Một vấn đề trung tâm của cuộc sống như chúng ta vẫn biết là Cảm xúc.

Con người luôn chạy theo những cảm xúc được cho là “tốt đẹp”: cảm giác bình an, cảm giác nhẹ nhàng/ dễ chịu, cảm giác êm đềm, cảm giác vui vẻ, cảm giác sung sướng … Con người tìm kiếm trong cuộc sống những thứ đem lại các cảm giác đó: từ những vật chất cụ thể như tài sản tiền bạc tới những thứ trừu tượng hơn như danh vọng, quyền lực, tình ái, rồi quay vào các giá trị tự thân như các trải nghiệm, lối sống, cách tư duy, sự kiên trì theo đuổi ước mơ, khát vọng kiến tạo, các kỹ năng cụ thể: chơi đàn, làm thơ.., và cuối cùng là các từ các câu chuyện siêu hình về tín ngưỡng, tu tập tâm linh… Những cuộc tìm kiếm ấy có đối tượng khác nhau và đôi khi đối tượng trở nên có vẻ rất thanh tịnh …., nhưng nó luôn phục vụ cho mục tiêu rốt ráo là một cuộc sống với chỉ toàn các cảm giác “tốt đẹp” được đảm bảo.

Nhưng có thật sự tồn tại một cuộc sống như vậy không? Một cuộc sống như vậy có dành cho tất cả mọi người không?… Và Giáo pháp thì sao, cách tiếp cận của Giáo pháp có gì khác?

Thay vì vô vàn lựa chọn mà cuộc sống có vẻ đang đem đến cho chúng ta, Giáo pháp dẫn ta đến với cái hiểu về bản chất thực sự của cuộc sống một cách trực tiếp. Chỉ có cái hiểu về bản chất thực sự của cuộc sống mới soi sáng con đường đúng cho mọi người.

Và sự thật mà Giáo pháp mang đến cho chúng ta bắt đầu từ một điểm cực kỳ cơ bản:

Trong cuộc sống thì cái gì là thật có, cái gì không?

Như thế, ngay từ đây, Giáo pháp đã vô cùng khác biệt. Câu trả lời của Giáo pháp thực sự đi ngược lại cách hiểu của thế gian từ trước đến nay: Hầu hết những gì con người đang nhận thức trong cuộc sống thực ra đều không phải là có thật, cái thực sự có thật thì vô cùng vi diệu và không dễ gì có thể hiểu trực tiếp.

I. Sự thật theo Giáo pháp thì ngược lại

Những cái hiểu đầu tiên về cuộc sống theo đúng Giáo pháp cũng là những cái hiểu ngược với cái hiểu thông thường trong xã hội!

“Nghe giảng về Pháp thì rất là khó nhưng cũng rất đáng quý. Từ góc độ cuộc sống thì việc nghe Pháp cho ta một lăng kính hoàn toàn mới, rất đáng để chúng ta suy xét kỹ hơn. Lăng kính này trái ngược với những điều bấy lâu nay chúng ta vẫn nghĩ từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, trái ngược hoàn toàn với những điều mà tất cả mọi người xung quanh mình nói về.

Vậy ta cùng tìm hiểu sự trái ngược này một chút.

  1. Cuộc sống luôn là có “tôi làm việc gì” : tôi nghe, tôi nhìn, tôi làm việc, tôi đạt được…. Còn sự thật về cuộc sống trong Giáo pháp là không có cái tôi nào cả
  2. Trong cuộc sống dường như ta quyết định được, ta lên kế hoạch được thì sự thật là không có con người nào quyết định hay lên kế hoạch cả
  3. Tất cả mọi thứ dường như rất có thực, nhưng sự thật là chẳng có cái gì tồn tại lâu dài cả. Thế cho nên những thứ như “tôi muốn tìm lại chính mình”, “tôi muốn trở thành” … thì là lối suy nghĩ của ta từ trước đến nay và theo cách nghĩ của mọi người xung quanh. Tuy nhiên từ góc độ Giáo pháp thì sự thật trái ngược hoàn toàn lại những lối nghĩ thông thường đó. Khi học Giáo pháp thì ta cần suy xét từng thứ một: Tôi là gì? Tôi có thấy không? Cái được thấy có phải là cái bàn … không?
  4. Ta nghĩ rằng ta đang sống một cuộc sống rất là dài: từ khi sinh ra đến bây giờ mấy chục năm và sẽ sống tiếp. Nhưng trong Giáo pháp thì cuộc sống chỉ là một khoảnh khắc, nghĩa là cuộc sống mà Đức Phật dạy hoàn toàn ngược lại với tất cả những gì ta tưởng tượng vì thực chất cuộc sống thì rất tạm bợ và nó là ngay bây giờ. Lúc nãy là nhìn, bây giờ lại là âm thanh, rồi bây giờ lại là suy nghĩ, rồi lại sang cái nghe ….Thực chất cái kinh nghiệm trong cuộc sống thì chỉ rất là tạm bợ trong khoảnh khắc đấy rồi lại được thay thế bằng một cuộc sống tiếp theo ở khoảnh khắc kế tiếp.

Để hiểu được cặn kẽ những sự thật đó thì liệu nghe giảng xong chúng ta có hiểu được ngay không? Không. Bởi vì ta có xu hướng tích luỹ những suy nghĩ về con người, về “cách làm”, về “trở thành”, “quay về”…. Những suy nghĩ đó đã được tích luỹ rất lâu dài rồi và để ngược dòng về với sự thật thì cần phải thiết lập thói quen mới, thói quen đó là nghe về sự thật và suy xét về sự thật, xem là nó có đúng như ta vốn tưởng tượng ra như thế không?

Đó là bản chất sự thật lúc này để suy xét !”

II. Chỉ là những khoảnh khắc Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ liên tiếp

Đức Phật đã giác ngộ về sự thật tối hậu, về bản chất thật sự của cuộc sống. Và cái mà gọi là bản chất thật sự của cuộc sống thì đó là những gì đang diễn ra hiện giờ.

Ví dụ trong thế gian thì gười ta nói rằng: “đây là một nhóm người đang ngồi ở Hà nội và đàm đạo với nhau”, nhưng sự thật mà Đức Phật thuyết giảng thì là:

.Hiện giờ có những khoảnh khắc

.Có khoảnh khắc nghe, có khoảnh khắc thấy,

.Có khoảnh khắc suy nghĩ về cái được nghe và,

.Có khoảnh khắc suy nghĩ về cái được thấy.

Thông thường thì nói đến “nghe” và “thấy” thì mọi người liên hệ ngay là: mình đang nghe và mình đang thấy, nhưng Đức Phật đặt câu hỏi:

Có ai ở trong “cái nghe” hay là có ai ở trong “cái thấy” không?

Hiện giờ đang có “cái thấy” thấy hình ảnh, mầu sắc qua mắt. Một người mù có thể thấy không? Hoặc một người điếc có thể nghe không? Nếu ta bảo một người mù mô tả nét mặt ai đó thì họ có thể làm được không? Không làm được bởi vì không có “cái thấy” ở nơi họ. Nếu hỏi một người điếc rằng người này nói to hay người này nói nhỏ thì họ có biết không? Không, bởi vì họ không có “cái nghe” âm thanh. Đó là một sự thật rất là đơn giản.

Chắc chắn là một người mù thì không thể thấy, một người điếc thì không thể nghe. Ngược lại, với chúng ta là những người có mắt thì ai có thể ngăn việc thấy hay là việc nghe diễn ra? Ai có thể tự làm cho mình thấy hoặc không thấy, nghe hay không nghe được không?

*Khi nói về “cái thấy” ở đây, ta chỉ đơn thuần nói về việc có một cái gì đó được nhận biết qua mắt, chưa nói đến “thấy người này” hay là “thấy người kia”… Chỉ đơn thuần là có một sự nhận biết qua mắt và đó là định nghĩa của “cái thấy”

Không ai kiểm soát các khoảnh khắc cả!

Hãy suy xét đến việc liệu ta có thể tự tạo ra “cái thấy” hiện giờ không hay “cái thấy” tự nó diễn ra? Ta có thể khiến cho “cái nghe” dừng lại không, hay “cái nghe” tự nó đang tự diễn ra? Bạn đã thử cố gắng không thấy hoặc không nghe chưa? Hãy thử ngay bây giờ. Không thể được, đúng không?

Bây giờ không thể được và liệu có lúc nào bạn có thể dừng được thấy, dừng được nghe không?

Nếu “cái nghe” nó vẫn đang diễn ra thì nó sẽ luôn là như vậy thôi chứ không thể khác được. Thực chất không có sự kiểm soát nào với “cái thấy”, với “cái nghe”, nó tự diễn ra. Và lý do nó có thể tự diễn ra là bởi có mắt và có tai. Hễ có mắt, có ánh sáng, có “cái được thấy” thì lúc đó có “cái thấy” thôi. Tự nhiên như vậy.

Hơn nữa, có cái gì là “bạn” ở trong cái thấy không? Hay đơn thuần là “cái thấy” nó thấy thôi? Như bây giờ, tất cả mọi người ở đây đều đang thấy. Việc “cái thấy” nhận biết qua mắt có là một cái gì đó riêng của bạn hay riêng của một ai đó không? Không! Nó chỉ đơn thuần là cái tính chất “thấy” đó mà thôi, đúng không! Thế nhưng trước giờ ta vẫn nghĩ “cái thấy” này là “mình thấy”, là “của mình”. Trong khi thực ra trong “cái thấy” này không thể tìm được con người nào, không thể tìm được cá nhân nào!

Không ai kiểm soát được “cái thấy”, và cũng như vậy với “cái nghe”.

Như vậy, ta đã hiểu là khoảnh khắc thấy thì không có ai ở đó, không phải là một con người nào cả, chỉ có “cái thấy” đơn thuần. Khoảnh khắc nghe cũng chỉ đơn thuần là nghe, khoảnh khắc ngửi cũng vậy, chỉ đơn thuần là ngửi. Khoảnh khắc xúc chạm cũng chỉ đơn thuần là sự xúc chạm.

Bây giờ, khi biết nóng hay biết lạnh thì ta nghĩ là: ôi mình nóng/ mình lạnh, nhưng thực chất chỉ có cái sự biết nóng hay là có cái sự biết lạnh và cái sự biết nóng hay biết lạnh đó thì không có một tính chất cá nhân nào và không thuộc quyền kiểm soát của ai. Tự nhiên nó sinh khởi để là chính nó mà thôi.

Như vậy trong thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm thì không có cái gì là cá nhân cả.

Không có người suy nghĩ, chỉ có suy nghĩ đơn thuần

Tiếp đến, về suy nghĩ. Nếu hiện giờ ta không nghe về những chuyện cái thấy, cái nghe … này thì ta có nghĩ về những điều này không ? Có thể ta sẽ nghĩ sang chuyện khác?

Thực ra thì mọi khoảnh khắc trong cuộc sống đều như vậy. Ví dụ, một người nghĩ đến một hình ảnh nào đó, đó là bởi vì đã đã có “cái thấy” hình ảnh đó qua mắt và rồi suy nghĩ về hình ảnh ấy. Như vậy, bản thân suy nghĩ cũng không phải do ta tự tạo ra mà nó cũng tự sinh khởi do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đạo Phật, điều đó gọi là “do duyên”. Cụm từ “duyên sinh” chính là hàm ý này.

Một người không hề biết đến Đạo Phật, không hề biết đến những từ như “pháp” … thì không thể nghĩ về pháp được. Họ phải từng được nghe về những thứ đó thì mới có suy nghĩ về chủ đề ấy. Bây giờ ta có thể nghĩ về tiếng Trung Quốc hay tiếng Nhật nếu ta chưa từng biết tiếng Trung Quốc hay tiếng Nhật không? Không thể. Thực tế là như thế, mỗi một suy nghĩ cần phải có nhiều duyên để khiến nó sinh khởi, và không ai có thể điều khiển được suy nghĩ.

Ai cũng có thể ở trong tình trạng nghĩ nhiều miên man và không ngủ được, hay có lúc bận tâm về một vấn đề gì đó và rất muốn nghĩ sang chuyện khác để không bị mệt mỏi với vấn đề không thể giải quyết ấy, nhưng mà không thể làm được gì. Những suy nghĩ cứ thế mãi luẩn quẩn loanh quanh trong đầu! Ai đó có thể tưởng rằng có nhiều lúc mình điều khiển được suy nghĩ và có đôi lúc mình không điều khiển được suy nghĩ, nhưng thực chất, ở mỗi khoảnh khắc đều không có con người nào điều khiển suy nghĩ cả.

Cuộc sống chỉ là những khoảnh khắc sinh diệt như vậy

Như đã giải thích ở trên, trong cái thấy không có gì là “mình” ở đó, nó chỉ đơn thuần là thấy. Nghe chỉ đơn thuần là nghe, ngửi chỉ đơn thuần là ngửi, nếm chỉ đơn thuần là nếm, xúc chạm chỉ đơn thuần là xúc chạm và suy nghĩ cũng chỉ đơn thuần là suy nghĩ.

Và liệu ngoài thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ thì còn có cái gì trong cuộc sống nữa không?

Hãy suy xét kỹ về điều này, suy xét bất kỳ hành động, bất kỳ sinh hoạt hàng ngày nào: đọc sách, đi chợ, đi làm, bán hàng, nấu ăn…. Ta sẽ thấy mọi hoạt động đó đều là những câu chuyện dài, mọi câu chuyện dài đều hình thành từ nhiều khoảnh khắc mà thôi. Và mỗi khoảnh khắc thì chỉ có thể hoặc là thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hoặc là suy nghĩ. Liệu một khoảnh khắc có thể nằm ngoài những thứ đó? Có hành động nào mà bao gồm cái gì khác ngoài thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ không?

Việc ta đi làm hay đi chơi đâu đó, làm một việc gì đó thì nó vẫn nằm ở trong cái gói là thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ. “Đi làm”, “đi chơi” … là mô tả một tình huống trong đó có rất nhiều khoảnh khắc thấy, rất nhiều khoảnh khắc nghe, rất nhiều khoảnh khắc ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ. Tất cả mọi thứ trong cuộc sống chỉ được gói gọn như vậy, chỉ nằm ở trong tập hợp của các khoảnh khắc ấy thôi, ngoài ra không còn gì khác nữa!

Không còn gì khác nữa trong cái gọi là cuộc sống cả. Mọi thứ chỉ quy về những cái khoảnh khắc nhận biết mà thôi. Và khi ta đã xem xét từng khoảnh khắc rồi thì không có cái gì là “mình” hay “của mình cả. “Cái thấy” chỉ là một cái tính chất chung thôi. Lúc nào có cái thấy dù là ở nơi anh A. hay là chị B. hay là bất cứ người nào thì nó vẫn chỉ là thấy và tương tự với những thứ khác.

Nếu như không học Giáo pháp thì trong cuộc sống thì chúng ta luôn nghĩ là có một cái mình ở đây để quyết định mọi thứ, có khả năng kiểm soát được tình hình nhưng mà sự thật thì không phải là như vậy. Đức Phật đã chỉ ra rằng là đó chính là sự “vô minh” về thực tại. Không chỉ là vô minh mà còn có tà kiến (quan kiến sai lầm). Khi ta cho rằng là có một cái “mình” ở đó thì đó là tà kiến. Cho là có một con người nào đó, có một tự ngã ở đó đều là cái vô minh không hiểu về sự thật của cuộc sống.

III. Vô ngã và ba gánh nặng

Thế thì liệu việc chúng ta hiểu những điều trên, hiểu rằng cuộc sống chỉ là những khoảnh khắc của nhận biết, những khoảnh khắc của tâm tự nó diễn ra ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai thì có lợi ích gì? Chúng ta có ngay lập tức giảm thiểu được tà kiến và vô minh không? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ hiểu biết của chúng ta về các pháp chân đế khi chúng xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày.

Mức độ hiểu biết nơi chúng ta hiện giờ thì sao? Chúng ta có bao giờ suy xét về đặc tính của các pháp chân đế trong cuộc sống hàng ngày không? Ít lắm! Mức độ hiểu biết của chúng ta là vô cùng ít. Việc mỗi chúng ta vẫn tiếp tục hành xử theo những tích luỹ vốn có và những khoảnh khắc của tà kiến vẫn tiếp tục sinh khởi là đương nhiên bởi vì tà kiến chỉ được hoàn toàn tận diệt nơi một vị thánh Dự lưu. Mức độ hiểu biết (trí tuệ) như một vị thánh Dự lưu là một mức độ còn rất xa vời với chúng ta.

Thế nên nếu ta hiểu về tiến trình của pháp thì chúng ta sẽ không có thắc mắc là: Tại sao nói về vô ngã mà vẫn còn nhiều tham nhiều sân vậy? Bởi vì hiện ta đã là bậc Thánh tương ứng đâu.

Đó là sự thật, như thế ta cũng bớt đi được một gánh nặng đè lên bản thân rằng: mình là người học Pháp nên mình phải cố hành xử cho mẫu mực. Tất nhiên mỗi người chúng ta đều hiểu giá trị của thiện và hiểm họa của bất thiện ở một mức độ nhất định nên trong chừng mực có thể, khi có đủ duyên thì ta sẽ tránh làm những việc gây tổn hại đến người khác. Nhưng khi có duyên cho bất thiện sinh khởi thì nó vẫn xảy ra thôi…. …..

Đến đây, mọi người có thể có thắc mắc: nếu học Pháp mà rồi vẫn còn y nguyên tham sân si như vậy thì học để làm gì?

Thực ra, khi bắt đầu có được cái hiểu về bản chất của sự thật và thấy được rằng chính hiểu biết ấy xả ly với ý niệm về ngã thì khoảnh khắc đó như là buông đi một gánh nặng trên người. Ta sẽ thấy rõ hiểu biết về bản chất của pháp thực sự giá trị vô cùng. Càng ít hiểu biết thì những gánh nặng mà ta mang theo càng lớn.

Đầu tiên là những cái gánh nặng xã hội, theo nghĩa là những phong tục, bổn phận, những quy ước của xã hội về cách phải làm những việc này như thế này hay như thế kia.

Gánh nặng về những câu chuyện về người này hay người kia là gánh nặng thứ hai.

Gánh nặng về bản thân mình là gánh nặng thứ ba và là gánh nặng nặng nhất, cũng là gốc rễ của các gánh nặng khác. Khi có hiểu biết thì những gánh nặng đó nhẹ bớt hơn rất nhiều. Và sự nhẹ bớt đó thì chỉ được cảm nhận ở nơi tâm của chính người ấy, những người khác không thể biết được. Trí tuệ khi sinh khởi thì làm chức năng hiểu.

IV. Còn vô minh và tham ái thì còn cuộc sống

Sẽ rất hữu ích khi ta suy xét đi suy xét lại câu kệ trong Maha-Niddesa (Đại Nghĩa Tích) được trích dẫn trong Thanh Tịnh Đạo:

Sự sống con người, lạc khổ, chỉ những thứ này

Hợp lại trong một niệm thoáng qua

Các uẩn đã diệt của những người đã chết hay còn sống

Ðều giống nhau, một đi không trở lại

Không có thế giới sanh nếu ý thức không sanh

Khi ý thức có mặt, thì thế giới tồn tại

Khi ý thức tan rã, thế giới chết;

Theo ý nghĩa tuyệt đối là như vậy. Cuộc sống là gì? Là tất cả những gì xuất hiện qua năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và ý môn. Khi cái thấy sinh khởi, cuộc sống là cái thấy; khi cái nghe sinh khởi, cuộc sống là cái nghe; khi suy nghĩ sinh khởi, cuộc sống là suy nghĩ.

Khi chúng ta nghĩ về một người, người ấy dường như tồn tại, nhưng cái chúng ta cho là một con người thực chất chỉ là những pháp sinh diệt thoáng qua. Vui sướng hay đau khổ đều vô thường. Chúng ta dính mắc vào tầm quan trọng của những gì được kinh nghiệm trong cuộc sống, dính mắc vào vui buồn trên thế giới này. Nhưng sự thật là, cuộc sống cực kỳ ngắn ngủi, chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc tâm.

Cái mà chúng ta gọi là cái chết không thực sự khác với những gì đang xảy ra tại từng khoảnh khắc hiện tại. Mỗi khoảnh khắc một tâm (citta) diệt đi đều là một cái chết. Mỗi một tâm sinh và diệt đi hoàn toàn, nhưng nó tạo duyên cho tâm tiếp theo. Tâm cuối cùng của cuộc đời này là tâm cận tử (cuti citta), nó được tiếp nối ngay lập tức bởi tâm đầu tiếp của kiếp sống tiếp theo, được gọi là thức tái sinh (patisandhi-citta) hay thức tái tục. Không có cái ngã nào ở bất kỳ khoảnh khắc nào của cuộc đời chúng ta, vì vậy không có cái ngã hay linh hồn nào đi từ cuộc đời này đến cuộc đời khác.

Đâu là nguồn gốc của cuộc sống? Liệu có điểm khởi đầu cho vòng luân hồi vô thủy của chúng ta không? Chúng ta không thể quay trở lại quá khứ. Nếu muốn biết cái gì đã tạo duyên cho cuộc sống trong quá khứ, chúng ta nên biết cái gì tạo duyên cho cuộc sống trong hiện tại. Liệu có sự dính mắc vào những trải nghiệm hiện giờ không? Chừng nào còn dính mắc vào đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, những thứ được xúc chạm và các đối tượng được suy nghĩ nghĩ về, chừng đó vẫn còn nhân duyên cho cuộc sống tiếp diễn. Như thế, cuộc sống được tạo duyên bởi phiền não là vô minh và tham ái.

Chúng ta đọc trong Đại kinh Sáu xứ rằng Đức Phật, khi ngự gần Sāvatthí trong động Jeta, đã nói với các tỳ kheo:

Này các Tỳ kheo, (bất kỳ ai) không biết, không thấy như chân mắt; không biết, không thấy như chân các sắc; không biết, không thấy như chân nhãn thức; không biết, không thấy như chân nhãn xúc; do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; không biết, không thấy như chân cảm thọ ấy, vị ấy ái trước đối với mắt, ái trước đối với các sắc, ái trước đối với nhãn thức, ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy ái trước đối với cảm thọ ấy. Khi vị ấy trú, quán sát thỏa mãn, bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tích trữ trong tương lai. Và ái của vị ấy đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này, chỗ kia; …

(Trung bộ kinh, Tập III, số 149)

Không có ích gì khi phỏng đoán về điểm bắt đầu của vòng luân hồi, vì điều đó không đưa đến mục đích là tận diệt phiền não. Cuộc sống giống như một bánh xe quay tròn mà không có điểm khởi đầu. Chúng ta sẽ không thể biết mình đến từ cõi nào hay sẽ tái sinh về đâu.

Những sự kiện xảy ra trong cuộc sống của chúng ta hôm nay đều có nhân duyên trong quá khứ. Những xu hướng mà chúng ta tích lũy bây giờ có thể từng có trong quá khứ. Những việc chúng ta làm bây giờ, chúng ta rất có thể đã từng làm trong quá khứ. Trong Giáo lý Đức Phật nói về những việc Ngài đã làm và người khác đã làm tương tự trong quá khứ. Chúng ta không thể nhớ được các kiếp trước của mình, nhưng có thể biết rằng chúng ta đã tích lũy phiền não trong vô lượng kiếp.

Từ “phiền não” có phải quá nặng lời không? Chúng ta thường nghĩ rằng tâm chúng ta cơ bản là trong sáng, chỉ có một chút thiếu sót hay vài khiếm khuyết thôi! “Phiền não” là từ được dịch ra từ tiếng Pāli là “kilesa”. Kilesa là sự ô nhiễm, bất tịnh. Khi biết rõ hơn về những kilesa của mình, chúng ta sẽ thấy được sự xấu xí của chúng và những đau khổ do chúng mang lại. Chúng ta sẽ thấy hiểm họa của chúng, chúng ta sẽ nhận ra chúng đã bám rễ rất sâu dày và phải khó khăn nhường nào để diệt trừ chúng. Chừng nào các phiền não chưa được diệt trừ, chừng đó còn có duyên cho sự tái sinh và cuộc sống còn phải tiếp tục.

Chẳng phải mục đích cao nhất trong cuộc đời chúng ta là hưởng thụ những thứ được kinh nghiệm qua các căn môn hay sao? Đó là của cải, sức khỏe, hay sự có mặt của người thân và bạn bè? Thực tế mọi người đều quên rằng không có bất cứ thứ gì trong những thứ đó kéo dài. Họ quên rằng ngay khi sinh ra thì chúng ta cũng đã đủ già để chết rồi. Ngược lại, những người khôn ngoan thì thấy sự vô thường trong tất cả các pháp hữu vi.

Những người không biết về Giáo pháp và những người khôn ngoan có mục đích khác nhau trong cuộc sống và cũng có quan kiến khác nhau về tương lai. Một số người nghĩ về Tây phương cực lạc như là nơi thỏa mãn mọi mong ước. Họ hy vọng được tiếp tục cuộc sống nơi cõi giới có sự an lạc mãi mãi. Những người khác có thể không nghĩ về kiếp sau, nhưng họ mơ về một thế giới tương lai, một thế giới không có chiến tranh, không có sự bất hòa giữa con người. Nhưng họ không biết làm sao đến được thế giới đó.

Những người có hiểu biết đúng về Giáo pháp thì biết rằng, những gì chúng ta gọi là “thế giới” đều vô thường. Thế giới này được sinh khởi bởi nhân duyên và rồi lại diệt mất. Toàn bộ thế giới đều sinh và diệt. Những người khôn ngoan thì không mơ về một thế giới trong tương lai. Họ biết rằng điều lợi lạc nhất mà một người có thể làm được cho cả bản thân lẫn người khác là diệt trừ phiền não thông qua hiểu biết về sự thật ở ngay chính giây phút hiện tại.

Đức Phật dạy con đường phát triển hiểu biết cho những người muốn diệt trừ phiền não. Một số người phát triển Samatha (thiền định), một số phát triển Vipassanā (thiền minh sát), số khác lại phát triển đồng thời cả Samatha và Vipassanā. Những người phát triển Vipassanā sẽ biết thế giới thực sự là gì; họ sẽ biết rằng có “sáu thế giới”: thế giới của đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, đối tượng xúc chạm và đối tượng của suy nghĩ. Họ sẽ biết rằng những thế giới này đều vô thường. Đức Phật, với minh nhãn, biết tất cả các thế giới này ở mọi khía cạnh; Ngài được gọi là “Người hiểu rõ thế gian” hay “thế gian giải” (lokavidū)

IV. Không dễ biết bản chất thật của thế gian

Ai đấy có thể nghĩ rằng cuộc sống trong thế gian này là dễ chịu khi họ kinh nghiệm rất nhiều hạnh phúc, nhưng sẽ không thể có hạnh phúc một cách liên tục, các cảm thọ dễ chịu sinh khởi trong khoảnh khắc ngắn ngủi rồi diệt đi. Nếu mọi người không nghiên cứu thực tại và không biết chúng như chúng là (thấy biết như thật), họ không biết thế gian là gì và nó bao gồm những gì.

Chừng nào ta còn chưa xuyên thấu đặc tính của thực tại sinh và diệt tiếp nối nhau rất nhanh, ta vẫn cho cái xuất hiện là một khối, một chúng sinh, một con người hay một thứ. Khi ấy chúng ta không biết thế gian là gì. Một người có thể đã nghiên cứu địa lý, lịch sử hay khoa học, nhưng tất cả những kiến thức kỹ thuật hay khoa học không thể giúp cho người ấy thấy biết thế gian như thật.

Liệu thế gian có phải là nơi trú ẩn cho chúng ta không? Chúng ta dính mắc vào cảm thọ dễ chịu, nhưng mỗi khi nó sinh khởi thì lại diệt đi một cách hoàn toàn và cảm thọ ấy không thể quay lại được nữa.

Việc suy xét rằng liệu chúng ta đã sẵn sàng từ bỏ ý niệm về chúng sinh, về con người, về cái ngã hay chưa là rất quan trọng. Tại khoảnh khắc này không có ngã, nhưng liệu ta đã sẵn sàng xả ly với thế gian hay chưa? Chỉ khi ta biết một cách rõ ràng rằng không có một tự ngã, không có chúng sinh hay con người, khi đó ta mới có thể xả ly với thế gian và hoàn toàn thoát khỏi nó.

Một số người không thể chịu đựng được sự thực rằng không có một tự ngã đang thấy, đang nghe, đang kinh nghiệm các đối tượng giác quan khác nhau. Họ không thể chấp nhận rằng, theo nghĩa tuyệt đối, không có họ hàng và bạn bè, không của cải, không có những thứ mà họ vui thú. Thông thường mọi người không tin rằng họ cần phải giải thoát khỏi thế gian. Để có thể từ bỏ tà kiến về tôi và của tôi, ta cần phát triển trí tuệ để biết tất cả các thực tại đang xuất hiện như chúng là. Khi ấy, chúng ta thực sự biết thế gian trong đó chỉ có các thực tại mà thôi.

Không dễ biết thế gian thực sự là gì. Những người đã học sự thật về thế gian mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng cần phải suy xét một cách cẩn thận những gì mình học từ góc độ cuộc sống hàng ngày. Họ cần tiếp tục phát triển hiểu biết (trí tuệ) để nó trở nên sắc bén hơn và hay biết các đặc tính của thực tại tạo nên thế giới ấy như chúng là.

Chúng ta cần phải biết thế gian ở ngay khoảnh khắc này, chứ không phải ở một thời điểm nào khác. Chúng ta cần phải biết thế gian khi có cái thấy, nghe, ngửi, nếm, kinh nghiệm đối tượng xúc chạm hay suy nghĩ ngay chính lúc này đây. Ta cần nghe Pháp và nghiên cứu các pháp để có được sự hay biết, suy xét và hiểu biết về các đặc tính của thực tại xuất hiện qua sáu cửa giác quan, đó là cách duy nhất để trí tuệ có thể phát triển và biết thế gian sinh diệt trong từng khoảnh khắc ngay bây giờ.

— Lời bạt của người viết —-

Bài viết được biên tập lại dựa trên nội dung các buổi pháp đàm của Vietnam Dhamma home và  ấn bản của tác giả Nina Van Gorkom do Vietnam Dhamma Home xuất bản

—- Lưu ý (disclaimer) —-

Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.

Bài viết được gửi về từ độc giả An Le

Tìm hiểu thêm về tác giả bài viết tại: http://emptyan.blogspot.com/2022/11/goc-nho-vi-dieu-phap.html 

Share This Post!