~ Emund L. Gettier ~
Analysis 23.6 – Tháng 6 năm 1963

Đã có nhiều nỗ lực được thực hiện trong những năm gần đây để phát biểu một mệnh đề đã cho dưới dạng điều kiện cần và đủ. Những phát biểu ấy thường có dạng sau:

(a) S biết rằng P             khi và chỉ khi    (i)        P đúng

(ii)        S tin rằng P

(iii)       S có lý do chính đáng tin P

Ví dụ,

Chisholm đã đưa ra những điều sau đây là các điều kiện cần thiết và đủ để có tri thức:

(b) S biết rằng P             khi và chỉ khi    (i)         S chấp nhận P

 (ii)        S là bằng chứng đầy đủ cho P

 (iii)       P đúng

Ayer đã phát biểu điều kiện cần và đủ để có tri thức như sau:

(c) S biết rằng P             khi và chỉ khi    (i)         P đúng

(ii)        S chắc chắn rằng P đúng

(iii)       S có cơ sở chắc chắn rằng P đúng

Tôi sẽ lập luận rằng (a) sai ở chỗ các điều kiện được nêu nên không tạo thành điều kiện đủ cho sự đúng đắn của mệnh đề S biết rằng P. Lập luận tương tự sẽ chỉ ra rằng (b) và (c) là sai lầm bằng cách thay thế điều kiện “có bằng chứng đầy đủ” hoặc “có cơ sở chắc chắn” là cho điều kiện “có lý do chính đáng”.

Tôi sẽ bắt đầu bằng cách nêu hai luận điểm. Đầu tiên, theo nghĩa “chính đáng”, trong đó S có lý do chính đáng tin rằng P là điều kiện cần của S khi biết rằng P, một người có thể biện minh khi tin vào một mệnh đề mà trên thực tế mệnh đề đó là sai. Thứ hai, đối với mệnh đề P, nếu S có lý do chính đáng tin rằng P và P kéo theo Q và S suy ra Q từ P và chấp nhận Q như một kết quả của suy luận này, vậy S có lý do chính đáng tin rằng Q. Ghi nhớ hai quan điểm này, tôi sẽ trình bày hai trường hợp trong đó các điều kiện nêu trong (a) là đúng đối với một số mệnh đề, mặc dù điều đó đồng thời sai khi người được hỏi biết mệnh đề đó.

 

Trường hợp I:

Giả sử rằng Smith và Jones đã ứng tuyển vào một công việc nào đó. Và giả sử rằng Smith có bằng chứng vững chắc cho mệnh đề liên kết sau:

(d) Jones là người sẽ nhận được công việc và Jones có mười đồng xu trong túi.

Bằng chứng của Smith cho (d) có thể là chủ tịch của công ty đảm bảo với anh ta rằng cuối cùng thì Jones sẽ được chọn, và Smith đã đếm số tiền trong túi của Jones mười phút trước.

Mệnh đề (d) kéo theo:

(e) Người đàn ông sẽ nhận được công việc có mười đồng xu trong túi.

Giả sử rằng Smith nhìn thấy sự ảnh hưởng từ (d) đến (e), và chấp nhận (e) trên cơ sở của (d), mà anh ta có bằng chứng chắc chắn. Trong này trường hợp này, Smith rõ ràng có lý khi tin rằng (e) là đúng.

Nhưng hãy tưởng tượng, xa hơn, chính Smith chứ không phải Jones, sẽ nhận được công việc. Và, Smith cũng không biết bản thân anh ta có mười đồng xu trong túi. Khi đó mệnh đề (e) là đúng, mặc dù mệnh đề (d) được suy ra từ (e) là sai. Trong ví dụ này, tất cả những điều sau đây đều đúng:

(i) (e) là đúng,

(ii) Smith tin rằng (e) là đúng,

(iii) Smith có lý khi tin rằng (e) là đúng.

Nhưng cũng rõ ràng là Smith không biết rằng (e) là đúng; vì (e) là đúng nhờ vào số lượng đồng xu trong túi của Smith, trong khi Smith không biết có bao nhiêu đồng xu trong túi của Smith, và niềm tin của anh ta vào (e) dựa trên số lượng đồng xu trong túi của Jones, người mà anh ta tin tưởng một cách sai lầm là người đàn ông sẽ nhận được công việc.

 

Trường hợp II:

Chúng ta hãy giả sử rằng Smith có bằng chứng vững chắc cho mệnh đề sau:

(f) Jones sở hữu một chiếc Ford.

Bằng chứng của Smith có thể là trong ký ức của Smith, Jones đã luôn có một chiếc ô tô, và luôn là một chiếc Ford, và Jones vừa mời Smith đi cùng khi đang lái một chiếc Ford. Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng rằng Smith có một người bạn khác, Brown, người mà anh ấy hoàn toàn không biết tung tích. Smith chọn ngẫu nhiên ba cái tên và xây dựng ba mệnh đề sau:

(h) Hoặc Jones sở hữu một chiếc Ford, hoặc Brown đang ở Boston;

(g) Hoặc Jones sở hữu một chiếc Ford, hoặc Brown đang ở Barcelona;

(i) Hoặc Jones sở hữu một chiếc Ford, hoặc Brown đang ở Brest-Litovsk.

Mỗi mệnh đề này được kéo theo bởi (f). Hãy tưởng tượng rằng Smith nhận ra hệ quả của mỗi mệnh đề này mà anh ấy đã xây dựng bằng (f) và tiếp tục chấp nhận (g), (h) và (i) trên cơ sở của (f). Smith đã suy luận chính xác (g), (h) và (i) từ một mệnh đề mà anh ta có bằng chứng vững chắc. Do đó, Smith hoàn toàn có lý khi tin vào từng mệnh đề trong số ba mệnh đề này. Tất nhiên, Smith không biết Brown đang ở đâu.

Nhưng hãy tưởng tượng, bây giờ có hai điều kiện tiếp theo. Đầu tiên, Jones không sở hữu một chiếc Ford mà hiện đang lái một chiếc xe thuê. Và thứ hai, bởi một sự trùng hợp tuyệt đối, và Smith hoàn toàn không biết địa điểm được đề cập trong mệnh đề thực sự lại là nơi Brown đang ở. Nếu hai điều kiện này đúng thì Smith không biết rằng (h) là đúng, mặc dù

(i) (h) là đúng,

(ii) Smith tin rằng (h) là đúng,

(iii) Smith có lý khi tin rằng (h) là đúng.

Hai ví dụ này cho thấy rằng định nghĩa (a) không nêu đầy đủ điều kiện để ai đó biết được một mệnh đề đã được đưa ra. Các trường hợp tương tự, với những thay thế tương ứng, sẽ đủ để chỉ ra rằng cả định nghĩa (b) và định nghĩa (c) đều như vậy.

-Zz-

Dịch từ “Is Justified True Belief Knowledge?” của tác giả Edmund L. Gettier

Nguồn:  https://www.jstor.org/stable/3326922