Ảnh do Mathias Ripp/Flickr cung cấp.

Hãy hình dung bản thân trong ngày tốt nghiệp đại học, với một nhóm sinh viên mới chuẩn bị bước đến những chân trời mới. Họ đang nghĩ gì khi ném mũ lên không trung? Điều gì làm cho tấm bằng này trở nên quý giá như vậy? Nó không chỉ là bằng chứng về kiến thức thu nhận được mà còn là cuộc đua danh tiếng ở nơi bạn được đào tạo. Tốt nghiệp Trường Luật Harvard mang lại sự hào nhoáng hơn, phải không? Nhưng, hãy xem xét kỹ hơn thì tấm bằng tốt nghiệp là kết thúc hoàn hảo cho thảm kịch giáo dục hiện đại.

Tại sao? Bởi vì các trường đại học và chương trình giảng dạy được thiết kế theo ba thống nhất của bi kịch cổ điển Pháp: thời gian, hành động và địa điểm. Sinh viên học tập tập trung tại khuôn viên trường đại học (thống nhất địa điểm) theo các lớp học (thống nhất hành động) khi đang ở độ tuổi 20 (thống nhất thời gian). Mô hình cổ điển này có truyền thống tạo ra các trường đại học danh tiếng, nhưng giờ đây nó bị thách thức bởi xã hội số – cho phép mọi người được kết nối với internet đều có thể tiếp cận việc học – bởi nhu cầu tiếp thu các kỹ năng cùng với một thế giới thay đổi nhanh chóng. Các trường đại học phải nhận ra rằng chỉ học tập ở độ tuổi 20 sẽ là không đủ. Nếu việc phổ biến và triển khai công nghệ phát triển nhanh hơn, người lao động sẽ phải liên tục làm mới các kỹ năng của họ.

Mô hình trường đại học cần phải cải tiến. Nó phải trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng phù hợp để cạnh tranh trong một thế giới “nơi giá trị sẽ bắt nguồn phần lớn từ sự tương tác của con người, khả năng phát minh và diễn giải những thứ mà máy móc không thể” (trích nguyên gốc: “where value will be derived largely from human interaction and the ability to invent and interpret things that machines cannot”), như Richard Watson một nhà tư tưởng người Anh đã nói. Bằng cách dạy kiến thức nền tảng và kỹ năng cập nhật, các trường đại học sẽ cung cấp cho sinh viên các kỹ năng tương lai của việc học tập suốt đời, không chỉ giúp họ “sẵn sàng cho công việc”.

Một số trường đại học đã đóng vai trò quan trọng trong việc học tập suốt đời vì họ muốn giữ giá trị bằng cấp của mình. Vai trò mới này đi kèm với một loạt các thách thức to lớn và phần nhiều cần được làm sáng tỏ. Một cách để bắt đầu quá trình chuyển đổi này có thể là vượt ra ngoài việc tham gia học tập và “cấp bằng sau 5 năm” (“five-year diploma”) để điều chỉnh chương trình giảng dạy cho phù hợp với việc học tập suốt đời. Chúng tôi gọi mô hình này là giấy thông hành trọn đời (the lifelong passport).

Bằng Cử nhân có thể trở thành giấy thông hành của bạn để học tập suốt đời. Trong vài năm đầu tiên, sinh viên sẽ “học cách học” (“learn to learn”) và được trang bị các kỹ năng lý luận, những thứ sẽ đi cùng với họ trong suốt quãng đời còn lại. Ví dụ, vật lý cho phép bạn quan sát và giải thích hiện tượng tự nhiên, nhưng cũng tích hợp các quan sát vào các mô hình và đôi khi, từ các mô hình ấy hình thành nên các lý thuyết hoặc định luật có thể được sử dụng để đưa ra dự đoán. Toán học là ngôn ngữ được sử dụng để xây dựng các định luật vật lý hoặc kinh tế, và để đưa các phép tính nghiêm ngặt trở thành dự đoán. Một cách tự nhiên, hai ngành này tạo thành trụ cột nền tảng của giáo dục trong các trường đại học kỹ thuật.

Những tiến bộ gần đây trong phương pháp tính toán và khoa học dữ liệu thúc đẩy chúng ta suy nghĩ lại về khoa học và kỹ thuật. Máy tính ngày càng trở thành tác nhân chính trong việc tận dụng dữ liệu để hình thành các câu hỏi, điều này đòi hỏi những cách lý luận hoàn toàn mới. Do đó, một ngành học mới kết hợp khoa học máy tính (computer science), lập trình (programming), thống kê (statistics) và máy học (machine learning) nên được thêm vào các chủ đề nền tảng truyền thống của toán học và vật lý. Ba trụ cột này sẽ cho phép bạn tiếp tục học các môn học kỹ thuật phức tạp trong suốt cuộc đời của mình bởi vì tính toán là nền tảng mà mọi thứ khác được xây dựng trên đó.

Theo mô hình mới này, Thạc sĩ Khoa học (MSc – Master of Science) sẽ trở thành dấu ấn đầu tiên trong hành trình học tập suốt đời. Chương trình giảng dạy MSc nên chuẩn bị cho học viên sự nghiệp chuyên nghiệp của họ bằng cách cho phép họ tập trung vào việc tiếp thu các kỹ năng thực tế thông qua các dự án.

Những dự án đó sau đó được đan xen với các mô-đun kỹ thuật có nhịp độ nhanh được học “nhanh chóng” và “theo ý muốn” tùy thuộc vào bản chất của dự án. Ví dụ, nếu dự án của bạn đang phát triển một mạch tích hợp, bạn sẽ phải lấy một mô-đun về các khái niệm nâng cao trong vi điện tử. Các kỹ năng quan trọng nhất sẽ được phát triển trước khi dự án bắt đầu, dưới dạng trại huấn luyện (boot camps), trong khi phần còn lại có thể được thúc đẩy song song với dự án, đưa chúng vào sử dụng ngay lập tức và do đó cung cấp một bối cảnh học tập phong phú.

Ngoài khả năng kỹ thuật, bản chất của các dự án phát triển các kỹ năng xuyên suốt về xã hội và kinh doanh, chẳng hạn như tư duy thiết kế (critical thingking), làm việc chủ động (intiative taking), lãnh đạo nhóm (team leading), báo cáo hoạt động (activity reporting) hoặc lập kế hoạch (resource planning). Những kỹ năng đó trên thực tế không những được tích hợp vào chương trình giảng dạy mà chúng còn rất quan trọng cần có được trong tương lai vì chúng rất khó để tự động hóa.

Nói tóm lại, bằng MSc mới trở thành một danh mục các dự án đã hoàn thành và một danh mục các kỹ năng về kỹ thuật được học trong các mô-đun. Tổ hợp danh mục này có kết thúc mở và phải được cập nhật trong suốt cuộc đời, vì các công nghệ và ứng dụng của chúng thay đổi nhanh hơn bao giờ hết.

Sau khi lấy được bằng thạc sĩ, sẽ có nhiều dấu ấn của việc học tập suốt đời hơn qua nhiều năm. Nếu các trường đại học quyết định tham gia vào mô hình học tập này, họ sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức tổ chức có thể làm lung lay sự thống nhất về địa điểm và hành động của họ. Đầu tiên, số lượng học viên sẽ không thể đoán trước được. Nếu tất cả các cựu học viên của một trường đại học trở thành học viên một lần nữa, các đoàn hệ sẽ lớn hơn nhiều so với hiện tại và nó có thể trở nên không bền vững đối với khuôn viên trường cả về quy mô và nguồn lực. Thứ hai, sinh viên mới tốt nghiệp sẽ kết hợp với những học viên có kinh nghiệm nghề nghiệp. Điều này sẽ thay đổi động lực lớp học, có lẽ là tốt nhất. Học tập dựa trên dự án với một đội ngũ không đồng nhất phản ánh thực tế của thế giới chuyên nghiệp và do đó có thể là sự chuẩn bị tốt hơn cho nó.

Nghe giống như khoa học viễn tưởng? Ở nhiều quốc gia, học bán thời gian không phải là ngoại lệ: trung bình trên khắp các quốc gia OECD, sinh viên bán thời gian vào năm 2016 chiếm 20% số người đăng ký vào giáo dục đại học. Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ này cao hơn và có thể vượt quá 40% ở Úc, New Zealand và Thụy Điển.

Nếu việc học tập suốt đời trở thành ưu tiên hàng đầu và tiêu chuẩn mới, bằng cấp giống như hộ chiếu, có thể được xác nhận lại định kỳ. Việc xác nhận lại theo thời gian sẽ giúp mọi người dễ dàng quản lý. Các trường đại học cũng như người sử dụng lao động và nhân viên sẽ biết khi nào họ phải đào tạo lại. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp từ năm 2000 sẽ phải quay lại vào năm 2005.

Điều này có thể khắc phục những thách thức tổ chức chính cho trường đại học, nhưng không phải cho người học, do thiếu thời gian, nghĩa vụ gia đình hoặc tiền bạc. Ở đây, học trực tuyến có thể là một lựa chọn vì nó cho phép bạn tiết kiệm “thời gian di chuyển” của mình, nhưng nó có giới hạn của nó. Cho đến nay, không có nhà tuyển dụng lớn nào liên quan đến các nền tảng học tập trực tuyến như Coursera và Udacity cam kết tuyển dụng hoặc thậm chí phỏng vấn sinh viên tốt nghiệp các chương trình trực tuyến mới của họ.

Ngay cả khi thời gian không phải là vấn đề, ai sẽ trả tiền cho việc học tập suốt đời? Đó là cuộc tranh luận không hồi kết: đó nên là trách nhiệm của người học, của người sử dụng lao động hay của nhà nước? Ví dụ, ở Massachusetts, các ngành nghề chăm sóc sức khỏe yêu cầu tín chỉ giáo dục thường xuyên, được chứng minh và ghi lại cẩn thận. Tuy nhiên, các luật sư của cùng một tiểu bang không yêu cầu giáo dục pháp lý liên tục, mặc dù hầu hết các luật sư đều tham gia vào nó một cách không chính thức. Một lời giải thích là yếu tố công nghệ có ít trong luật pháp hơn là trong chăm sóc sức khỏe.

Châu Âu có nhiều viễn cảnh khác nhau, nhưng trường hợp của Pháp và Thụy Sĩ rất thú vị để so sánh. Ở Pháp, mọi cá nhân đều có quyền học tập suốt đời được tổ chức thông qua một tài khoản học tập cá nhân được gọi là compte personnel de formation (Tiếng Pháp, tạm dịch: tài khoản đào tạo cá nhân) được ghi nhận là bạn làm việc. Ở Thụy Sĩ, học tập suốt đời là trách nhiệm cá nhân chứ không phải trách nhiệm của chính phủ. Tuy nhiên, người sử dụng lao động và nhà nước khuyến khích giáo dục thường xuyên bằng cách tài trợ cho một phần hoặc hỗ trợ bằng cách cho phép nhân viên tham dự nó. Một báo cáo về tương lai công việc của Viện Toàn cầu McKinsey cho thấy 89% các công ty ở Thụy Sĩ vào năm 2015 đã hỗ trợ các khóa đào tạo nâng cao và 44% trong số tất cả những công ty được tuyển dụng có ít nhất 10 nhân viên đã tham gia các khóa đào tạo.

Các trường đại học có vai trò căn bản trong hành trình này, và giáo dục đại học đang thay đổi, tương tự như mô hình sân khấu cổ điển Pháp đã trải qua trong thế kỷ 19. Vào năm 1830, Victor Hugo đã đề xuất một bi kịch lãng mạn (Romantic tragedy), Hernani, lật đổ ba thống nhất. Để đảm bảo rằng các nhà kiểm duyệt sẽ không cấm vở kịch của mình, Hugo đã tập hợp một “đội quân lãng mạn” bằng cách tập hợp đủ đám đông cho đêm khai mạc. Hernani không chỉ được phép mà còn có 100 buổi biểu diễn, phá vỡ sự độc quyền của mô hình cũ. Cũng giống như sân khấu cổ điển, mô hình trường đại học cũ đã tạo ra tài năng và giá trị cho xã hội. Chúng tôi không ủng hộ việc bãi bỏ nó mà là kêu gọi điều chỉnh các đặc điểm của nó để đáp ứng nhu cầu của ngày nay.

Bản dịch của Libero

Nguồn: https://aeon.co/ideas/why-lifelong-learning-is-the-international-passport-to-success

Pierre Vandergheynst – giáo sư kỹ thuật điện và khoa học máy tính và khoa học truyền thông, đồng thời là phó hiệu trưởng về giáo dục tại Viện Công nghệ Liêng bang Lausanne (École polytechnique fédérale de Lausanne – EPFL) ở Thụy Sĩ.

Isabelle Vonèche Cardia – nhà sử học, được đào tạo và hiện là nhà nghiên cứu của Tập đoàn REACT tại Viện Công nghệ Liên bang Lausanne (Ecole polytechnique fédérale de Lausanne – EPFL) ở Thụy Sĩ.

Được chỉnh sửa bởi Pam Weintraub

Share This Post!