn việc đạt được. Nhân cách và tâm hồn chúng ta sẽ được mài giũa trong những nỗ lực ấy. Nhân cách và tâm hồn chúng ta càng cao thượng và đẹp đẽ bao nhiêu thì chắc chắn con đường đi tới xã hội “vị tha”, xã hội “tri túc”, sẽ càng gần lại bấy nhiêu.
Chương 5. Hòa hợp với dòng chảy vũ trụ.
Có hai sức mạnh vô hình chi phối cuộc đời con người, đó là “số mệnh” và “luật nhân quả”. Mặc dù số mệnh đã có sẵn từ lúc ra đời, chúng ta vẫn có thể tác động để thay đổi bằng cách sử dụng luật nhân quả báo ứng, bằng cách nghĩ điều thiện, làm việc thiện, hướng tới “cách sống” đúng với đạo làm người.
Vạn vật tồn tại trong vũ trụ đều là một thành phần của sự sống mang tên vũ trụ chứ không phải sinh ra một cách ngẫu nhiên. Trong vạn vật, con người được sinh ra mang theo một sức mạnh lớn lao hơn tất cả, được chuẩn bị sẵn trí tuệ và ý chí, trái tim và linh hồn tràn đầy tình yêu, lòng vị tha. Chúng ta phải nhận thức được vai trò đó và có nghĩa vụ nỗ lực mài giũa nhân cách trong cuộc đời để có tâm hồn đẹp hơn dù chỉ một chút so với lúc chào đời. Chúng ta phải luôn tinh tiến.
Với những chia sẻ sâu sắc và cái nhìn sắc bén, “Cách sống” đã mở ra cho người đọc một góc nhìn mới về ý nghĩa của cuộc sống cũng như lối sống đích thực. Giữa thời đại vật chất phát triển, con người dễ quên đi những điều tưởng chừng đơn giản nhưng rất quan trọng: sống có ích cho người khác, biết quý trọng những gì mình đang có, luôn cố gắng hoàn thiện bản thân. Cuốn sách đã truyền cảm hứng cho hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Nó được coi là một trong những cuốn sách hay nhất mọi thời đại về lối sống và con đường đạt được hạnh phúc chân thực.