1. Khái niệm mở đầu 

Khi nghiên cứu sự phát triển về nhận thức của con người từ khi hình thành thai nhi (em bé trong bụng mẹ) đến lúc trưởng thành, chúng ta thấy một sự tương đồng thú vị. 

Đó là sự tương đồng của lịch sử ra đời của con người trải qua hàng triệu năm từ vô cơ đến hữu cơ với sự “thu gọn” lịch sử đó trong 280 ngày trong bụng mẹ của em bé, từ phôi thai đến khi ra đời thành người. 

Khi em bé ra đời, em mới chỉ mang hình hài con người – em còn cần trải qua giai đoạn tự học và học kể từ khi em có một phút tuổi. Tính khái quát từ tuổi một phút cho đến tuổi lên hai, em bé chẳng khác mấy so với người đời xưa. Chẳng hạn giai đoạn tập bò cũng chẳng khác mấy so với giai đoạn nhiều nghìn năm con người đi lom khom không khác mấy với các chú khỉ ở sở thú. Các em cũng phải tập ăn, dĩ nhiên rồi, và cả tập nói, đi từ giai đoạn không có (chưa có) tiếng nói đến khi có tiếng nói hoàn thiện (gọi là tiếng nói cấu âm) đã thành lời và khác hẳn tiếng kêu, tiếng hú của động vật nói chung. Lên ba tuổi, các em nói đủ thứ, cả có nghĩa và vô nghĩa, chẳng khác mấy so với lời người cách đây dăm chục nghìn năm! 

Điều so sánh thú vị là: sự phát triển của em bé từ một phút tuổi đến tuổi trưởng thành, cả quãng đời đó có nét tương tự với sự phát triển của loài người trong vòng vài chục nghìn năm.

Các bạn học toán bắt đầu từ 6 tuổi khi vào lớp 1 trong khi người đời xưa bắt đầu nghiên cứu hình học và toán cách đây nhiều nghìn năm. Không sớm hơn thế kỷ 18 thì toán học mới trở thành môn học về những quan hệ logic của số có khi trừu tượng (toán thuần túy) và có khi bớt trừu tượng hơn (toán ứng dụng). 

Còn về khoa học tự nhiên thì sao? Thực ra tên gọi của các khoa học này nên gọi bằng khoa học về sự phát sinh và phát triển của giới tự nhiên thì sẽ đầy đủ hơn. Giới tự nhiên là do tạo hóa sinh ra. Tạo hóa là một khái niệm mơ hồ, nhưng đã được các môn khoa học tự nhiên làm cho nó trở thành dễ hiểu. và các nhà khoa học tự nhiên đã đi sâu vào các ngành động vật học, thực vật học, sau còn đi sâu hơn vào tế bào học, virus học, và sau còn đi sâu hơn vào di truyền học v.v… Đó là vài ngành khoa học tự nhiên nằm chung trong khoa học về sự sống và về môi trường sống. Bên cạnh đó còn có các ngành khoa học tự nhiên liên quan đến Trái đất và vũ trụ. Chưa hết, còn có các khoa học tự nhiên liên quan đến vật chất gửi trong các môn học như vật lý học, hóa học. 

Trên đây, ta đã điểm qua về khoa học về sự sống và về môi trường sống. Các nhà bác học còn tiếp tục khám phá về con người ở khía cạnh cộng đồng, và Khoa học xã hội và nhân văn ra đời bên cạnh khoa học tự nhiên. 

Khoa học xã hội và nhân văn gồm nhiều ngành cùng nghiên cứu vào con người và xã hội của con người. Các ngành khoa học xã hội và nhân văn đó nghiên cứu các hoạt động của con người, những lối sống cùng những cách ứng xử của con người, về tư duy và nghiên cứu cả những ước mơ, những vẻ đẹp của con người, nghiên cứu tất cả các mặt đó của con người trong lịch sử phát triển, trong hiện tại và cả trong tương lai của con người. Những nghiên cứu đó tập trung vào cả con người cá thể cũng như con người trong nhóm, trong cộng đồng nhỏ hoặc cộng đồng lớn của con người. 

Tất cả những nghiên cứu khoa học đó, từ toán học và các khoa học tự nhiên, cho đến các khoa học xã hội và nhân văn, đều được biểu đạt bằng ngôn ngữ

Các khoa học đó đều có cách biểu đạt với những nét chung mà chúng ta cần học.

Ngôn ngữ khoa học được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống. Ảnh: Sưu tầm.

2. Cách biểu đạt ngôn ngữ khoa học

2.1. Hiện tượng và hiện tượng có vấn đề 

Đây là một hiện tượng có thực đã có từ xa xưa và chưa phải là ngày nay đã hết: hiện tượng tranh chấp ruộng đất. Gia đình A (ở bờ con sông Nil trù phú) đã vỡ hoang và canh tác một số mảnh ruộng. Gia đình B (cũng ở bờ con sông Nil trù phú) đã vỡ hoang và canh tác một số mảnh ruộng. Vì lý do gì đó, hai gia đình cần đổi ruộng cho nhau. Làm cách gì để bảo đảm công bằng cho cả hai gia đình. Việc trao đổi ruộng là một hiện tượng. Nhưng khó khăn khi phải bảo đảm công bằng, không bên nào thắc mắc, đó là hiện tượng có vấn đề – vấn đề bảo đảm sự công minh, để không có tranh chấp, không mất đoàn kết. 

Đây nữa cũng là một hiện tượng có thực đã có từ xa xưa: Con hỏi mẹ “ai sinh ra con?” Bằng ngôn ngữ đời thường, câu trả lời thật dễ: “Mẹ sinh ra con”. Thế ai sinh ra mẹ? Mẹ của mẹ! Thế ai sinh ra mẹ của mẹ… và ai sinh ra mẹ của mẹ của mẹ của mẹ? Hiện tượng đó được nhà khoa học thấy là có vấn đề. Đó là câu hỏi được nêu ra từ lâu rồi xuất phát từ một hiện tượng có vấn đề: con gà đẻ ra quả trứng, vậy cái gì sinh ra con gà, vì con gà cũng được sinh ra từ quả trứng? 

Đây nữa cũng là một hiện tượng có thực: Nạn xả rác bẩn nơi công cộng. Hoặc nạn bẻ hoa quý nơi công cộng. Hoặc nạn phóng sinh cá xuống sông và hồ rồi còn tiện tay “phóng sinh” cả những túi đựng cá khiến hồ ngập rác. Dứt khoát là “có vấn đề” khi sau một ngày nghỉ lễ tết, sau một buổi vui… mà rác ngập ngụa quanh một thắng cảnh, rác ngập sân vận động, rác ngập quanh và trên hồ nước… khi đó, việc làm ô uế nơi công cộng trở thành một hiện tượng có vấn đề

Khái niệm này được hiểu theo nghĩa là một hiện tượng chứa đựng trong nó một vấn đề phải giải quyết. Vấn đề phải giải quyết vì sự đoàn kết của người nông dân có ruộng (ví dụ 1). Vấn đề phải giải quyết vì nhận thức của con người (ví dụ 2). Vấn đề phải giải quyết vì tương lai của cộng đồng.

Bản thân bạn có thể kể ra một hoặc nhiều hiện tượng có vấn đề có thể thấy ở mọi lĩnh vực: năng suất công việc, nạn đói nghèo, bệnh tật, thanh niên đua xe máy, giao thông ách tắc, thành phố ngập nước, thực phẩm không sạch, đất ruộng ở nông thôn bị khô hạn… Bạn hãy tự đặt mình vào vị trí một kỹ sư, một bác sĩ, một nhà giáo, một nhà nông, một người mẹ có con nghiện ma túy,… mỗi vị trí đó thấy điều gì được coi là hiện tượng có vấn đề trong cuộc sống? Bạn hãy nhớ lại cảm nghĩ của mình khi đọc báo, khi nghe và xem tin tức về những tội phạm ghê rợn, khi đó bạn thấy điều gì được coi là hiện tượng có vấn đề?

2.2. Số liệu thực chứng 

Nhà khoa học bắt đầu từ việc cảm nhận một vấn đề cần giải quyết. Một hiện tượng gây suy nghĩ cho nhà khoa học sẽ trở thành một lý do, một cơ hội, một cảm hứng tạo thành một đề tài nêu ra để xem xét. 

Nhưng việc đầu tiên là nhà khoa học cần kiểm chứng lại xem vấn đề đã cảm nhận có là một vấn đề cần thiết phải giải quyết hay không? 

Khi đó, nhà khoa học cần thu thập những số liệu. Số liệu chính xác được thu thập một cách khách quan sẽ mang lại giá trị thực chứng khi ta suy nghĩ rồi nêu vấn đề cần xem xét và giải quyết. 

Thu thập số liệu ở đâu? Số liệu có thể do tác giả sưu tầm và cũng có thể dùng các số liệu đã thu thập bởi các tác giả khác đã công bố trên sách báo. Lẽ dĩ nhiên, khi dùng các số liệu nào thì cũng phải ghi rõ nguồn gốc để người khác kiểm chứng. Đó là tính chất thực chứng của cách biểu đạt khoa học. 

Ngược lại với cách làm việc thực chứng này là thái độ qua loa đại khái (nói những điều khó kiểm chứng) và cả thái độ chủ quan hàm hồ (nói lấy được, bất chấp thực tế). Cách làm việc thực chứng càng chống lại sự gian dối. Đôi khi tuy chưa đủ những số liệu thực chứng, nhưng bạn cũng có thể có những nhận định cảm tính đối với một vấn đề nêu ra. Khi đó bạn cần nói rõ đây chỉ là cảm nhận của mình. 

Kết quả của cách biểu đạt khoa học dựa trên các số liệu thực chứng sẽ tạo niềm tin của người nghe hoặc người đọc lập luận của bạn. 

Nhưng vẫn chưa đủ. Các số liệu cần được diễn đạt thành những khái niệm. Chúng ta sẽ nói là: các nghiên cứu khoa học cần mang tính thực chứng và biểu đạt bằng ngôn ngữ khái niệm.

2.3. Khái niệm và hệ thống khái niệm 

Biểu đạt ngôn ngữ khoa học phải dựa trên khái niệm và hệ thống khái niệm. Chỉ có khái niệm mới đem lại sự chính xác trong cách biểu đạt khoa học. Và chỉ có hệ thống khái niệm mới đem lại sự chặt chẽ trong biểu đạt ngôn ngữ khoa học. 

Đây là ví dụ về độ chính xác của khái niệm qua định nghĩa sau: Hình chữ nhật là một hình bình hành với một góc vuông. Định nghĩa này khiến cho khái niệm hình chữ nhật được mô tả rất chặt chẽ. 

Đừng đánh đồng “chặt chẽ” với “dễ hiểu”. Một khái niệm nhiều khi được định nghĩa rất khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận, đối với người không có kiến thức về vấn đề đó. Chẳng hạn khái niệm Nước được định nghĩa như sau: Nước là hợp chất của Hydro và Oxy là hai chất khí dễ cháy và dễ nổ. Có gì vô lý hơn với người ngoại đạo khi ta chỉ nhìn thấy con người dùng nước để dập lửa? 

Chúng ta cần biết rằng, một khái niệm được xác định bằng những việc làm đủ sức tạo ra nội hàm của khái niệm. Hydro và Oxy được làm ra thực sự trong phòng thí nghiệm và đủ sức xác định khái niệm nước. Sau khi đã làm ra khái niệm nước, con người có thể làm lại nước theo đúng khái niệm đó. Nguyên âm [a] và phụ âm [b] chẳng hạn cũng được làm ra qua việc phát âm và có thể kiểm chứng bằng cách phát âm lại, và cả qua máy đo âm thanh trong phòng thí nghiệm ngữ âm học. 

Trừu tượng hoá chính là con đường của nhận thức lý tính giúp ta vươn vượt lên khỏi những nhận biết ngẫu nhiên, rời rạc và lệch lạc. Việc biểu đạt dựa trên khái niệm là kết quả của óc tư duy trừu tượng hoá, khái quát hoá của những người đi trước (các nhà bác học). Học sinh là những người đi sau, không chỉ học vẹt theo những định nghĩa đã có trong sách, mà cần làm lại những việc làm để tìm lại khái niệm một lần nữa và biến nội hàm của khái niệm thành tài sản riêng của mình – đó là cách học theo phương pháp nhà trường để tự làm ra khái niệm trí tuệ cần có của người học sinh. 

Khái niệm không nằm riêng rẽ mà nằm trong hệ thống. 

Biểu đạt ngôn ngữ khoa học phản ánh năng lực tổng hợp của trí tuệ, tuân theo quy tắc chặt chẽ từ tư duy logic hình thức đến tư duy logic biện chứng. Vì sử dụng khái niệm theo hệ thống nên ý tưởng khoa học của người viết sẽ được quy nạp hay diễn dịch theo một logic nhất định. 

Khi biểu đạt ngôn ngữ khoa học với những khái niệm làm cơ sở, những điều con người giao tiếp với nhau sẽ hoàn toàn tường minh. 

Tường minh là gì? “Tường” là tỏ tường, là rõ ràng. “Minh” là minh bạch. “Tường minh” là hoàn toàn rõ ràng, minh bạch, khiến cho không ai có thể hiểu lầm, không có gì mập mờ, khó hiểu. 

Điều kiện để biểu đạt ngôn ngữ khoa học có tính tường minh là tác giả phải chọn lựa trong số những từ gần nghĩa từ nào phù hợp nhất với hiện tượng quan sát thấy và thống nhất sử dụng duy nhất từ đó trong toàn văn bản thuyết trình (bao gồm ở các bảng biểu hay chú dẫn – nếu có). Trong mọi trường hợp, biểu đạt ngôn ngữ khoa học phải đảm bảo tính một nghĩa, tức nó không cho phép nhiều cách hiểu khác nhau hoặc hiểu một cách mơ hồ. Bạn phải luôn nhớ văn bản khoa học có nhiệm vụ trình bày quá trình và kết quả nghiên cứu. Sự chính xác khi trình bày các kết quả đòi hỏi phải kiểm tra sự tương ứng của tất cả các số liệu trong bài và trong các bảng số liệu. 

Nói chung, tường minh trong biểu đạt ngôn ngữ khoa học yêu cầu người thuyết trình văn bản khoa học: 1) Về từ ngữ: dùng từ với sắc thái trung hòa, quy ước; 2) Về cú pháp: viết câu với kết cấu ngữ pháp chặt chẽ rõ ràng, chú ý việc sử dụng các phương tiện liên kết câu, liên kết đoạn; 3) Kết cấu văn bản thể hiện trình tự lập luận, suy luận có logic chặt chẽ.

Cần lưu ý các yếu tổ kể trên khi biểu đạt tiếng Việt trong ngôn ngữ khoa học. Ảnh: Sưu tầm.

Kết luận 

Biểu đạt ngôn ngữ đời thường (cuộc sống sinh hoạt hàng ngày) có tính chất cảm tính, dựa nhiều vào tình cảm và cảm xúc của cá nhân. Biểu đạt ngôn ngữ đời thường trong cuộc sống hàng ngày không đòi hỏi sự chặt chẽ với nhiều bó buộc như biểu đạt ngôn ngữ khoa học. 

Biểu đạt ngôn ngữ khoa học cũng là một giao tiếp – nó nằm trong cách giao tiếp lý trí, trong các văn bản nói hoặc viết như thông báo hay thuyết trình đề tài nghiên cứu khoa học. Biểu đạt ngôn ngữ khoa học phải chính xác và chặt chẽ

Khi thực hành biểu đạt ngôn ngữ khoa học, cầu tuân theo những chuẩn mực kỹ thuật, và cũng còn phải tôn trọng những chuẩn mực đạo đức: công tâm, trung thực, cầu thị. Mục đích của biểu đạt khoa học phải vì lợi ích chung, không vì quyền lợi cá nhân.

Lê Thời Tân

Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)

Share This Post!