Ngôn ngữ văn chương – ngôn ngữ nghệ thuật 

Trong các dạng thức hoạt động nghệ thuật, chắc chắn hội họa là nơi thể hiện rõ nhất tính sinh động của hình tượng. Những bức họa còn lưu lại trong hang động ở Altamira hoặc ở Lascaux cho thấy điều đó. Những chú bò tót như đang chạy trước mắt ta. Rõ ràng là chúng đang bị những người đi săn thời nguyên sơ dồn đuổi. Người nghệ sĩ đã dồn vào nét vẽ cả lòng biết ơn, cả niềm vui dâng tràn, cả những ước vọng cuộc sống ngày nào cũng no đủ, cả sự kính trọng những con mồi to lớn mà săn chắc, hứa hẹn những bữa ăn ngon lành nuôi sống cộng đồng con người. 

Khi ngắm nhìn những hình tượng sống động đó, mỗi con người sống trong hang động ấy lại có dịp gửi vào đó những cảm xúc riêng, những kỷ niệm riêng trong những lần đi săn, cả những vui buồn riêng khi có những mất mát trong cuộc mưu sinh… Và đó chính là lý do các bức tranh trong hang động còn lưu giữ mãi cho tới ngày nay để chúng ta chiêm ngưỡng. 

Sang thời hiện đại, các nghệ sĩ biết kết hợp cả âm nhạc, cả hội họa, cả nghệ thuật của cơ thể để tạo nên những kiệt tác – hình ảnh Hồ thiên nga với những nàng thiên nga trinh trắng đang bay lên – hình ảnh chàng nô lệ Spartacus đã khiến các nhà phê bình nghệ thuật phải thốt lên ngợi ca “tiếng nói giận dữ của những kẻ bị đọa đầy”…

Hội họa và nhảy múa có thể là những biểu đạt nghệ thuật bằng hình tượng đầu tiên của loài người. Về sau, khi con người đã có cách biểu đạt tư duy nghệ thuật của mình, ngôn ngữ hình tượng bằng lời phải cố sao sánh cho kịp những hình ảnh sinh động của một giai đoạn “tiếng nói chưa kịp cất thành lời” kia!

Và chúng ta sang thời kỳ con người dùng lời để nói được nhanh hơn, nhiều hơn, đầy đủ hơn…

Ta hãy nghe Trần Đăng Khoa dùng lời nói để tạo ra một bản nhạc lúc đêm khuya trong Đêm Côn Sơn:

Tiếng chim vách núi nhỏ dần

Rì rầm tiếng suối khi gần khi xa

Ngoài thềm rơi cái lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng…

Hoặc, cũng vẫn lời thơ Trần Đăng Khoa, nhưng đây là cả một bức họa bằng lời về những chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của tổ quốc:

Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn

Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy

Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy

Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi

Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời…

Ôi ước gì được thấy mưa rơi

Mặt chúng tôi ngửa lên như đất

Những màu mây sẽ thôi không héo quắt

Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên

Đảo xa khơi sẽ hóa đất liền

Chúng tôi không cạo đầu, để tóc lên như cỏ

(Trích Đợi mưa ở đảo Sinh Tồn)

Nguyễn Du, nhà “nghệ sĩ của ngôn từ” cũng chỉ dùng lời nói để tạc nên bức tranh trong tâm tưởng người Việt Nam yêu tiếng Việt và yêu Truyện Kiều – chúng ta được đặt chân hẳn hoi vào một cảnh hiu hắt buồn về nơi nàng Kiều từng sinh sống, nhẹ bước đi vào chốn vắng lặng đó – y như thật – để cảm thương – cũng y như thật:

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,

Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời.

Trước sau nào thấy bóng người,

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Xập xè én liệng lầu không,

Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày.

Cuối tường gai góc mọc đầy,

Đi về này những lối này năm xưa.

Chung quanh lặng ngắt như tờ,

Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?

(Trích Truyện Kiều)

Bà Huyện Thanh Quan cũng dùng lời nói để vẽ nên cả một bức tranh có hình ảnh man mác buồn cùng những âm thanh rành rọt bên tai khi chiều buông ở một nơi chúng ta chưa đặt chân tới nhưng vẫn cảm nhận được như chính chúng ta đang đứng ở đó:

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn

Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn

Gác mái, ngư ông về viễn phố

Gõ sừng, mục tử lại cô thôn

Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa, khách buớc dồn

Kẻ chốn chương đài nguời lữ thứ

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.

(Cảnh chiều hôm)

Đó là một số ví dụ ngắn có tính gợi ý để các bạn tự tìm thêm những ví dụ khác. Gợi bằng lời, mà có sức mạnh ít ra cũng ngang bằng sức mạnh tạo ra bằng thị giác hoặc thính giác! 

Tiết mục “Nấm báo Mưa” của Trường cao đẳng múa Việt Nam đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan Múa quốc tế 2017. Ảnh: Báo Nhân dân

Bố cục thể hiện thông điệp 

Ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau ở một điểm quan trọng này: ngôn ngữ tự nhiên gửi những thông tin đơn lẻ còn ngôn ngữ nghệ thuật gửi đi một thông điệp tổng hợp. Ngôn ngữ nghệ thuật có sức biểu cảm vì nó chọn lọc những chi tiết cần thiết nhất (không dư thừa) để tạo thành một bố cục. Từng chi tiết thì giỏi nhất là đưa ra được một thông tin. Nhưng cả một bố cục sẽ làm hiện ra rõ nét điều người nghệ sĩ muốn nói gì và đó là thông điệp được tác phẩm đem lại. 

Đây là ví dụ dễ hiểu về thông tin – dù là những thông tin đơn lẻ nhưng hết sức đầy đủ: 

  • Ai đó?
  • Tôi.
  • Tôi nào?
  • Họa sĩ.
  • Họa sĩ gì?
  • Picasso.
  • Có việc gì thế?
  • Có bức tranh.
  • Tranh gì?
  • Mới vẽ.
  • Đề tài gì?
  • Guernica.
  • Ôi! Guernica!

Còn bây giờ, để hiểu khái niệm thông điệp, mời các bạn đi vào xem xét bố cục của bức họa. Danh họa Pablo Picasso vẽ bức tranh ngay sau khi thành phố Guernica xinh xắn bị máy bay của quân phát xít Tây Ban Nha dội bom. Bức tranh Guernica không kể chuyện dội bom. Tác giả không đưa thông tin người chết hoặc bị thương vì một trận bom. Tác giả tạo nên hình ảnh những con người sống đau đớn trong một chế độ bạo tàn. 

Toàn cảnh là một căn phòng tra tấn của bọn phát xít… Phía trên bên trái, một con mắt bò tót mở to chăm chăm nhìn một người đàn bà đau đớn nhìn đứa con nhỏ đã chết trong tay… Một con ngựa hấp hối vì vừa bị một ngọn giáo xuyên thấu… Một sọ người phủ lên thân con ngựa và một con bò tót hình như đang húc con ngựa từ bên dưới… Chân trước của con ngựa với cái đầu gối rơi trên sàn… Một cái sừng hiện ra bên trong ngực của con ngựa… Đuôi con bò tót tạo thành hình ảnh đám lửa có khói bốc lên… Một người lính chết bên dưới con ngựa, bàn tay trên cánh tay bị thương vẫn nắm chặt một thanh gươm gãy ở đó có bông hoa đang ngoi lên… Trong lòng bàn tay người lính có vết thẫm màu nhắc nhớ tới vết thương Chúa Jesus bị đóng đinh trên Thập giá… Một bóng đèn vẫn chói chang như con mắt quỷ dữ nhìn cảnh tra tấn… Phía trên bên phải, một gương mặt đàn bà hãi hùng chứng kiến mọi cảnh trước mắt mình… Tay người đàn bà cầm một cây đèn nhỏ thắp cháy một hy vọng mong manh… Một gương mặt đàn bà nữa nhìn thẳng vào cái bóng điện thắp sáng… Những lưỡi gươm ở miệng con bò tót như những cái lưỡi gào thét… Một con bồ câu ngậm một nhánh ô liu… Một phần thân con bồ câu bao gồm cả kẽ nứt của bức tường qua đó thấy có ánh sáng lọt vào… 

Xem bức tranh, bạn có thể đặt lại tên theo ý mình (thao tác học nghệ thuật đã từng thực hành trong bộ sách Văn bậc Tiểu học Cánh Buồm). Thầm trong lòng, hoặc nói rõ ra bên ngoài, các bạn sẽ đặt lại tên bức tranh. Có thể là “Một cảnh đời không chịu đựng nổi”. Gì nữa? “Phát xít không chỉ là ném bom và lò hơi ngạt”“Một cuộc sống không thể chấp nhận!”… Và còn nhiều cách “đặt lại tên” khác tùy theo cảm nhận của từng người – một thông điệp được tác giả đưa ra ẩn ngầm trong tác phẩm nghệ thuật, thông điệp đó ban đầu sống dửng dung sau đó đã đi vào lòng người và trở thành thông điệp sáng tỏ và đầy sức sống. Điều này còn thú vị nữa: với tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, mỗi lần chúng ta gặp lại là thêm một lần chúng ta ngỡ ngàng “đọc” thêm một nét mới mẻ, đẹp đẽ nào đó nữa. “Đến bây giờ mới thấy đây, mà lòng đã tưởng những ngày một hai“ nào đó… 

Bạn có quyền hỏi: Vậy bọn phát xít gây tội ác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp có nhận ra thông điệp trong tranh Guernica của Picasso không? 

Đây là câu hỏi rất hay liên quan đến công cuộc giáo dục. Ví dụ về cách đặt lại tên tác phẩm sau khi cảm nhận tác phẩm nghệ thuật như vừa nói bên trên cho ta thấy điều này: một thông điệp chỉ mang giá trị một thông điệp mang tính đạo đức khi con người thoát khỏi tính thú vật để thật sự có tính người. Con người chưa nhận được nền giáo dục nghệ thuật vẫn có thể có thiên lương – nói cho dễ hiểu, là cái tính cách “Trời ban cho”, “Trời ban” hoặc “Tự nhiên mà có”. Chỗ khác nhau quan trọng như sau: Người có thiên lương cần trực tiếp nhìn thấy cái xấu xí của tội ác thì mới động lòng. Còn đông đảo người cần học gián tiếp ở nhà trường, ở gia đình, ở những hoạt động cộng đồng để thiên lương được khơi dậy và được hướng vào những hành vi đẹp Của Ta, Cho Ta, và Cho Đời

Tác phẩm Guernica của Picasso. Ảnh: Sưu tầm.

Bạn hãy đặt cạnh bức tranh của Picasso một “bức tranh bằng ngôn từ” khác, bài thơ Đàn ghi–ta (Bản dịch của Hoàng Hưng trong Federico Garcia LorcaThơ chọn lọc – Sở VHTT Lâm Đồng xuất bản, 1988, có chỉnh sửa theo bản tiếng Tây Ban Nha) của một nhà thơ đã sống cuộc đời oanh liệt của một chiến sĩ Tây Ban Nha chống phát xít: 

Đàn ghi ta

Đã khóc than rồi

đàn ghi ta ơi

trong chớm bình minh

cốc vỡ

Đã khóc than rồi

đàn ghi ta ơi

Can ngăn uổng lời

đàn không im tiếng

không thể nào đâu

cho đàn im tiếng

Tiếng khóc đều đều

như là nước khóc

như là gió khóc

trên làn tuyết rơi

Không thể nào đâu

cho đàn im tiếng

Cây đàn khóc những điều

xa vắng

Cát phương nam cháy bỏng

ước ao những đóa bạch trà

Khóc mũi tên không đích

chiều hôm không sớm mai

và con chim đầu tiên chết lạnh

trên cành

Ôi đàn ghi ta!

Ôi trái tim tử thương

năm làn kiếm

Mời các bạn tự đọc trong tưởng tượng về thân phận người dân Tây Ban Nha trong cảnh sống chung với bọn cầm quyền phát xít. Trong khi bạn đọc những lời thơ hệt như một bức tranh dội vào lòng bạn như tiếng nhạc mà bạn muốn gieo vào lòng người khác trong cộng đồng… 

Bạn sẽ nói: Những lời thơ như những vật liệu ngôn từ, sẽ dễ dàng mang âm thanh du dương, tạo ra tiết tấu có nhạc điệu. Nhưng còn bức tranh? Nhưng còn điệu múa? 

Bức tranh, và điệu múa, và cả những vở kịch, cả tiểu thuyết… đều có tiết tấu tạo ra bởi hình tượng, tạo ra nhờ bố cục. Bạn ngắm nhìn lại lần nữa bức tranh của Picasso và cùng nhau tìm trên Internet những hình tượng tương tự, và hãy cùng nhau thưởng thức tiết tấu hài hòa, âm thanh du dương của những tiếng nói thành lời và không thành lời cất lên từ các tác phẩm nghệ thuật

Và đây là điều rất quan trọng: Hãy tìm lấy những tiếng nói thành lời và không thành lời đã được gieo trong lòng bạn do chính bạn cảm nhận và tự gieo vào lòng mình từ các tác phẩm nghệ thuật. 

Phạm Toàn

Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)

Share This Post!