1. Các sách giáo khoa bậc tiểu học giúp các bạn bước đầu biết nhận diện các đơn vị ngôn ngữ trong hệ thống của tiếng Việt. Chương trình phổ thông cơ sở sẽ cung cấp, hướng dẫn các bạn tìm hiểu các vấn đề về sự hoạt động các đơn vị ngôn ngữ trong giao tiếp của người Việt. Trong các vấn đề đó có “tâm lý người Việt tạo câu, tạo phát ngôn như thế nào?.” Đề tài này cũng nhằm đặt vấn đề dạy tiếng Việt là dạy “Người Việt sử dụng tiếng Việt như thế nào?” chứ không phải “Người Việt phải sử dụng tiếng Việt như thế nào?”. Bởi lẽ, tiếng Việt là một bộ thói quen làm phương tiện giao tiếp, phương tiện biểu hiện cách tư duy, công cụ phản ánh tâm hồn người Việt. Wilhelm von Humboldt (1767–1835) là nhà tư tưởng, nhà ngữ văn học, nhà ngôn ngữ học người Đức từng nói: “Ngôn ngữ là linh hồn với tất cả sự tổng hòa của nó. Nó phát triển theo các định luật của linh hồn…[…] Ngôn ngữ hẳn là sự biểu hiện bên ngoài của linh hồn nhân dân; ngôn ngữ của nhân dân là linh hồn của họ và linh hồn của nhân dân là ngôn ngữ của họ”. (1) Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói: “Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp: đẹp như thế nào, đó là điều rất khó nói. Chúng ta không thể nói tiếng ta đẹp như thế nào, cũng như ta không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn. Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp, bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp…”. (2) Trong khuôn khổ một bài học, chúng ta tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật liên quan đến tâm lý người Việt qua việc sử dụng câu như sau đây.

2. Người Việt dùng trật tự từ trong câu theo chiều thuận. Khái niệm “trật tự từ” được hiểu là thứ tự sắp xếp các thành tố trong cấu trúc của một đơn vị ngôn ngữ có từ hai yếu tố trở lên. Ở đây chúng ta nói trật từ trong câu. Có hai kiểu trật tự: trật tự tuyến tính và trật tự cấu trúc. Trật tự tuyến tính là sự sắp xếp các yếu tố theo trục ngang, một chiều; các yếu tố lần lượt xuất hiện theo thời gian không chồng lên nhau (trừ người có tật nói lắp). Trật tự cấu trúc là sự sắp xếp các yếu tố theo quan hệ ngữ nghĩa, nhiều chiều. Chẳng hạn, câu “ Học sinh trường em nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý”. Các đơn vị trong câu được phân bố theo từng vị trí trên trục ngang: Học sinh –> trường em –> nhiệt liệt –> chào mừng –> các –> vị khách –> quý. Theo trật tự cấu trúc, câu trên có các đơn vị theo tầng bậc. Trật tự tuyến tính quy định tốc độ lời nói còn trật tự cấu trúc quy định nhịp điệu lời nói, câu văn, câu thơ tiếng Việt. 

Câu tiếng Việt theo trật tự: C– V– B (chủ–vị–bổ ngữ). Trật tự này cố định, hễ thay đổi trật tự là thay đổi nghĩa. So sánh: “Đau đớn thay phận đàn bà!/ phận đàn bà đau đớn thay”. Cùng chủ ngữ nhưng có thay đổi sắc thái nghĩa, nghĩa tình thái đánh giá chủ quan của người nói. Giáo sư Lê Văn Lý trong sách Cách nói năng trong tiếng Việt (Le parler Vietnamien, Paris, 1948) nêu một ví dụ tiêu biểu. Lấy năm từ theo trật tự trong từ điển: “bảo, đến, không, nó, sao” rồi hoán đổi vị trí từ, chúng ta có được khoảng 40 phát ngôn như sau: Nó bảo sao không đến; Nó bảo đến không sao; Nó bảo đến sao không; Nó bảo không đến sao: Bảo nó sao không đến; Bảo nó đến không sao; Bảo nó đến sao không; Đến bảo nó không sao; Đến nó sao không bảo; Không đến nó bảo sao; Sao không bảo nó đến, v.v… Nếu thêm các dấu câu thì sẽ có các nét nghĩa biểu hiện mục đích phát ngôn khác nhau. Việc thay đổi trật tự các yếu tố trong câu thơ tùy thuộc vào dụng ý thẩm mỹ của nhà thơ. Nhà thơ Xuân Diệu có lý giải về trật tự từ trong một câu thơ của mình không theo trật tự ngữ pháp thông thường mà theo trật tự ngữ pháp thơ. “Bỗng nhiên trời đất nhớ người yêu/ Cây vắng chim bay, nắng vắng chiều/ Nước chảy lơ thơ, bờ líu ríu/ Mây chừng ấy đó, gió bao nhiêu”. Ông viết: “…Cách đây mấy năm, tôi đứng bên bờ sông Hồng, trên địa phận Hà Đông cũ, nhìn sang bờ bên kia thuộc Hưng Yên cũ. Cũng trong một tâm trạng nhớ nhung. Con người cho mình là trung tâm vũ trụ nên khi thương nhớ nó quy cho là cả trời đất thương nhớ. Bỗng nhiên trời đất nhớ người yêu. Cây vắng vẻ bởi vì chim bay đi, nắng nhạt tạo một cảm giác vắng vẻ trong buổi chiều tà: cây vắng chim bay, nắng vắng chiều. Hai đoạn câu thơ xem đọc thì cấu trúc từ như nhau, nhưng văn phạm thì khác nhau. Đáng ra thì phải là chiều vắng nắng… Người đang nhớ nhung nhìn ra cảnh vật thấy như vậy và cảnh vật trong buổi chiều cũng đang nhớ nhung sầu xứ biết bao… Thật ra, tôi đứng giữa thiên nhiên hôm ấy, đất và trời cũng mênh mang bát ngát, như chứa đầy tâm hồn, như cùng một nội tâm với tôi. Nhìn đất rồi, nhìn trời càng thấy bao la, tôi dùng từ: đong mây, đo gió để muốn diễn đạt cái không diễn đạt nỗi. Nước chảy lơ thơ, em còn hững hờ, bàng bạc, nhưng bờ líu ríu, anh đã quyến luyến quanh quất bên em. Mây chừng ấy đó: anh thương em như thế, gió bao nhiêu, em thương yêu anh được ngần nào?”.(3) Câu trích trên đây nói về cách dùng, cách sắp xếp từ ngữ trong câu thơ gắn với thao tác làm thơ. 

Trong tiếng Việt, các từ ghép hai âm tiết có thể hoán đổi trật tự. Khi hoán đổi, nghĩa của chúng có thay đổi. Chẳng hạn: thực sự/sự thực, tha thiết /thiết tha, đầu tiên /tiền đâu, yêu dấu /dấu yêu, định phận/phận định, v.v… Trình bày khó khăn khi dịch bài thơ: “Nam quốc sơn hà” do Lý Thường Kiệt cho đọc ở sông Như Nguyệt, giáo sư Nguyễn Đình Chú phát biểu: “Ở Tuyên ngôn Nam quốc sơn hà mà viết là “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” lượng nghĩa chắc nịch hơn, nặng cân hơn là viết ”Tiệt nhiên phận định tại thiên thư”. (4) Các người trẻ ngày nay rất lạm dụng cách hoán đổi từ và thích dùng dấu yêu thay cho yêu dấu, thiết tha thay cho tha thiết, ngay cả dùng diết da thay cho da diết, tiếng Việt không có từ “diết da”. 

Trật tự trong câu nói người Việt phản ánh tâm lý người Việt. Trật tự đầy đủ của câu tiếng Việt thường theo thứ tự: [ thời gian – vị trí – {kết cấu chủ–vị – bổ}– công cụ ]. Nếu muốn nhấn mạnh bộ phận thông tin nào của câu thì đảo vị trí xuống sau bổ ngữ hoặc lên trước chủ ngữ. Chẳng hạn, Hôm qua, ở trường em, các cô giáo dạy em hát rất hay. Đây là trật tự trung hòa, mẫu mực, quen thuộc. Nếu muốn nhấn mạnh câu hỏi bao giờ, thì đưa “hôm qua” lên đầu câu; nếu muốn nhấn mạnh địa điểm thì đưa “ở trường em” lên trước hoặc ở cuối câu: hôm qua, các cô giáo dạy em hát rất hay ở trường em. Nếu muốn nhấn mạnh nghĩa đánh giá thì “rất hay” đặt ở cuối câu. Trong cụm từ, trong câu có hàng loạt định ngữ thì sắp xếp các định ngữ từ tổng quát đến cụ thể. Chẳng hạn, cô giáo em mặc một áo dài màu xanh nước biển, vạt áo thêu vài bông hoa cúc, cổ tay thêu kim tuyến. Các cụm từ: màu xanh nước biển, vạt áo thêu vài bông hoa cúc, cổ tay thêu kim tuyến được sắp xếp theo trật tự “màu xanh nước biển là màu của toàn cái áo, vạt áo là một bộ phận của cái áo có thêu hoa cúc, cổ tay là một bộ phận của áo có thêu kim tuyến. Nếu trật tự lộn xộn sẽ gây mơ hồ. Trong câu có các định ngữ ngang hàng về chức năng thì sắp xếp theo độ dài âm tiết. Chẳng hạn, “Sau mấy năm xa Hà Nội, nay trở về tôi ngơ ngác đứng trước các tòa nhà lớn, đồ sộ, cao vời vợi, trang hoàng lộng lẫy trông như những tòa tháp ở châu Âu”. Miêu tả hành động thì hành động đã thực hiện nói trước, hành động đang diễn ra nói sau. Người Việt trả lời một câu hỏi: “ Em đi đâu về đó ?” trả lời: “Em đi chợ về” chứ không nói “Em đi về từ chợ” như người Anh, người Nga bắt đầu giới từ “from” hoặc “ot”. 

Người Việt cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ngay từ nhỏ. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

3. Người Việt thường dùng cấu trúc động ngữ hơn cấu trúc danh ngữ. Danh hóa là một sản phẩm mới của tiếng Việt hiện đại. Danh hóa là biến động từ, tính từ thành danh từ nhờ kết hợp với các yếu tố: sự, cái, việc, cuộc, nỗi, niềm, vấn đề… Tiếng Việt có khoảng 20 yếu tố này. Các bạn thử thống kê theo từ điển tiếng Việt hoặc theo sách báo sẽ có nhiều ví dụ cho mình. Theo mô hình [yếu tố +Đ/T] ta có: sự học hành, sự chăm sóc, việc biên soạn; cái sống, cái chết, cuộc cải cách; niềm vui, nỗi nhớ. Danh hóa cũng có thể dùng các yếu tố này kết hợp với kết cấu chủ–vị. Từ câu gốc “Cha tôi chết làm tôi buồn” kết hợp ta sẽ có: Cái chết của cha tôi làm tôi buồn; Sự chết của cha tôi làm tôi buồn; Việc cha tôi chết làm tôi buồn. Người Việt ưa dùng cấu trúc động ngữ: Cha tôi chết làm tôi buồn hoặc Tôi buồn vì cha tôi chết. Người Việt nói: “Mọi người đang chờ anh tới”. Người Anh nói: “Everybody is awaiting your arrival” (Mọi người đang chờ sự tới của anh). Người Việt nhấn mạnh cái sự tình “anh tới” chứ không danh hóa sự tình như người Anh. 

Nhờ danh hóa mà tiếng Việt có khả năng diễn đạt tương đương các kết cấu danh ngữ trong các tiếng nước ngoài. Giáo sư Phan Ngọc, nhà ngôn ngữ học hàng đầu, một dịch giả giàu kinh nghiệm của nước ta đã viết: “Câu văn châu Âu thích dùng cấu trúc danh từ. Người Việt thích dùng cấu trúc động từ. Lý do khiến nhiều người viết và nói như người Tây là vì thế. Đâu đâu cũng thấy: vấn đề, trường hợp, sự, là, bởi. Nói Trước hoàn cảnh ấy anh ta bỏ chạy thực tình chẳng khác Thấy thế anh ta bỏ chạy. Nói Sự có mặt của anh làm chúng tôi phấn khởi sẽ hợp lý khi anh là một người quan trọng. Nhưng với bạn bè người ta vẫn nói Anh đến đây làm chúng tôi phấn khởi. Câu chuyện ngỡ là giản dị nhưng lại rất quan trọng đối với ai sống bằng nghề dịch. Quá nửa những câu nói lủng củng là do cái bệnh sính “vấn đề, sự, cái”. Chuyển thành cấu trúc động từ bạn sẽ có ngay những câu tiếng Việt bình dị”.

4. “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Câu nói rất dân dã mà có tính nguyên tắc trong giao tiếp ngôn ngữ. Giao tiếp ngôn ngữ là một quá trình hoạt động, tác động giữa các cá nhân dùng ngôn ngữ để trao đổi thông tin, là cuộc trao đổi những hiểu biết, bày tỏ cảm xúc với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Trong ngôn ngữ học hiện đại, khi nói đến một cuộc giao tiếp bằng ngôn ngữ, người ta thường nói đến tám tham tố mà D. Hymes đúc kết thành một từ tiếng Anh: SPEAKING. Đó là: S là thoại trường/chu cảnh, P là người tham gia, E là mục đích, A là chuỗi hành vi, K là phương thức, I là phương tiện ngôn ngữ, N là chuẩn tương tác, G là thể loại giao tiếp. Trong đó tham tố I liên quan đến “lựa lời cho vừa lòng nhau”. Lựa chọn cách diễn đạt ngôn từ thích hợp với bối cảnh giao tiếp, với quan hệ liên nhân giữa các người tham gia giao tiếp quy định thành công của một cuộc thoại. Điều này thể hiện rõ trong chọn lựa cách xưng hô, các biến thể câu, nhất là câu đồng nghĩa. Câu đồng nghĩa liên quan đến từ đồng nghĩa. 

Tiếng Việt rất phong phú từ đồng nghĩa, đa dạng các câu đồng nghĩa. Nói về “chết”, tiếng Việt có một loạt các từ tương đương: chết, qua đời, mất, không còn nữa, về cõi vĩnh hằng, rời cõi tạm, về cõi tiên, về với tổ tiên, hy sinh, tử trận, băng hà, viên tịch, an giấc ngàn thu, về nơi cực lạc,… chưa kể cách nói dân gian, uyển ngữ: ngoẻo, trái tim ngừng đập, không muốn sống nữa, cụ ông đã hai năm mươi, cháu nó chê bố mẹ nghèo… Nói về cái chết bi tráng của những người lính, trong bài thơ Tây tiến, Quang Dũng viết: “Áo bào thay chiếu anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành… Gục lên súng mũ bỏ quên đời.” Nói về đưa thức ăn vào miệng thì có: ăn, xơi, chén, đớp, tọng,… Tùy hoàn cảnh giao tiếp mà chọn thích hợp các từ đồng nghĩa này. Chẳng hạn, không nói “Ông ơi, mời ông chén cơm” vì nói thế là không lịch sự, vô lễ, mà nói: “Mời ông xơi/dùng cơm”. Tiếng Việt, một từ có thể có nhiều nét nghĩa, mỗi nét nghĩa có từ đồng nghĩa với nó. Ví dụ, “tươi” có các nét nghĩa và đồng nghĩa như sau:

  • Chưa héo, úa, khô, đồng nghĩa với mới, non 
  • Chưa ươn, chưa biến chất, đồng nghĩa với ngon, tươi sống 
  • Màu sắc đẹp, đồng nghĩa với đẹp, dễ coi, ưa nhìn, tươi tắn 
  • Một trạng thái tâm lý đồng nghĩa với vui vẻ, hồ hởi 
  • Một trạng thái tâm hồn đồng nghĩa với tươi trẻ, trẻ trung. 

Ngoài ra có một kiểu từ đồng nghĩa Hán–Việt – thuần Việt: Thiên – trời, địa – đất, gia – nhà, quốc – nước, tiên – trước, hậu – sau, ngưu – trâu, mã – ngựa, thảo – cỏ… Đồng nghĩa Hán–Việt – Hán–Việt: Bằng, hữu (bạn, bạn bè); lưỡng, nhị, song, (hai); cô, độc, đơn (một mình); lạc, hoan, hỉ (vui)… Kiểu đồng nghĩa này có vai trò cấu tạo từ. 

Trong tiếng Việt có một nhóm từ gần nghĩa thường dùng để chọn lựa cách nói đồng nghĩa. Đó là các nhóm:

  • Tham nhũng, tham ô, tham lam, tham tàn, hối lộ;
  • Tản cư, di cư, sơ tán, di tản;
  • Hoàn thành, hoàn thiện, hoàn chỉnh, hoàn tất, hoàn hảo, hoàn mỹ;
  • Tiêu dùng, tiêu xài, tiêu pha, tiêu phí, tiêu thụ, tiêu hao;
  • Biến cố, sự cố, biến đổi, biến động;
  • Cố kết, cấu kết, câu kết, kết cấu, cấu trúc;
  • An ninh, bình an, an toàn, yên ổn;
  • Hung, hung ác, hung bạo, bạo tàn, hung dữ, hung tàn, hung hăng, hung hãn, hung tợn, khủng;
  • Chê bai, chê cười, chê trách, trách móc, trách cứ, dèm pha, phê bình, chỉ trích;
  • Bất chính, bất lương, gian tà, bất minh, mờ ám, phi nghĩa ;
  • Đa đoan, đa mang;
  • Giữ gìn, bảo trọng, bảo vệ;
  • Trao, tặng, biếu, cho…

Câu đồng nghĩa là cùng một nội dung, một đối tượng, một sự tình được diễn đạt bằng các kiểu câu khác nhau tùy thuộc hoàn cảnh, mục đích giao tiếp khác nhau. Sau đây là một số cách dùng câu đồng nghĩa phổ biến của người Việt: 

(1) Thay thế bằng các từ đồng nghĩa đối tượng: Anh Út Tịch nhìn chị Út Tịch/nhìn vợ: “Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi tưởng tượng ra một trang nam nhi, sức vóc hơn người nhưng tâm hồn vẫn còn thô sơ giản dị như tâm hồn tất cả những người ngày xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy vậy, trước khi bay về trời, người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bát cơm” (Nguyễn Thi). Kiểu đồng nghĩa này tránh trùng lặp, làm cho câu nói sinh động. 

(2) Câu đồng nghĩa bằng từ phủ định trái nghĩa: Cả hai chú đều không cao –> hai chú đều thấp; Đây không phải là hàng giả –> Đây là hàng thật. Cách nói này cũng có thang độ, chẳng hạn, khi đánh giá một cô hoa hậu: Cô này không đẹp tức là cô hoa hậu này đẹp vừa chứ không xấu. 

(3) Câu đồng nghĩa bằng dùng các từ đảo nghĩa: Cô giáo Mai dạy tiếng Việt cho tôi –> Tôi học tiếng Việt với cô Mai. 

(4) Câu đồng nghĩa bằng cách nói với nghĩa may rủi, tiếp thụ: Nhà trường tặng quà cho các học sinh giỏi = Các học sinh giỏi được nhà trường tặng quà; Nguyễn Du viết truyện Kiều = Truyện Kiều do Nguyễn Du viết. Người Việt nói: Sách Tinh hoa do nhà xuất bản Tri thức in, chứ không nói: Sách này được in bởi nhà xuất bản Tri thức. Trên truyền hình thích dùng câu có/bởi rất Tây. Chẳng hạn: Chương trình này được tài trợ bởi báo Thanh niên. 

(5) Câu đồng nghĩa bằng cách nói vòng như: Tai nạn giao thông làm nhân dân khiếp sợ => Nhân dân khiếp sợ tai nạn giao thông => Nhân dân cảm thấy khiếp sợ trước tai nạn giao thông => Tai nạn này gây ra cho nhân dân sự khiếp sợ => Tai nạn này dẫn đến sự khiếp sợ của nhân dân, v.v… 

(6) Câu đồng nghĩa bằng cách mở rộng câu để biểu cảm. Mở rộng ở cấp cụm từ bằng cách thêm yếu tố sau các danh từ trung tâm, động từ trung tâm để biểu hiện thái độ, quan điểm, tình cảm của chủ thể phát ngôn. Chẳng hạn, so sánh hai câu: 

(a) Một giọng hát dân ca, ngân nga bát ngát như cánh cò trên đồng lúa miền nam chạy tới chân trời, có lúc rụt rè e thẹn như khóe mắt người yêu mới gặp, có lúc tinh nghịch, duyên dáng như những đôi chân nhỏ thoăn thoắt gánh lúa chạy trên những con đường làng trộn lẫn bóng tre và bóng nắng (Nguyễn Trung Thành. Đường chúng ta đi). Đây là câu dài có bộ phận viết đậm là thành phần mở rộng để biểu cảm. Đây là câu văn xuôi trữ tình. 

(b) Một giọng hát dân ca ngân nga bát ngát, rụt rè, e thẹn, tinh ngịch duyên dáng. Đây là câu ngắn có thành phần vị ngữ được viết đậm. Đây là câu văn miêu tả. Cả hai câu đều đánh giá về “Một giọng hát dân ca”. 

(7) Câu đồng nghĩa mang hàm ý. Người Việt thường dùng cách nói suy ý để biểu hiện các hành vi khác nhau. Chẳng hạn, các câu hỏi kiểu: [A có B không?], [A có B chưa?], [A có thể B được không?], [B à/ đấy chứ, sao, sao thế?] có nghĩa hàm ý khác nhau tùy thuộc vào tình huống giao tiếp và nghĩa của từ ngữ B. Hình thức là một câu hỏi nhưng biểu hiện hành vi khác. Tình huống ở bưu điện: Anh có bút không? (hành vi yêu cầu: cho tôi mượn); tình huống phỏng vấn tại công ty: Anh có gia đình chưa? Ngầm ý: Anh là người độc thân để có điều kiện phải điều động đi bất cứ đâu. Anh có biết đánh vi tính không? Ngầm ý: Biết sử dụng máy vi tính là một trong những tiêu chí chọn nhân viên. Trong ngôn ngữ tự nhiên (tức giao tiếp đời thường) cách nói đồng nghĩa kiểu này rất phổ biến. Chẳng hạn, ông nội thông báo cho cả nhà: Hôm nay cháu Duy trả lời năm câu hỏi tiếng Việt mà đúng được đến bốn câu. Ngụ ý khen Duy giỏi được đánh dấu bằng từ “đến”. Nếu nói: Duy chỉ trả lời được bốn câu, ngụ ý chê thông qua từ “chỉ”. 

Các lớp từ tình thái, các quán ngữ. Lớp từ này là đặc sản của tiếng Việt dùng chêm vào trong câu làm cho lời nói đượm sắc thái biểu cảm, tự nhiên, lịch sự. Đó là các từ, các kết cấu như: À, ư, nhỉ, nhé, chăng tá, ru, mà..; hèn chi, hèn nào, ngộ nhỡ, chí ít là, may ra… thì, của đáng tội, nghe đâu, nghe đồn, có lẽ, hình như, nói gì thì nói, dù thế nào đi nữa, khốn nỗi, ngặt tha, nói khí không phải, nói trộm vía, khéo mà… cũng nên, cốt… sao là được… Ví dụ, có một bạn đến thăm bạn gái vừa sinh con, nói: Nói trộm vía, con bé xinh quá! Hoặc có thể nói: Nó giống mẹ quá! Mẹ nó hồi còn sinh viên nhiều anh chết mệt.

Tiếng Việt rất phong phú. Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô.

5. Tư duy logic bằng lập luận. Người Việt không chỉ duy cảm với những câu, những lời thánh thót như giọt đàn bầu, ngọt ngào như lời mẹ ru mà còn duy lý với những lời lẽ chặt chẽ, đanh thép. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Lập luận là người nói / viết đưa ra các lý lẽ, các luận cứ nhằm dẫn dắt người nghe, người đọc rút ra một kết luận hoặc chấp nhận một kết luận nhất định mà người đó muốn đạt tới. Cách nói này phổ biến trong giao tiếp đời thường. Chẳng hạn, Chuồn chuồn bay thấp, suy ra –> trời sắp mưa; Đom đóm bay ra, hoa phượng nở, suy ra –> mùa hè đến. Kiểu lập luận này thường thấy trong các câu nói dân gian: Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/ Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình. Bao giờ cây cải làm đình/ Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta. Chạch ở dưới nước, sáo ở cành cây, không thể nào có chuyện chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước. Như thế là trái quy luật tự nhiên. Từ đó suy ra kết luận: Ta với mình không thể nào lấy nhau được. 

Trong giao tiếp hội thoại, chúng ta thường nghe A nói: Năm nay tiêu chuẩn chọn vào trường Am cao lắm. Học sinh giỏi thì mới được chọn. B nói: Thằng Duy nhà mình học giỏi. Lo gì. Ta có thể suy ý bằng một lập luận như sau: Tiền đề 1, học sinh giỏi thì mới được chọn vào trường Amsterdam. Tiền đề 2, thằng Duy học giỏi. Rút ra kết luận: Thằng Duy sẽ được chọn vào trường Amsterdam. Lập luận dùng để biểu hiện những hành vi nói gián tiếp như: khuyên răn, từ chối, thề thốt, đe dọa, thách thức, bác bỏ… Chẳng hạn, A nói: Anh bán lại chiếc xe này cho tôi đi! B nói: Bán thì lấy gì mà đi. Đoạn thoại này có cấu trúc lập luận: Tiền đề 1 – Bán thì không có cái để đi. Tiền đề 2 – Cần phải có cái để đi. Kết luận: Vậy không bán. Đó là lập luận từ chối. Chúng ta thường nghe các lời thề thốt như: Tôi mà nói dối thì tôi làm con cho anh/ Tôi mà nói dối thì trời sa xuống đất/ Tôi mà nói dối thì chẳng có ai là người nói thật. Và đây là hành vi thách thức: Ai có gan nói lên sự thật của thủ trưởng cơ quan ta nào! Hàm nghĩa: Không dám nói lên sự thật là hèn. 

Lập luận trong văn viết. Các thể văn chính luận, phản biện, hùng biện rất cần câu văn, đoạn văn lập luận. Chúng có chức năng như một nghệ thuật để thuyết phục. Chúng ta thử so sánh hai đoạn văn lập luận sáu đây: 

(a) Trong Tuyên ngôn độc lập Việt Nam (Dân chủ Cộng hòa): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.” 

(b) Bản Tuyên ngôn nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.” 

Đoạn văn (a) là lập luận so sánh tương đồng, đoạn văn (b) là lập luận so sánh tương phản. Cả hai lập luận và cũng có thể nói tất cả luận cứ trong văn bản “Tuyên ngôn” dẫn đến kết luận: Nước Việt Nam có quyền hưởng độc lập, tự do. 

Trong văn bản văn học – nghệ thuật có nhiều đoạn văn lập luận rất hay, rất nghệ thuật. Hãy đọc và phân tích một số đoạn văn sau đây: 

Đoạn 1: “Trong xã hội truyện Kiều, đồng tiền đã trở thành một sức mạnh tác quái rất ghê: (1) Nguyễn Du không phải không nhắc đến tác dụng tốt của đồng tiền; (2) Có tiền, Thúc Sinh, Từ Hải mới chuộc được Kiều, Kiều mới cứu được cha và sau này mới báo ơn cho người này người nọ; (3) Đó là những khi đồng tiền nằm trong tay người tốt; (4) Nhưng chủ yếu Nguyễn Du vẫn nhìn về mặt tác hại; (5) Vì Nguyễn Du thấy rõ cả một loạt hành động gian ác bất chính đều do đồng tiền chi phối; (6) Quan lại vì tiền mà bất chấp công lý; Sai nha vì tiền mà làm nghề buôn thịt bán người; Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm; Khuyển Ưng vì tiền mà làm những điều ác; (7) Cả xã hội chạy theo đồng tiền” (Hoài Thanh, Xã hội truyện Kiều). 

Đoạn văn này có kiểu lập luận hỗn hợp. Câu (1) là câu chủ đề, câu (8) là câu kết luận. Đoạn văn có hai lập luận. Các câu (2), (3), (4) là lập luận nghịch hướng, diễn dịch nói về mặt tốt của đồng tiền, trong đó câu (2) là chủ đề, các câu (3), (4) là các luận cứ. Lập luận thứ hai nói về mặt xấu của đồng tiền trong truyện Kiều. Trong đó (5), (6), (7) là các câu luận cứ cho câu kết luận (8). Đó là lập luận diễn dịch. Xét mối quan hệ lập luận toàn đoạn văn, chúng ta có một lập luận tổng – phân – hợp, trong đó câu (1) là tổng chủ đề, câu (8) là hợp. 

Đoạn văn 2: “Nhưng nếu Kiều là một người yếu đuối thì Từ là kẻ hùng mạnh, Kiều là một người tủi nhục thì Từ là kẻ vinh quang. Ở trong cuộc sống mỗi bước chân Kiều đều vấp phải một bất trắc thì trên quãng đường ngang dọc Từ không hề gặp khó khăn. Suốt đời Kiều sống chịu đựng, Từ sống bất bình, Kiều quen tiếng khóc, Từ quen tiếng cười, Kiều đội trên đầu nào trung, nào hiếu thì trên đầu Từ chỉ là một khoảng trống không, nào biết có ai? Nếu Kiều lê lết trên mặt đất đầy những éo le trói buộc thì Từ vùng vẫy trên cao phóng túng, tự do. Kiều là hiện thân của mối mặc cảm tự ti, còn Từ là nguyên hình của mối mặc cảm tự tôn” (Vũ Hạnh, Đọc lại truyện Kiều). 

Đây là đoạn văn lập luận không có câu chủ đề viết theo kiểu song hành tương phản. Người đọc sẽ rút ra những khác biệt về tính cách của Kiều và Từ Hải. 

Đoạn văn 3: “Chị là người thương em nhất. Cả làng gọi em là đồ chó, vợ em gọi em là đồ đểu, thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn” (Nguyễn Huy Thiệp, Tướng về hưu). 

Đoạn văn này theo sơ đồ lập luận như sau: – Tiền đề 1: Các người khác khinh em với ba luận cứ: Cả làng gọi em là đồ chó; Vợ em gọi em là đồ đểu; Thằng Tuân gọi em là đồ khồn nạn. – Tiền đề 2: Chị không khinh em với một luận cứ: Chị gọi em là người. – Kết đề: Chị là người thương em nhất. 

Đoạn văn 4: “Có lẽ vì thế mà Thị Nở không sợ cái thằng mà cả làng sợ hắn. Gần gũi lâu cũng sinh quen, mà quen thì ít khi còn sợ” (Nam Cao, Chí Phèo

Đoạn văn này theo dạng thức tam đoạn luận: Đại tiền đề: Gần gũi lâu/ sinh quen. Tiểu tiền đề: Quen/ ít sợ. Kết luận: Gần gũi lâu/ ít sợ. 

6. Ngày nay, trong bối cảnh giao lưu quốc tế rộng rãi, tiếng Việt nói chung, câu nói của người Việt nói riêng, ngày càng phong phú, đa dạng; người Việt vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa ngôn từ của mình. Tình yêu tiếng Việt là thước đo tình yêu nước. Một nhà thơ đã viết:

Ôi tiếng Việt, suốt đời tôi mang nợ

Quên chuyện mình, quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá, môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình.

(Lưu Quang Vũ, Tiếng Việt)

Hoàng Trọng Phiến

Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)

Share This Post!