1. Vai trò chữ quốc ngữ trong đời sống người Việt Nam 

Việt Nam chịu ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến Trung Quốc – đó là thời Bắc thuộc kéo dài đến năm 938, năm Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng [1], Việt Nam được độc lập. Trong thời kỳ Bắc thuộc, tiếng nước ta được “ghi” lại bằng chữ Hán – các nhà trí thức Việt Nam đã học và phổ biến chữ Hán nhưng tìm cách đọc theo âm Việt. Các nhà trí thức Việt còn cố sức tìm ra cách ghi tiếng Việt bằng chữ Nôm. Dân tộc ta rất trân trọng việc làm đó, vì “tiếng nói và chữ viết là căn cước văn hóa của một dân tộc” [2]

Qua Bài 1 các bạn đều biết về cách cấu tạo chữ Nôm. Các bạn đã thấy việc học chữ Hán đã khó, học chữ Nôm còn khó hơn! Chưa kể là một chữ Nôm có thể có nhiều cách đọc, nhiều khi phải vừa đọc vừa đoán. Dân ta có chữ “nôm na”, mang ý đã là Nôm thì chỉ na ná thôi, không chính xác! Những điểm hạn chế này khiến chữ Nôm không phát triển, người dân bị mù chữ là điều dễ hiểu. 

Vào giữa thế kỷ 17, các giáo sĩ phương Tây (Âu châu) đến Việt Nam với mục đích truyền bá đạo Thiên Chúa, nghiên cứu các mặt đời sống, và dẫn theo đó là các hoạt động thương mại, xã hội, văn hóa,… Trong quá trình giao tiếp với dân bản địa, các giáo sĩ phương Tây nhận thấy ngay và thấy rất rõ sự bất hợp lý trong việc người Việt nói một cách và viết theo một cách khác. Chữ viết lúc đó của người Việt là chữ Hán hoặc chữ Nôm. Sự khác biệt này khiến cho các giáo sĩ khó giao tiếp và truyền đạo, khó hòa nhập vào cuộc sống tinh thần người dân bản địa để họ đồng tình và làm theo những giáo lý Thiên Chúa giáo. Ngoài ra trong giao dịch mua bán cũng rất khó khăn khi phải cam kết bằng văn bản. Các giáo sĩ phương Tây phải nghĩ đến việc ghi âm tiếng nói của người bản xứ bằng các chữ cái thuộc hệ chữ Roman mà các giáo sĩ đang sử dụng [3]

Từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, người Việt Nam có bộ chữ viết theo mẫu tự chữ cái Latin do các giáo sĩ phương Tây đặt ra, và người có công đúc kết, tổng hợp thành cuốn từ điển đầu tiên là Alexandre de Rhodes [4]. Cuốn từ điển mang tên VIỆT–BỒ–LA (Việt Nam–Bồ Đào Nha–Latin) in năm 1651 tại Roma. 

Chữ Việt dùng chữ cái Latin ra đời là việc mới hoàn toàn đối với người Việt Nam. Việc sử dụng thứ chữ mới chỉ mạnh mẽ ở những nơi có các nhà truyền giáo và nơi có những người dân theo đạo Thiên Chúa. Bộ chữ viết mới này vẫn xa lạ với người Việt đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo và tư duy phong kiến nhiều thế kỷ trước đó. Chưa kể là bộ chữ viết mới này lại trùng hợp với thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, nên càng tạo ra tâm lý đối địch với “chữ của bọn Tây”, của bọn “quỷ da trắng nước ngoài”, của bọn xâm lược. 

Trang đầu của từ điển Việt – Bồ – La do Alexandre de Rhodes xây dựng.

2. Những nhà trí thức tiên phong 

Đến giữa thế kỷ 19, sự có mặt của người phương Tây kèm theo những ảnh hưởng nhất định về lối sống, về khoa học, về kỹ thuật và văn hóa ở Việt Nam, đã tác động mạnh lên tư duy của một số nhà trí thức tiên phong. 

Nhờ được tiếp cận với nền văn hóa và kiến thức xã hội của những người phương Tây đến Việt Nam, những nhà trí thức tiên phong đó tự nhận thấy sự bất hợp lý trong cách sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết của người Việt. Và họ xác định đây là rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận với nền tri thức mới của những nền văn minh khác của nhân loại. Họ đã âm thầm tạo ra một con đường mới cho công cuộc phát triển xã hội, đó là tìm cách sử dụng và phổ biến chữ viết mới (chữ QUỐC NGỮ) theo mẫu tự chữ cái Latin, gạt bỏ dần việc sử dụng chữ Hán và chữ Nôm – những công cụ hạn chế việc phổ cập tri thức mới cho những người dân thường, nhất là những người nghèo ít có điều kiện học hành. 

Chỉ với 24 chữ cái, thứ chữ mới rất dễ học và dễ tiếp thu. Những nhân sĩ tiến bộ không muốn có một xã hội lạc hậu vì người dân không được học hành, không có tri thức. Trong những diễn biến quan trọng của cuộc cách mạng này, đã xuất hiện những gương mặt tiên phong. Đáng chú ý nhất lúc đầu là Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký, 1837–1898) và Huỳnh Tịnh Của (Paulus Của, 1834–1907).

2.1. Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký) 

Trương Vĩnh Ký (quê tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) là người Việt Nam đầu tiên có ước vọng và thực hiện bằng nhiều cách để mong người dân sẽ sử dụng chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự chữ cái Latin mà sau đó được gọi một cách tự nhiên là Quốc ngữ. 

Nhưng từ “quốc ngữ” đã làm mếch lòng nhiều người trong bộ máy quyền lực của triều đình, đặc biệt là những người chịu ảnh hưởng sâu đậm lối tư duy của phong kiến Trung Quốc. Từ “quốc ngữ” cũng vô tình bộc lộ sự thoát khỏi ảnh hưởng của tư tưởng văn hóa Đại Hán, chia tay vĩnh viễn với một chủ trương thôn tính toàn diện dân tộc Việt của phong kiến Trung Hoa đã kéo dài hàng chục thế kỷ và sẽ kéo dài cho đến khi không thể!

Nhà văn hóa tiên phong Trương Vĩnh Ký còn gặp cản trở lớn trong sự nghiệp của ông. Đó là: 

  • Trương Vĩnh Ký là người Công giáo (Một hình ảnh đối lập với nhãn quan của một xã hội theo Phật giáo và Khổng giáo). 
  • Trong đời, ông đã từng có phẩm hàm trong hệ thống cai trị (tạo mặc cảm trong con mắt những người dân thuộc tầng lớp bị cai trị). 

Những đóng góp của Trương Vĩnh Ký trong việc phổ biến chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19, đã tạo nên một nhân tố tâm lý quan trọng trong việc hình thành một cuộc cách mạng về chữ viết đối với xã hội phía Nam Việt Nam.

2.2. Huỳnh Tịnh Của (Paulus Của) 

Huỳnh Tịnh Của (quê ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện thời) là người cùng thời với Trương Vĩnh Ký. Ông ít năng nổ hơn. Nhưng pho từ điển đồ sộ hai tập Đại Nam quấc âm tự vị (ra đời năm 1895 và 1896) của ông là một dấu ấn khác nhiều so với Petrus Ký. 

Ông làm rất nhiều sách. Tính theo thứ tự thời gian, đó là: Chuyện giải buồn, 2 tập, 112 truyện (in năm 1880 và 1885); Maximes et proverbes – Châm ngôn, cách ngôn (viết bằng tiếng Pháp) (1882); Gia lễ (1886); Bác học sơ giải (1887); Quan chế (1888); Đại Nam quấc âm tự vị – hai cuốn (1895 và 1896); Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1897); Câu hát góp (1904); Ca trù thể cách (1907). 

Bên cạnh đó, ông còn phiên âm, chuyển sang quốc ngữ những chuyện nôm xưa của các tác gia đời trước, bao gồm: Quan âm diễn ca (in năm 1903); Trần Sanh diễn ca (1905); Chiêu Quân cống Hồ truyện (1906); Bạch Viên Tôn Các truyện (1906); Văn Doanh diễn ca (1906); Thoại Khanh, Châu Tuấn truyện (1906); Thơ mẹ dạy con (1907); Tống Tử Vưu truyện (1907).

2.3. Phan Châu Trinh và Nguyễn Văn Vĩnh 

Vào cuối thế kỷ 19, nhà cầm quyền Pháp rất lúng túng trong việc lựa chọn một thứ ngôn ngữ thống nhất để áp dụng cho chế độ cai trị thuộc địa ở Đông Dương. Dùng ngôn ngữ nào là chính thức trong giao dịch xã hội – tiếng Hán, tiếng Pháp hay chữ quốc ngữ? Đến lúc này, hầu hết các lực lượng xã hội đều nhận thấy sự tiện lợi của chữ quốc ngữ. Thế nhưng, mâu thuẫn giữa các thành phần xã hội, giữa các lực lượng cai trị vẫn rất nặng nề, vì thế chữ quốc ngữ vẫn chưa chiếm được vị trí cần thiết để trở thành chữ viết quốc gia. 

Đầu thế kỷ 20, sự bế tắc của xã hội Việt Nam đã đến mức đe dọa. Có nhiều nguyên nhân của khủng hoảng, trong đó có vấn đề thiếu một loại chữ viết phổ thông để chính quyền đến được với người dân. Có tới 90% người dân không biết một loại chữ viết nào. Các văn bản của chính quyền viết theo các ngôn ngữ khác nhau, do họ vẫn tranh cãi chọn dùng thứ chữ nào. Kết quả là, đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam vẫn dùng những loại chữ viết vay mượn. 

Chí sĩ Phan Châu Trinh (1872–1926) là nhà yêu nước sinh ra tại Quảng Nam, miền Trung Việt Nam. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng (học vị dưới bậc tiến sĩ). Năm 1906, trước thực trạng đen tối của xã hội Việt Nam, ông viết bản kiến nghị bằng chữ Hán Đầu Pháp Chính phủ thư (“Thư gửi chính phủ Pháp”) gửi Toàn quyền Đông Dương Paul Beau. Nội dung kiến nghị đòi phía Pháp phải cải cách xã hội, thay đổi chính sách cai trị, hủy bỏ nền giáo dục lạc hậu, và dạy học chữ quốc ngữ. 

Phan Châu Trinh khẳng định dân Việt Nam phải được quyền làm người, quyền sống, quyền được học hành. Bản kiến nghị còn tố cáo sự bất lực và đồi bại của bộ máy vua quan triều Nguyễn cùng các chính sách cai trị hà khắc của chính quyền thực dân. 

Toàn văn bản kiến nghị của Phan Châu Trinh đã được một thanh niên Việt Nam 24 tuổi, xuất thân là con một gia đình nông dân nghèo ở phủ Thường Tín tỉnh Hà Đông (nay là ngoại thành Hà Nội) tên là Nguyễn Văn Vĩnh (1882–1936), dịch ra tiếng Pháp, tiêu đề “Lettre de Phan Chu Trinh au Gouverneur Général en 1906” [5].

Việc dịch bản kiến nghị này đã giúp Nguyễn Văn Vĩnh cảm nhận sâu sắc sự bất công của một xã hội không được học hành, không có quyền làm người. Nguyễn Văn Vĩnh hoàn toàn đồng ý với nhận thức của Phan Châu Trinh rằng: chúng ta nghèo và khổ vì chúng ta ngu và dốt, mà sự ngu dốt là hệ quả mặc nhiên của việc không được học hành! Từ lúc đó, Nguyễn Văn Vĩnh đã ý thức sâu sắc tính bức thiết của việc phải có chữ viết cho đồng bào mình. 

Nguyễn Văn Vĩnh đã may mắn có cơ hội từ khi còn là một đứa trẻ chăn bò ngoài bãi sông Hồng, được nhận vào làm công việc kéo quạt mát cho một lớp học của người Pháp đào tạo người làm phiên dịch tại trường Hậu bổ, đóng tại đình làng Yên Phụ, Hà Nội (1890). Tuy chỉ làm thuê, tuy chỉ học lỏm khi kéo quạt mát cho các học viên chính thức, nhưng vào năm 1896, sau hai lần thi, Nguyễn Văn Vĩnh đã đỗ đầu khoa thi (thủ khoa) của trường. Mới 15 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh đã được đặc cách làm phiên dịch cho Tòa sứ Lào Cai. Từ Tòa sứ Lào Cai, ông chuyển về Hải Phòng, rồi Bắc Giang, Bắc Ninh. Năm 1906 Nguyễn Văn Vĩnh là thư ký của Tòa Đốc lý Hà Nội và cũng là năm ông gặp chí sĩ Phan Châu Trinh.

Phan Châu Trinh mất ngày 24–3–1926 tại Sài Gòn. Ngày 4–4–1926, lễ an táng ông được cử hành hết sức trọng thể theo tinh thần một lễ quốc tang. Lễ vọng điếu thụ tang được tổ chức ở gần khắp các tỉnh thành trong cả nước. Lễ tang ông là cuộc biểu dương tinh thần dân tộc–dân chủ của phong trào yêu nước lúc bấy giờ.

Cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) và phái đoàn người Việt chụp tại Hội chợ thuộc địa Marseillse năm 1906 (Nguyễn Văn Vĩnh đội mũ trắng và mặc đồ Âu)

3. Hoạt động của Nguyễn Văn Vĩnh 

Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh được cử tham gia Hội chợ (Đấu xảo) các nước thuộc địa ở thành phố cảng Marseille miền Nam nước Pháp. Ông đã tận mắt chứng kiến nền văn minh Pháp. Ông thích thú chứng kiến nghề in ấn, xuất bản và làm báo. Ông bị mê hoặc khi nhận ra giá trị vô tận của báo chí trong đời sống. Nguyễn Văn Vĩnh lập tức đi tìm học cách làm một tờ báo. Ông muốn lấy đó làm phương tiện quan trọng nhất để quảng bá chữ quốc ngữ, làm cơ sở cho cuộc khai dân trí theo con đường chính trị của Phan Châu Trinh. 

Nguyễn Văn Vĩnh tin tuyệt đối vào những phát hiện của mình đến mức, trong một bức thư viết từ Marseille vào tháng 5.1906 gửi về cho một người bạn chí cốt là nhân sĩ Phạm Duy Tốn (1883–1924), ông đã bộc bạch: “Cuộc đi thăm lý thú nhất của tôi trong Đấu xảo là cuộc đi thăm gian báo “Petit Marseillais”. Toà báo đó có những tài liệu xác thực nhất, lý thú nhất về nghề in từ khi nghề đó bắt đầu nảy nở hay nói cho đúng từ khi nghề đó bắt đầu được nhập cảng vào châu Âu.

Được chứng kiến tận mắt nền văn minh Pháp, với vốn văn hóa, xã hội, với thiện tâm thuần túy, Nguyễn Văn Vĩnh tin rằng dân tộc Pháp, nước Pháp cần gánh lấy trách nhiệm giúp những kẻ nghèo, kém phát triển tìm đến con đường tiến bộ. Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, một dân tộc như dân tộc Pháp đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại với tiêu chí cao quý là: Tự do – Bình đẳng – Bác ái, không thể nhẫn tâm chà đạp lên sự yếu kém của người An Nam!

Trở lại Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh từ bỏ con đường công chức. Ông muốn làm một người tự do để không bị ràng buộc, bị áp lực bởi hệ thống hành chính, để rộng đường thực hiện lý tưởng của mình. Giai đoạn lịch sử này, Nguyễn Văn Vĩnh có hai mối quan hệ sống còn liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông, đó là:

1/ Nhận lời hợp tác với François Henri Schneider, người Pháp gốc Đức, một chuyên gia về xuất bản, in ấn và báo chí, đến Sài Gòn từ năm 1882 theo hợp đồng ký với Chính phủ thuộc địa để xây dựng ngành in và xuất bản ở Việt Nam. 

2/ Chính thức tham gia vào nhóm các nhân sĩ cách mạng do Phan Châu Trinh đứng đầu, tổ chức, thảo điều lệ và xin giấy phép mở trường Đông Kinh nghĩa thục (tại số 10 phố Hàng Đào Hà Nội) do cụ cử Lương Văn Can làm Thục trưởng (hiệu trưởng) năm 1907. 

Có mâu thuẫn không, khi Nguyễn Văn Vĩnh một mặt gắn bó với F.H. Schneider là người của chính quyền thực dân, và một mặt, lại gắn bó với Phan Châu Trinh là người phản đối chính sách cai trị của thực dân Pháp, bị thực dân Pháp coi là kẻ phản loạn. 

Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh tuyệt nhiên không coi các mối quan hệ này là mâu thuẫn. Với ông, việc kết hợp những nỗ lực và thuận lợi khác nhau đều để phục vụ cho mục đích: người Việt phải được dùng chữ quốc ngữ như một lợi thế tất yếu. 

Ngày 22 tháng 2 năm 1869, Thống đốc Nam Kỳ là Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier đã ký nghị định bắt buộc dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ nho trong các công văn hành chính ở Nam Kỳ. Nhưng phải 19 năm sau, năm 1888, chính quyền thực dân mới áp đặt cho Nam Kỳ phải dùng chữ quốc ngữ trong hoạt động, giao dịch tài chính. 

Những cố gắng này của nhà cầm quyền vẫn không đủ để mọi người dân ở Nam Kỳ sử dụng được chữ quốc ngữ, chưa nói đến người dân Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Triều đình nhà Nguyễn vẫn còn được dân coi trọng. Các quy chế chính trị thực sự khác nhau ở ba miền Việt Nam đã khiến dân chúng ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ vẫn xa lạ với chữ quốc ngữ, và ở cả hai vùng miền này, người dân vẫn chưa biết đến báo chí là gì. 

Cả hai lực lượng chống nhau ở Việt Nam đều có một yêu cầu chung về việc sử dụng chữ quốc ngữ. Một bên là các chí sĩ yêu nước muốn dùng sự tiện lợi của thứ chữ có mẫu tự Latin để mở mang dân trí, canh tân đất nước. Một bên là chính quyền thực dân, muốn phổ cập chữ quốc ngữ để dễ cai trị hơn. Cho dù mục đích chính trị khác nhau, các bên đều thấy rõ lợi ích của mình nếu chữ quốc ngữ được phổ cập. 

Lúc này, Nguyễn Văn Vĩnh mới 24 tuổi, con một gia đình nông dân nghèo, không liên quan đến hoàng tộc, không ruộng vườn, tài sản, không được đào tạo học hành chính thống, ông chỉ có một quyết tâm can dự vào cuộc cách mạng có một không hai của lịch sử. 

Nguyễn Văn Vĩnh không được thực dân Pháp coi trọng về chính trị, nhưng đây lại là một bộ óc phi thường. Đó là lý do mà F. H. Schneider, một “ông chủ” đầy đủ vốn liếng, quyền lực, đã lặn lội suốt 20 năm trời ở đất Nam Kỳ, nhưng cuối cùng, đã phải cất công tìm đến và đề nghị hợp tác với một người “nhà quê” (cách tự nhận của Nguyễn Văn Vĩnh) ở xứ Bắc Kỳ xa xôi là Nguyễn Văn Vĩnh! 

Lịch sử đã gắn bó F. H. Schneider và Nguyễn Văn Vĩnh như hai nửa của số phận. Một bên có trí lực và hoài bão, một bên có vật chất, quyền lực và cả hai đều muốn “lợi dụng” lẫn nhau để đi đến bến bờ thành công trong cuộc sống, cho dù thành công nếu đạt được, lại phục vụ hai lý tưởng hoàn toàn khác nhau về chính trị. 

Đông Kinh nghĩa thục ra đời với sự góp mặt của hầu hết các chí sĩ nổi danh đến từ miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Tiêu chí của phong trào rất cụ thể, đó là tư tưởng Phan Châu Trinh: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Để phấn đấu cho mục đích mới mẻ này, việc dạy chữ quốc ngữ trở thành nhiệm vụ hàng đầu trong Đông Kinh nghĩa thục. Thế rồi, các chí sĩ yêu nước và nhà cầm quyền, đã sinh ra một đứa con tinh thần đầu tiên: ngày 28.3.1907, chính thức ra đời tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên trong lịch sử văn hóa ở phía Bắc Việt Nam, tờ Đăng cổ tùng báo. Tờ báo chia đôi, một nửa là chữ Hán, một nửa là chữ quốc ngữ, có nội dung riêng rẽ. 

Gốc của Đăng cổ tùng báo là công báo in bằng chữ Hán có tên là Đại Nam đồng văn nhật báo. Tờ báo có chủ bút là Đình Nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ (1861–1908) và Chủ nhiệm chính là F. H. Schneider. Nguyễn Văn Vĩnh được cử là Chủ bút của Đăng cổ tùng báo phần chữ quốc ngữ. 

Nguyễn Văn Vĩnh đã mãn nguyện bởi một năm trước đó, trong bức thư viết từ Marseille ngày 27/6/1906 cho Phạm Duy Tốn, ông đã giãi bày những tâm nguyện của mình về một cuộc duy tân văn hóa, ông đắm đuối tưởng tượng ra cái lý tưởng về sự nghiệp làm báo, làm văn hóa đến mức: “Ngồi mà nghĩ rằng tôi sẽ là người thứ nhất để làm cái công việc đó, để mà gây lấy một tương lai tốt đẹp đó, tôi sung sướng vô cùng…” [6]. Nguyễn Văn Vĩnh cần một điểm xuất phát trong hành trình đưa chữ quốc ngữ lên ngôi vị thống lĩnh ở phần Bắc Việt Nam, nên việc được là chủ bút một tờ báo đầu tiên trong lịch sử, đối với ông không thể không gọi là mãn nguyện. 

Ngay trên số báo đầu tiên của Đăng cổ tùng báo, ta đọc thấy bài Người An Nam nên viết chữ An Nam – bài thực sự mang tính tuyên ngôn của tờ báo. Bài viết xác định: “Nước Nam xưa nay vẫn có tiếng–nói, mà tiếng An–Nam lại hay được một điều là cả nước nói có một thứ tiếng… Nhưng vốn chỉ có tiếng nói, không có chữ viết; đến khi học chữ tầu, rồi mới lấy chữ tầu ghép ra thành một lối riêng, gọi là chữ Nôm. Chữ Nôm tuy viết quấy quá cũng thành ra giạng chữ, nhưng không có mẹo mực gì, ai muốn viết thế nào thì viết, thường phải cao–đoán mới đọc được thông… bây giờ có người Phương tây đến, bày ra chữ quốc–ngữ, chắp vần theo như chữ các nước Phương tây; có mẹo mực, ba là ba, bốn là bốn, không thể sai được mà học dễ biết là bao nhiêu; Sáng ý thì chỉ vài ngày, ngu đần thì trong một tháng cũng phải thông.” [7]

Nguyễn Văn Vĩnh đã say sưa đến tột độ để chủ động đưa lên mặt báo những kiến thức mình đã thu lượm được. Đó là kết quả của những năm tháng tự học trên cơ sở nắm vững tiếng Pháp và tiếng Hán, nhằm thực hiện ráo riết tôn chỉ của Đông Kinh nghĩa thục là Khai dân trí. Ông được quyền bộc lộ hợp pháp, được quyền nói những điều mình ấp ủ, và tờ báo cùng chữ quốc ngữ chính là vũ khí. Ngay từ tờ báo đầu tiên này, Nguyễn Văn Vĩnh đã có kiến thức về sự hấp dẫn của bố cục, nội dung và hình thức đối với một tờ báo, nhằm dẫn dắt người đọc, chứng minh với người đọc về một thứ chữ mà nếu ngu đần, học cũng chỉ mất một tháng…! 

Hầu hết các chuyên mục, các bài viết với các nội dung khác nhau từ xã hội, giao thương, chính trị, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh, tin vắn quốc tế và trong nước, rao vặt quảng cáo… đều do một tay con người đó chế tác. Nguyễn Văn Vĩnh muốn từ đây, chữ quốc ngữ sẽ trở nên gần gũi với tất cả mọi người, giúp người dân nhận thấy loại chữ này hợp lý, quá dễ học, và khi đã đọc được, họ sẽ biết thêm được bao nhiêu điều, nhận thức được bao nhiêu thứ, chứ không phải ngơ ngác khi nhìn thấy chiếc bóng đèn điện lại thốt lên: sao cái đèn lại lộn ngược nhỉ

Tờ báo với thứ chữ viết dễ học đã trở thành mối đe dọa với chính kẻ quyết định cho tờ báo ra đời. Họ sợ, đến một ngày, nó sẽ giúp những kẻ bị cai trị hiểu được vì sao mình nghèo? Vì sao mình khổ? Và sẽ lộ diện những bộ mặt chuyên hà hiếp, bóc lột và sự dối trá của những kẻ cầm quyền! 

Cần phải chấm dứt hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục! Phải đóng cửa tờ báo đã lợi dụng sự “hợp tác” và tinh thần “khai sáng” của nhà cầm quyền. Đăng cổ tùng báo đã dám trở thành cơ quan ngôn luận của một phong trào cách mạng. [8]

Tháng 11 năm 1907, nhà cầm quyền đã quyết định dập tắt Đông Kinh nghĩa thục, họ bắt bớ, bỏ tù, thậm chí tử hình một số các thành viên của Phong trào. Đăng cổ tùng báo đương nhiên phải chấm dứt hoạt động. Sự nghiệp khai dân trí có quy mô lớn đầu tiên của đất nước bị phá bỏ. Phẫn nộ đến cao độ, ngày 11.12.1907, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết văn bản gửi đến Hauser là Đốc lý Hà Nội phản đối gay gắt chính quyền đương thời, đồng thời khẳng định lý do đã thúc đẩy ông tham gia phong trào này: “… lần đầu tiên tôi xuất hiện ở nhà trường là ngày 15 tháng 3 âm lịch… phần 2 của lời phát biểu của tôi là dành cho chữ quốc ngữ, tôi đề nghị lấy nó làm chữ viết dân tộc và là cơ sở cho nền giáo dục bản xứ… đó là tất cả tội của tôi. Tôi nhắc lại là vì tôi đã muốn cải cách giáo dục mà không nhờ đến chính quyền…” [9]

Đau xót vì lý tưởng vừa được thực hiện đã bị nhà cầm quyền dập tắt, Nguyễn Văn Vĩnh đã lớn tiếng kết án hành vi của những kẻ chỉ đạo: “... việc đóng cửa Đông kinh Nghĩa thục là một sự trả thù hèn hạ… tôi xin phép được nói là biện pháp vừa thi hành là vô chính trị.” 

Trước sự kiện này, hình như F. H. Schneider có phần nào thấy mình giống như Nguyễn Văn Vĩnh! Về bản chất, lúc này ông ta cũng chẳng yên tâm để chia tay với “mối duyên” trời định! Schneider đã ở Việt Nam hơn hai chục năm với mục đích chiến lược là tạo dựng ngành in ấn và phát hành báo chí. Nhưng cho đến thời điểm gặp được Nguyễn Văn Vĩnh, hợp đồng của ông ta với chính phủ thuộc địa vẫn đang dang dở… Làm sao ông ta không tiếc nuối quãng thời gian hơn hai chục năm trời?! Nhất là, khi đó lại đã có một chân trời mới là nghị định của chính phủ thuộc địa mới ban hành, muốn người dân An Nam phải dùng chữ quốc ngữ. 

Còn với Nguyễn Văn Vĩnh, ông vừa mới đi được nửa bước trên con đường mình đã chọn mà đã bị khủng bố, bị bóp nghẹt, làm sao không phẫn nộ, làm sao lại chịu bỏ dở?! Nguyễn Văn Vĩnh đã thấy rõ: Nhà cầm quyền Pháp chỉ muốn dùng chữ quốc ngữ để phục vụ cho công việc cai trị hành chính của họ, nhưng họ lại không muốn người dân Việt Nam trưởng thành về trí tuệ vì có chữ. Vì đó sẽ là cuộc cách mạng chống lại chế độ thực dân. Họ không muốn vũ khí là chữ quốc ngữ rơi vào tay các chí sĩ cách mạng. 

Nguyễn Văn Vĩnh hiểu điều đó hơn ai hết. Ông và Schneider đã cùng nhà cầm quyền lặng lẽ tìm giải pháp nhân nhượng nhau, trước khi có thể tìm được giải pháp lâu dài.

Sáu năm sau (1913) lại xuất hiện một cơ hội khác, nhưng lần này là cơ hội hoàn toàn mang tính chính trị, đó là việc bùng phát liên tiếp những cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp ở cả ba miền. Để ngăn chặn và khống chế khuynh hướng này, chính quyền thực dân buộc lòng phải thực hiện giải pháp tuyên truyền, nhưng sẽ tuyên truyền bằng phương thức nào, bằng ngôn ngữ nào? 

Nguyễn Văn Vĩnh cũng thực sự bức bách. Suốt sáu năm liền, mặt trận khai dân trí và phổ cập chữ quốc ngữ hòng soán ngôi của chữ Hán hầu như giậm chân tại chỗ.Trong lúc chờ đợi, Nguyễn Văn Vĩnh đã dốc lòng dịch ra tiếng Việt các tác phẩm văn học kinh điển trong tủ sách tinh hoa của nhân loại, nhưng chúng sẽ được phổ biến bằng cách nào? Một mặt, ông dẫn người dân tới sự hấp dẫn bởi chữ quốc ngữ khi đọc các tác phẩm dịch. Mặt khác, ông chứng minh trước những tư tưởng bảo thủ và hủ nho trong xã hội rằng: chữ quốc ngữ đủ sức chuyển tải và mô tả những tinh hoa trí tuệ của nhân loại. 

Trong sự nghiệp dịch với mục đích biểu dương sức mạnh chữ quốc ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh, cần phải nói đến tác phẩm Tam Quốc chí diễn nghĩa của nhà văn Trung Quốc La Quán Trung (Nguyễn Văn Vĩnh cùng chí sĩ Phan Kế Bính (1875–1921) dịch tác phẩm này ra tiếng Việt lần đầu tiên vào năm 1909). Ở lời nói đầu cuốn sách, Nguyễn Văn Vĩnh đã xác định: “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở như chữ quốc ngữ”. Điều đó cho thấy hết quan điểm, nhận thức và lý tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh đối với chữ quốc ngữ. 

Tiếp đó, để sớm tạo mặt trận chính trị dư luận có lợi, ngày 15/5/1913, chính quyền quyết định cho ra mắt tờ báo xuất bản hoàn toàn bằng tiếng Việt đầu tiên tại phía Bắc Việt Nam mang tên Đông Dương tạp chí. Không ai khác ngoài Nguyễn Văn Vĩnh được đặt vào vị trí chủ bút. Nguyễn Văn Vĩnh có thái độ sốt sắng nhận việc vì những lý do sau: 

  1. Nguyễn Văn Vĩnh tán thành quan điểm chính trị của Phan Châu Trinh là cần tổ chức một nền học vấn làm nền tảng cho một cuộc cách mạng về nhận thức của người dân trước yêu cầu muốn thay đổi xã hội tận gốc rễ, thay vì theo khuynh hướng bạo lực. 
  2. Nếu để xã hội rơi vào xung đột đẫm máu, dù có thể giành được thắng lợi, nhưng thắng lợi đó sẽ khó giúp được việc xây dựng một quốc gia phát triển bền vững về chiều sâu.

Nguyễn Văn Vĩnh coi việc ra đời Đông Dương tạp chí là cơ hội nghìn vàng để ông tiếp tục có được cái diễn đàn thực hiện lý tưởng văn hóa của mình từ trước đó là: “Ở thế–gian này, xem trong các nước, phàm nước nào đã gọi là nước văn–minh, là cũng có văn–chương riêng cả, tiếng nói thế nào, chữ viết như thế…”. [10]

Đông Dương tạp chí quy tụ được hầu hết những gương mặt ưu tú nhất, có học vấn nhất và trí tuệ nhất của cả Trung Kỳ và Bắc Kỳ thời đó [11]. Nhìn nhận vai trò lịch sử của Đông Dương tạp chí, đánh giá của Phạm Thế Ngũ (1921–2000) được các chuyên gia làm việc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Chính phủ Việt Nam nhắc lại như sau: “Đối với Schneider và những người Pháp đứng sau tờ Đông Dương tạp chí, thì mục tiêu chính trị là quan yếu nhất. Còn đối với những người Việt Nam cộng tác, đứng đầu là Nguyễn Văn Vĩnh, hẳn các ông cũng muốn lợi dụng báo để làm nơi tuyên truyền cho việc duy tân đất nước và xây dựng văn học mới…”

Đấy chính là nguyên nhân, tiền đề dẫn tới sự ra đời của Đông Dương tạp chí, tờ báo chữ quốc ngữ sớm nhất ở Hà Nội [12]

Các chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, xác định Đông Dương tạp chí là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam dạy người dân cách học, cách làm văn bằng chữ quốc ngữ. Với vai trò là chủ bút, bằng việc dịch sang chữ quốc ngữ và cho in hàng loạt tác phẩm văn học kinh điển, các tư tưởng triết học của các danh nhân văn hóa thế giới, Nguyễn Văn Vĩnh đã chứng minh khả năng tiềm ẩn và sự hoàn thiện dần dần của thứ chữ viết theo mẫu tự Latin. Ở tờ báo này, cũng là lần đầu tiên người Việt Nam làm quen với: Molière (1622–1673), Charles Perrault (1628–1703), Jean–Jacques Rousseau (1712–1778), Voltaire (1694–1778),… Ngược lại, Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã cực kỳ thành công khi dùng tờ báo tiếng Việt đầu tiên này để chứng minh với đồng bào mình rằng: nền văn hóa của dân tộc Việt Nam không thể không tự hào khi chúng ta có thi hào Nguyễn Du, có Truyện Kiều, mà qua cách quảng bá của Nguyễn Văn Vĩnh, dư luận đồng tình gọi Nguyễn Du là đại thi hào!

Mặc dù là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra mắt các độc giả Việt Nam, song chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh vẫn đã giúp được công chúng có những khái niệm hoàn toàn mới qua các chuyên mục trên tờ báo này: 

  • Thời sự tổng thuật (Tóm tắt các diễn biến thời sự mới nhất).
  • Quan báo lược lục (Thông báo các chính sách mới của nhà cầm quyền).
  • Tự do diễn đàn.
  • Sách dạy tiếng An Nam.
  • Gương phong tục.
  • Luân lý học.
  • Việc buôn bán (Các hoạt động thương mại).
  • Nhời đàn bà (Các vấn đề dành riêng cho nữ giới),… 

Ngôn ngữ của các chuyên mục này đã giúp độc giả tiếp thu các nội dung thông qua chữ quốc ngữ. Rõ ràng, Đông Dương tạp chí đã đóng một vai trò quan trọng bậc nhất trong tiến trình phổ biến và hiện đại hóa ngôn ngữ, cơ sở để hình thành nền văn học chữ quốc ngữ ở Việt Nam, tiến dần đến khả năng thay thế vai trò của chữ Hán và chữ Nôm. 

Đông Dương tạp chí cũng tác động được vào bối cảnh xã hội chính trị đương thời. Ngày 7/1/1915, con đường phát triển báo chí ở Việt Nam chứng kiến sự ra đời của một tờ báo mới, tờ báo để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử báo chí Việt Nam, đó là tờ Trung Bắc tân văn, cũng vẫn do Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút. 

Năm 1917, một trong những gương mặt quan trọng của Tòa soạn Đông Dương tạp chí là Phạm Quỳnh (1890–1945) đã tách ra và tạo dựng tờ Nam Phong tạp chí, cũng là một trong những tờ báo lớn. Đến năm 1919, Nguyễn Văn Vĩnh đã chính thức phát hành tờ Trung Bắc tân văn ra hàng ngày (nhật báo). Đây là tờ nhật báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam. Cùng năm này đã xuất hiện một tờ báo đầu tiên ở Việt Nam chuyên về giáo dục và có tên là Học báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm Chủ nhiệm và Chủ bút là Trần Trọng Kim (1883–1953). Lúc này, mảnh ruộng canh tác chữ quốc ngữ đã được mở rộng và phong phú lên rất nhiều. 

Trong quá trình xây dựng, phổ biến và hoàn thiện chữ quốc ngữ thông qua báo chí ở thập kỷ đầu thế kỷ 20, thứ chữ viết mới này đã thật sự đi vào cuộc sống tinh thần của người Việt, trở thành phần hồn của dân tộc. Trước những cố gắng bền bỉ và xuất sắc của Nguyễn Văn Vĩnh cùng với các đồng sự của mình là các nhà yêu nước, không phân biệt là phái Tân học hay phái Cựu học, cuối cùng, năm 1919, vua Khải Định (1885–1925) đã ra chỉ dụ bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ nho. Ngày 18/9/1924, Toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin (1860–1935) đã ký quyết định đưa chữ quốc ngữ vào dạy từ cấp tiểu học trên toàn cõi Việt Nam.

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh và báo L_Annam Nouveau.

Vậy là sau gần ba thế kỷ, tính từ khi có cuốn từ điển đầu tiên Việt–Bồ–La năm 1651, chữ quốc ngữ đã chính thức trở thành chữ viết quốc gia của dân tộc Việt Nam. 

Nền văn học chữ quốc ngữ hình thành và sinh ra vô số nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng làm vinh danh lịch sử văn hóa dân tộc ở thế kỷ 20 – Nhất Linh (1906–1963), Thế Lữ (1907–1989), Thạch Lam (1910–1942), Tú Mỡ (1900–1976), Nguyên Hồng (1918–1982), Nguyễn Công Hoan (1903–1977), Huy Cận (1919– 2005),… 

Năm 1922, ngài Francois Henri Schneider từ giã đất nước Việt Nam, sau vừa tròn 40 năm vật lộn ở mảnh đất đã giữ ông cả cuộc đời. 

Schneider ra đi, lúc này Nguyễn Văn Vĩnh đã quá đủ vững vàng. Nguyễn Văn Vĩnh tiếp tục đào sâu hơn, mở rộng hơn cái thửa ruộng văn hóa mà ông miệt mài cày cấy. Năm 1922, ông thay đổi toàn bộ dây chuyền công nghệ in do Schneider đem đến Việt Nam từ hơn 30 năm trước, để có các ấn phẩm chất lượng hơn, chuẩn mực hơn. Ông vay tiền ngân hàng năm 1926, thành lập nhà sách Âu Tây tư tưởng ở số 1–3 phố Hàng Gai. Trong một bài tâm sự, Nguyễn Văn Vĩnh đã mơ ước rằng: Nhà sách này sẽ là Trung tâm Bách hóa văn hóa, một siêu thị văn hóa, nơi người dân có thể tìm thấy tất cả những gì liên quan đến cuộc sống văn hóa

Nguyễn Văn Vĩnh đã quyết tâm nghĩ và thực hiện việc cải tiến chữ quốc ngữ khi bị kỹ thuật điện tín quốc tế chối bỏ do tiếng Việt có quá nhiều dấu và âm sắc, và ông đã thành công [13]. Lần đầu tiên, tiếng Việt được chuyển qua điện tín (morse) theo nguyên tắc a a = â, a w = ă, u w = ư,… Và đó là năm 1927. Thành công này đã khích lệ Nguyễn Văn Vĩnh nghĩ ra mẫu chữ cải tiến nhằm thuận lợi hơn trong việc hòa nhập với công nghệ in ấn thế giới. Một thí dụ: Năm dấu: sắc, huyền, hỏi, ngãnặng được Nguyễn Văn Vĩnh thay thế bằng: q, f, j, z, w và được đặt phía sau của mỗi tiếng. 

Từ năm 1927 đến năm 1930, trên báo Trung Bắc tân văn mỗi số báo đều có một bài do Nguyễn Văn Vĩnh viết theo nguyên tắc của chữ quốc ngữ cải tiến. Mục đích là để giúp người đọc làm quen dần với mẫu chữ mới này. Cũng theo Nguyễn Văn Vĩnh, chữ quốc ngữ mới khiến không thể nhầm lẫn khi viết cẩu thả do đánh nhầm dấu, vì các dấu đã được quy định thành các chữ cái. Hơn nữa, việc sử dụng chữ quốc ngữ cải tiến sẽ tận dụng được tất cả các hộp xếp chữ của máy in và máy đánh chữ hiện đang sử dụng ở Việt Nam. …. [14]

Đến thời điểm này, Nguyễn Văn Vĩnh đã đi được một chặng đường dài trong sự nghiệp xây dựng cơ sở, nền tảng tiếp thu học vấn và tri thức cho đồng bào mình. Kho kiến thức tiến bộ về tất cả các lĩnh vực của nhân loại đã đến được với người Việt Nam thông qua vai trò chữ quốc ngữ. Thật trớ trêu, những thành công này của Nguyễn Văn Vĩnh lại đi ngược với chiến lược cai trị của chính quyền thực dân. 

Nhà cầm quyền thực dân hoàn toàn không muốn Nguyễn Văn Vĩnh biến chữ quốc ngữ thành nhân tố khai sáng cho trí tuệ người Việt. Năm 1930, chính quyền thực dân quyết định tịch thu giấy phép xuất bản báo chí và sách bằng chữ quốc ngữ đã cấp cho Nguyễn Văn Vĩnh. Tịch thu nhà in Trung Bắc tân văn. 

Họ thực hiện việc xóa bỏ những thành công đang dần thành hiện thực của Nguyễn Văn Vĩnh trong dự án Chữ quốc ngữ đổi mới, bằng cách cho Nhà in Viễn Đông (IDEO – Imprimerie d’Extrême–Orient) xuất bản vội vàng một cuốn sách in bằng chữ quốc ngữ cải tiến theo kỹ thuật in Linotype với khổ sách 10cm x 14cm, dày 146 trang có tựa đề Hướng dẫn đối thoại Pháp–Nam. Chính quyền thực dân đã vội vã đến mức lập tức bắt Nhà in Viễn Đông phải đăng ký bản quyền sáng chế phát minh và yêu cầu Viện Viễn Đông bác cổ Pháp chứng nhận. 

Phản ứng trước thực tế này, ngày 29/5/1932, trên báo L’Annam Nouveau số 139, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết bài Cuốn sách đầu tiên được in ra bằng Chữ Quốc Ngữ đổi mới (Le premier livre imprimé en Quoc–ngu réformé), phân tích chi tiết những bất hợp lý trong nội dung của cuốn sách và thẳng thắn lên án cách hành xử mang tính thủ đoạn của chính quyền. Thực chất, đây là sự cướp công nhằm đẩy Nguyễn Văn Vĩnh đến chỗ phải thất vọng và phải đầu hàng. 

Đầu năm 1931, họ ra ba điều kiện với Nguyễn Văn Vĩnh nếu không muốn bị phá sản, gồm: 

  • Chấm dứt việc viết,
  • Chấm dứt việc phê phán chính quyền và triều đình Huế, 
  • Chấp nhận làm thượng thư cho triều đình Huế. 

Nguyễn Văn Vĩnh chống lại những đòi hỏi này của chính phủ thuộc địa. Bất chấp những khó khăn toàn diện trong cuộc sống, ông đứng ra tổ chức thành lập tờ báo L’Annam Nouveau (Nước Nam mới) viết bằng tiếng Pháp, với các mục đích: 

  • In bằng tiếng Pháp, nên không phải xin phép, 
  • Tiếp tục vận động xã hội chống chế độ bảo hộ và quân chủ lập hiến, 
  • Xây dựng và kêu gọi xã hội và chính quyền đi theo học thuyết trực trị, 
  • Tiếp tục phổ biến những kiến thức xã hội tiến bộ về khoa học, văn hóa, chính trị, ngoại giao, thương mại, công và nông nghiệp,… 

Năm 1935, thực dân Pháp đã hết kiên nhẫn. Một lần nữa, để hạ gục Nguyễn Văn Vĩnh, họ đã sống sượng đưa ra những sự áp đặt để ông lựa chọn như sau: 

  • Chấp nhận làm quan cho triều đình Huế, 
  • Không chấp nhận điều kiện một, sẽ bị tịch biên toàn bộ tài sản để phát mại và buộc phải trả nợ những khoản vay cho dù chưa đến hạn thanh toán. Hoặc phải sang Lào tìm vàng để trả nợ chính phủ, 
  • Phải đi tù. 

Nguyễn Văn Vĩnh đã bác bỏ tất cả các điều kiện như là sự ưu ái của nhà cầm quyền, ông từ chối cả việc nhà nước Pháp hai lần muốn tặng ông huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Ông chấp nhận đi sang Lào theo sự sắp xếp của chính phủ thuộc địa như một giải pháp để trả món nợ khổng lồ ông đã vay trước đó, liên quan đến hoạt động xuất bản và phát triển văn hóa. 

Tháng Ba năm 1936, Nguyễn Văn Vĩnh từ biệt gia đình và người thân để đi đến một nơi heo hút hoàn toàn xa lạ. Không một ai nghĩ rằng, sự nghiệp đồ sộ của ông sẽ chấm dứt trên một con thuyền độc mộc lênh đênh trên dòng sông Sê Băng Hiêng miền Nam nước Lào, trừ nhà cầm quyền thực dân. Người ta đã tìm thấy ông toàn thân tím đen, một tay vẫn giữ chặt cây bút và tay kia là một quyển sổ. Ông vẫn đang viết loạt bài phóng sự nhan đề Một tháng với những người tìm vàng, và đó là ngày 1/5/1936.

Nhà cầm quyền loan tin: Ngày 2/5/1936, Nguyễn Văn Vĩnh đã chết vì sốt rét và kiết lỵ!!! 

Những thành viên của “Hội Tam Điểm” [15] đã đưa thi hài ông về Hà Nội và tổ chức đám tang 2 đêm và 1 ngày. Hàng vạn người đã đến vĩnh biệt ông với hàng chục bài điếu văn tiễn biệt, trong đó có bài điếu viết bằng cả hai thứ chữ là Hán và Quốc ngữ của nhà yêu nước Phan Bội Châu (1867–1940). Người ta gọi Nguyễn Văn Vĩnh là “Ông tổ của nghề báo” và là “Người công dân vĩ đại”

Để nhìn lại toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh, chí sĩ Nguyễn Văn Tố (1889–1947) đã viết và đăng trên tạp chí Tin tức–Hội Tương tác Giáo dục Đông Kinh số 16 ra tháng Sáu năm 1936 tại Hà Nội, xin trích đoạn: 

“Mặc dù mất sớm, song Nguyễn Văn Vĩnh đã hoàn thành được một đại sự nghiệp, nó sẽ còn lưu lại mãi sau khi ông mất đi, như một bằng chứng bất hủ về sự tồn tại của ông. Tên tuổi ông sẽ được ghi khắc mãi mãi trong lịch sử văn học nước Nam, như một trong những bậc thầy đã làm được nhiều nhất cho sự phát triển của nền văn học đó. Tên ông sẽ không chỉ được viện dẫn bởi những người Tây học nhất quyết sẽ đi theo con đường do ông khai phá, mà tên tuổi đó cũng chẳng thể nào vô tình hay cố ý bị bỏ quên bởi bất kỳ ai khi định đến với toàn bộ trào lưu tư tưởng ở xứ Đông Dương trong vòng ba chục năm qua. Bởi vì, riêng việc ông toàn tâm toàn ý phát triển chữ quốc ngữ, chỉ riêng việc đó thôi, đã bộc lộ toàn bộ cái giá trị của một con người đã đóng góp nhiều hơn bất kỳ ai, để khiến cho cái thứ chữ đó trở thành một trong những thành tựu bền lâu của trí tuệ con người.” [16]

Nguyễn Lân Bình
Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)

Chú thích:

[1] Giáo trình Hán Nôm, tập 2 (tập chữ Nôm), Bộ môn Hán Nôm trường Đại học Tổng hợp Hà Nội biên soạn, Nhà xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1990, tr.8–9.

[2] Quan điểm của tác giả Thăng Long trong bài “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hay triệt tiêu” báo Người đại biểu nhân dân ra ngày 30/7/2013.

[3] Hệ chữ cái Roman được sử dụng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ: Aragon, Asturias, Bồ Đào Nha, Catalan, Galixia, Napoli, Oc, Papiamento, Pháp, Romania, Tây Ban Nha, Italia (Theo Wikipedia).

[4] Alexandre de Rhodes (1591–1660). Trong sách sử Việt Nam ông còn được gọi là Giáo sĩ Đắc Lộ. Ông là nhà truyền giáo Dòng Tên và là nhà ngôn ngữ học. Xin coi đầy đủ về ông trong Bài 2 sách này.

[5] Bức thư này được nhà văn Vũ Bằng cho đăng lại trên tờ báo Trung Bắc chủ nhật số 206 ra ngày 11/6/1944 ở Hà Nội.

[6] Bức thư này được nhà văn Vũ Bằng cho đăng lại trên tờ báo Trung Bắc chủ nhật số 205 ra ngày 4/6/1944 ở Hà Nội.

[7] Trích nguyên văn trong số báo đầu tiên của Đăng cổ tùng báo, xem trên tannamtu.com.

[8] Thời gian tồn tại của tờ Đăng cổ tùng báo gần bằng thời gian hoạt động của phong trào Đông Kinh nghĩa thục (khoảng 9 tháng).

[9] Đốc lý là chức danh người đứng đầu đơn vị hành chính lớn. Đơn vị nhỏ hơn là Công sứ. Hauser là Đốc lý Hà Nội từ tháng 2/1907 đến tháng 4/1908. Bức thư Nguyễn Văn Vĩnh gửi cho Hauser hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp CAOM ở thành phố Aix en Provence và được chủ nhiệm trang web tannamtu.com chụp lại bằng máy ảnh. Người dịch: Nguyễn Đình Cung.

[10] Phát biểu của Nguyễn Văn Vĩnh ngày 4/8/1907 tại Hội quán Trí Tri (47 Hàng Quạt, Hà Nội) nhân ngày thành lập Hội dịch sách. Người ghi lại: Nguyễn Văn Tố. Tạp chí Tin tức–Hội Tương tác Giáo dục Đông Kinh số 16 ra tháng Sáu năm 1936 tại Hà Nội.

[11] Ban Trị sự của tòa báo có hai nhóm các nhân sĩ nổi tiếng. Phái Tân học, chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây gồm: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh… Phái Cựu học, chịu ảnh hưởng của Nho học gồm: Phan Kế Bính, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Huy Lục, Nguyễn Khắc Hiếu…

[12] Đông Dương tạp chí – Tờ báo chữ quốc ngữ sớm nhất ở Hà Nội, tác giả Hoàng Cương và Thu Hường, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

[13] Tạp chí Tem – Bưu điện Việt Nam số tháng 11/2011, Tác giả Đoàn Quang Vinh.

[14] “Cuộc cách mạng đổi mới” đăng trên các số từ 115 đến 118 tháng 3/1932 của báo L’Annam Nouveau.

[15] “Hội Tam Điểm” ra đời từ thế kỷ 16 tại nước Anh. Là một hội đoàn hoạt động kín, theo tinh thần tự do tư tưởng, chống lại sự độc đoán và chuyên quyền của vua chúa và giáo hội. Nhiều hội viên của Hội là nhà chính trị, danh nhân nổi tiếng thế giới.

[16] Trích trong bài “Sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh” của Nguyễn Văn Tố, đăng trên Tạp chí Tin tức–Hội Tương tác Giáo dục Đông Kinh số 16 ra tháng Sáu năm 1936 tại Hà Nội.

Share This Post!