— Sự thật về khổ trong Giáo pháp Đức Phật —

Bản chất vô thường của thế gian

Trong Chú giải Trưởng Lão Ni Kệ có chuyện về bà Kisā-gotamī, người đã hoàn toàn bị suy sụp vì đau buồn do mất đứa con trai. Bà đã ôm xác con đi gõ cửa hết nhà nọ đến nhà kia để tìm thuốc cứu con. Đức Phật bảo bà: “Hãy đi đi, vào trong thị trấn và mang lại cho ta một hạt giống cải lấy từ gia đình nào chưa từng có người chết”. Bà đã không tìm được bất kỳ nhà nào chưa từng mất người thân, và ngộ ra rằng tất cả mọi thứ là vô thường. Bà đã quay lại chỗ Đức Phật và Ngài nói:

Với những kẻ trái tim đặt vào con cái và tài sản

Bám víu vào chúng trong suy nghĩ của mình,

Cái chết đến như một trận lụt lớn trong đêm,

Cuốn đi những ngôi làng đang chìm sâu trong giấc ngủ.

Như vậy thế gian bị chi phối bởi cái chết và sự hư hoại. Chúng ta đều đã biết về cái chết, về sự chia ly …, biết rằng tất cả mọi thứ trên đời đều là vô thường. Tuy nhiên, suy nghĩ về vô thường dường như không giúp ích nhiều khi một người đang chịu đựng sự mất mát to lớn.

Vậy khi nói đến vô thường, Đức Phật đã dạy gì cho chúng ta?

Sự thật về vô thường mà Đức Phật dạy thì sâu sắc hơn, vượt lên trên điều mà chúng ta từng biết. Đức Phật dạy rằng có sự thay đổi trạng thái tâm từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, và rằng các đơn vị vật chất (sắc) cấu thành nên thân thể cũng biến hoại trong từng khoảnh khắc. Ngài dạy bản chất của thế gian là vô thường và bản chất của vô thường là sự hoại diệt lập tức của các pháp (dhamma). Ngay sau khi chúng sinh khởi lên thì chúng diệt đi, chúng ra đi và biến mất vĩnh viễn. Ngài dạy chúng ta phát triển loại tuệ giác kinh nghiệm trực tiếp sự sinh khởi và diệt đi của các hiện tượng danh và sắc (tức các hiện tượng tâm và thân).

Sau này khi đã trở thành đệ tử của Đức Phật, bà Kisā-gotamī không chỉ đơn thuần đã suy nghĩ về sự vô thường của đời sống mà đã trực nhận được sự hoại diệt từng khoảnh khắc của các hiện tượng danh sắc và điều này đã thay đổi cơ bản thế giới quan của bà.

Bản chất sinh diệt của tâm và thân

Mỗi trạng thái tâm sinh khởi và diệt đi trong từng khoảnh khắc (sát-na). Tại khoảnh khắc này chúng ta có thể đang nói những điều tử tế nhưng ở khoảnh khắc tiếp theo thì chúng ta hoàn toàn có thể nổi nóng và giận dữ, thậm chí có thể la hét. Bỗng chốc chúng ta dường như biến thành một người khác hẳn. Từ ái đã biến mất và sự nóng nảy (một trạng thái tâm khác) đã sinh khởi để thế chỗ.

Cũng tương tự, cái thấy, cái nghe, cái suy nghĩ, tất cả là những khoảnh khắc khác nhau của tâm, từng tâm sinh khởi và diệt đi ngay lập tức. Chúng sinh khởi theo duyên riêng của chúng. Cái thấy phụ thuộc vào nhãn căn (mắt) và đối tượng của nó là màu sắc. Các yếu tố làm duyên này không tồn tại kéo dài nên cái thấy cũng không thể tồn tại kéo dài. Mọi hiện tượng tâm và thân bị chi phối bởi duyên (tức các “pháp hữu vi”, hay các “thực tại”) đều phải diệt đi.

Do khoảnh khắc tâm vừa diệt đi được tiếp nối ngay bởi một khoảnh khắc tâm mới, nên dường như có một tâm kéo dài mãi. Tuy nhiên cuộc sống của chúng ta thực ra là sự tiếp nối của các khoảnh khắc tâm sinh diệt liên tục. Các hiện tượng vật chất cũng vậy, sinh khởi rồi diệt đi. Đôi khi có cái nóng, cái lạnh, đôi khi có cái mềm, cái cứng …, điều này cho thấy có sự thay đổi của các hiện tượng thân. Những gì mà chúng ta gọi là cái chết cũng là các hiện tượng vật chất sinh diệt liên tục do các duyên riêng của chúng. Khi chúng ta khóc, cười, giơ nắm đấm giận dữ, đưa tay ra bố thí thì có những hiện tượng thân khác nhau bị tác động bởi các trạng thái tâm khác nhau sinh rồi diệt.

Chúng ta biết rằng thân thể cũng bị hoại diệt, có tuổi già và cái chết, nhưng mức độ hiểu biết này vẫn chưa thể trực nhận sự diệt đi trong từng khoảnh khắc của các đơn vị vật chất trên thân bởi vì sự sinh diệt này diễn ra vô cùng nhanh.

Cuộc sống trong từng khoảnh khắc

Chúng ta quan niệm cuộc sống tồn tại kéo dài từ khoảnh khắc sinh ra cho đến khi chết đi. Nhưng nếu xét ở góc độ khoảnh khắc sinh và diệt của mỗi thực tại (pháp) thì có thể nói rằng có sinh và tử ở từng khoảnh khắc.

Cái thấy sinh khởi nhưng không kéo dài mà diệt ngay lập tức. Khoảnh khắc tiếp theo có cái nghe, nhưng cái nghe cũng vậy, không kéo dài. Suy nghĩ cũng thay đổi mỗi khoảnh khắc, luôn có suy nghĩ về nhiều điều khác nhau. Có thể thấy rằng chỉ có thể tồn tại suy nghĩ về một thứ, không thể nhiều hơn một, tại một thời điểm. Có vẻ như suy nghĩ kéo dài nhưng trong thực tế chỉ có những khoảnh khắc tâm khác nhau tiếp nối cực nhanh. Cảm thọ cũng thay đổi liên tục, có cảm giác dễ chịu tại khoảnh khắc này, khoảnh khắc khác lại có cảm giác khó chịu, và tại thời điểm khác nữa lại là cảm giác thờ ơ…

Đức Phật dạy rằng những gì vô thường là khổ, trong ngôn ngữ Pāli là dukkha [từ Pāli được ưa dùng hơn vì từ “khổ” không bao hàm hết ý nghĩa của đế đầu tiên trong Tứ Thánh Đế]. Cái đau của thân và tâm do tính chất luôn thay đổi của mọi hiện tượng là hình thức đau khổ dễ thấy hơn. Khổ đế gắn với tất cả mọi hiện tượng vốn vô thường của thân và tâm. Chúng là bất toại nguyện bởi vì ngay sau khi sinh khởi, chúng chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi rồi diệt mất hoàn toàn. Sự thật của khổ rất thâm sâu và không dễ để hiểu.

Khổ Đế không chỉ là cái khổ thông thường ở đời

Chúng ta có thể tìm hiểu thêm về Sự thật về khổ, tức Khổ Đế, sự thật này có những điểm khác biệt so với quan điểm thông thường trên thế gian về khổ như thế nào?

Từ xưa đến nay khi mọi người nghe đến từ “khổ” thì điều đó chỉ đến những buồn đau, những chuyện không được như ý trong cuộc sống. Ví dụ như những cái đau đớn trên thân khi ta bị ốm đau bệnh tật hay là những cái đau nhỏ như bị đứt tay hay bị đau răng …. Đó là những cái khổ trên thân. Rồi những kinh nghiệm khó chịu trên tâm như là những chuyện buồn không như những gì ta mong đợi, những người mình yêu thương thì mình phải chia xa và những người mình không thích thì mình lại phải ở cạnh họ, rồi những gì ta mong muốn thì lại không đạt được…. Thông thường khi nói đến khổ thì chúng ta liên hệ đến những điều như thế.

Nhưng Sự thật về khổ mà Đức Phật đã giảng thì không chỉ như vậy. Nó không loại trừ những cái khổ đó nhưng đó là những cái khổ mà ai cũng biết, không cần một Đức Phật ra đời để dạy những điều ấy là khổ. Khổ đế mà Đức Phật dạy chính là bản chất của pháp luôn luôn sinh và diệt. Vì thế nếu như ai đó nói về Khổ Đế mà không nói về pháp chân đế và không nói về sự sinh và diệt của pháp thì người đó chưa nói về Khổ Đế mà Đức Phật đã giác ngộ.

Có thể thấy nếu như ta không được nghe về những điều này thì không bao giờ ta suy xét đến việc ngay bây giờ mọi thứ đều đang biến mất, mọi khoảnh khắc đều đang biến mất, đều nằm ngoài tầm kiểm soát, cứ như thế sinh khởi và diệt đi, chẳng có ai ở đó cả. Sự thật này thì chỉ có thể được biết nhờ giáo lý của Đức Phật. Và đó là Khổ đế.

Khổ đế và Pháp chân đế

Đức Phật đã nói như sau trong Kinh Chuyển pháp luân:

“Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỳ-khưu. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.”

Năm Uẩn (hay Ngũ Uẩn – tiếng Pāli là khandhas)) ở đây là tất cả các hiện tượng vật chất và tâm trong cuộc sống của chúng ta, được phân loại thành năm nhóm: nhóm các hiện tượng vật chất (sắc) và bốn nhóm các hiện tượng tâm (danh) gồm: Thọ, Tưởng, Hành (các hoạt động của tâm, bao gồm cả tính chất thiện và bất thiện) và Thức. Năm nhóm này bao trùm tất cả các hiện tượng đời sống. Cả năm đều sinh khởi bởi duyên riêng của chúng và rồi diệt đi. 

Cái thấy là khổ bởi nó sinh và diệt. Màu sắc là khổ, cảm thọ dễ chịu cũng là khổ, thậm chí cả những trạng thái tâm thiện cũng là khổ vì tất cả chúng đều vô thường.

Đến đây chúng ta có thể tóm tắt lại một chút:

. Trong Thánh đế về Khổ (Khố đế) Đức Phật không đề cập đến Cuộc đời hay Đời sống. Thực chất không có Đời sống, chỉ có các khoảnh khắc của đời sống nối tiếp nhau: khoảnh khắc của sanh, lão, bệnh, tử, khoảnh khắc của sầu, bi ….

. Khổ đế cũng không đặt trọng tâm vào Đời sống mang tính lý thuyết chung chung, Khổ đế nhìn dukkha từ góc độ các khoảnh khắc cá biệt của từng cá nhân. Các khoảnh khắc này được tóm tắt bằng từ “năm thủ uẩn”.

. ”Năm thủ uẩn” nói đến toàn bộ các “uẩn”. Từ này là từ khoá riêng của đạo Phật, nó có nghĩa là “các thực tại sinh lên và rồi diệt đi ngay lập tức bởi các điều kiện (= duyên hệ, tiếng Pali là paccaya). “Uẩn” cũng tương đương với từ “pháp hữu vi” (sankhara).

. Sự thật rằng ”Năm thủ uẩn là khổ” vì thế tương đồng và thống nhất với một câu nói khác của Đức Phật: “Toàn bộ các pháp hữu vi là dukkha” (Sabbe sankhara dukkha) . Toàn bộ các pháp hữu vi là dukkha vì thế cũng là một câu tóm tắt ý nghĩa của Khổ đế

Chìa khoá để thực sự hiểu Khổ đế là hiểu đúng về pháp hữu vi. Các pháp hữu vi không dễ để hiểu, chúng là các thực tại tột cùng hay còn gọi là các “pháp chân đế” – paramattha dhammas.

Hiểu biết thực sự về Khổ bắt nguồn từ Hiểu biết về các pháp

Đến đây ta đã biết: Không thể hiểu Khổ đế nếu không hiểu bản chất sinh diệt (tính vô thường) của mọi hiện tượng.

Tất cả mọi hiện tượng đều vô thường. “Tất cả” ở đây là những gì? Theo Tương Ưng Bộ kinh (Thiên Sáu Xứ, Năm Mươi Kinh thứ nhất, Chương 3, §23 Tất cả) Đức Phật đã nói với các tỳ kheo khi Ngài ngự tại Xá vệ (Sāvatthī) như sau:

Mắt và các sắc; tai và các tiếng ; mũi và các hương; lưỡi và các vị ; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả.

Từ bài kinh này chúng ta thấy rằng “Tất cả” mà Đức Phật mô tả là rất cụ thể và liên quan đến tất cả các thực tại, hay còn gọi là các pháp chân đế trong cuộc sống hàng ngày:

– Cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác qua nhãn căn;

– Cái nghe kinh nghiệm âm thanh qua nhĩ căn;

– Cái ngửi kinh nghiệm mùi qua tỷ căn;

– Cái nếm kinh nghiệm vị qua thiệt căn;

– Sự kinh nghiệm các đối tượng xúc chạm qua thân căn;

– Sự kinh nghiệm các đối tượng là pháp trần qua ý môn (sự suy nghĩ).

Như vậy “tất cả” ở đây là tất cả các pháp chân đế, thứ thực sự tạo nên mọi hiện tượng. Không thể hiểu tính vô thường của mọi hiện tượng nếu không hiểu về bản thân các pháp chân đế mà Đức Phật mô tả. Khi bắt đầu tiếp cận với Giáo lý Đạo Phật, người ta có thể ngạc nhiên khi thấy rằng Đức Phật luôn lặp đi lặp lại về các thực tại (tức các pháp chân đế) như cái thấy và cái nghe. Bởi vì “tất cả”: bao gồm cái thấy/ cái nghe … cần được hiểu, nhưng sự thực là chúng ta còn rất thiếu hiểu biết về các pháp. Thông thường, người ta hay đắm chìm trong suy nghĩ về những người mình đã thấy hoặc lời nói mình đã nghe; người ta không bao giờ chú ý đến bản thân cái thấy/ cái nghe và cũng hoàn toàn không biết về lợi ích của điều này.

Giá trị của Hiểu biết (về pháp chân đế)

Sự Thật về khổ sẽ không thể được chứng ngộ chỉ dựa đơn thuần trên cái hiểu lý thuyết ở mức độ suy xét về tính vô thường của các thực tại (tức “pháp chân đế”) trong đời sống mà sẽ cần có hiểu biết trực nhận ở chính bản thân mỗi Phật tử về sự sinh và diệt, về sự biến hoại trong từng khoảnh khắc của các pháp. Mặc dù việc có được hiểu biết trực nhận như vậy cần rất nhiều thời gian và cực kỳ khó khăn nhưng chúng ta có thể bắt đầu phát triển thêm hiểu biết về các thực tại trong cuộc sống của mình.

Chính vì thế Đức Phật đã dạy Pháp để mọi người có thể tìm hiểu tất cả các thực tại, và hiểu biết về mặt lý thuyết — tất cả những gì có thể được kinh nghiệm đều vô thường và do đó là bất toại nguyện và khổ — có thể là nền tảng cho hiểu biết trực tiếp các các pháp (dhamma) xuất hiện trong đời sống hàng ngày.

Từ “dhamma” có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng theo nghĩa rộng nhất thì dhamma – pháp là tất cả những thực tại có thật, và có đặc tính riêng của nó. Ví dụ: cái thấy là pháp, là dhamma, dính mắc (tham) là dhamma, tức giận (sân) là dhamma. Chúng là những thực tại có thể được kinh nghiệm bởi tất cả mọi người và khi các thực tại này sinh khởi chúng ta có thể học cách phân biệt các đặc tính khác nhau của chúng.

Chúng ta chất đầy tham, sân, bủn xỉn, kiêu mạn, ganh tị, chúng ta chất đầy phiền não, nhưng hiểu biết về tất cả những thực tại này vẫn có thể được phát triển. Ví dụ, nếu sự khó chịu bị kìm nén thay vì tìm hiểu đặc tính của nó khi nó xuất hiện, sẽ không có hiểu biết về cách sự khó chịu hình thành như thế nào và sẽ không biết được rằng chính sự dính mắc làm duyên cho sự khó chịu.

Sự vô thường của các pháp (dhamma) và sự hoại diệt của chúng chỉ có thể được nhận ra ở giai đoạn sau của quá trình phát triển trí tuệ. Có nhiều mức độ trí tuệ biết về Sự thật về khổ và cuối cùng sẽ có thể có mức độ trí tuệ chứng ngộ trực tiếp rằng tất cả các pháp hữu vi sinh diệt là khổ (dukkha).

Bài viết được gửi về từ độc giả An Le

Tìm hiểu thêm về tác giả bài viết tại: http://emptyan.blogspot.com/2022/11/goc-nho-vi-dieu-phap.html 

Share This Post!