Pháp (dhamma) là những thực tại mà bạn chưa từng biết tới!

I. Sự thật mà Đức Phật đã chứng ngộ

“Ai thấy pháp thì thấy Như Lai”

Đức Phật – Bậc toàn giác, Bậc Ứng Cúng đã bát niết bàn (parinibbana) giữa hai cây Sala trong rừng Sala thuộc xứ Kusinara, kể từ đó, các chúng sinh trong thế giới này không còn cơ hội được trực tiếp nghe chính Đức Phật thuyết Pháp nữa. Tuy nhiên, Đức Phật đã để lại Giáo pháp (Dhamma) và Giới luật (Vinaya) mà ngài đã thuyết giảng làm vị thầy của chúng ta và đại diện cho Ngài sau khi nhập diệt.

Đức Phật dạy Giáo pháp mà Ngài đã tự mình giác ngộ để những người có khả năng lĩnh hội Giáo pháp cũng có thể thoát khổ. Vì thế, phận sự của một Phật tử là thẩm xét và nghiên cứu Giáo pháp để hiểu sự thật mà Đức Phật đã giảng chính xác là gì? Sự thật ấy khác như thế nào với sự thật mà chúng ta thường hiểu?

Đức Phật dạy rằng: Tất cả những gì thực sự tồn tại chỉ là các pháp (dhamma), không phải là con người hay là một chúng sinh hay một cái ngã nào hết. Toàn bộ thực tại hay pháp sinh khởi bởi duyên (các điều kiện hay quy luật) chứ không sinh khởi bởi/do hay vì bất kỳ một cái ngã nào. 

Sau khi giác ngộ sự thật về tất cả các pháp, Đức Phật đã dạy sự thật ấy cho các đệ tử để họ có thể hiểu các pháp như cái thấy, cái nghe… là vô ngã, không phải là chúng sinh hay con người (nghe, thấy ….). Không có con người hay chúng sinh mà chỉ có các pháp nghe hay thấy hay tham hay sân… Có nhiều pháp khác nhau, mỗi pháp đều có những đặc tính riêng không thể thay đổi bởi ai hay do hay vì ai, chúng sinh lên rồi lại diệt đi ngay, gọi chung là các Pháp chân đế (paramatha dhammas). Các pháp khác nhau như tham hay sân hay cảm thọ ưu/ hỷ, sự ghen tỵ hay lòng từ bi, cái thấy hay cái nghe …. sinh khởi bởi do có các duyên khác nhau.

Như thế, Sự thật được giảng trong Giáo pháp và sự thật chúng ta thường hiểu thì rất khác nhau. 

* Giáo pháp và Tam Tạng

Giáo pháp của Đức Phật đã được gìn giữ bằng trí nhớ và lưu truyền nhờ truyền thống tụng đọc theo sự ghi nhớ những gì được nghe từ các bậc A la hán đệ tử, những người đã thiết lập ba phần của Giáo pháp gọi là Tam Tạng (tipitaka) tại kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất. Giáo pháp được tụng đọc bằng trí nhớ và lưu truyền như vậy cho đến khi nó được lưu thành văn bản vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Tam tạng này gồm có 3 phần:

  •  Tạng Luật (Vinaya pitaka): chứa đựng những quy tắc ứng xử của đời sống phạm hạnh dành cho các vị xuất gia
  • Tạng Kinh (Suttanta pitaka): chứa đựng những lời giảng về Giáo pháp được thuyết giảng cho những người khác nhau ở những nơi khác nhau
  • Tạng Vi diệu pháp (Abhidhamma pitaka): nói đến bản chất của các thực tại (các pháp) và mối duyên hệ nhân quả giữa chúng. 

Tam tạng, mà đặc biệt là Vi Diệu Pháp, ghi lại Giáo pháp, thứ mô tả bản chất tột cùng của các thực tại.

II. Có gì không hay chẳng có gì hết?

Trở lại một chút với những điều chúng ta thường hiểu, có một câu hỏi triết học liên quan đến bản chất của mọi vật như sau: 

Ở mức độ tột cùng thì:

Có cái gì không?, hay là Thực chất chẳng có cái gì hết?

Theo những quan điểm phổ biến trên Internet thì tựu chung có vài phương án trả lời cho câu hỏi trên:

  1. Có vô vàn thứ: người, vật, điện thoại, bàn ghế, muông thú, hành tinh, sóng, hạt, …. Mọi thứ là đối tượng nghiên cứu của Khoa học: Toán học, Vật lý, Tâm lý, Kinh tế, Xã hội học đều thật sự tồn tại. Nếu không tồn tại thì nghiên cứu chúng để làm gì, phải không? Phần lớn mọi người suy nghĩ theo nhóm và đương nhiên kế thừa loại quan điểm này, đương nhiên chấp nhận và không có nhu cầu xem xét thêm. Một thiểu số những người quan tâm xem xét các khả năng ngoài quan điểm này thực chất đều ít nhiều có xu hướng tin vào những thực tại nào đó nằm ngoài khoa học, và họ sẽ chuyển sang các khả năng được đề cập ngay sau đây.
  2. Không, chả có gì cả. Không có gì là thực có hết. Với kết luận như thế, thực chất ta chấp nhận quan điểm của chủ nghĩa hư vô cho rằng không có gì tồn tại hết. Quan điểm này gọi là “đoạn kiến”. Cũng có vài trường phái tâm linh chủ trương cái này.
  3. Có, nhưng chỉ có một thứ duy nhất, chỉ có một thứ gọi là Cái Một. Cái Một bao trùm toàn bộ hiện hữu. Toàn bộ các thứ khả kiến, khả tri đều chỉ là một biểu hiện tạm thời của Cái Một này. Mọi thứ đều từ Cái Một này mà ra, mọi thứ đều tạm thời, điều biến đổi và chuyển hoá liên tục, nhưng bản thân Cái Một thì thường còn. Khi kết luận như thế, ta thừa nhận có một thứ Đại Ngã, một cái Ngã ở tầm toàn thể. Quan điểm này thực chất là một “ngã kiến”. Có khá nhiều trường phái tâm linh rơi vào nhánh này. Làng Mai với tư tưởng Duy Biểu của nó đi theo quan điểm tương tự.

Thế còn Giáo pháp Đạo Phật nói gì?

Quan điểm về “cái gì thực sự tồn tại ở mức độ tột cùng” trong Giáo pháp của Đạo Phật thì không rơi vào nhánh nào trong ba câu trả lời trên. Không phải là không có gì tồn tại hết, mà cũng không phải thực chất chỉ có một Đại Ngã, cũng không phải có vô số thứ thực sự tồn tại.

Cái thực có không phải không, không phải một, mà là nhiều nhưng có số lượng hữu hạn và xác định. Tuy chúng là có thực nhưng (hiện tại) không có ai có khả năng kinh nghiệm trực tiếp chúng. Chúng được gọi là các thực tại hay pháp (dhamma).

Đó là một điểm kỳ ảo về các thực tại trong đạo Phật:

Trong khi ai cũng biết, ai cũng kinh nghiệm được các thực tại tục đế trong cuộc sống hằng ngày thì ngược lại, (hiện nay) không ai có khả năng kinh nghiệm (nhận biết/ cảm nhận) một cách trực tiếp các thực tại chân đế cả.

Đức Phật đặt tên cho các thực tại này là “pháp” (dhamma) hay “vi diệu pháp” hay “pháp chân đế”. Có nhiều thực tại tột cùng tồn tại nhưng chúng chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi rồi lại diệt đi ngay, được tiếp nối ngay lập tức bởi các thực tại tột cùng khác cũng sinh lên rồi diệt đi ngay như vậy (trừ một ngoại lệ duy nhất). 

Các thực tại sinh lên rồi diệt đi ngay này là có thật vì chúng có các đặc tính riêng có, tuy nhiên chúng không trường tồn mà biến mất ngay không bao giờ quay trở lại, chúng cũng không có bất cứ hình tướng nào cả. Chúng ngắn ngủi nên chúng là vô thường, chúng không trường tồn nên chúng là vô ngã. Chúng là các “pháp hữu vi”. Pháp hữu vi còn hay được gọi bằng một tên khác là “uẩn”. 

Như vậy, bản chất tột cùng của mọi sự sống, mọi sự vật hiện tượng đều chỉ là pháp. Tất cả những gì tồn tại chỉ là pháp, ở mức độ tuyệt đối thì ngoài pháp ra thì không có gì (con người, đồ vật …) tồn tại.

Các pháp đều nằm ngoài tầm kiểm soát, chúng không sinh khởi theo ý muốn của ai cả. 

III. Pháp chân đế chỉ có thể tìm thấy trong Đạo Phật

Đạo Phật không đưa ra những chủ thuyết để bắt ta phải tin vào, mà dạy cho chúng ta phát triển hiểu biết về các thực tại ở trong và xung quanh ta. Bằng cách đó, ta có thể tự kiểm nghiệm chân lý. 

Mục đích thực sự của Đạo Phật không phải là lý luận về thế giới và dựng lên những câu chuyện về thế gian và con người. Mục đích của Đạo Phật là phát triển hiểu biết về các thực tại như thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ, cũng như đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, đối tượng xúc chạm và pháp trần (các đối tượng được kinh nghiệm trong ý môn). Đó là những thực tại chúng ta có thể tìm hiểu trong cuộc sống hàng ngày. 

Giáo pháp của Đạo Phật có khác biệt lớn so với các tôn giáo và triết học khác. Giáo pháp ấy là nơi duy nhất ta có thể tìm thấy kiến thức hay hiểu biết về các thực tại tột cùng, các thực tại mà ta không thể tự mình biết được. Sự thật về pháp không thể được tìm thấy bên ngoài Giáo lý mà Đức Phật giảng

Hiểu biết về các thực tại tột cùng vì thế là kiến thức vô cùng quan trọng để hiểu đúng cốt lõi của Đạo Phật.

Có thể nói mức độ tôn kính mà mỗi Phật tử dành cho Giáo pháp vi diệu của Đức Phật tương xứng với mức độ hiểu biết về Giáo pháp và Giới luật của bản thân họ. Dù cho ai đó có được trực tiếp chiêm ngưỡng Đức Phật, được trực tiếp lắng nghe Giáo pháp từ ngài và đi sau ngài từng bước mà không hiểu Giáo pháp thì người ấy cũng coi như không thấy được Đức Phật, ngược lại, những ai thấy và hiểu Giáo pháp thì người ấy được gọi là người thấy Như Lai.

Một người có thể có hiểu biết từng chi tiết về cuộc đời của Đức Phật, thuộc từng tích truyện, cố gắng tụng kinh niệm Phật hằng ngày hay thậm chí có thể trích dẫn kinh điển làu làu. Thế nhưng nếu người ấy chưa thực sự hiểu về pháp (dhamma) như Đức Phật đã dạy thì người ấy còn chưa thấy pháp, chưa thấy được Như Lai.

IV. Khái quát về pháp (dhamma)

Một người mới tiếp xúc với Đạo Phật thì cần hiểu những gì về pháp trước tiên?

Có hai loại pháp chân đế (thực tại tột cùng): 

  • Một loại có khả năng nhận biết (danh) và 
  • Một loại còn lại không có khả năng nhận biết (sắc). 

Sở dĩ có các kinh nghiệm ngũ quan và có suy nghĩ là do sự vận hành của các pháp có khả năng nhận biết (danh). Trong các danh pháp (nāma dhamma) không có cái ngã nào và các danh pháp cũng không tạo nên bất kỳ tự ngã nào.

Trên đây là phương pháp chia hai: Danh pháp – Sắc pháp. Ngoài ra chúng ta có nhiều phương pháp chia nữa, ví dụ như phương pháp chia bốn. Với phương pháp chia bốn, toàn bộ thực tại được bao gồm trong bốn pháp chân đế sau:

  1. Tâm, 
  2. Tâm sở, 
  3. Sắc,
  4. Niết bàn

 Trong đó: Tâm, Tâm sở và Sắc là các pháp hữu vi, chúng sinh khởi và diệt đi do duyên, còn Niết bàn là pháp vô vi, không sinh lên do các điều kiện (các duyên) và cũng không diệt đi.

Nói cách khác:

  • Tâm, Tâm sở và Sắc là vô thường (sinh rồi diệt), khổ (dukkha), trong khi đó
  • Niết bàn là thường (bất sinh bất diệt) và là sự chấm dứt của khổ

Các pháp hữu vi thì sinh và diệt, vì thế chúng cũng được gọi là uẩn (khanda). Từ góc độ bốn pháp chân đế nêu trên thì Ngũ uẩn – một khái niệm cơ bản của Đạo Phật – được hiểu như sau:

  • Tâm là thức uẩn
  • Tâm sở là thọ tuẩn, tưởng uẩnhành uẩn 
  • Sắc là sắc uẩn

Niết bàn thì không phải là uẩn vì nó là pháp vô vi (pháp không sinh khởi, không do duyên tạo). Không thể nói Niết bàn đã sinh khởi, chưa sinh khởi, hay sẽ sinh khởi, nó không thể được mô tả trong quá khứ, tương lai hay hiện tại và nó hoàn toàn ly uẩn (khandha-vimuta)

Hình vẽ sau biểu diễn tóm tắt phương pháp chia hai và phương pháp chia bốn:

*Bạn đọc có thể tìm thấy bảng kê chi tiết các danh pháp ở:

https://spiderum.com/bai-dang/Tu-thuc-tai-den-Giac-Ngo-uup

V. Vài khía cạnh khác nhau của bốn pháp chân đế

Pháp hữu vi là các thực tại duyên khởi và diệt đi ngay (vô thường)

Tâm (citta), tâm sở (cetasika), sắc (rūpa) là các thực tại sinh và diệt một cách liên tiếp, chúng xuất hiện và vì thế chúng có thể được nhận biết, được hiểu rằng chúng là các thực tại. Chẳng hạn khi ta thấy màu, nghe âm thanh hay suy nghĩ thì khi đó có các tâm sinh diệt một cách liên tiếp và thực hiện các chức năng khác nhau: một số tâm thấy màu sắc, một số tâm khác nghe âm thanh, một số tâm khác suy nghĩ, tuỳ theo loại tâm và các duyên tố dẫn đến sự sinh khởi của các tâm ấy. 

Chúng ta không hề nhận ra sự sinh và diệt của chúng là bởi vì sự tiếp nối của các tâm, tâm sở và sắc diễn ra vô cùng nhanh. Chúng sinh diệt liên tiếp cực kỳ nhanh vì thế mọi người thường lầm tưởng rằng sắc chỉ thay đổi dần dần và rằng khi ai đó hay một chúng sinh nào đó sinh ra thì lúc đó có một tâm sinh khởi và vẫn là tâm đó tồn tại kéo dài suốt cả cuộc đời cho đến lúc người ấy hay chúng sinh ấy chết đi. Sự nhầm tưởng này còn kéo dài chừng nào chúng ta không nghiên cứu và suy xét Giáo pháp, không phát triển chánh niệm (tâm sở sati) và trí tuệ (tâm sở paññā) để có thể chứng nghiệm được những đặc tính của tâm, tâm sở và sắc; và chúng ta sẽ mãi vô minh về bản chất thực của danh sắc (tức là tâm, tâm sở và sắc) sinh diệt không ngừng nghỉ.

Các pháp có thể sinh khởi là do có những yếu tố làm duyên cho sự sinh khởi của chúng mà nếu thiếu những duyên tố này, chúng không thể sinh khởi. Chúng ta có thể đọc lại bài kệ mà đại đức Sariputta đã được nghe ngay trước khi ngài đạt Thánh quả đầu tiên:

 “Pháp sinh lên do nhân, Như lai giảng nhân ấy. Nhân diệt thời pháp diệt, Đại sa môn nói vậy”

Nếu như Đức Phật không xuất hiện, không giác ngộ Phật quả và xuyên thấu bản chất của toàn bộ các pháp để  rồi giảng về các pháp cũng như các duyên hệ giữa chúng, sẽ không ai có thể biết được pháp nào sinh khởi bởi những duyên nào; sẽ không ai biết được các pháp làm duyên cho sự sinh khởi của từng loại tâm, tâm sở và sắc pháp. 

Con người, các chúng sinh và các chư thiên sinh ra ở các cõi khác nhau trên thực tế chỉ là các loại tâm nhất định sinh kèm với các tâm sở và các sắc nhất định do những duyên tố hết sức đa dạng và phức hợp khác nhau.

Đức Phật dạy rằng các pháp sinh khởi do duyên được gọi là các pháp hữu vi; đồng thời ngài cũng dạy thêm rằng tất cả các pháp hữu vi cũng là các pháp sinh lên rồi diệt đi (saṅkhata dhamma), để không có hiểu nhầm rằng các pháp đã sinh rồi sau đó có thể tiếp tục tồn tại. Các pháp hữu vi vì thế đồng thời là các pháp hữu sinh và hữu diệt. Các pháp hữu vi ở đây chính là các pháp chân đế bao gồm tâm, tâm sở và sắc, chúng vừa là các pháp hữu vi vừa là các pháp sinh diệt.

Tất cả các pháp hữu vi đều có đặc tính chung là vô thường. Sự hoại diệt (và vì thế là vô thường) của sắc pháp là khá rõ ràng, nhưng sự vô thường của danh pháp thì khó nhận ra hơn. 

Mặc dù tâm, tâm sở và sắc luôn luôn sinh diệt, rất khó mà thấu hiểu được điều này để đi đến buông xả, từ bỏ dính mắc vào danh (nama) và sắc (rūpa). Danh (tâm, tâm sở) và sắc cần được thẩm xét và hiểu bởi trí tuệ (tâm sở paññā) để sự dính mắc có thể được diệt trừ. 

Khi ta chưa liễu ngộ được sự sinh diệt của danh pháp và sắc pháp để nhờ đó sự dính mắc vào tà kiến được loại bỏ, ta chưa thể xuyên thấu được Tứ Thánh Đế để trở thành bậc thánh nhân.

Tất cả các pháp hữu vi đều khổ (dukkha)

Tất cả các pháp hữu vi đều sinh và diệt, cho dù là tâm thiện hay bất thiện, dù là sắc đẹp hay sắc xấu, tất cả đều sinh và diệt như nhau. Sự sinh và diệt của thực tại, tính vô thường của chúng là khổ (dukkha). Bản chất khổ (dukkha) nội tại của các pháp hữu vi không chỉ bao hàm những kinh nghiệm đau khổ khi đau đớn trên thân, khi bệnh tật hay gặp gian truân, khi phải xa lìa người thân yêu hoặc phải sống cùng với người không ưa thích. Bản chất khổ (dukkha) hàm chứa trong tất cả các pháp hữu vi chính là ở sự vô thường của chúng; khi vừa sinh khởi thì chúng đã diệt đi và vì vậy chúng không thể được coi là phúc lạc. Một số người có thể thắc mắc tại sao tất cả các pháp hữu vi đều là khổ, tại sao cả những tâm kinh nghiệm hạnh phúc và hưởng thụ các đối tượng khả ái cũng là khổ? Kể cả các tâm kinh nghiệm hạnh phúc cũng tồn tại ngắn ngủi và vì vậy chúng là khổ. Tất cả các pháp hữu vi: tâm, tâm sở và sắc đều là khổ vì chúng là vô thường, chúng không trường tồn.

Tất cả các pháp đều vô ngã

Cả bốn pháp chân đế: tâm, tâm sở, sắc và niết bàn đều vô ngã, chúng không phải là tự ngã nào cả, chúng không nằm trong sự kiểm soát của ai cả.

Đối nghịch với pháp hữu vi sinh rồi diệt do duyên, Niết bàn là pháp vô vi (visaṅkhāra dhamma) và không sinh khởi do bất cứ duyên tố nào. Tâm, tâm sở và sắc đều là pháp hữu vi, chúng thuộc về thế gian: lokiya, chúng đều hoại diệt.Niết bàn là pháp vô vi và là pháp siêu thế – lokuttara (vượt lên thế gian, thoát khỏi thế gian)

Niết bàn tuy không phải pháp hữu vi nhưng niết bàn cũng là vô ngã. 

Bài viết được gửi về từ độc giả An Le

Tìm hiểu thêm về tác giả bài viết tại: http://emptyan.blogspot.com/2022/11/goc-nho-vi-dieu-phap.html 

Share This Post!