I. Hai yếu tố cơ bản

Cuộc sống là gì? Cuộc sống có gì? Đây là một vấn đề hết sức cơ bản nhưng không vì thế mà dễ hiểu, dễ biết.

Một cách trực quan, cuộc sống là những gì có quanh ta: cái bàn, cái ghế, mặt trăng, mặt trời, cây cỏ, muông thú, con người, thức ăn, đô thị, xe cộ …. Ta tạm gọi chúng là các thực tại.

Theo quan điểm triết học, các thực tại đó được khái quát lại chỉ còn 2 yếu tố cơ bản.

Yếu tố thứ nhất cũng là điểm chung làm nên mọi thực tại có thể nhìn thấy hoặc đo lường được: Vật chất. Yếu tố thứ hai, một cách hết sức tự nhiên, khái quát tất cả những gì không phải là Vật chất, nằm ngoài vật chất, hay gọi là Phi vật chất. Bài này xin gọi Yếu tố thứ hai này là Ý thức.

Vật chất là những thứ hữu hình (tangible), còn Ý thức thì không có hình hài, trừu tượng và khó đo đếm và vì thế khó nắm bắt hơn. Một số người thậm chí tỏ ra khá mơ hồ về sự tồn tại của chúng khi được hỏi, trả lời khá linh tinh khi được hỏi về sự khác biệt giữa người và máy chẳng hạn. …

Ở mức độ sâu hơn, bản thân sự phân chia thực tại ra làm Vật chất và Ý thức cũng dẫn đến một vài câu hỏi sâu sắc đến mức hiện tại vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát: Vật chất/ Ý thức khởi đầu thế nào? Cái nào có trước? Có phải thứ này sinh ra thứ còn lại?

II. Về vật chất và ý thức

Các tư tưởng đều đồng ý ý thức khác với vật chất ở một điểm cơ bản: Khả năng nhận biết, suy nghĩ, cảm xúc, kinh nghiệm. Chính ý thức là cái làm nên chủ thể. Một cơn bão có thể gây ra những tàn phá ghê gớm nhưng không ai đi kiện “cơn bão” hết. Khi chiếc xe gây tai nạn, trách nhiệm thuộc về những chủ thể có ý thức chứ không thuộc về bản thân chiếc xe.

Vật lý học hiện đại đã tìm hiểu rất kỹ về thế giới vật chất, nhưng ko trả lời được nguồn gốc của ý thức là gì, ko chứng minh được vật chất “sinh ra” ý thức như thế nào. Trách nhiệm tìm hiểu ý thức chủ yếu được đảm nhận bởi Tâm lý học nhưng ngành này cũng mới chỉ dừng lại ở mức đưa ra các giả thuyết về cấu trúc và cách hoạt động chứ chưa thực sự đi sâu được vào bản chất của tâm trí.

Triết học “duy vật biện chứng” của Marx thì tin rằng tất cả chỉ là Vật chất. Ý thức do đó được sinh ra từ Vật chất. Nhưng không phải ai cũng đồng ý. Có rất nhiều trường phái triết học khác tin điều ngược lại: Tất cả chỉ là Ý thức và Vật chất là do Ý thức sinh ra, gọi là các trường phái “duy tâm”.

Sau đây, bài viết sẽ giới thiệu một cách tiếp cận khác rất đáng để nghiên cứu và tham khảo.

III. Các lượng tử thực tại?

Không rơi vào duy vật hay duy tâm, cách tiếp cận đặc biệt này nói rằng vật chất và ý thức cùng song song tồn tại với các đặc điểm sau:

Các thực tại được hình thành từ những thứ mà trong khuôn khổ bài viết này tôi xin được tạm gọi là các đơn vị thực tại vô cùng vi tế. Các đơn vị thực tại (ĐVTT – một lần nữa xin lưu ý đây là thuật ngữ cá nhân) này là những “viên gạch” cơ bản xây dựng nên toàn bộ thế giới. Ở mức độ tột cùng, những gì thực sự tồn tại chỉ là các “đơn vị thực tại” mà thôi.

Cụ thể hơn, có 2 loại đơn vị thực tại, một loại là các “đặc tính vật chất” (ĐTVC – xin lưu ý đây là thuật ngữ cá nhân) và loại kia là các “đơn vị ý thức” (ĐVYT – xin lưu ý đây là thuật ngữ cá nhân). Cái thấy là một đơn vị ý thức, cái nghe, ngửi, nếm, nghĩ …. là một đơn vị ý thức. Tính cứng là một đặc tính vật chất, tính nóng, tính kết dính …. là một đặc tính vật chất.

Các đơn vị thực tại không những vô cùng nhỏ bé mà còn vô cùng ngắn ngủi. Các đơn vị này sinh lên và rồi lại diệt đi trong chớp mắt. Ngay sau khi một đơn vị thực tại diệt đi lại có một đơn vị thực tại khác sinh lên thay thế để rồi lại diệt đi ngay nhường chỗ cho một đơn vị thực tại khác nữa cũng sinh lên rồi diệt ngay, cứ thế, cứ thế …

Các đơn vị thực tại không sinh khởi một mình mà luôn phải sinh khởi cùng với các thực tại khác. Đơn vị ý thức phải dựa vào đặc tính vật chất để sinh khởi. Chúng nương tựa và sinh khởi cùng nhau theo những quy luật bất biến nhưng vô cùng phức tạp.

Một sinh vật chỉ là một tập hợp các đơn vị ý thức và đặc tính vật chất sinh diệt liên tiếp cùng nhau, kết hợp với nhau, vận hành cùng nhau. Một con người chẳng hạn thì không tồn tại thật, mà cái thực sự tồn tại chỉ là sự vận hành của các đơn vị thực tại vô cùng ngắn ngủi cứ sinh lên rồi diệt đi kia mà thôi.

Nếu tách ra thì từng đơn vị thực tại không thể tạo ra điều gì cả. Mọi hành động của một sinh vật đều cần đến sự kết hợp của cả đặc tính vật chất và đơn vị ý thức. “Đơn vị ý thức không có năng lực hành động. Nó không thể tự sinh khởi, không thể ăn uống, nói năng, đi đứng nằm ngồi… Các đặc tính vật chất cũng không thể tự sinh khởi, không có ý muốn ăn uống, nói năng, đi đứng nằm ngồi…. Nhưng khi y cứ vào đặc tính vật chất thì đơn vị tử ý thức sinh khởi, y cứ vào đơn vị ý thức đặc tính vật chất sinh khởi. Khi đơn vị ý thức có ý muốn ăn uống, nói năng, đi đứng nằm ngồi … thì chính đặc tính vật chất làm việc ấy.

Cả hai dựa vào nhau

Thuyền và người vượt biển

Cũng như hai loại thực tại

Đều lệ thuộc lẫn nhau

IV. Cái gì tồn tại thực sự?

Như đã nói, không có con người mà chỉ có các đơn vị thực tại ngắn ngủi, giống như các tín hiệu ngắn ngủi liên tiếp nhau sinh rồi diệt. Cũng không có cái cây hay cái bàn cái ghế … thật, chỉ có các đặc tính vật chất sinh lên rồi diệt đi.

Giống như 1 bức ảnh, 1 đoạn video trên màn hình máy tính thực chất được hình thành từ các pixel, thực chất là các tín hiệu điện ngắn ngủi loé lên rồi tắt đi, một con người được hình thành từ các đơn vị (ý thức và vô thức) ngắn ngủi do có các điều kiện nền tảng để chúng sinh khởi (và diệt đi) liên tục cùng nhau. Tương tự thế, toàn bộ không gian giống 1 cái màn hình 3D khổng lồ và toàn bộ sinh vật, thiên nhiên là các đoạn video hay bức ảnh hiển thị trên cái màn hình 3D ấy mà thôi.

Cái tồn tại thực sự chỉ là các tín hiệu (đơn vị thực tại) chớp loé. Sự kết hợp và vận hành của chúng tạo ra mọi thứ mà được gọi tên là bàn ghế, con người, mặt trời và trăng sao. Dường như những thứ được gọi tên ấy tồn tại kéo dài nhưng trong sự thực tột cùng, không có cái gì tự thân tồn tại kéo dài, bởi vì chỉ có các đơn vị thực tại là tồn tại thật và chúng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc rồi biến mất ngay không bao giờ quay lại. Thế giới thực sự chỉ tồn tại trong những khoảnh khắc ngắn ngủi của các đơn vị thực tại loé lên mà thôi.

Như thế, đứng từ mức độ tột cùng, tất cả những thứ có thể quan sát hay đo đếm trong cuộc sống này, tất cả những thứ có vẻ “có ở đó” ngày này sang ngày khác như con người, xe cộ, thiên nhiên … đều không thật có, mà chỉ giống như những ảo ảnh được xây dựng nên từ các đơn vị thực tại vô cùng nhỏ bé và biến mất ngay khi chúng vừa sinh lên mà thôi.

Hãy thử nghĩ về những thực tại ấy!

V. Câu chuyện các dòng sông

Vì không có gì là thật có, thử hình dung bất cứ thứ gì có vẻ có hình dáng ổn định và quan sát được trong một khoảng thời gian thực chất giống như 1 dòng sông luôn trôi chảy và biến đổi từng giây phút, một dòng sông các tín hiệu (đơn vj thực tại) loé lên cùng nhau, vận hành cùng nhau.

Vật lý hiện đại hình dung toàn thể vũ trụ được tạo thành từ các hạt cơ bản và biến đổi theo các định luật khách quan về nhiệt động học hay các lực cơ bản…. Sự sinh ra, biến đổi rồi biến mất của các hành tinh, các thiên hà hay của bản thân vũ trụ là hoàn toàn khách quan mà không hề có một trung tâm điều khiển nào. Cũng tương tự như thế, những thứ được gọi là con người, muông thú hay các sinh vật có ý thức …. thực chất cũng chỉ là các dòng sông tín hiệu tự vận hành bởi các điều kiện và quy luật khách quan mà không hề có một trung tâm điều khiển nào.

Không có ai tắm hai lần trên cùng 1 dòng sông“. Bởi vì không chỉ có dòng sông là biến đổi liên tục mà người tắm cũng vậy, người tắm cũng là một dòng sông biến đổi liên tục. Một khoảnh khắc 2 dòng sông tiếp xúc với nhau là 1 khoảnh khắc chỉ có 1 lần rồi qua đi vĩnh viễn, không bao giờ quay trở lại. Các đơn vị thực tại “chết đi” ngay lập tức để nhường chỗ cho các đơn vị thực tại khác thay thế cũng “chết đi” ngay lập tức và điều này là nằm ngoài khả năng kiểm soát hay can thiệp của bất kỳ một trung tâm điều khiển nào. Trên thực tế, không hề có một trung tâm điều khiển nào trong toàn bộ thế giới này và bất cứ đơn vị thực tại nào sinh lên đều phải diệt đi ngay lập tức không có ngoại lệ. Đó là quy luật.

VI. Ngoại truyện

Các đơn vị thực tại sinh lên và diệt đi ngay lập tức, tuy nhiên sự diệt đi của chúng dẫn đến sự sinh khởi của các đơn vị thực tại mới (theo các quy luật)

  • Đặc tính vật chất (ĐTVC) có thể tạo ra ĐTVC mới
  • Đơn vị ý thức (ĐVYT) kết hợp với ĐTVC có thể tạo ra ĐVYT mới
  • ĐVYT có thể tạo ra ĐTVC và/hoặc ĐVYT mới

Tương truyền truyền thống Bắc Tông (một nhánh của Phật giáo) gọi các đơn vị thực tại trong bài này là các “cực vi” (của A tì đàm). Thắng Pháp (Vi Diệu Pháp) thì gọi các Đặc tính vật chất trong bài này là các sắc pháp (rupa), các Đơn vị ý thức trong bài này là danh pháp (nama), và như thế:

  • Sắc sinh ra sắc (mới)
  • Danh sắc sinh ra danh (mới)
  • Danh sinh sắc và/hoặc danh (mới)

—- Disclaimer —-

bài viết thể hiện quan điểm cá nhân và dùng các thuật ngữ cá nhân

độc giả lưu ý khi đọc

Bài viết được gửi về từ độc giả An Le

Tìm hiểu thêm về tác giả bài viết tại: http://emptyan.blogspot.com/2022/11/goc-nho-vi-dieu-phap.html 

Share This Post!