Cách nay ngót thế kỷ, chính xác là 94 năm, đã có một tuyên ngôn tự chủ văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ngày 22/7/1922, đứng trước Ban khoa học Luân lý và Chính trị của Viện Hàn lâm “mẫu quốc” Đại Pháp, một thanh niên nước Việt Nam còn trong vòng nô lệ, cố ý mặc quốc phục áo the đen và đóng khăn xếp, dõng dạc tuyên bố với các quan Hàn lâm Đại Pháp bằng thứ tiếng Pháp lưu loát và trang nhã: “Dân nước Nam không thể coi là tờ giấy trắng mà là một cuốn sách cổ kín đặc những hàng chữ viết bằng thứ mực không phai và không thể tẩy xóa trải qua bao thế kỷ… Cuốn sách cổ ấy, chỉ có thể đóng lại theo kiểu mới, trình bày hợp thời mới hơn, chứ đừng hòng đem một thứ chữ xa lạ viết đè lên những dòng chữ từ ngàn xưa”

Người thanh niên đó là ký giả Phạm Quỳnh (1893–1945). 

Tổ tiên Phạm Quỳnh xuất xứ vùng Hải Dương, miền đất văn hiến, thời Nho học đứng đầu cả nước về số lượng tiến sĩ. Nguyên quán ông là làng Lương Ngọc, thôn Hoa Đường nổi tiếng từ xưa với 12 tiến sĩ cả văn lẫn võ. Nơi đây vẫn còn mộ Cử nhân Phạm Hội, khoa thi 1819, Giáo thụ phủ Anh Sơn (Nghệ An); đó cũng chính là nhà giáo Dưỡng Am nổi tiếng ở Hà thành hồi đầu thế kỷ 19 mà sách Danh nhân Hà Nội có giới thiệu. Tại cánh đồng làng Lương Ngọc cũng còn lăng Tú tài Phạm Điển, do chính Phạm Quỳnh, sau khi thành đạt đã xây năm 1933 để báo đáp công cha sinh thành. 

Phạm Quỳnh chào đời ở Hà Nội, tại chính căn nhà hồi nửa đầu thế kỷ 19 là ngôi trường của thầy đồ Dưỡng Am (khoảng số 1–3 phố Hàng Trống hiện nay). Ngôi nhà này ông nội của Phạm Quỳnh được thừa hưởng, do cụ Phạm Hội không còn người nối dõi. Mẹ Vũ Thị Đoan mất khi Phạm Quỳnh mới được 9 tháng, bà là cháu nội tiến sĩ đồng hương Vũ Tông Phan. Khi Quỳnh 5–6 tuổi, theo truyền thống gia đình Nho giáo, Quỳnh được cha dạy chữ Hán, nhưng tương truyền cậu rất “tối dạ”, học mãi vẫn chỉ viết được hai chữ tên họ mình! Phải chăng vì cậu không có hứng thú gì với chữ Hán? Cha cậu – thầy đồ Điển – đành cho con trai theo học không mất tiền ở trường Pháp–Việt phố Hàng Bông, dành cho con em bản xứ, nhưng chỉ dạy chữ quốc ngữ đủ biết đọc biết viết, còn thì rèn luyện tiếng Pháp đến thông thạo để làm thông ngôn trong các công sở của chính quyền bảo hộ. Năm 9 tuổi lại mồ côi luôn cả cha, nên Phạm Quỳnh lớn lên trong sự chăm chút yêu thương của bà nội. Quỳnh học tiếng Pháp tiến bộ rất nhanh nên được tuyển vào Trường Thông ngôn; năm 1908 trường này sáp nhập thành Trường trung học Bảo hộ, tục gọi Trường Bưởi (tức Trường Chu Văn An ngày nay). Ngay năm ấy, Phạm Quỳnh tốt nghiệp thủ khoa. 

Thủ khoa 15 tuổi lập tức được nhận vào làm chân phụ tá ở Viện Viễn Đông Bác Cổ, cơ quan sưu tầm, khảo cứu khoa học hàng đầu của đế quốc Pháp ở Viễn Đông, có cả một kho tàng thư tịch. Vừa làm chức phận thủ thư và thông ngôn, Phạm Quỳnh vừa tận dụng điều kiện thuận lợi, tranh thủ mọi thời gian quyết chí tự học. Không chỉ miệt mài nâng cao vốn Pháp ngữ, Phạm Quỳnh còn khắc phục bằng được sự “tối dạ” chữ Hán và say mê “ngốn” sách cổ kim đông tây về triết học, sử học, văn học, khoa học tự nhiên… đến quên ăn, quên cả về nhà! Kết quả là chỉ 5 năm sau, chàng thanh niên 20 tuổi đã trở thành một học giả có kiến văn sâu rộng về văn minh phương Tây và văn hóa phương Đông. Từ năm 1913, Phạm Quỳnh bắt đầu dịch từ Pháp văn, Hán văn ra chữ Quốc ngữ một số sách có tư tưởng mới và viết những bài khảo cứu sắc sảo trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, bạn học năm xưa ở Trường Thông ngôn. 

Sự xuất sắc của Phạm Quỳnh lập tức lọt mắt xanh của Giám đốc vụ Chính trị kiêm Thanh tra mật thám ở phủ Toàn quyền Đông Dương Louis Marty. Bối cảnh lịch sử – xã hội bấy giờ có nhiều biến động mạnh mẽ , hẳn ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành xu hướng tư tưởng của chàng thanh niên dòng dõi Nho học họ Phạm. Những cuộc khởi nghĩa, bạo động phò vua, cứu nước đều lần lượt bị thất bại: 1913, Hoàng Hoa Thám thất trận, hy sinh; 1916, vụ bạo động của vua Duy Tân cùng Việt Nam Quang Phục hội thất bại, ông vua yêu nước 16 tuổi bị đày ra đảo Réunion giữa Ấn Độ Dương; 1917, cuộc binh biến Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn bị dập tắt… Phong trào đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp tạm lắng xuống cho đến cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học lãnh đạo, nổ ra ở Yên Bái năm 1930 cũng thất bại… 

Trong khi đó, về phía thực dân Pháp, song song với việc dùng bạo lực đàn áp, Albert Sarraut (toàn quyền Đông Dương 1911–1914, 1917–1919) chủ trương “khai hoá”, “chinh phục bằng văn hoá”. Đồ ng thờ i để bù đắp cho sự kiệt quệ sau cuộc đại chiến 1914–1918, đẩ y mạ nh công cuộc “khai thác thuộc địa lần thứ hai”, ngườ i Phá p mở mang giá o dụ c để đà o tạ o nguồn nhân lự c đẩ y mạ nh khai thá c thuộ c đị a Đông Dương. Họ đặt ra Nha học chính Đông Dương thuộc phủ Toàn quyền và Bộ học ở triều đình Huế, thành lập Hội đồng cải lương học chính bản xứ… Đồng thời dưới sức ép của các nhà nho duy tân, họ đã chấp nhận dùng tiếng Việt và chữ quốc ngữ ở cấp sơ học (3 năm đầu của bậc tiểu học), duy trì việc dạy chữ Hán song song với Pháp ngữ, đưa Sử Địa Việt Nam vào chương trình giáo dục… Cũng cần nói rằng những hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục (1908 đến 1913) vẫn tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội, nhất là tư tưởng khai sáng thay vì bạo động non: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, bằng một sách lược tân học văn minh (“Văn minh tân học sách”) nhằm đào tạo những công dân biết độc lập suy nghĩ và tự hành động. Khác với tầng lớp nho sĩ hủ lậu và nông dân bảo thủ sau lũy tre làng, các giai tầng xã hội mới, nảy sinh cùng cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, như công nhân, phu đồn điền, tiểu thương, một số nhà tư sản dân tộc mà tiêu biểu nhất ở Bắc Kỳ là Bạch Thái Bưởi, và đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên, nhanh chóng hấp thụ các tư tưởng dân chủ, dân quyền nên đã dám “độc lập suy nghĩ và tự hành động”, tập hợp lực lượng và phản ứng mạnh mẽ trong các cuộc đấu tranh đòi giảm án tử hình Phan Bội Châu (1925), truy điệu và để tang Phan Châu Trinh, đòi thả nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1926). Bắt đầu hình thành các tổ chức chính trị sơ khai dưới hình thức các nhóm tập hợp xung quanh một số tờ báo uy tín hay nhà xuất bản như: tờ tiếng Pháp Chuông rè (Nguyễn An Ninh), những tờ tiếng Việt: Hữu Thanh (của Trung–Bắc nông, công, thương hội, từ 1921 do Ngô Đức Kế từ Côn Đảo về làm chủ bút); Tiếng Dân (từ 1927 do Huỳnh Thúc Kháng nắm, Võ Nguyên Giáp tham gia); các nhà sách Nam đồng thư xã (Hà Nội), Cường học thư xã (Sài Gòn), Quan hải tùng thư (Huế)… đã phát hành nhiều sách tiến bộ.

Đó là cái bối cảnh khi Chánh mật thám Marty ra tay thu phục Phạm Quỳnh nhằm hướng trào lưu dân tộc dân chủ đòi canh tân vào quỹ đạo của chính quyền bảo hộ. Họ chọn cách phù hợp nhất trong tình thế mới, là năm 1917, sáng lập tờ Nam Phong tạp chí và giao cho Phạm Quỳnh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, trợ cấp hàng tháng 600 đồng Đông Dương, to hơn cả lương Thượng thư bộ Học của “Cụ Thượng Phạm” sau này. Là người thông minh, Phạm Quỳnh không thể không thấy thâm ý của Chánh mật thám Louis Marty. Vậy nhằm mục đích gì học giả họ Phạm nhận hợp tác với người Pháp? 

Ngay trên số đầu của tạp chí Nam Phong, Chủ bút họ Phạm viết rằng ông “thể (tức thể theo, dựa theo – VTK) cái chủ nghĩa khai hoá của Chính phủ [mà] biên tập những bài bằng quốc văn (xin chú ý: quốc văn nêu đầu tiên! – VTK), Hán văn, Pháp văn để giúp sự mở mang tri thức, gìn giữ đạo đức trong quốc dân An Nam, truyền bá các khoa học Thái Tây, nhất là tư tưởng học thuật Đại Pháp, bảo tồn quốc tuý của nước Việt Nam, cùng bênh vực quyền lợi người Pháp, người Nam trong trường kinh tế” (Nam Phong, số 1 tháng 7–1917). Ông ý thức sâu sắc rằng “đương buổi mới cũ giao nhau, cái tư tưởng quốc dân chưa biết lấy gì làm chuẩn đích” thì cái sứ mệnh cao cả của nhà báo và của báo chí là “gây một mối tư tưởng tình cảm chung, mưu cho nước nhà sau này được cường mạnh vẻ vang, có ngày được mở mày mở mặt với thế giới…” (Nam Phong, số 17, tháng 11/1918). 

Vậy “chuẩn đích” tư tưởng nhà báo Phạm Quỳnh muốn hướng đạo cho quốc dân là gì? Trong bài phát biểu năm 1922 mà ở trên chúng tôi gọi là “Tuyên ngôn tự chủ văn hoá”, ký giả Phạm Quỳnh đã khôn ngoan mượn lời lẽ của một học giả Pháp để nói thẳng với chư vị viện sĩ Hàn lâm Đại Pháp rằng: “Trong tình hình thế giới hiện nay, sự thống trị chính trị của một dân tộc này đối với một dân tộc khác, dù là văn hoá kém hơn, chỉ có tính tạm thời. Không một cộng đồng dân cư nào còn chịu được nữa cảnh bị bảo hộ. Một dân tộc chỉ cần có một chút ý thức về mình thôi, thế là nó liền mong muốn được tự chủ. Không cách gì hoà giải nổi một dân tộc biết rõ là mình bị áp bức với một chính quyền ngoại bang”. [1] Trước đó hai năm, trong bài viết “Độc thư cứu quốc (Mừng các ông tân khoa trường đại học)”, hướng tới thế hệ trí thức trẻ nước Việt, ông đặt ra trước họ cái nhiệm vụ chính ông đang thực hiện bằng tờ báo của mình: “… Người ta học là vị chân lý, vị nhân loại, ta học nên vị nước trước nhất, sự học của ta phải là cái học cứu quốc vậy” (Nam Phong, số 36, tháng 6–1920). 

Rõ ràng ông Chủ bút Nam Phong tạp chí không có ý định hạn chế trong phạm vi mấy điều cải lương nhỏ giọt của “mẫu quốc Đại Pháp” mà nuôi hoài bão “thể cái chủ nghĩa khai hoá” của chính quyền bảo hộ để làm đại sự – kế tục trong tình thế mới đường lối “khai dân trí”, “chấn dân khí” nhằm cứu nước của Duy tân – Đông Kinh nghĩa thục. 

Từ 1917 đến 1932, suốt 15 năm, tức hơn nửa cuộc đời hoạt động xã hội của mình, Phạm Quỳnh toàn tâm toàn ý với Nam Phong, biến nó thành cơ quan ngôn luận uy tín nhất đương thời. Trong hơn hai nghìn bài đăng trên tờ tạp chí này của 164 tác giả, thì có đến gần 1/3, viết bằng Quốc ngữ, Hán tự và Pháp văn, là của một tác giả Phạm Quỳnh, với những bút danh Thượng Chi, Hồng Nhân, và về sau lại thêm Hoa Đường – thảy đều nhắc nhở đến miền đất quê hương ông, từng mang các địa danh Thượng Hồng (phủ), Hồng Nhân (lộ), Hoa Đường (xã). Nội dung các bài viết của ông thể hiện một tinh thần yêu quý, kiên định nền văn hiến dân tộc Đông phương mấy nghìn năm và một kiến thức bách khoa uyên bác về Tây phương hiện đại. 

Về khảo luận, Phạm Quỳnh đã viết nhiều bài giới thiệu tư tưởng dân quyền – dân chủ Tây Âu và các bài phê bình văn học Pháp (Tư tưởng Keyserling, Lịch sử và học thuyết Voltaire, Lịch sử và học thuyết Rousseau, Lịch sử và học thuyết Montesquieu, Văn học nước Pháp, Một nhà văn tả thực: Guy de Maupassant, Descartes tổ triết học nước Pháp, Lịch sử và học thuyết Berson, Văn minh luận, Đông Á–Tây Âu, hai văn minh có thể dung hoà được không?, Bàn phiếm về văn hoá Đông Tây, v.v…). Khi viết khảo luận, ngoài mục đích khai dân trí Việt Nam đương thời về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, đấu tranh chống lại chế độ thực dân áp bức bóc lột và phong kiến, v.v…, học giả họ Phạm chủ tâm giới thiệu thuật ngữ khoa học, chú ý thể hiện bút pháp và văn phong Tây phương hiện đại trong các lĩnh vực học thuật, chính luận, phê bình khảo cứu… là những văn phong còn non kém trong Quốc ngữ. 

Về dịch thuật, ông đã dịch một số tác phẩm như Phương pháp luận (Descartes); Sách cách ngôn (Epictete), Đời đạo lý (P. Carton), Le Cid, Horace (Corneille), Thơ Baudelaire, v.v… Đối với chủ đích của Nam Phong tạp chí, dịch thuật không đơn thuần là giới thiệu văn hoá, văn minh phương Tây mà còn là biện pháp hữu hiệu góp phần bổ sung từ vựng và góp phần hình thành văn phong ngôn ngữ văn hoá Việt. Nhằm mục đích đó, mỗi số Nam Phong đều có bảng từ vựng, liệt kê và giải thích các từ mới để độc giả có thể tra cứu. 

Phạm Quỳnh cũng là người khai sáng con đường cho một số thể loại văn học mới trong tiếng Việt – văn du ký, tuỳ bút, ký sự, phóng sự, ghi chép. Trong những chuyến du ngoạn danh lam thắng cảnh đất nước và viễn du sang Pháp, sang Lào, ký giả Phạm Quỳnh đều để lại những bài du ký nổi tiếng một thời, ngày nay đọc lại vẫn lý thú về cảnh quan và tình người như: Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Trẩy chùa hương, Pháp du hành trình nhật ký, Du lịch xứ Lào, v.v… Với vốn am hiểu chữ Hán của mình, Phạm Quỳnh có nhiều bài khảo cứu đặc sắc về Phật giáo (Phật giáo lược khảo) và Nho giáo (Khổng giáo luận). Phật giáo lược khảo có thể xem như một giáo trình đại cương về Phật học, trong đó học giả Phạm Quỳnh đã trình bày vấn đề theo phong cách khoa học của phương Tây, ông đã giới thiệu vấn đề Phật giáo bắt đầu từ Phật tổ sự tích đến Phật lý uyên nguyên và kết luận bằng phần Phật giáo lịch sử. Sở dĩ Nam Phong tạp chí trở thành diễn đàn uy tín dẫn đạo được quốc dân trong “buổi giao thời”, ấy là nhờ vị Chủ nhiệm kiêm chủ bút Phạm Quỳnh có tinh thần tự chủ văn hóa đã tuyên ngôn rõ ràng, có học vấn thông kim bác cổ, có nhân cách kẻ sĩ đàng hoàng, lại có tài tổ chức, nên đã tập hợp được một đội ngũ trên trăm rưởi tác giả tài ba thuộc đủ khuynh hướng chính trị – xã hội, đều là những cây bút nghiêm túc và xuất sắc, từ các bậc đàn anh từng tham gia Đông Kinh nghĩa thục như Phạm Duy Tốn, Dương Bá Trạc, các tác gia tiên phong trên văn đàn đương thời như nữ sĩ Tương Phố (tác giả bài thơ Giọt lệ thu), kịch gia Vũ Đình Long, tiểu thuyết gia Nguyễn Tường Tam, đến lớp hậu sinh có tư tưởng cấp tiến. Nhận định về vai trò khai sáng của Nam Phong, nhà văn Vũ Ngọc Phan viết từ năm 1943: “Nhiều thanh niên trí thức đã có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong tạp chí để bồi bổ cho cái học còn khiếm khuyết của mình. Thậm chí còn có người lấy Nam Phong mà thâu thái được tạm đủ tư tưởng học thuật Đông–Tây. Muốn hiểu được những vấn đề của đạo giáo muốn biết văn học sử cùng học thuật tư tưởng nước Tàu, nước Nhật, nước Pháp, muốn đọc thi ca Việt Nam từ đời Lý – Trần cho đến nay, muốn hiểu thêm lịch sử nước Nam, tiểu sử các đấng danh nhân nước nhà, muốn am hiểu các vấn đề xã hội Âu Tây và cả học thuyết của các nhà hiền triết cổ Hy – La, chỉ đọc kỹ Nam Phong cũng có thể hiểu được”. [2]

Làm nên thành công kỳ vĩ đó chính là nhờ học giả Phạm Quỳnh đã nắm chắc khâu then chốt trong công cuộc khai sáng cứu quốc mà các bậc tiền bối ở Đông Kinh nghĩa thục đã đề xuất, đã bắt đầu thực thi, nhưng sớm bị ngăn chặn do nôn nóng, thiếu khôn khéo đối với chính quyền bảo hộ. Khâu then chốt, “đường” thứ nhất trong sáu đường (tức chủ trương) Đông Kinh nghĩa thục đề xướng ở tài liệu cương lĩnh của mình – Văn minh tân học sách, là: phổ biến, phát triển chữ quốc ngữ. 

Mục đích dạy chữ quốc ngữ trong đường lối giáo dục quốc dân của Đông Kinh nghĩa thục rõ ràng khác về căn bản với chủ trương dạy chữ quốc ngữ của thực dân Pháp, cũng khác cả các chương trình cải lương giáo dục của chính quyền bảo hộ và Nam triều, khi nó chỉ được dạy làm phương tiện giao dịch thông thường, đủ đáp ứng những yêu cầu làm nô bộc cho ngoại bang để vinh thân phì gia. Các cụ đã vạch trần tim đen của cái thứ chữ quốc ngữ “thông ngôn” đó: nó tất dẫn đến cái “vạ chết lòng”, cái xác còn đó nhưng cái tâm hồn dân tộc Việt thì không còn. Chữ quốc ngữ phục vụ triết lý giáo dục giải phóng, khai dân trí , chấn dân khí phải là “hồn trong nước”

“Chữ quốc ngữ là hồn trong nước, 

Phải đem ra tính trước dân ta, 

Sách Âu–Mỹ, sách Chi–na 

Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường” 

Trước đó học giả Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã tiếp tục chủ trương này của Đông Kinh nghĩa thục thông qua hoạt động báo chí và dịch thuật bằng chữ quốc ngữ. Về mặt này Nam Phong tạp chí đã chạy tiếp sức cho Đông Dương tạp chí vừa mới bị cấm hai năm trước. Nhờ có một “chuẩn đích” xa hơn (tự chủ văn hóa để cứu quốc), với những mục tiêu rộng lớn hơn, Chủ nhiệm tạp chí họ Phạm đã phát biểu ngay trong bài ra mắt, đưa Quốc ngữ lên một bước phát triển cao hơn – trở thành ngôn ngữ văn hóa trong văn học nghệ thuật và khoa học kỹ thuật. “Văn quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới xây dựng được, mối tư tưởng mới mở mang được, quốc dân ta không đến nỗi chung kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy” (“Văn quốc ngữ – trên Nam Phong, 1917). Đề cập quan điểm của một số người Tây học đương thời đòi thay tiếng Việt nghèo nàn và thô lậu về vốn từ bằng tiếng Pháp “cao thượng”, “văn minh” để được “tiện lợi” cho con đường tiến thân, ông gọi đó là “tư tưởng kỳ khôi”, “râu ông nọ cắm cầm bà kia”, ông phản biện: “Các ông nói không nên lấy tình mà xét, phải lấy lợi mà xét mới được, lợi bao giờ vẫn mạnh hơn tình. Chúng tôi vẫn biết như vậy, nhưng chúng tôi cũng biết rằng người ta có tình mới là người và phàm dân nào chỉ biết trọng lợi mà thôi là dân ấy sắp đến ngày suy đồi”, bởi lẽ “quốc âm (tiếng nói – VTK) tức là một biểu hiện tự nhiên của quốc hồn”. Rồi ông cảnh tỉnh: “Một giống người đến quốc âm cũng không giữ được là một giống cam tâm tự diệt vậy” (Chữ Pháp có dùng làm quốc văn Việt Nam được không?” – Nam Phong, 1918). Phạm Quỳnh ước vọng: “có ngày người mình cũng “làm văn” được như người, nghĩa là làm văn bằng tiếng mình, không phải mượn tiếng người” (tức mượn tiếng Tàu hoặc tiếng Tây! – VTK) (Nam Phong, số 67, tháng 1/1923). Làm thế nào để khắc phục hiện trạng nghèo nàn từ vựng và cách diễn đạt của tiếng Việt buổi mới đang chập chững bước lên con đường hiện đại hóa? Trong bài báo viết bằng tiếng Pháp năm 1931, Phạm Quỳnh kể với độc giả Pháp, ông đã làm việc đó như thế nào: “Việc đầu tiên phải làm là hợp nhất hai ngôn ngữ của nhà nho (“đồ theo văn phong Hán”) và của dân chúng, thông tục hóa ngôn ngữ nhà nho bằng cách nhúng nó vào các nguồn mạch sâu xa của khẩu ngữ; nâng cao ngôn ngữ dân chúng bằng cách thêm vào nó một số ngữ điệu văn chương và bồi đắp cho nó tất cả vốn từ Hán–Nôm đã được công nhận và sử dụng (…). Nhưng… như vậy vẫn chưa đủ để nó làm được nhiệm vụ của một ngôn ngữ văn hoá. Nó vẫn còn thiếu vốn từ kỹ thuật và triết học để dịch và diễn đạt các tư tưởng và quan niệm hiện đại. Làm thế nào để lấp được chỗ trống đó? Có thể tiến hành vay mượn cả từ tiếng Hán lẫn tiếng Pháp…” [3]. Vay mượn như thế nào – học giả Phạm Quỳnh trình bày khá rõ trong bài “Chữ nho với văn quốc ngữ”, viết năm 1918. 

Phạm Quỳnh không chỉ sử dụng hoạt động báo chí mà ông đã tiếp tục một chủ trương quan trọng hơn, sâu sắc hơn của Đông Kinh nghĩa thục, đó là – thông qua giáo dục, đặt chữ quốc ngữ làm căn bản cho nền quốc học nhằm “gây lấy cái hồn độc lập cho quốc dân”. Cũng trong bài diễn thuyết đã đề cập ở trên, ký giả – học giả họ Phạm mới 30 tuổi đã tỏ ra có một tầm tư duy chiến lược khi ông phản đối cái nền giáo dục Pháp–Việt của Albert Sarraut dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ trong nhà trường và “chỉ dành cho tiếng Việt một vị trí hết sức nhỏ bé chẳng có chút ý nghĩa gì ở đầu bậc tiểu học”. Ông yêu cầu chính quyền bảo hộ “đưa cho người Annam một nền giáo dục tiểu học bằng tiếng mẹ đẻ của họ để tạo cho họ một nền quốc học thực sự […]. Chúng tôi đòi hỏi nền giáo dục Pháp hãy đào luyện không phải những người Annam què quặt, mà là những người Annam thực sự, những người Annam toàn diện, vừa biết hấp thụ khoa học và văn minh Tây phương, vừa gắn bó với ngôn ngữ và truyền thống lâu đời của chủng tộc mình”

Để thực hiện đường lối dùng giáo dục “gây lấy cái hồn độc lập”, học giả họ Phạm tất yếu mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang lĩnh vực giáo dục và xã hội. Năm 1919, ông tham gia sáng lập Hội Khai trí Tiến đức (tức mở mang trí tuệ, tu dưỡng đạo đức), tổ chức những buổi diễn thuyết và thảo luận về học thuật và đạo lý Đông Tây. Năm 1922, với tư cách là đại diện cho Hội, Phạm Quỳnh được cử sang Pháp dự hội chợ triển lãm Marseille, được mời đến diễn thuyết về các vấn đề xã hội An Nam và chính sách cai trị thuộc địa của nước Pháp, trong đó có buổi đăng đàn tại Viện Hàn lâm, tiếng tăm dậy báo giới Paris. Về nước, ông được thỉnh giảng về các chuyên đề triết học, ngôn ngữ và văn chương tại các khoa Bác ngữ học, Văn hoá, Ngữ ngôn Hoa–Việt của trường Cao đẳng Hà Nội. 

Năm 1924 diễn ra một sự kiện gây nên một cuộc tranh cãi trên văn đàn trong nhiều năm. Tại lễ kỷ niệm ngày giỗ thi hào Nguyễn Du trong trụ sở Hội Khai trí Tiến đức ở phố Hàng Trống, trước một cử tọa đông đảo, có nhiều quan ta và quan tây tham dự, ký giả Phạm Quỳnh đọc một bài diễn văn vừa thống thiết vừa hùng hồn ca ngợi Truyện Kiều, kết thúc bằng một câu nay đã trở nên bất hủ: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn…”. Đó là kết tinh hệ quan điểm của học giả Phạm Quỳnh về quốc ngữ – quốc văn – quốc học – quốc hồn, được phát tiết trong văn cảnh một lời thề trước hương án Tiên Điền quốc sĩ: 

“…nhân ngày Giỗ này, đốt lò hương, so phím đàn, chiêu hồn Quốc sĩ: Thác là thể phách, còn là tinh anh 

Áng tinh–trung thấp–thoáng dưới bóng đèn, chập–chừng trên ngọn khói, xin chứng–nhận cho lời thề của đồng–nhân đây. Thề rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu–sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia–công trau–chuốt lấy tiếng quốc–âm nhà, cho quốc–hoa ngày một rực–rỡ, quốc–hồn ngày một tỉnh–tá o, quốc–bộ ngày một tấn–tới, quốc–vận ngày một vẻ–vang, ngõ– hầu khỏi phụ cái chí hoài–bão của tiên–sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!”.

Rõ ràng câu văn dậy ba đào đương thời và vẫn còn lưu dư ba đến ngày nay, đã thổ lộ ý tác giả nguyện sẽ quyết tâm gìn giữ tiếng mẹ đẻ, chữ quốc ngữ, văn chương Quốc ngữ – cái nền tảng của quốc hồn. 

Dưới ảnh hưởng của các trào lưu dân tộc dân chủ những năm 25 – 30 (dẫn đến thành lập Việt Nam Quốc dân đảng và một số tổ chức cộng sản đầu tiên), năm 1930 Phạm Quỳnh bắt đầu tham gia diễn đàn chính trị, viết bài đăng bằng tiếng Pháp phản đối án tử hình Phan Bội Châu “chỉ có một tội là yêu nước như bao anh hùng liệt sĩ Pháp chống giặc ngoại xâm”, đề xướng chủ thuyết quân chủ lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải ban hành hiến pháp để quy định rõ ràng những quyền cơ bản của nhân dân, vua quan Việt Nam và chính quyền bảo hộ. Năm 1931, ông được giao chức phó hội trưởng Hội địa dư Hà Nội. Năm 1932, giữ chức Tổng thư ký Ủy ban cứu trợ xã hội Bắc Kỳ. 

Tháng 11 năm 1932, diễn ra bước ngoặt định mệnh trong cuộc đời ký giả– học giả Phạm Quỳnh. Sau sáu năm du học ở Pháp, vua Bảo Đại trở về canh tân đất nước. Ngài bắt đầu bằng việc hạ chiếu chỉ thay một số lão thần Thượng thư cựu học bằng những người trẻ tuổi Tây học: Tổng đốc Thanh Hoá Thái Văn Toản làm Thượng thư bộ Công, Tổng đốc Hồ Đắc Khải – Thượng thư bộ Hộ, Tuần vũ Ngô Đình Diệm – Thượng thư bộ Lại, Tuần vũ Bùi Bằng Đoàn – Thượng thư bộ Hình, và ký giả Phạm Quỳnh – Thượng thư bộ Học. 

Có thể thấy, trong năm vị tân thượng thư chỉ có Phạm Quỳnh xuất thân hàn sĩ và từ “chân trắng” một bước lên đại thần! Năm 1942, ông còn được Bảo Đại bổ giữ chức Thượng thư bộ Lại, đứng đầu triều đình. 

Vậy hà cớ gì học giả Phạm Quỳnh bước lên hoạn lộ vốn thường đầy chông gai? Vì tham quyền? Vì hám lợi? – như báo chí đương thời cạnh khóe? Câu trả lời rõ ràng nhất, thật bất ngờ, lại chính từ trùm thực dân – Thống sứ Trung Kỳ Healewyn (Báo cáo ngày mồng 8 tháng 1 năm 1945 gửi cho đô đốc Decoux và cho tổng đại diện Mordant):

“Vị thượng thư này vốn đã chiến đấu suốt cuộc đời mình bằng ngòi bút và bằng lời nói, không bao giờ bằng vũ khí, cho sự bảo trợ của Pháp và cho việc khôi phục quyền hành của triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam) và cho việc người Việt Nam nắm trong tay vận mệnh của chính mình… Những yêu sách mà Phạm Quỳnh đòi hỏi trở lại việc chấp thuận một chế độ tự trị hoàn toàn cho hai xứ bảo hộ (Trung Kỳ và Bắc Kỳ), khước từ chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ và thành lập một quốc gia Việt Nam. Tôi xin lưu ý ngài một điều là, dưới vẻ bề ngoài nhã nhặn và thận trọng, con người đó là một chiến sĩ không (gì) lay chuyển nổi cho nền độc lập của Việt Nam và đừng hòng có thể làm dịu những tình cảm yêu nước chân thành và kiên định của ông ta bằng cách bổ nhiệm ông ta vào một cương vị danh dự hoặc trả lương một cách hậu hỹ. Cho tới nay, đó là một địch thủ thận trọng nhưng cương quyết chống lại sự đô hộ của nước Pháp và ông ta có thể sớm trở thành một kẻ thù không khoan nhượng” [4].

Về non nửa sau trong đời hoạt động của Phạm Quỳnh – hoạt động chính trị trên cương vị Thượng thư Nam triều, hiện còn rất ít tài liệu, có lẽ đã thất lạc sau cái chết bất ngờ bi thảm của ông. Hiện nay mới chỉ có thể biết là riêng trong lĩnh vực giáo dục ông đã đòi được người Pháp trả lại cho bộ Học quyền quản trị cấp tiểu học, nhờ vậy điều quy định của Học chính tổng quy (Règlement général de l’instruction publique – có sửa đổi năm 1924, sau các đòi hỏi và kiến nghị khẩn thiết trên Nam Phong), yêu cầu ở ba năm đầu cấp tiểu học (gọi là sơ học yếu lược) cho dạy bằng tiếng Việt và phải thi lấy bằng Quốc ngữ, từ năm 1933 mới bắt đầu thực thi nghiêm túc. 

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Quan Ngự tiền Văn phòng Thượng thư bộ Lại Phạm Quỳnh là chứng nhân, còn kịp thuật lại diễn biến tại Huế trong bài viết nhan đề “Chuyện một đêm một ngày (9–10 tháng 3 năm 1945)”, đoạn kết như sau: “Sau cuộc tiếp kiến (đặc sứ Yokoyama và hai lãnh sự Watamata và Ishida – VTK), liền có cuộc hội đồng đặc biệt Viện Cơ Mật trong phòng nhỏ Hoàng đế tại lầu Kiến Trung vào 7 giờ tối. Rồi 10 giờ đêm hôm ấy các cụ Cơ Mật lại họp ở bộ Lại để tiếp quan đặc sứ và thảo tờ Tuyên bố Độc lập. Hai cuộc hội đồng đó cũng như cuộc hội kiến trên, đều là những việc quan trọng, thuộc về lịch sử, tôi may mắn dự vào, đóng một vai chính, sau này sẽ có dịp tường thuật” [5]. Sau đó, khi chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, Phạm Quỳnh xin về hưu để trở lại với văn chương. Nhưng ông không bao giờ có cơ hội ấy nữa… kể từ 2 giờ chiều ngày 23/8/1945 ông ra đi và không bao giờ trở lại”. [6]

Phạm Quỳnh

Vì lý tưởng khai dân trí, chấp nhận cộng tác với chính quyền thực dân Pháp để được công khai làm báo, phát triển ngôn ngữ văn hoá Việt, dấn thân làm quan với chính quyền thực dân để có cơ hội xây nền quốc học nhằm chủ đích cứu nước bằng con đường ôn hòa, học giả Phạm Quỳnh ý thức rõ thế hiểm nghèo chí mạng của con đường ông lựa chọn: đi giữa hai làn đạn. Trong bức thư ngày 30/12/1933 gửi Chánh mật thám Marty, Phạm Quỳnh trần tình riêng với người “đỡ đầu”: “Tôi là người của buổi giao thời và tôi sẽ chẳng bao giờ được cảm thông (…). Là một người ái quốc Việt Nam, tôi yêu nước tôi với tất cả tâm hồn tôi, thế mà người ta buộc tôi, bảo tôi là phản quốc, đã cộng tác với kẻ xâm lược và phụng sự họ!.. Là một thân hữu chân thành của nước Pháp, một đằng khác, người Pháp trách cứ tôi đã che đậy một tinh thần quốc gia cực đoan chống Pháp dưới một bề ngoài thân Pháp”. [7]

Nỗi niềm uẩn khúc khó thanh minh của mình, ký giả kiêm đại thần họ Phạm một lòng trung quân ái quốc chỉ có một cơ hội gửi gắm trong bài thơ năm 1936 khóc Nguyễn Văn Vĩnh, bạn đồng môn thông ngôn và đồng nghiệp báo chí:

Vừa mới nghe tin vội giật mình,

Thôi thôi thôi cũng kiếp phôi sinh!

Trăm năm sự nghiệp bàn tay trắng,

Bảy thước tang bồng nắm cỏ xanh.

Sống lại như tôi là sống nhục,

Chết đi như bác chết là vinh,

Suối vàng bác có dư dòng lệ,

Khóc hộ cho tôi nỗi bất bình!

Vũ Thế Khôi

Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)

Chú thích:

[1] Phạm Quỳnh: Tiểu luận. Viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922–1932, Phạm Toàn giới thiệu và biên tập, NXB Tri Thức, Hà Nội 2007, tr.410.

[2] Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại. Dẫn theo Nguyễn Văn Khoan: Phạm Quỳnh, một góc nhìn, Nxb Công an nhân dân, 2011, tr.31.

[3] Phạm Quỳnh: Tiểu luận. Viết bằng tiếng Pháp…, sđd, tr.478.

[4] TS. Nguyễn Văn Khoan: Phạm Quỳnh, một góc nhìn, NXB Công an nhân dân, 2011, tr.178.

[5] TS. Nguyễn Văn Khoan, sđd. tr.239–240.

[6] TS. Nguyễn Văn Khoan, sđd, các tr.453, 54, 59.

[7] Theo nhà nghiên cứu Khúc Hà Linh, bức thư do bà quả phụ Marty gửi cho bà Phạm Thị Ngoạn, con gái ông Phạm Quỳnh để sao y năm 1960. Xem: Khúc Hà Linh, Phạm Quỳnh, con người và thời gian, NXB Thanh niên, 2010, tr.127–128;

Share This Post!