1. Bối cảnh Việt Nam thời Trương Vĩnh Ký – tóm tắt về lịch sử chữ quốc ngữ trước khi Pháp xâm lược Việt Nam
Ba linh mục Dòng Tên đặt chân tới Cửa Hàn vào ngày 18/01/1615 với mục đích gieo “Tin Mừng“ tới người dân Annam. Cũng có thể trong cùng năm đó, họ đã xây nhà thờ đầu tiên tại Hội An. Nhờ chính sách mở cửa của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Hội An thời đó đã trở thành mảnh đất giao thương của người Hoa, người Nhật, người Việt, các tàu buôn phương Tây cũng cập bến để buôn bán. Lúc đầu, các linh mục giao tiếp với người bản xứ thông qua phiên dịch, chủ yếu là các giáo dân Nhật kiều sống tại Hội An. Ba giáo sĩ dòng Tên đầu tiên tới Đàng Trong năm 1615 chưa được học tiếng Việt trước khi tới nên việc phân biệt dấu thanh còn khó khăn, hơn nữa hai trong số ba cha đã ở Nhật Bản nên không quen ngôn ngữ có thanh điệu. Người đầu tiên giỏi tiếng Việt và miêu tả chính xác ngôn ngữ của chúng ta là cha Francisco de Pina [1] đồng thời cũng là thầy dạy tiếng Việt cho cha Alexandre de Rhodes.
Tính từ cuốn Từ điển Việt–Bồ–La đầu tiên được in năm 1651 do Alexandre de Rhodes đứng tên đến thời của Petrus Ký, chữ quốc ngữ đã dần hoàn thiện với các cuốn Từ vựng Annam–Latin của Pigneau de Béhaine năm 1773, thuộc Chủng viện Hội Thừa sai Paris – đại diện cho sự phát triển và ngữ âm Đàng Trong. Cùng thời gian đó, chúng ta có thể đối chiếu với các cuốn từ điển của Philippe Bỉnh [2] và cuốn Từ điển Việt–Tây Ban Nha năm 1766 [3] đại diện cho ngữ âm Đàng Ngoài.
Cuốn từ điển năm 1773 của Pigneau de Béhaine được làm bằng cả ba thứ chữ: Hán– Nôm, Quốc ngữ và Latin. Nhưng tác giả chưa phân biệt Hán và Nôm. Mãi cho tới năm 1838, giám mục Taberd biên soạn cuốn Dictionarium Anamiticum–Latino hay còn gọi là Nam Việt Dương Hiệp tự vị dựa trên cuốn từ điển của Pigneau de Béhaine, và có phân biệt chữ Hán và chữ Nôm.
Sau đó, các thừa sai biên soạn tiếp các cuốn khác nữa để phục vụ cho nhu cầu học tiếng Việt, nhưng các cuốn từ điển sau này ra đời dưới sự ảnh hưởng của người Pháp và tiếng Pháp tại Việt Nam chứ không còn mang mục đích học tiếng Việt để truyền đạo thuần túy như trước nữa. Nhưng xin nhấn mạnh rằng, chữ quốc ngữ thực ra chỉ là một phương pháp phiên âm theo ngữ hệ Latin để các nhà truyền giáo dễ học tiếng Việt, cũng như họ đã làm ở tất các nước [4]. Sở dĩ thứ chữ viết này được áp dụng và trở thành chữ viết chính thức trên toàn lãnh thổ Việt Nam vì khi người Pháp sang xâm lược nước ta, nhận thấy loại chữ viết này dễ học hơn chữ nho nên họ áp dụng vào nền giáo dục toàn dân cùng với sự bùng nổ của báo in và sách.
Tờ Courrier de Saigon số 7 ngày 05/4/1865, đăng lời rao về Gia Định báo số đầu tiên như sau: “Trong tháng này sẽ ra số thứ nhất một tờ báo in bằng tiếng Annam thông thường”. Mục đích của Gia Định báo là “Tờ báo này nhằm phổ biến trong giới dân bản xứ tất cả những tin tức đáng cho họ lưu ý và cho họ có một kiến thức về những vấn đề mới có liên quan đến văn hóa và những tiến bộ về ngành canh nông…”. Ba năm sau, Thống đốc Nam Kỳ Ohier ký quyết định giao tờ báo này cho “Pétrus Trương Vĩnh Ký, với tư cách là Chánh tổng tài của tờ này”.
Vậy Pétrus Ký là ai? Ông có vai trò gì trong việc truyền bá văn hóa và chữ quốc ngữ thời bấy giờ?
2. Petrus Ký: thân thế, sự nghiệp
Trương Vĩnh Ký sinh ngày 06 tháng 12 năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng, tên thật là Trương Chánh Ký, theo đạo Công giáo nên có tên thánh là: Jean–Baptiste Petrus Ký [5]. Ông sinh ở ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Petrus Ký được cho đi học chữ Hán từ năm lên 5 tuổi với ông giáo Học. Năm lên chín, có hai nhà truyền giáo người Pháp là Cố Hòa, Cố Long biết Trương Vĩnh Ký là một nhân tài vừa thông minh lại chăm học nên đem về trường Dòng ở Cái Nhum dạy chữ Latin.
Sau đó, ông được Cố Long đưa sang học tại Chủng viện Pinhalu ở Phnôm– Pênh, Campuchia. Nhờ chăm đọc sách và học cùng bạn bè chủng sinh đến từ các nước, thời kỳ này ngoài chữ Hán và các ngôn ngữ phương Tây như Hy Lạp cổ, Latin, Pháp, Bồ Đào Nha, Anh, Ý… Trương Vĩnh Ký đã nắm vững thêm được tiếng Thái, Nhật, Miên, Lào, Ấn Độ… Năm 1851, ông là một trong số ba học sinh xuất sắc nhất được chọn đi học tại Chủng viện Giáo Hoàng ở Pinang, Malaysia. Năm 21 tuổi (1858), hay tin mẹ qua đời ông vội vàng về nước.
Về Sài Gòn trong tình cảnh Pháp đã đem quân vào chiếm Việt Nam từ Đà Nẵng đến Gia Định, sau đó mất ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, việc cấm đạo trở nên gắt gao, Trương Vĩnh Ký quyết định không trở lại Chủng viện nữa. Để tránh bị bắt bớ, ông chạy lên Sài Gòn tá túc nhà vị Giám mục Lefèvre và được giới thiệu làm thông ngôn cho Jauréquiberry năm 1860. Tới năm 1862, Pháp thành lập trường Thông ngôn và ông được nhận vào dạy. Năm 1863, triều đình Huế cử phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông, Phan Thanh Giản xin cho Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn. Sang Pháp, phái đoàn được triều kiến vua Napoléon III, ông được gặp nhiều nhân vật quan trọng và thăm viếng các nước: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và yết kiến Giáo Hoàng tại Roma. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho Trương Vĩnh Ký được tiếp xúc trực tiếp với xã hội và văn hóa phương Tây, đem lại cho ông một tầm nhìn mới về thế giới, đặc biệt là trong lúc chủ nghĩa thực dân đang rầm rộ lan tràn trên toàn thế giới.
Năm 1866, ông được đề cử làm Giám đốc dạy tiếng Đông phương ở trường Thông ngôn (Collège des Interprètes (1866–1868)), rồi Giám đốc Trường Sư phạm (Ecole normale, 1/1/1872–1/12/1873), sau đó ông dạy tiếng Việt và Hán tự tại trường Tham biện Hậu bổ (Ecole des Administrateurs stagiaires, 1/1/1874– 1879).
Năm 1873–1874 ông được liệt vào “Thế giới thập bát văn hào” của thời đại và trong bảng liệt kê các ngôn ngữ ở văn bản này, ông nói thông thạo tới sáu ngôn ngữ phương Tây và mười một ngôn ngữ phương Đông [6]. Năm 1886, ông kết giao với Paul Bert (Toàn quyền Đông Dương) rồi làm việc ở Cơ Mật Viện và dạy vua Đồng Khánh học chữ Pháp, chữ quốc ngữ. Một năm sau đó, ông đi công tác ở Bangkok để giải quyết vấn đề giữa Thái Lan và Đông Dương. Sau khi Paul Bert mất (ngày 11/11/1887), Petrus Ký không tham gia vào chính trị nữa mà quay về nhà, chú tâm soạn sách.
Ông qua đời ngày 1/9/1898 và để lại số lượng tác phẩm đồ sộ, khoảng 119 hoặc 120 cuốn sách [7] các loại về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, địa lý… Ông được trao một loạt huân, huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh của các chính quyền Pháp lẫn triều đình nhà Nguyễn cho những công trình cũng như đóng góp của ông.
3. Trương Vĩnh Ký và chữ quốc ngữ
Theo nhìn nhận của các nhà truyền giáo đương thời, đại đa số dân An– nam chưa bao giờ được tiếp cận một nền giáo dục tử tế hay ít ra là được học hành cho biết con chữ, trừ số ít con nhà khá giả hoặc các học trò theo nghiệp đèn sách. Kể cả việc phổ biến kiến thức văn hóa cũng chỉ tồn tại dưới hình thức truyền miệng. Dưới thời phong kiến, dân ta đại đa số là mù chữ như trong nhận xét dưới đây của Linh mục Heutte: “20.000 người Công giáo Đàng Trong thì không có lấy nổi 100 người biết văn tự chữ Hán. Và trong số 100 người này, không có lấy nổi 1 người biết đọc” [8].
Giữa bối cảnh như vậy, việc Trương Vĩnh Ký từ chối lời mời ra làm quan cho Tây của Kerguda (Thống đốc Nam Kỳ) và xin lập một tờ báo Quốc ngữ mang tên Gia Định báo có ý nghĩa to lớn. Gia Định báo chính thức được phát hành ngày 15/4/1865. Sở dĩ chúng ta có thể khẳng định điều này vì căn cfí vào văn thư đề ngày 09/5/1865 do Thống đốc Nam Kỳ Pierre Gustave Roze gửi cho Bộ trưởng Bộ Hải quân và thuộc địa Pháp, trong đó có nhắc đến tờ Gia Định báo “phát hành vào ngày 15 tháng 4 vừa qua” [9]. Khi tờ Gia Định báo bắt đầu ra đời, tờ báo này được giao cho Ernest Potteaux làm Giám đốc nhằm mục đích đăng các văn kiện, nghị định của nhà cầm quyền Pháp. Và phải đến ngày 16/5/1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm Chánh tổng tài. Sau khi nhận nhiệm vụ, Trương Vĩnh Ký đã có những cách tân đáng kể cả về hình thfíc lẫn nội dung của tờ Gia Định báo như trong nội dung quyết định số 189 của Ohier:
“Tờ báo tiếp tục ra mỗi tuần. Nó sẽ được chia làm hai phần: một phần chính thức gồm các văn kiện, quyết định của ông Thống đốc và nhà cầm quyền với tài liệu bằng tiếng Pháp do nha nội vụ cung cấp và được ông Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ quốc ngữ; phần khác không chính thức sẽ gồm những bài viết bổ ích và vui vẻ về các đề tài lịch sử, những sự kiện về luân lý, thời sự.” [10]
Trong vòng bốn năm (1869–1872) làm Chánh tổng tài tờ Gia Định báo, Trương Vĩnh Ký đề ra ba mục đích: truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Ông luôn khuyến khích các văn sĩ Việt Nam viết bài hoặc gửi tin tức về cho tờ báo nhằm giúp họ tập luyện viết văn và làm báo bằng chữ quốc ngữ. Tờ báo này xuất bản liên tục trong 32 năm (1865–1897). Tuy nhiên, vào những năm cuối xuất hiện rời rạc cho đến ngày 31/12/1909 thì dừng hẳn. Trong tổng số 44 năm tồn tại của tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên này, chúng ta có thể thấy một lượng thông tin cực kỳ phong phú cũng như lượng kiến thức văn hóa xã hội mà tờ báo mong muốn truyền tải tới độc giả.
Sau này Trương Vĩnh Ký còn tự bỏ tiền túi để xuất bản thêm tờ nguyệt san Thông loại khóa trình – Miscellanées ou lectures instructives pour les élèves des écoles primaires communales et cantonales từ ngày 1 tháng 5 năm 1888 đến tháng 10 năm 1889, tổng cộng là 18 số. Nội dung tờ nguyệt san được viết bằng chữ quốc ngữ, tuy nhiên nhan đề lại được viết bằng chữ Hán và chữ Pháp. Chủ ý của ông là việc phổ biến chữ quốc ngữ không chỉ ở trong học đường mà còn ở mọi gia đình.
Sở dĩ Trương Vĩnh Ký mong muốn truyền bá chữ quốc ngữ vì ông hiểu rằng thứ chữ này có lợi cho công cuộc xóa nạn mù chữ trong dân như ông từng nhấn mạnh trong cuốn Manuel des écoles primaires (Giáo trình cho các trường tiểu học, 1876) như sau:
“Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này”.
Ông cho rằng loại chữ viết đơn giản, dễ học này sẽ là phương tiện hiệu quả để tiếp thu những kiến thức mới vì ba lý do: Thứ nhất, do nạn mù chữ đại trà trong dân, tiếp theo là chữ Hán sẽ không còn có ích một khi người Pháp cai trị Nam Kỳ và cuối cùng, chỉ cần ba tháng là có thể biết đọc và viết chữ quốc ngữ.
4. Trương Vĩnh Ký – nhà ngôn ngữ học thông tuệ
Petrus Ký không phải là người Việt Nam đầu tiên được tiếp xúc với văn hóa phương Tây và sáng tác nhiều tác phẩm bằng chữ quốc ngữ [11], nhưng ông được coi là người Việt Nam đầu tiên có công trong việc phổ biến những cách tân văn hóa, lề thói cho dân Annam bằng báo chí và các tác phẩm sách in.
4.1. Sách về tiếng An–nam
Sau này khi Trương Vĩnh Ký phụ trách các công việc khác ông liên tục xuất bản các cuốn sách về ngôn ngữ.
- Cours pratique de langue Annamite, à l’usage du collège des interprètes (1865) – Thực hành tiếng An–nam, dùng cho trường Thông ngôn;
- Abrégé de Grammaire Annamite (1867) – Vắn tắt ngữ pháp An–nam;
nhiều cuốn được xuất bản năm 1876 như:
- Manuel des Écoles Primaires – Giáo trình cho trường tiểu học;
- Quatre livres classiques en caractères Chinois et en annamite (autographié) – Tứ thư diễn giải bằng chữ Hán và chữ An–nam;
- Alphabet Quốc ngữ – Bộ chữ cái Quốc ngữ;
- Vocabulaire du Cours d’Annamite (1890) – Từ vựng tiếng An–nam;
- Cours d’Annamite parlé (vulgaire) & Grammaire Annamite en Annamite (1894) – Mẹo tiếng An–nam và ngữ pháp tiếng An–nam viết bằng chữ quốc ngữ.
4.2. Các loại sách về so sánh ngôn ngữ
Biết và hiểu nhiều ngôn ngữ và loại hình chữ viết khác nhau, Petrus Ký đã soạn thảo rất nhiều các loại sách so sánh các ngôn ngữ như cuốn:
- Etude comparée sur les langues, écritures, croyances et religions des peuples de l’Indochine – Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng và phong tục của các dân tộc Đông Dương;
- Combinaison des systèmes d’écriture idéographique, hiéroglyphe, phonétique, alphabétique – Nghiên cứu đối chiếu các hệ thống chữ viết tượng ý, tượng hình, theo ngữ âm và theo vần mẫu tự;
- Etude comparée des langues et des écritures des trois branches linguistiques – Nghiên cứu đối chiếu những tiếng nói và chữ viết của ba ngành ngôn ngữ;
- Essai sur la similitude des langues et des écritures orientales – Lược khảo về sự tương đồng giữa các tiếng nói và chữ viết Đông phương;
- Les convenances et les civilités annamites – Phép lịch sự và xã giao của người An–nam.
Ngoài ra ông còn soạn các sách dạy tiếng Thái, Campuchia, Myanmar, Chàm, Tamil, Hindi…
Ông biên soạn các loại từ điển nhằm mục đích dạy tiếng như Dictionnaire Français–Annamite (Từ điển Pháp–Việt); Dictionnaire Chinois–Annamite– Français (Từ điển Hán–Việt–Pháp); Dictionnaire géographique annamite (Từ điển địa lý An–nam).
4.3. Biên soạn các loại sách lịch sử, địa lý, văn hóa
Khi biên soạn cuốn Cours d’Histoire Annamite à l’usage des écoles de la Basse Cochinchine (Cuốn I, 1875, Cuốn II, 1877) – Giáo trình Lịch sử nước Nam dùng cho các trường Nam Kỳ, ông tâm niệm:
“Dùng tiếng Pha–Lang–sa là tiếng đã rộng mà lại hay mà chép truyện đất nước ta ra cho anh em coi cho quen–thuộc tiếng ấy, trông rằng lấy cái tiếng anh em đang lo học mà thuật lại truyện anh em đã biết thì sẽ giúp anh em cho dễ thông ý tứ léo lắt và hiểu rõ cốt cách tiếng ấy hơn”. [12]
Sau đó ông còn soạn Sử ký Nam Việt; Sử ký Trung Hoa; Petit cours de géographie de la Basse Cochinchine, 1875 (Giáo trình ngắn gọn về Địa lý Nam Kỳ).
4.4. Petrus Ký là nhà văn đầu tiên nổi bật đưa ra lối viết văn xuôi
Mang trong mình tâm thức gìn giữ văn hóa phương Đông, ông dịch ra chữ quốc ngữ các sách Nho học Tứ thư (1889); Tam tự kinh (1884); Minh tâm bảo giám (1891–1893) [13]; Sơ học vấn tân, 1884 (Tóm tắt sử của Trung Quốc và Việt Nam); Tam thiên tự (1887)… Học giả Nguyễn Văn Tố nhận xét:
“Ông đã biết giữ cho những tư tưởng ấy cái vẻ linh hoạt và biết theo cả thể văn mà làm cho câu của tiếng Việt đi sát nguyên văn, không suy chuyển đến văn vẻ, vì ông đã hiểu rằng cái điều thú vị trong Tứ thư không kể đến lý thuyết chính là những cái đột ngột, bất thường, không theo lệ luật câu văn và cái đặc tính ấy cần phải phản chiếu từng ly từng tí trong bản quốc ngữ”. [14]
Ông cũng là người đầu tiên phiên âm Truyện Kiều của Nguyễn Du ra chữ quốc ngữ (1875).
Ngoài ra Petrus Ký còn sáng tác truyện bằng lối văn xuôi. Trong khi nền Nho học trước đó vẫn quen với lối văn vần, lối tầm chương trích cú, ông đã viết hai cuốn Chuyện đời xưa [15] và Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi [16].
Có thể nói, những đóng góp to lớn này của Trương Vĩnh Ký cũng như các trí thức thời kỳ đầu Tây học [17] như Huỳnh Tịnh Của được coi là đặt một nền móng vững chãi cho nền văn học chữ quốc ngữ phát triển hưng thịnh thời kỳ sau này.
5. Luận bàn
Trương Vĩnh Ký đại diện cho cả hai nền văn hóa Đông–Tây. Ông am hiểu văn hóa Việt Nam cùng các tư tưởng, chữ viết của nền Nho học, theo học trường Dòng ông am hiểu về Công giáo và thần học, tham gia chính trường và tiếp xúc với chính quyền thực dân, ông am hiểu về văn hóa Pháp và cả văn hóa thực dân.
Việc đánh giá về một con người sống trong thời kỳ rối ren của lịch sử là không hề đơn giản. Sau cả ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta bị ràng buộc vào tư tưởng Nho giáo với tam cương ngũ thường. Ngoài những tư tưởng tích cực của nền Nho học, nước ta chỉ có một hệ quy chiếu duy nhất là Trung Quốc và xem đó như là nền văn minh duy nhất đáng học tập. Điều đó vô tình cũng tạo cho chúng ta thói quen thụ động và không chịu tiếp nhận cái mới, không chịu học hỏi từ những trào lưu tư tưởng tiến bộ. Việc triều đình nhà Nguyễn thi hành chính sách bế quan tỏa cảng, bài đạo mù quáng cũng chỉ vì tầm nhìn thiển cận và mục đích bảo vệ quyền lợi của lớp người cai trị. Trong khi đó, dân chúng khổ sở vô vàn, loạn lạc khắp nơi, đất nước yếu kém, tụt hậu. Cuộc đời của Trương Vĩnh Ký trải dài qua tất cả chín đời vua Nguyễn từ Minh Mạng đến Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và Thành Thái cùng những thăng trầm góc tối góc sáng của đất nước thời loạn lạc.
Lịch sử ghi nhận những hậu quả của các cuộc di dân và xâm chiếm thuộc địa, nhưng những cuộc tiếp xúc giữa các sắc dân cũng còn là cơ hội để trao đổi và học tập tinh hoa của nhau. Trương Vĩnh Ký hiểu rằng chúng ta cần vận dụng các kiến thức và kinh nghiệm của học thuật phương Tây về các vấn đề khoa học, kỹ nghệ, kinh tế và chính trị để canh tân và nâng cao dân trí, nhưng ta cũng cần giữ gìn và phát triển văn hóa phương Đông vì đó là gốc rễ và cội nguồn của dân tộc.
Trương Vĩnh Ký [18] cũng đã có một thời gian dài bị cho là theo Pháp bán nước, có học Nho học mà lại không trung quân ái quốc. Nhưng khái niệm trung quân và ái quốc của Nho học có lẽ phải xem lại vì liệu ta có nên mãi mãi đi theo nhà cầm quyền đã lỗi thời và không có thực tài? Hay bằng cách khai sáng dân trí để dân có thể tìm một con đường đi tốt hơn cho dân tộc? Lịch sử đã đi qua và chúng ta không thể quay ngược lại bánh xe để thay đổi sự kiện.
Riêng với trường hợp Trương Vĩnh Ký, ta cũng nên thấy rằng, sau sự kiện Paul Bert (bạn ông) chết, ông cũng từ bỏ chính trị và tập trung chủ yếu vào việc viết sách và dạy học. Cuộc đời chênh vênh giữa hai thế giới, ông là nhịp cầu phổ biến văn hóa tiến bộ cho dân vì ông hiểu cần nâng cao dân trí mới giúp chấn hưng được dân tộc. Như Petrus Ký đã từng nói tại Paris năm 1863 theo tường thuật của Cortembert:
“Con người có hai Tổ quốc, Tổ quốc của lý trí và của tình cảm, ta yêu thương Tổ quốc này và ngưỡng mộ Tổ quốc kia, và xét cho cùng, anh ta chọn để tâm hồn nơi anh ta được sinh ra ở tận miền Viễn Đông, đó mới là Tổ quốc thực sự”. [19] Điều quý hiếm là Trương Vĩnh Ký đã để lại cho chúng ta các công trình văn hóa, những cuốn sách về lịch sử, và những cuốn sách dạy trẻ em: “Khuyên các trò hãy bớt tính ham chơi mà chuyên việc học hành, chữ nghĩa, văn chương cho được vào đường công danh với người ta cho sớm, trước là cho đặng đẹp mặt nở mày cha mẹ, giúp đời dạy dân, sau là cho mình được công thành danh toại, thơm danh, tốt tiếng ở đời” [20].
Phạm Thị Kiều Ly
Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)
Chú thích:
[1] Linh mục dòng Tên gốc Bồ Đào Nha, tới Đàng Trong năm 1618.
[2] Hiện ở thư viện Biblioteca Apostolica de Vaticana còn lưu trữ 3 cuốn từ điển của Philippe Bỉnh và các huynh đệ của ông: Dictionarium Annamiticum seu Tun Kinense cum Lusitana de declaratione viết năm 1790; Dictionarivm annamiticvm seu Tunkinense Lusitana & Latina declaratione viết năm 1797 và cuốn Việt–Bồ, Bồ– Việt không có năm viết.
[3] Hiện lưu trữ tại Hội Thừa sai Paris, mã số 1059.
[4] Tính từ cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên năm 1541 của Thánh François Xavier đến khi Dòng Tên bị giải thể năm 1773, các linh mục Dòng Tên đã phiên âm tới 134 ngôn ngữ và 6 thổ ngữ. Dẫn theo Henning Klöter., “Ay sinco lenguas algo difirenties” China’s local vernaculars in early missionary sources, Missionary Linguistics III, John Benjamins publishing company, 2007, tr.195.
[5] Tên chính xác của ông được viết là Petrus chứ không phải là Pétrus như sau này người Pháp quen dùng, vì trong tiếng Latin không có con chữ é.
[6] Xin xem bản số hóa trên: http://gilbert.tvt.free.fr/ddpk/wa_files/biographe.jpg
[7] Xin xem danh sách các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký tại http://gilbert.tvt.free.fr/ddpk/bibliographie.html hoặc Huỳnh Ái Tông, 2014, Báo chí và nhà văn Quốc ngữ thời sơ khởi, tr.28–34
[8] Archives des Missions Etrangères de Paris, vol 727, tr.363, thư viết ngày 7/12/1717 của P. Heutteaux directeurs du séminaire des Missions étrangères.
[9] Huỳnh Văn Tòng, 2000, Báo chí Việt nam từ khởi thủy đến 1945, Nhà xuất bản TPHCM, tr.59–60.
[10] Dẫn lại theo sách của Huỳnh Ái Tông, Báo chí và nhà văn Quốc ngữ thời sơ khởi, tr.12
[11] Trước ông đã có Philippe Bỉnh trong những năm tháng ở Lisbonne (1796–1833) đã viết 33 cuốn, số lượng trang mỗi cuốn dao động từ 500 đến 700 trang được lưu trữ tại thư viện của Tòa Thánh trong danh mục Borg.Tonch.
[12] Bản số hóa xin xem tại : http://gilbert.tvt.free.fr/ddpk/wa_fi les/coursdhistoire_.pdf
[13] http://ndclnh–mytho–usa.org/KhoSachCu/MinhTamBuuGiam–1968_.pdf
[14] Kỷ yếu của Hội Trí Tri Hà Nội. Nguyên văn tiếng Pháp Bulletin de la Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin, Janvier–Juin 1937, dẫn theo Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, NXB Văn học tái bản, 1994, tập 1, tr.26.
[15] Bản số hóa xin xem tại : http://gilbert.tvt.free.fr/ddpk/wa_fi les/chuyen.pdf
[16] Bản số hóa xin xem tại : http://gilbert.tvt.free.fr/ddpk/voyage.html
[17] Xin xem bài của Lucia Halbherr, Anglo–American School of Sofi a tại : http://gilbert.tvt.free.fr/ ddpk/halbherr.html
[18] Xem: Jean Bouchot, Un savant et un patriote cohinchinois, Petrus J.B. Trương–Vĩnh–Ký, 1837–1898, troisième édition, Sài Gòn, 1927; Nguyen–Tien–Lang, Pétrus Truong–Vinh–Ky, Lettré et Apôtre Franco/Annamite, thuyết trình tại Huế 6–12–1937; Nguyễn–Sinh–Duy và Phạm–Long–Điền, Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký, nhận định lịch sử, Tủ sách tìm về dân tộc, Sài Gòn, tháng 3/1975; Nguyễn Văn Trung, Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa, Tp. Hồ Chí Minh, 1993; Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), Ban Khoa học Xã hội Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, 1993.
[19] Richard Cortembert, 1864, Impressions d’un Japonais en France, suivies des impressions des Annamites en Europe (Ấn tượng của một người Nhật tại Pháp, tiếp theo là ấn tượng của người An Nam tại châu Âu), tr.190.
[20] Trương Vĩnh Ký, 1876, Manuel des écoles primaires ou simples notions sur les sciences à l’usage des jeunes élèves des écoles de l’administration de la Basse–Cochinchine, Saigon, Imprimerie du gouvernement, tr.3.