Fukuzawa Yukichi là một trong những nhà tư tưởng lớn xuyên suốt lịch sử Nhật Bản. Với góc nhìn uyên thâm và độc đáo về sự phát triển của quốc gia và xu hướng của thời đại, những tư tưởng của ông vẫn còn nguyên giá trị tham khảo và thực tiễn cho tới ngày nay. Cuốn “Khái lược văn minh luận” là một trong những tác phẩm của Fukuzawa có tính ảnh hưởng rộng rãi toàn cầu, được viết vào năm 1875 – gần 10 năm sau công cuộc Minh Trị Duy tân ở Nhật Bản.
Ngày nay, có nhiều luồng ý kiến khác nhau về các định nghĩa thế nào là “văn minh”, và trong tác phẩm “Khái lược văn minh luận”, Fukuzawa Yukichi cho rằng “Một khi lòng người biến chuyển và luật pháp được cải sửa, thì nền móng của văn minh sẽ được xác lập”. Trong cuốn sách, khái niệm “văn minh” của Fukuzawa bao gồm nhiều phạm trù khác nhau, từ công nghệ, chính trị, văn học, tư tưởng, hay cả nhưng sự vật hiện tượng vô hình và hữu hình trong thế giới loài người. Trong đó, tác giả đặc biệt chú trọng vào hai khía cạnh về đạo đức và tinh thần, coi đó là hai thước đo quan trọng nhất để đánh giá sự văn minh của một quốc gia. Do đó, luồng tư tưởng về văn minh của Fukuzawa mang hơi hướng của sự tiến hóa theo thời gian. Ông cho rằng sự văn mình chưa hề tồn tại ở thuở hồng hoang của loài người, mà đó là một quá trình tích lũy và phát triển dài qua 3 giai đoạn: Man rợ, Bán văn minh và Văn minh. Sự hình thành ở luồng tư tưởng này ở Fukuzawa gắn liền với tình hình xã hội của Nhật Bản so với thế giới lúc bấy giờ. Khi các nước phương Tây cơ bản đã có những thay đổi rõ rệt về tư duy xã hội, đem lại sự giàu mạnh cho quốc gia thì ở Nhật, những quả đạn pháo của Matthew Perry đã buộc chính quyền Mạc Phủ phải giao thiệp sau hàng trăm năm phong tỏa thuyền buôn ngoại quốc. So với phương Tây, Nhật Bản có nền sản xuất yếu kém và hoàn toàn không có nền khoa học ứng dụng. Những người dân Nhật Bản bấy giờ đã phải chịu sự kìm kẹp của chế độ phong kiến đẳng cấp từ đời này qua đời khác mà không có lối thoát. Tình cảnh nước Nhật thời ấy khi trông vào thật không khỏi khiến tác giả bất mãn và lo lắng, mà mong muốn sao cho đất nước mình sớm có thể tiếp nhận tri thức phương Tây để vươn lên thành một quốc gia văn minh tiến bộ. Tựa đề của chương 2 “Vì sao chúng ta nên theo học phương Tây” thể hiện động lực chính của tác phẩm. Thời điểm những năm cuối thế kỉ XIX, văn minh luôn song hành với sự tiến bộ về vật chất và tinh thần. Vấn đề lớn mà Fukuzawa phải đương đầu là thế giới được chia thành các quốc gia khác nhau về mọi mặt: dân cư, phong tục tập quán, tinh thần, chính phủ và luật pháp, do đó mà văn minh của Châu Âu không thể trở thành một hình mẫu lý tưởng cho việc hiện đại hóa Nhật Bản. Tác giả đưa ra câu trả lời rằng các nước bán khai như Nhật Bản có thể rút ra những bài học từ các nước tân tiến hơn, nhưng không phải lã bắt chước hoàn toàn.
“Khi phần tinh thần khó khăn được du nhập, thì cần tính toán xem mức độ thu nhận được là bao nhiêu, rồi sau đó phần văn minh vật chất dễ dàng cũng có thể được chọn lọc sao cho thích đáng, phù hợp với trình độ nông sâu của văn minh tinh thần đã du nhập. Nếu đi sai thứ tự này thì thứ văn minh vật chất dễ dàng sẽ không chỉ không mang lại hiệu quả mà nhiều khi còn gây hại.”
Trải qua hơn một thế kỷ từ khi cuốn sách ra đời, xã hội chúng ta đang sống ngày nay đã tiến một bước rất xa trên nấc thang văn minh. Dù vậy, chúng ta vẫn luôn phải đối mặt với những vấn đề cơ bản: sự tiến bộ của khoa học công nghệ đưa đến một mức độ văn minh mới, nhưng đồng thời cũng phá vỡ nền văn minh cũ, hay sự toàn cầu hóa đã gia tăng sự ảnh hưởng của văn minh thuộc một vài quốc gia. Đọc “Khái lược văn minh luận” của Fukuzawa Yukichi, người đọc có thể gợi lên một vài liên tưởng, dựa vào những lý luận của ông để tìm ra câu trả lời cho những vấn đề của thời đại.