Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất, cũng là phương tiện tư duy hiệu quả nhất của loài người. Ngôn ngữ có tính dân tộc, nói chung mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng.
Là một hiện tượng xã hội đặc biệt, do cả một dân tộc sáng tạo trong suốt chiều dài lịch sử và không ngừng biến động, ngôn ngữ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như đời sống vật chất và tinh thần, văn hóa, chính trị, tâm lý, xã hội, thói quen, v.v… và chịu ảnh hưởng của các ngôn ngữ khác. Nội dung của ngôn ngữ học vô cùng phong phú, phức tạp, luôn biến động, các quy tắc chuẩn mực ngôn ngữ không chặt chẽ, khó nhất trí. Vì thế không ai có thể tránh được sai sót trong hiểu biết và sử dụng ngôn ngữ, dù là tiếng mẹ đẻ, từ đó suy ra những điều trình bày dưới đây không phải là khuôn mẫu, mà chỉ để tham khảo.
Nói và viết là hai hình thức sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp. Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết khác nhau ở một số điểm. Nếu “Lời nói gió bay”, thì những điều đã viết ra lại có tác động lớn hơn, lâu dài hơn, có thể vượt không gian và thời gian, truyền đi xa và lưu lại lâu dài, không như lời nói miệng. Cho nên yêu cầu đối với văn viết cao hơn với văn nói.
Trên thực tế, người ta có thể nói thế nào thì viết thế ấy, người đọc vẫn hiểu. Nhưng nói chung văn viết phải có cấu trúc chặt chẽ hơn, phải được gọt rũa, trau chuốt hơn văn nói. Khi viết phải suy nghĩ, lựa chọn, cân nhắc từ ngữ, viết đúng các quy tắc ngữ pháp, ngắt câu, nội dung phải cân đối trước sau. Như vậy viết lâu hơn nói, đòi hỏi mất nhiều công sức, thời gian hơn. Nói hầu như là một bản năng, còn viết là một kỹ năng, muốn viết đúng và hay thì phải học, học suốt đời và tự học là chính.
Tiếng Việt là loại ngôn ngữ trong sáng, ngữ pháp đơn giản, hầu hết từ ngữ có ý nghĩa rõ ràng dễ hiểu, rất hiếm từ đa nghĩa hoặc ý nghĩa mập mờ. Nói chung người Việt học tiếng Việt khá dễ dàng. Trẻ nhỏ dăm sáu tuổi hoặc một bà nhà quê học ba tháng là có thể đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ. Tiếng Việt có khả năng tương đối dễ diễn tả đúng bất cứ ý tưởng nào của người viết hoặc nói. Nhận xét đó được chứng tỏ bằng một sự thực là phần lớn người Việt có thể viết văn mà không cần dùng từ điển tiếng Việt [Sách Từ điển tiếng Việt mỗi lần xuất bản chỉ in không quá 10 nghìn bản, hầu như giới học sinh, sinh viên ở ta đều không mua và không dùng bất cứ loại từ điển tiếng Việt nào]. Phần đông người Anh, người Trung Quốc và nhiều dân tộc khác khi viết đều dùng từ điển tiếng mẹ đẻ. Phần đông người Việt có thể nói thế nào, viết thế ấy; văn nói và văn viết không khác nhau quá nhiều. Tiếng Anh, tiếng Trung Quốc không dễ viết như vậy.
Tuy thế không phải chúng ta ai cũng có thể viết được đúng và hay. Trên thực tế trong sách báo hàng ngày thường thấy những câu/bài văn khó hiểu, hoặc làm cho ta hiểu sai ý của tác giả, thậm chí không hiểu tác giả muốn nói/ viết điều gì.
Khi đã biết chữ, người ta tự nhiên có nhu cầu viết văn, nghĩa là từ khi mới học lớp một chúng ta đã có nhu cầu ấy. Ở bậc tiểu học chỉ học viết những bài văn ngắn đơn giản, như tả con mèo, con chó nhà mình, hoặc viết thư cho người quen. Yêu cầu ban đầu chỉ là viết không sai. Chẳng hạn chớ có viết con mèo nhà em to như con hổ… Khi học Lớp 7, dĩ nhiên yêu cầu viết văn phải cao hơn, tức phải viết rõ ý, đẹp lời – như đòi hỏi của thầy cô.
Rõ ý, tức người đọc hiểu được ngay ý định của người viết. Nếu phải đọc đi đọc lại vài lần mới hiểu thì tức là chưa rõ ý. Ví dụ câu “[Khi đón Tổng thống Mỹ] theo ông Hải, phía Mỹ không cầu kỳ, không đòi hỏi phức tạp nhưng bất ngờ vào phút chót và đảm bảo an toàn tuyệt đối.” [Báo Vietnamnet ngày 19/5/2016] không nói rõ ý phía Mỹ có gây ra bất ngờ vào phút chót hay không.
Yêu cầu đẹp lời cao hơn yêu cầu rõ ý, đòi hỏi dùng những từ ngữ đẹp hơn, hay hơn để diễn tả cùng một ý. Muốn vậy, phải có vốn từ ngữ phong phú, thường là học được khi nghe người ta nói hoặc khi đọc sách báo. Nhà văn Tô Hoài lúc nào cũng mang trong túi một cuốn sổ nhỏ, nghe/đọc thấy từ ngữ nào mới lạ, ông đều ghi vào sổ. Ví dụ có lần ông ghi được câu của một bà nông dân nói: “Nóng gì mà nóng khiếp! Mồ hôi mẹ, mồ hôi con ở đâu mà tuôn ra lắm thế này!” Rõ ràng, nói thế nghe hay hơn nói “mồ hôi nhễ nhại, mồ hôi như tắm”.
Yêu cầu viết hay cao hơn các yêu cầu trên. Sách Từ câu sai đến câu hay của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân (sau đây viết tắt là TK1) dành gần 70 trang viết về vấn đề này.
Nhìn chung viết khó hơn nói, và cần luôn nhớ là Ai cũng có thể viết sai… kể cả nhà ngôn ngữ học (TK1). Có hiểu được điều đó thì mới luôn cảnh giác với câu văn mình đã viết, không chủ quan cho rằng mình không viết sai.
Thực ra “sai” về ngôn ngữ là một khái niệm khó nhất trí. Để đánh giá cái sai của một câu, phải phân tích từ nhiều mặt, ví dụ ngữ cảnh. Bởi vậy, có câu người này cho là sai nhưng người khác lại thấy đúng. Đánh giá câu hay hoặc không hay lại càng khó. Trong thực tế, có không ít câu rõ ràng sai nhưng vì quen dùng rồi nên người ta ngại sửa. Ví dụ: Báo đài ta đều dùng cụm từ “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, nhưng nhà văn Nguyễn Tuân nhất quyết chỉ dùng “Nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam”, ông cho rằng như thế mới đúng trật tự từ Hán – Việt. Quả thật hiện nay ta chỉ dùng “Cộng hòa XHCN Việt Nam” chứ không dùng “Việt Nam XHCN Cộng hòa”. Như vậy Nguyễn Tuân đúng! Nhưng do hơn 70 năm qua cả nước đã quen dùng nên rất khó sửa, vả lại cái sai này không gây tác hại gì.
Vì thế ở đây chỉ nói hẹp về “câu văn sai”. TK1 nhận định câu không đúng chuẩn mực tiếng Việt là câu sai. Nhưng chuẩn mực ấy như thế nào thì không thấy tác giả đưa ra. Vả lại tác giả cũng viết chuẩn mực ngôn ngữ là một hiện tượng động. Chuẩn mực mà còn biến động, thay đổi thì rất khó gọi là chuẩn.
Bởi vậy ở đây nên hiểu câu văn sai là câu văn không diễn tả đúng ý muốn của người viết, hoặc diễn tả lủng củng, dài dòng, thừa chữ, chữ dùng sai…, hậu quả khiến người đọc khó hiểu, hoặc hiểu sai, hoặc hiểu thế nào cũng được, hoặc không hiểu ý của người viết.
Theo TK1, câu có những lỗi như sau gọi là câu sai:
- Lỗi sai chính tả: Câu viết không đúng các quy tắc về chính tả, về dấu câu, về viết tắt. Ví dụ viết “Hà nội, Việt nam” là sai quy tắc viết hoa, phải viết “Hà Nội, Việt Nam”. Viết “Lẩn quẩn cối xay” là sai chính tả, phải viết “Luẩn quẩn cối xay”. Viết “Hóc xương gà, xa cành khế” là sai chính tả, lỗi này gây hiểu lầm ý. “Xa” phải viết là “sa” mới đúng; “xa” là nói khoảng cách lớn, “sa” là nói rơi (ngã).
- Lỗi sai ngữ pháp: nghĩa là không đúng cấu trúc câu. Thường thấy những câu cụt, thiếu chủ ngữ hay vị ngữ, hoặc cả hai. Ví dụ câu: “Trong xã hội cũ, cái xã hội làm cho con người chỉ biết sống vì mình” là câu thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ, toàn bộ câu cụt này chỉ là trạng ngữ. Câu đầy đủ phải là (ví dụ): “Trong xã hội cũ,……, bác X chưa được một ngày vui vẻ”.
- Lỗi sai từ vựng: Dùng sai từ hoặc các từ trong câu không tương hợp về nghĩa. Đây là lỗi mắc nhiều nhất hiện nay. Ví dụ: “Tôi thần tượng anh ấy” hoặc “Tôi được mentor như thế nào?” Hai câu trên đều sai ở chỗ dùng danh từ (thần tượng, mentor) làm động từ. Lẽ ra phải viết “Tôi coi anh ấy là thần tượng của mình”, “Mentor đã hướng dẫn tôi như thế nào?” Câu “Trời xanh, trăng sáng, cao vằng vặc” sai ở chỗ “cao” và “vằng vặc” không tương hợp. Nên viết “Trời xanh, trăng sáng, cao vòi vọi” hoặc “Trời xanh, trăng sáng vằng vặc”.
- Lỗi sai logic: Viết không đúng quy tắc logic và tư duy. Ví dụ: “Các loại áo nam, nữ, đơn giản nhưng họa tiết nhẹ nhàng thì người Pháp ưa chuộng, màu sắc trên quần áo sặc sỡ người châu Âu lại hay mua”. Sai logic vì người Pháp cũng là người châu Âu. Câu “Chú tôi bị thương hai lần, một lần ở đùi, một lần ở Khe Sanh” không logic ở chỗ đang nói về ‘đùi’ (phần cơ thể bị tổn thương) lại chuyển sang ‘Khe Sanh’ (địa điểm xảy ra sự việc bị thương).
- Lỗi sai phong cách: Thường thấy ở những câu nửa Tây (Tàu) nửa ta. Ví dụ: “Giọng ca solo”, “show ca nhạc”, “hai người tử vong”, lẽ ra có thể viết câu tiếng Việt tương đương và đơn giản dễ hiểu như: “giọng đơn ca”, “chương trình ca nhạc”, “hai người chết”.
- Lỗi sai tri thức: Viết không đúng với thực tế hoặc không đúng với kiến thức đã biết. Ví dụ viết “[…] dù quân hiệu không còn gắn trên ve áo” là sai kiến thức, vì quân hiệu chỉ gắn trên mũ mà thôi. Viết “vụng chèo khéo trống” là sai, do hiểu nhầm “chèo” là “(hát) chèo”, thực ra là “chèo (thuyền)”, đúng ra phải viết “vụng chèo khéo chống”, ở đây “chống” có nghĩa đen là “chống (sào khi chèo thuyền)”, nghĩa bóng là “chống (chế, biện bạch)”.
Do đâu người ta viết sai?
Phải biết vì sao viết sai thì mới tránh và sửa được sai. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viết sai, như ít học, ít đọc, ít viết văn, ít giao tiếp, không biết nên viết sai, v.v…
Các nguyên nhân chủ quan:
Chủ yếu là do người viết chưa hiểu được vai trò quan trọng của ngôn ngữ, vì thế họ không chịu khó bỏ nhiều công sức vào việc suy nghĩ viết thế nào cho câu văn không sai, câu văn hay hơn, vì thế họ lười đọc lại và lười chỉnh sửa, trau chuốt câu văn. Có người nghĩ thế nào viết thế ấy mà chẳng cần xét xem câu văn có sai, có khó hiểu hay không, người đọc có thích hay không. Người ta hay viện cớ không có thời gian để sửa văn.
Nhà Hán học người Đức Kubin cho biết: Khi dịch tiểu thuyết Mạc Ngôn từ tiếng Trung sang tiếng Anh, dịch giả nổi tiếng Goldblatt đã phải viết lại nhiều chỗ, vì bản tiếng Trung thừa nhiều từ ngữ. Có người nói: Nhờ bản tiếng Anh hay nên Mạc Ngôn được trao giải Nobel Văn 2012. Kubin nhận xét: Nhìn chung nhà văn Trung Quốc không coi trọng ngôn ngữ, có lẽ họ quen viết dài vì nhà xuất bản ở nước này trả nhuận bút theo số chữ; Mạc Ngôn viết 800 trang trong có hai, ba tháng, còn nhà văn Đức mỗi năm chỉ viết được trung bình 100 trang.
Viết văn là loại lao động nghệ thuật đòi hỏi vô cùng nghiêm túc, cần bỏ ra nhiều công sức. Tô Hoài kể: “Tôi viết nhiều lần một truyện, hoặc tự chép lại, thông thường là ba, bốn lần”. Tolstoy viết đi viết lại hàng chục lần bản thảo bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào của mình, thậm chí khi đã xuất bản rồi ông vẫn sửa tiếp để lần in sau được hoàn thiện hơn. Ông xứng đáng được gọi là nhà văn vĩ đại, tác giả hai trong số 10 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của loài người.
Nguyên nhân thứ hai: Người viết thường có xu hướng viết dài. Có thể vì viết ngắn khó hơn viết dài nên nhiều người ngại viết ngắn.
Ai cũng biết câu “Nói dài, nói dai, nói dại”. Khi viết cũng vậy, câu văn dài thường dễ bị sai. Cho nên nếu có thể thì hãy viết câu ngắn. Và phải đặt dấu ngắt câu đúng chỗ, nếu không rất dễ gây hiểu sai. Viết câu đơn thường đúng; viết những câu ghép được phát triển ra nhiều tầng dễ sai [TK1].
Thường thấy câu dài khi dịch văn nước ngoài. Có thể vì ngôn ngữ nước ngoài có ngữ pháp chặt chẽ nên họ hay viết câu dài, nhưng khi dịch ra tiếng Việt mà vẫn dùng câu dài thì dễ gây ra khó hiểu, thậm chí hiểu sai.
Ví dụ: “Legend mới nối mạng cho đông đảo khán giả truyền hình. Nguyên nhân: cho tới nay cứ 175 người trong số 1,2 tỷ dân Trung Quốc thì mới chỉ có một người sở hữu PC, nhưng hầu hết các gia đình đều đã có tivi”, câu dài và khó hiểu. Nên tách ra làm ba câu: “Tuy hầu hết các gia đình Trung Quốc đều đã có tivi nhưng còn rất ít gia đình có PC. Ở đất nước 1,2 tỷ dân này, cứ 175 người thì mới chỉ một người có PC. Vì vậy Legend muốn nối mạng cho đông đảo khán giả truyền hình”.
Thứ ba, người viết thiếu kiến thức toàn diện, trong đó có kiến thức văn học. Dĩ nhiên đã không biết, không hiểu, thì dễ viết sai. Ví dụ: Vì chưa hiểu ý nghĩa của “vô hình trung” (“trung” ở đây là từ Hán – Việt, nghĩa là “trong”: trong tình trạng không có chủ định, không cố ý) mà viết nhầm thành “vô hình chung”. Vì thiếu kiến thức từ Hán – Việt nên “ý tại ngôn ngoại” (ý nằm ngoài lời) bị hiểu sai thành “ý ở trong, lời ở ngoài”; “Yếu điểm” (điểm chủ yếu, điểm quan trọng) hiểu là “điểm yếu”, “nhược điểm”; “Canh gà Thọ Xương” bị hiểu lầm là “nước luộc gà Thọ Xương” (thực ra đây là tiếng gà gáy báo canh; “canh” là đơn vị thời gian; Thọ Xương là tên một huyện thuộc Hà Nội cũ). Thiếu kiến thức lịch sử và khoa học kỹ thuật lại càng dễ viết sai.
Các nguyên nhân khách quan:
– Tác động của truyền thông. Hiện nay các phương tiện truyền thông phát triển rất nhanh rất mạnh, đặc biệt mạng (nhất là facebook) và truyền hình, hàng ngày hàng giờ có hàng triệu người (kể cả em nhỏ) viết/nói ý kiến của mình trên diễn đàn chung. Do nhiều nguyên nhân, họ dùng sai, lạm dụng hoặc tự sáng tác ra nhiều từ ngữ mới lạ, nhiều khi rất gây cười, thu hút người đọc bắt chước. Họ dùng nhiều từ ngoại (ví dụ: admin, mentor), từ viết tắt (DIY, O.K., ko), từ dân dã (nhà em, nhà cháu). Chưa bao giờ tiếng Việt được sử dụng một cách thiếu chuẩn mực như ngày nay. Tình trạng này rất phổ biến trong học sinh các cấp, không thể ngăn cấm, nhưng khi viết văn chúng ta nên tránh dùng những từ ngữ ấy, nên viết theo chuẩn mực nhà trường đã dạy.
– Tác động của toàn cầu hóa văn hóa làm cho tiếng Việt bị pha tạp, bớt trong sáng dễ hiểu. Từ xưa ở ta đã có bệnh sính dùng từ ngoại, ngày nay mức độ toàn cầu hóa tăng lên gấp bội, mức sính dùng từ ngoại càng tăng.
Ví dụ: Truyền hình ta không dùng từ “Giải vô địch bóng đá quốc gia Việt Nam” mà dùng “V. League”, đọc “Vi–Lic” (tiếng Anh: Vietnamese National Football Champions League); không dùng “công ty (xí nghiệp) khởi nghiệp” mà dùng “startup”; “ăn uống” gọi là “ẩm thực”; “tên họ” gọi là “danh tính”… Ta vẫn nên dùng từ ngoại, nhất là những từ đã quốc tế hóa, như Internet, website… nhưng khi đã có từ Việt, hà cớ gì lại dùng từ ngoại? Hậu quả làm cho câu văn trở nên khó hiểu.
– Dư luận xã hội ngày càng thiếu quan tâm tới ngôn ngữ dân tộc. Trước đây có nhiều người kêu gọi “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, nhưng gần đây tiếng nói về vấn đề này đã nhỏ hơn trước. Hậu quả là: Những cách nói sai hiện nay nếu không phê phán, quyết liệt ngăn cấm dùng kịp thời thì sẽ trở thành những cách nói đúng trong tương lai. [TK1]. Trên thực tế, người đọc thường dễ dàng bỏ qua lỗi văn học của bài viết, cho rằng viết sai nhưng người đọc vẫn hiểu đúng ý là được; chỉ các nhà ngôn ngữ học hoặc phê bình văn học mới để ý đến các lỗi đó. Người viết thường nói đó là lỗi đánh máy.
Ví dụ hiện nay nhiều người nói “thăm quan” thay cho “tham quan”, “kỳ vọng” thay cho “hy vọng”, “ẩm thực” thay cho “ăn uống”…
Làm gì để tránh viết sai và để sửa sai
- Trước hết phải nhận thức sâu sắc tính chất quan trọng của ngôn ngữ, thấy rõ người viết văn có trách nhiệm phải viết chính xác và viết hay. Người có nhận thức ấy tự nhiên sẽ chịu khó bỏ công sức thời gian vào việc hoàn thiện bài viết. Những người viết văn hay đều là người nghiêm khắc với bản thân, lao động cần cù, không ngại khó.
Viết đúng, viết hay không những nâng cao giá trị bài viết của mình mà còn góp phần xây dựng, phát triển ngôn ngữ của dân tộc. Tiếng Việt là một ngôn ngữ hay, chúng ta có nghĩa vụ giúp cho nó ngày càng hay hơn và tránh các xu hướng làm hỏng tiếng Việt, ví dụ xu hướng dùng quá nhiều từ ngữ ngoại. Khi từng người đều viết đúng, viết hay thì ngôn ngữ của dân tộc ngày càng được hoàn thiện.
- Phải học rất nhiều loại tri thức, như văn học, ngôn ngữ học, khoa học, v.v… Phải học suốt đời, học ở trường, học ở sách báo, mạng, và phải tập viết rất nhiều.
Như đã nói, dùng sai từ là lỗi thường thấy nhất ở người viết. Muốn dùng đúng từ ngữ, cách tốt nhất, thuận tiện nhất là tra cứu các loại từ điển. Từ điển tập họp các từ ngữ đã được những người giỏi về ngôn ngữ học và về nhiều chuyên ngành khác thu lượm, thẩm định, giải thích chính xác và ngắn gọn, cung cấp cho công chúng một bộ từ ngữ chuẩn, có thể dùng mà không sợ sai. Dùng từ điển còn góp phần thống nhất ngôn ngữ, làm chính xác ngôn ngữ của một dân tộc. Ở nhiều nước, từ điển là loại sách được dư luận và chính quyền rất coi trọng, được biên soạn hết sức công phu, ví dụ từ điển Larousse (Pháp), Britannica (Anh)… Hiện nay nhiều từ tiếng nước ngoài chưa được thống nhất dịch ra tiếng Việt, dễ gây hiểu lầm. Để bổ cứu, khi dịch các từ mới lạ, người ta thường ghi chú thêm từ gốc nước ngoài. Ngày nay mạng Internet tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi cho việc tra cứu các từ điển trực tuyến (online), vừa nhanh vừa tra được nhiều nguồn.
- Nên tránh gộp nhiều ý trong một câu, cố gắng viết câu ngắn gọn. Dĩ nhiên, trong trường hợp gộp được mà không gây hiểu sai thì chớ nên tách một câu thành nhiều câu ngắn, như thế sẽ làm mất cái hay về âm điệu của câu văn.
Nguyễn Hải Hoành
Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)