Simone de Beauvoir là một triết gia, nhà văn, nhà hoạt động chính trị có ảnh hưởng người Pháp. Beauvoir có những đóng góp đáng kể cho lý thuyết nữ quyền và chủ nghĩa hiện sinh. Là một trong những phụ nữ Pháp nổi tiếng nhất thế kỷ XX, bà được coi là người đã làm thay đổi giới phụ nữ phương Tây thời bấy giờ. Sự nghiệp của bà đã thách thức các quan niệm truyền thống về giới tính và khuyến khích phụ nữ đòi hỏi các quyền và cơ hội bình đẳng.

Tiểu sử và sự nghiệp

Simone de Beauvoir sinh năm 1908 trong một gia đình khá giả ở Paris; cha là luật sư tòa án Paris, mẹ là một tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo. Thế nhưng từ năm 14 tuổi trở đi Beauvoir không còn tin vào bất cứ tôn giáo nào. Bà có cá tính độc lập cao tới mức hiếm thấy, năm 19 tuổi từng tuyên bố không bao giờ chịu khuất phục bởi ý chí của người khác.

Trong thời gian học đại học, Beauvoir rất giỏi các môn văn và toán. Tốt nghiệp Văn khoa trường Đại học Paris năm 1927, tiếp đó bà đi sâu vào triết học và dự định lấy bằng thạc sĩ triết học (agrégation de philisophie), một học vị rất khó giành được. Năm 1929, Beauvoir trở thành người trẻ nhất được phong học vị thạc sĩ triết học trong lịch sử nước Pháp, khi ấy bà mới 21 tuổi.

Beauvoir cũng là một nhà văn viết nhiều tiểu thuyết, tiểu luận và tác phẩm triết học. Các tác phẩm triết học ban đầu của Beauvoir bị ảnh hưởng nặng nề bởi nghiên cứu của bà về chủ nghĩa hiện sinh, một triết lý nhấn mạnh sự tự do và lựa chọn của cá nhân. Bà tin rằng con người được tự do tạo ra ý nghĩa cuộc sống của riêng họ và sự tự do này đi kèm với trách nhiệm đưa ra những lựa chọn phản ánh các giá trị và niềm tin của chúng ta. Triết lý này có thể được nhìn thấy trong cuốn tiểu thuyết bán tự truyện “L’Invité”, khám phá các chủ đề về trách nhiệm cá nhân, tự do và những khó khăn trong việc tạo dựng các mối quan hệ có ý nghĩa.

Năm 1954, bà đã đoạt giải Goncourt, một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp với cuốn tiểu thuyết “Các vị quan chức” (Les Mandarins) kể lại đời sống giới trí thức cao cấp ngụ tại khu Saint-Germain (Paris) sau Thế chiến II. Một tác phẩm tiêu biểu khác của bà là “La Vieillesse” (The Coming of Age), khám phá những thách thức của tuổi già và cái chết.

Simone de Beauvoir đã du lịch nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Cuba và làm quen với nhiều nhân vật cộng sản như Fidel Castro, Che Guevara, Mao Trạch Đông, Richard Wright. Bà không chỉ tham gia phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, đấu tranh đòi bình đẳng giới, mà bà còn cùng với Jean Paul Sartre tham gia Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam do Bertrand Russell sáng lập. Tòa án được tổ chức vào tháng 11 năm 1966 và họp được hai phiên tòa vào năm 1967 ở Stockholm (Thụy Điển) và Roskilde (Đan Mạch).

Simone de Beauvoir.

“Mẹ đẻ của phong trào nữ quyền”

Nhằm vạch ra con đường giành quyền lợi cho nữ giới chiếm một nửa nhân loại, năm 1949, Beauvoir xuất bản tác phẩm “Giới tính thứ hai” (Le deuxième sexe/ The Second Sex). Cuốn sách đã đưa Beauvoir trở thành nhân vật trung tâm trong phong trào nữ quyền. “Giới tính thứ hai” viết về các vấn đề mà phụ nữ đương thời đang cần được giải quyết, như sống tự do tự lập, tự do phá thai, bán dâm, bình đẳng với nam giới. Sách trình bày những quan điểm lý luận và đưa ra các hình thức đấu tranh giành nữ quyền. “Không phải người ta sinh ra đã là đàn bà, mà là con người biến thành đàn bà.” – Beauvoir viết. Bà nhận xét: xưa nay phụ nữ bị coi là người “thuộc một giống khác” với đàn ông, nói cách khác, là loại người “thứ yếu” bên cạnh loại người “chủ yếu”; quan điểm này là kết quả do hoàn cảnh lịch sử và xã hội tạo ra chứ không có liên quan gì tới thiên tính của giới nữ; chỉ bằng cách làm việc và có nghề nghiệp, người phụ nữ mới có thể giành được sự tôn trọng của xã hội. [1]

“Giới tính thứ hai” đã gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi ở Pháp; nó được các nhà hoạt động nữ quyền trên khắp thế giới, nhất là ở Mỹ, nhiệt liệt hoan nghênh. Tác phẩm này nhanh chóng được dịch ra 19 ngôn ngữ khác. Tại Mỹ, nó trở thành sách gối đầu giường của những người theo phong trào nữ quyền và Beauvoir được gọi là “Mẹ đẻ của phong trào nữ quyền”. 

Cho đến ngày nay, cuốn sách này vẫn là một văn bản quan trọng trong lý thuyết nữ quyền với lập luận rằng giới tính là một cấu trúc xã hội hơn là một thực thể sinh học.

Tác phẩm “Giới tính thứ hai”.

Tư tưởng về triết học hiện sinh

Không chỉ đặt nền móng cho phong trào nữ quyền mà Beauvoir còn được coi là một trong số những nhà tư tưởng quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện sinh ở nước Pháp. Ủng hộ nhiệt thành chủ nghĩa hiện sinh, bà đặt ra những câu hỏi nhằm tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong sự phi lý của một thế giới mà chúng ta đã không tự lựa chọn được sinh ra ở trong. 

Năm 1929, trong khi chuẩn bị cho kỳ thi cao học ở trường École Normale Supérieure, Beauvoir gặp Jean Paul Sartre. Beauvoir đã thi đỗ thứ hai sau Sartre. Từ đó, hai người trở thành một đôi tri kỷ, nhưng trước mặt người cha của mình, Beauvoir thẳng thừng từ chối lời cầu hôn của Sartre. Mặc dù hai người có một mối quan hệ gắn bó lâu bền, và chính Sartre cũng thừa nhận hai người “chỉ là một”, không chỉ ở sự thống nhất về quan điểm, hoạt động chính trị – xã hội, mà sau khi chết được nằm sát cạnh nhau trong một nấm mồ ở nghĩa trang Montparnasse, Paris, nhưng hai người chưa bao giờ cưới nhau và sống chung với nhau trong một mái nhà, không có con cái với nhau. Tuy nhiên, hai người thỏa thuận cho phép nhau, ngoài “cuộc tình cơ bản” (essential love) giữa hai người, còn có thể tự do quan hệ và có “những mối tình ngẫu nhiên” (contingent loves) với bất kỳ người nào mà mình thích. Có lẽ quan niệm về tự do tuyệt đối của cá nhân không dung hợp được với quan hệ hôn nhân là điều mấu chốt của những nhà triết học hiện sinh từ những ông tổ của nó như Kierkegaard, Nietzche đến những nhà hiện sinh tiêu biểu như Camus, Sartre, Beauvoir…

Beauvoir đã cùng với J.P. Sartre và một số người khác sáng lập tờ báo “Thời mới” (Les Temps modernes) để truyền bá chủ nghĩa hiện sinh. Bên cạnh các tác phẩm của Sartres, tác phẩm của bà đề cập đến đặc tính cụ thể của các vấn đề này, ưu tiên một sự phản ánh trực tiếp và không gián đoạn về kinh nghiệm sống (une réflexion directe et ininterrompue sur le vecu). Trong “Sức mạnh của tuổi tác” (La Force de l’âge) bà kể lại cách thức mà chiến tranh đã tước bỏ “chủ quyền ảo ảnh (l’illusoire souveraineté) của tuổi hai mươi” của mình. Tháng 9 năm 1939, bà viết trong nhật kí: “Với tôi, hạnh phúc trên hết là một cách thức đặc quyền (une manière privilégiée) để nắm bắt (saisir) về thế giới; khi thế giới thay đổi đến mức không thể nắm bắt được theo cách này nữa, hạnh phúc lúc đó chẳng còn giá trị gì”. Triết lý của bà tiến triển và bà không còn quan niệm về cuộc đời mình như một cá nhân tự chủ và khép kín: “Giờ đây, tôi biết rằng, từ tận xương tủy, tôi đã được liên kết với những người cùng thời với tôi (mes contemporains); tôi đã khám phá ra mặt trái của sự phụ thuộc này: trách nhiệm của tôi […]; tùy thuộc vào việc một xã hội hướng tới sự tự do hay tự chấp nhận một sự nô lệ trơ ra (un inerte esclavage), cá nhân tự nhận thức mình như một con người ở giữa mọi người, hay như một con kiến trong một tổ kiến: nhưng tất cả chúng ta đều có quyền đặt dấu hỏi về lựa chọn tập thể, để từ chối nó hay để phê chuẩn nó”. [2]

Beauvoir và Sartre.

Simone de Beauvoir là một nhà tư tưởng và nhà văn đáng chú ý với những ý tưởng định hình các cuộc thảo luận đương đại về nữ quyền và triết học. Ý tưởng của Beauvoir về chủ nghĩa nữ quyền và chủ nghĩa hiện sinh đã có tác động đáng kể đến triết học đương đại. Tác phẩm của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và tiếp tục được đọc và thảo luận trên khắp thế giới. Bà đã góp phần rất lớn trong việc phát triển các lý thuyết và cách tiếp cận mới về giới tính và trải nghiệm của con người. Di sản của bà là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai đang nỗ lực vì một thế giới công bằng và bình đẳng hơn.

CHÚ THÍCH

[1] “Simone de Beauvoir: Nhà sáng lập phong trào nữ quyền”, Nguyễn Hải Hoành, nghiencuuquocte.net.

[2] “Simone de Beauvoir”, Wikipedia.

Share This Post!