Bắt đầu bằng định nghĩa khô khan: khái niệm về “hạnh phúc” là rất mơ hồ, có thể dùng để miêu tả một nhóm các cảm xúc của con người (vui sướng, thăng hoa, thỏa mãn, an nhiên…). Đối với giới khoa học, có hai thuật ngữ thường được sử dụng để đại diện cho “hạnh phúc” (Happiness) là Tâm lý học hạnh phúc (Psychological Well-being) và Hạnh phúc chủ quan (Subjective well-being). Trong mục hỏi đáp dưới đây, chúng ta sẽ tập trung vào Hạnh phúc dưới khái niệm thứ nhất.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẠNH PHÚC?

Các nhà nghiên cứu đứng đầu của phái Tâm lý học tích cực cho rằng, cảm giác hạnh phúc xuất phát từ ba nguyên nhân sau:

  • Yếu tố di truyền, hay cảm quan về hạnh phúc bản năng sẵn có, được thừa hưởng giữa những người chung dòng máu, nằm ngoài khả năng tác động của chúng ta. Một số nhà khoa học cho rằng yếu tố di truyền chiếm tới hơn 50% nguồn cơn của hạnh phúc, nhưng đó là một giả thuyết khó có thể chứng minh cụ thể bằng số liệu.
  • Yếu tố môi trường: Nếu bạn sống trong vùng có chiến sự thường xuyên, bộ cảm xúc của bạn sẽ chịu ảnh hưởng. Bạn vẫn có thể thay đổi điều này (hoặc không?)
  • Hành động của bản thân, thí dụ như những kĩ năng hay thói quen sinh hoạt mà bạn hoàn toàn có thể thay đổi. Một vài kĩ năng có thể luyện tập ngay lập tức như nghe – phản hồi chủ động, đem lại thay đổi tức khác tới cảm xúc. Một số kĩ năng khác lại yêu cầu luyện tập thường xuyên trong thời gian lâu hơn, đổi lại sẽ đem tới ảnh hưởng tốt về dài hạn cho cảm xúc của bạn. Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng, về dài hạn, việc luyện tập sẽ cho ra hiệu quả tương đương với sử dụng các loại thuốc an thần (Nếu bạn đang có các dấu hiệu trầm cảm nặng và cần tìm liệu pháp khẩn cấp, hãy tìm đến một chuyên gia)

Một số nhà khoa học cho rằng yếu tố di truyền chiếm tới hơn 50% nguồn cơn của hạnh phúc. Ảnh: Pexels.

NẾU KHOA HỌC HẠNH PHÚC MÀ HIỆU NGHIỆM, SAO VẪN CÒN NHIỀU NGƯỜI TRẦM CẢM VẬY?

Có vài lí do

  1. Thiếu hiểu biết: Chẳng có ai dạy chúng ta về những kĩ năng sống cả. Theo lời của Aristotle, một trong những người đi tiên phong về nghiên cứu hạnh phúc, “Giáo dục tâm trí mà không giáo dục con tim, ấy không phải là giáo dục”. Nhiều trường học dần trở thành “lò luyện gà”, bởi chúng ta đã quên rằng giáo dục cần chú trọng nhất vào rèn dũa các kỹkĩ năng thay vì kiến thức sách vở, đặc biệt là các kĩ năng sống. Chúng nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta cho tới gần đây, phần vì khoa học hạnh phúc vẫn còn là một chủ đề nghiên cứu mới mẻ.
  2. Phóng đại về Hạnh phúc: Sự lan rộng của bệnh trầm cảm trong cộng đồng đã dẫn đến nhu cầu tìm kiếm sự Hạnh phúc. Mà phàm trên đời cái gì thu hút sự chú ý, ắt sẽ đem ra bán được, và Hạnh phúc cũng không phải ngoại lệ. Vậy khoa học và những lời quảng cáo khác nhau ở đâu? Hãy đặt nghi vấn về nguồn gốc những câu chuyện bạn thấy. Nếu ai đó nói với bạn rằng đứng trước gương và mỉm cười với chính mình là chìa khóa cho sự hạnh phúc, hãy tìm xem có nguồn gốc xác thực cho câu chuyện đó không, hay đó chỉ đơn thuần là một mẩu tin phiếm viết cho tuần san tuổi nổi loạn?
  3. Văn hóa thỏa mãn tức thì: Chúng ta muốn, và chúng ta phải có. Ngay. Bây. Giờ. Vậy nên ta sẽ làm cốc bia hoặc làm ít thuốc an thần, thả like trên điện thoại thay vì gọi điện. Hạnh phúc không hoạt động như vậy, nó sẽ cần những hành vi, thói quen lặp đi lặp lại,ngày qua ngày, nhưng những lợi ích để lại về lâu dài là không thể đong đếm.
  4. Có thứ gì đó vượt khỏi tầm kiểm soát: Liên hệ tới nguyên nhân thứ 2 cửa hạnh phúc – môi trường sống. Thế giới trải qua một cuộc khải huyền mà con người chưa từng đối mặt. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động kinh tế và nhiều hơn nữa. Bạn có hoặc không thể thay đổi cục diện của những gì đang diễn ra xung quanh, nhưng bạn có thể thay đổi hành động của mình. Hãy đứng dậy và bắt tay vào việc thôi.

NHẬN THỨC MỚI VỀ KHOA HỌC HẠNH PHÚC

Các nhà tâm lý học trước kia thường đi theo lối tiếp cận truyền thống với bệnh trầm cảm, tức là cố gắng tìm hiểu nguyên nhân đằng sau những biểu hiện khác thường ở người bệnh. Giờ đây, họ đang đặt ra những câu hỏi như “Điều gì khiến một người trở nên hạnh phúc?”. Sự thay đổi 180 độ trong cách nhìn nhận này đã tạo điều kiện cho sự ra đời của “khoa học hạnh phúc”. Trong vòng 20 năm qua, vô số nghiên cứu của các nhà tâm lý học tích cực như Ed Diener và Martin Seligman đã nỗ lực xây dựng nền tảng khoa học cơ bản cho nghiên cứu về hạnh phúc con người. Hầu hết các đề tài nghiên cứu này đều tập trung vào một nhóm nhỏ những đối tượng “hạnh phúc”, từ đó phân tích tính cách và lối sống dựa trên các cuộc khảo sát và phỏng vấn. Từ những kết quả thu được, các nhà khoa học nhận ra rằng Hạnh phúc tạo ra từ những suy nghĩ và hành động tích cực của con người có thể đẩy lùi nỗi phiền muộn thừa hưởng từ yếu tố di truyền, ở một mức độ nhất định.

TÂM LÝ HỌC HẠNH PHÚC

Để chốt lại công trình nghiên cứu của mình, Seligman kết luận rằng, Hạnh phúc có thể đạt được đến các mức độ khác nhau dưới đây:

  1. “Cuộc sống đủ đầy”, xảy ra khi chúng ta học được cách trân trọng những giá trị hạnh phúc cơ bản như tình bạn, thiên nhiên hay biết lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
  2. “Cuộc sống toàn vẹn”, hình thái cao hơn khi chúng ta khám phá ra những phẩm chất và năng lực của bản thân và sử dụng chúng để cải thiện cuộc sống.
  3. “Cuộc đời ý nghĩa”, lúc này chúng ta ý thức được sâu sắc về một sứ mệnh lớn lao hơn bản thân mình mà chúng ta sẵn sàngsang dâng hiến tài năng và thời gian của mình để đeo đuổi.

Điểm đột phá trong nghiên cứu của Seligman là việc dung hòa được hai luồng tư tưởng đối lập nhau về hạnh phúc con người – Trường phái Cá nhân, nhấn mạnh việc chăm sóc và nuôi dưỡng tiềm năng bản thân và Trường phái Vị tha – đề cao vai trò của sự hi sinh vì cộng đồng lên trên mong muốn cá nhân.

KHI GẶP VẤN ĐỀ GÌ ĐÓ, HÃY CƯỜI LÊN

Theo một nghiên cứu khoa học quốc tế, trầm cảm là căn bệnh khuyết tật phổ biến nhất trên thế giới.

  1. Gần 20% công dân Mỹ trải qua ít nhất một trong các dạng trầm cảm trong cuộc đời của họ. Người Mỹ đã tiêu một lượng thuốc trị trầm cảm khổng lồ, mà như miêu tả của tờ New York Times, “đã khiến nguồn cung nước sạch tại các đô thị lớn của Hoa Kỳ bị nhiễm các hóa chất có trong thuốc.”
  2. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở người trưởng thành. Hiệp hội Tâm lý học Mỹ báo cáo rằng “có tới 9% số trẻ em sẽ trải qua một giai đoạn chấn thương tâm lý nặng khi chúng 14 tuổi, và con số này sẽ lên tới 20% trước độ tuổi tốt nghiệp cấp 3”
  3. Số liệu thống kê cho thấy những người bị trầm cảm từ nhỏ sẽ dễ phải chịu các chấn thương tâm lý khác khi trưởng thành.

TỰ CỔ CHÍ KIM

Cuộc tranh luận giữa các nhà tâm lý học tích cực và phe phản đối – cho rằng lí luận khoa học mới này hoàn toàn dựa trên những ảo tưởng phi thực tế, dường như vẫn chưa đi đến hồi kết. Sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề của hai bên có mâu thuẫn rõ rệt với nhau.

Tuy vậy, cả hai bên cũng có những sự đồng thuận nhất định trong một vài địa hạt của Khoa học Hạnh phúc. Các nghiên cứu gần đây đã thể hiện thái độ đồng điệu với những lời dạy của người xưa, bởi các nhà triết học và nhà tư tưởng, từ Khổng Tử tới Aristotle. Thay vì chịu sự chi phối của yếu tố di truyền hay môi trường, phần lớn Hạnh phúc của con người đều dựa trên hành động và thái độ của chúng ta. Thứ hai, việc trau dồi một vài năng lực/phẩm chất sẽ không giúp chúng ta cắt đứt những ảnh hưởng của bệnh trầm cảm, nhưng sẽ tăng cường khả năng chống chọi của chúng ta trước mối đe dọa này. Lý thuyết về tâm lý học tích cực đã thống nhất được những quan điểm Đông Tây tự cổ chí kim, mở ra một cơ hội chưa từng có. Bằng việc phân tích hàng nghìn công trình về hạnh phúc, từ đó tách biệt những gì thuộc về khoa học khỏi những lời ra tiếng vào vô căn cứ nhan nhản quanh đây. Kế đến, chúng ta cần cho thấy cách vận dụng những nghiên cứu này vào trong thực tiễn, cũng như giải nghĩa các thuật ngữ bằng ngôn ngữ phổ thông. Như ai đó viết hướng dẫn sử dụng cho máy tính đã nói “rất dễ và cũng rất khó”. Những nhà tri thức vốn luôn rất giỏi trong việc tìm ra những sự thật động trời rồi sau đó giấu nhẹm đi. Cuối cùng, chúng ta cần đưa những chiêm nghiệm mới này vào giáo trình trong các nhà trường, bao gồm cả trung học và đại học.

Được dịch từ: What is happiness?, pursuit-of-happiness.org

Share This Post!