Mở đầu
Con người là động vật biết tạo ra và dùng công cụ để bảo đảm cuộc sống của mình, nhờ đó mà loài người có được như ngày nay.
Công cụ không chỉ để lao động như con dao, cái cuốc, cái cày…, cho đến cả những công cụ cơ khí, cơ giới khác như chúng ta vẫn thấy trong thời đại chúng ta đang sống.
Công cụ của con người còn bao gồm cả hệ thống ngôn ngữ mẹ đẻ, được dùng để giúp con người trưởng thành.
Các bạn hãy chú ý đến đặc điểm hết sức quan trọng này: những công cụ lao động đều được làm ra ở bên ngoài con người và chúng được sử dụng như những đồ vật nằm bên ngoài con người.
Công cụ ngôn ngữ thì khác. Công cụ này được làm ra từ bên trong con người. Bộ não chỉ huy mắt em nhỏ nhìn các đồ vật (và sự vật khác), não chỉ huy tai em nhỏ nghe để nhận biết người xung quanh em “gọi tên” các đồ vật và sự vật đó ra sao, não chỉ huy tay em nhỏ cầm, nắm, mó máy, sử dụng và cảm nhận đồ vật và sự vật (mó máy cả sự vật khó nhận ra như “tình mẹ con”)… Sau nữa, não còn chỉ huy việc giao tiếp giữa chủ thể nói năng với người xung quanh để giúp em nhỏ “tự đánh giá” năng lực hiểu và gọi đúng tên đồ vật và sự vật.
Như vậy, hoàn toàn khác với cách làm ra công cụ lao động bằng các vật liệu thuần vật chất, công cụ ngôn ngữ được tạo ra vừa là vật chất vừa là tinh thần – thực chất là có tính tinh thần, ngoại trừ việc phát âm thì có tính vật chất. Nhưng, suy cho cùng, ngay cả phát âm cũng mang tính tinh thần, vì chủ thể nói năng phải nói ra cả nhận thức cũng như tình cảm của mình. Nói công cụ ngôn ngữ nằm bên trong con người được hiểu như là nó được tạo ra từ những mối quan hệ tinh thần không nhìn thấy được bằng mắt thường.
1. Chức năng ngôn ngữ
Khi đã có công cụ, thì phải biết rõ công cụ đó làm những công việc gì và tiến hành công việc như thế nào.
Dựa theo tác giả George Mounin trong tác phẩm Chìa khóa ngôn ngữ học (tiếng Pháp Clefs pour la linguistique, 1968) chúng ta nhận thấy công cụ ngôn ngữ có những chức năng sau:
a) Chức năng giao tiếp.
Con người không “nói cho vui”, không “nói chơi”, mà bao giờ cũng nói với người đối thoại với mình. Ngay cả khi bập bẹ học nói, thì em nhỏ cũng trông đợi có người trả lời mình. Ngay cả khi chỉ nói thầm một mình (nói không thành lời, nói trong đầu, nói trong ý nghĩ riêng của mình) thì cũng vẫn có một đối tượng vắng mặt để mình nói với người đó. Nếu xem lại mô hình học nói (mục “công cụ ngôn ngữ”) ta thấy chủ thể nói năng A ngay từ khi học tiếng nói đầu tiên đã cần đến “đối tác” C giúp mình kiểm tra việc học – mối quan hệ sơ khai đó đã mang tính giao tiếp rồi.
Con người dùng công cụ ngôn ngữ để giao tiếp, qua giao tiếp thì con người được học ngôn ngữ, học theo cách tiếp nhận, và còn học trong cả cách biểu đạt nữa. Đó là chức năng thứ hai.
b) Chức năng biểu đạt.
Khi em nhỏ “nghêu ngao” một mình sau khi bú no sữa mẹ, ngay khi chưa biết nói, thì nó đã có nhu cầu biểu đạt – cái nhu cầu nằm trong chức năng giao tiếp. Khi em nhỏ vài tháng tuổi đang nghêu ngao, nếu được người lớn “hỏi chuyện” (với những “à âu”, với những “con chó của bà”, những “cười à… xấu xí thế mà cũng cười à?”, với những lời hát ru hết sức “vô lý” kiểu như Ru hời ru hỡi là ru, con cá lù đù có sạn đằng đuôi…), là khi em tiếp tục nghêu ngao, dường như em đã biết “trả lời”.
Lớn lên nữa, sau khi đã đi học, con người sẽ còn dùng công cụ ngôn ngữ của mình để biểu đạt những điều đã có và cả những điều chưa có (các bạn sẽ học ngay ở phần tiếp theo).
c) Chức năng gọi tên.
Ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi, các em nhỏ không phải chỉ “học lỏm” cóp nhặt từ người xung quanh để làm giàu vốn ngôn ngữ của mình – em nhỏ còn cố gắng gọi tên nhiều đồ vật, nhiều sự vật, do đó mà có những cách nói sai đem lại những trận cười cho cả nhà. Chính chức năng gọi tên này đã giúp cho kho từ vựng của con người càng ngày càng thêm nhiều, vừa phong phú và ngày càng tinh tế.
d) Chức năng mỹ cảm.
Công cụ ngôn ngữ không chỉ giúp con người tồn tại bằng sự thỏa mãn những nhu cầu vật chất tối thiểu. Ngôn ngữ còn có chức năng mỹ cảm, chức năng làm đẹp và làm đẹp thêm cuộc sống của con người. Khi đó công cụ ngôn ngữ đi vào địa hạt tinh thần của con người, thỏa mãn nhu cầu tinh thần là thứ chỉ riêng con người mới có. Khi chúng ta yêu một bài thơ hoặc tự chúng ta làm thơ, khi chúng ta thưởng thức những câu đùa ý nhị, khi đó chúng ta đã phát huy chức năng mỹ cảm của ngôn ngữ.
e) Chức năng siêu ngôn ngữ.
Chức năng này cho phép ta dùng ngữ pháp của ngôn ngữ tự nhiên để mô tả, để hệ thống hóa, để tìm ra quy tắc “ngữ pháp” của nhiều dạng hoạt động của con người. Chúng ta sẽ bắt gặp chức năng này trong những nội dung như “Ngữ pháp của điệu múa”, “Ngữ pháp nghệ thuật”, “Ngữ pháp của toán học”, “Ngữ pháp của logic học”,… thậm chí có thể có cả “Ngữ pháp của thơ”, “Ngữ pháp của tiểu thuyết”, v.v… Bạn có nghĩ là chúng ta còn có thể có “Ngữ pháp của hành vi người” để giúp con người sống hạnh phúc trong đồng thuận?
Ngay việc tự đặt tên công cụ ngôn ngữ, khi đó con người đang thực hiện chức năng siêu ngôn ngữ mà ta vừa nhắc đến. Cuối cùng, và không thể thiếu, đó là chức năng tư duy của công cụ ngôn ngữ.
f) Chức năng tư duy.
Con người tư duy bằng ngôn ngữ, và công cụ ngôn ngữ của con người lại giúp vào việc làm hình thành và củng cố tư duy của con người.
Trong phạm vi bài này, chúng ta giới hạn tư duy như là “cách nhận ra vấn đề phải giải quyết và cách giải quyết vấn đề được đặt ra”.
Chức năng tư duy đó quy tụ các chức năng khác của ngôn ngữ và thể hiện thành những biểu đạt bằng công cụ ngôn ngữ đối với các vấn đề đặt ra cho con người.
2. Những cách biểu đạt ngôn ngữ
Trong cuộc sống, con người bắt gặp vô số vấn đề phải giải quyết. Đối với từng vấn đề, các bạn đều phải huy động công cụ ngôn ngữ để xử lý. Mỗi vấn đề đó có đặc điểm riêng trong cách biểu đạt. Về đại thể, chúng ta sẽ bắt gặp những cách biểu đạt đời thường, cách biểu đạt ngôn ngữ khoa học, cách biểu đạt ngôn ngữ nghệ thuật, cách biểu đạt ngôn ngữ chính trị – xã hội, pháp lý.
Mời các bạn xem xét từng cách biểu đạt đó.
2.1. Cách biểu đạt ngôn ngữ đời thường
Ngôn ngữ đời thường mang tính cá nhân. Mọi người dù cùng nói chung một tiếng nói (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Hoa… ) nhưng lời nói lại là sản phẩm của mỗi cá nhân – sản phẩm của những chủ thể nói năng. Khó có luật chung cho từng người. Nếu có luật chung nhất, có lẽ chỉ có thể là lời khuyên như sau: hãy biểu đạt ngôn ngữ đời thường sao cho rõ lời rõ ý.
Tùy theo từng thói quen ứng xử văn hóa tại những nơi chốn khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau (gia đình, nhóm bạn bè, nhóm công việc, vùng miền…) mà cách biểu đạt lời nói có thể khác nhau. Chuẩn mực chung của người Việt là: đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Nói sao cho hợp với khung cảnh thì chắc là đúng với lời khuyên này.
Lời nói đời thường của ai cũng có thể tùy lúc tùy nơi bị coi là quê mùa, hoặc nhận được thái độ thiếu thông cảm. Khi đó ta cũng chớ nên mếch lòng, cáu giận – một sự nhịn là chín sự lành.
Cần đặc biệt tránh nhạo báng tiếng nói của người khác, và tránh nói năng thô lỗ với người khác (văng tục không thể đồng nghĩa với giản dị, dân dã).
Chuẩn mực chung nữa cần ghi nhớ trong cách biểu đạt ngôn ngữ đời thường là lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
2.2. Cách biểu đạt ngôn ngữ khoa học
Cách biểu đạt ngôn ngữ khoa học cần cho con người trong giao tiếp với nhau trong những trường hợp như: nghe giảng bài, học tập và nghiên cứu, cùng xử lý những vấn đề mang tính khoa học. Trong những hoạt động ngôn ngữ đó, ta vẫn dùng ngôn ngữ giao tiếp đời thường, nhưng các nội dung khoa học thì được biểu đạt theo cách riêng.
Tường minh là yêu cầu thứ nhất. Đó là biểu đạt rõ ràng, khó có thể hiểu lầm. Yêu cầu thứ hai là chính xác. Biện pháp để đạt tới sự tường minh và chính xác là sử dụng hệ thống khái niệm. Dùng hệ thống khái niệm trong lập luận sẽ giúp chủ thể nói và viết đều dễ dàng đạt tới sự chính xác, đạt tới tính thuyết phục cao, là mục đích của mọi biểu đạt khoa học.
Nhưng dù đã tường minh và chính xác, vẫn có thể bị đánh giá là không đúng, không rõ, không thuyết phục. Thế là có tranh cãi. Trong những trường hợp có tranh luận, cần tôn trọng chuẩn mực sau: Tranh luận làm nảy sinh chân lý – hết sức tránh Tranh luận làm nảy sinh tranh luận.
Cần chú ý khái niệm khoa học bao hàm cả toán và các khoa học tự nhiên và cả các khoa học xã hội và nhân văn. Đã đề cập đến những vấn đề khoa học, nhất thiết phải dùng hệ thống khái niệm. Và không bao giờ nên coi chỉ có toán và khoa học tự nhiên mới cần chứng cứ mang tính thuyết phục. Và trong cách biểu đạt những vấn đề khoa học xã hội và nhân văn, cần hết sức tránh tình trạng bị coi là đánh tráo khái niệm.
Và cũng xin hỏi các bạn, trong cách biểu đạt khoa học, có cần liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau không? Lời khuyên đó có trái với câu nói này của nhà triết học Aristote học trò của Platon không: “Tôi yêu thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy”.
2.3. Cách biểu đạt ngôn ngữ nghệ thuật
Chức năng siêu ngôn ngữ của ngôn ngữ tự nhiên giúp chúng ta dễ dàng xem xét ngôn ngữ nghệ thuật.
Con người giao tiếp trực diện với nhau qua lời nói và trực tiếp với nhau qua cả văn bản. Những thông tin con người đem lại cho nhau đều tường minh. Nói A là A, nói B là B.
Nhưng con người còn có cách biểu đạt không trực tiếp khi nói đến những hoàn cảnh bối rối của những tâm tình khó nói thành lời. Đây là một vài ví dụ.
(a) Ví dụ từ nhà thơ khuyết danh xưa đã soạn ra bài thơ Ru con (xem lại sách Văn Lớp 7). Nhà thơ nói với đứa con, nhưng đứa con quá nhỏ bé đâu đã hiểu những lời mẹ than van về cuộc đời người mẹ “ước gì mẹ có mười tay” để đủ sức nuôi con và bênh vực con, và rồi ngay cả khi có đủ mười tay thì vẫn thấy như còn thiếu, hoàn toàn không đủ để bảo đảm cuộc đời hạnh phúc cho cả mẹ lẫn con.
(b) Ví dụ từ nhà viết tiểu thuyết lịch sử. Lịch sử là những sự kiện đã trôi qua đi. Ghi lại lịch sử thường không thể khách quan mà lệ thuộc vào tình trạng có thể nhầm lẫn hoặc đôi khi cố ý nhầm lẫn của nhà sử học. Người nghệ sĩ có thể có cách nhìn lịch sử khác với những ghi chép của nhà sử học chính thống. Khi đó, họ dùng đề tài lịch sử làm cái cớ cho bối cảnh. Cuốn tiểu thuyết Thiếp chàng đôi ngả của Nguyễn Triệu Luật chọn bối cảnh nhà quý tộc họ Trần “đầu hàng” nhà Hồ để chuẩn bị chống giặc ngoại xâm nhà Minh đang ngấp nghé bờ cõi. Hai vợ chồng đành “thiếp chàng đôi ngả”. Và nhà văn đã dồn tình yêu vào việc tả người chồng, chàng quý tộc họ Trần, chàng đã chết nơi sa trường, một cái chết sao mà kỳ lạ: đã chết rồi mà gặp tên võ quan giặc Minh (cũng chết rồi) vậy mà đôi bên vẫn vùng dậy giao chiến một trận không đội trời chung trước khi cùng quăng gươm và chết hẳn.
(c) Ví dụ từ nhà viết kịch cũng như vậy. Chúng ta sẽ nói qua về vở kịch năm hồi Vũ Như Tô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Câu chuyện lấy bối cảnh là thời cai trị của vua Lê Tương Dực (1495–1516) – một nhà vua có biệt hiệu dân đặt cho là Vua Lợn. Cái người có tên Vua Lợn đó muốn xây một cái đài cao (Cửu trùng đài) để làm chốn ăn chơi sa đọa với cung tần mỹ nữ. Trong bối cảnh đó, Vua Lợn lại gặp được một kiến trúc sư, một nghệ sĩ hoàn toàn xả thân cho cái Đẹp. Đài có xây được không? Dục vọng xấu xí của Vua Lợn có được gửi vào công trình kiến trúc huy hoàng đó không?
Các bạn thấy đó: ngoài cách biểu đạt bằng ngôn ngữ đời thường, ngoài cách nói năng bằng khái niệm khoa học, con người còn có cách nói năng bằng những ẩn dụ. Ta có ẩn dụ gì qua bài hát Ru con, có ẩn dụ gì trong hình tượng chàng quý tộc họ Trần “đầu hàng” họ Hồ để có điều kiện hy sinh cho tổ quốc, có ẩn dụ qua hình tượng kiến trúc sư Vũ Như Tô với Cửu trùng đài phục vụ cho một ông Vua Lợn?
2.4. Cách biểu đạt ngôn ngữ chính trị – xã hội
Trong cuộc sống thường ngày, con người còn cần đến cách biểu đạt chính trị – xã hội để xử lý những vấn đề do cuộc sống thực đặt ra. Những vấn đề gì? Tại sao để xảy ra nạn đói, chẳng hạn. Nhà cầm quyền sẽ đổ tội tại nông dân lười biếng. Nông dân làm ra nhiều thóc sẽ nhìn thấy nạn đói là do nhà cầm quyền không chăm lo đê điều để xảy ra lụt lội, nên mất mùa và đói kém. Người dân còn nhìn thấy cảnh sưu cao thuế nặng và nhiều điều nhũng nhiễu khác dẫn đến đói khổ. Các nhà trí thức nhìn thấy cảnh người dân sống trong cảnh dốt nát, thiếu kiến thức canh tác, thiếu kiến thức về ứng xử trước bộ máy áp bức, chuyên chế… Đó là một số ví dụ để hiểu thế nào là những vấn đề chính trị – xã hội.
Khi xử lý những vấn đề chính trị – xã hội, con người không chỉ nhằm giải quyết những chuyện trước mắt – nạn đói là chuyện trước mắt, năm nay đói, có thể sang năm lại phong lưu. Những nhà trí thức còn quan tâm để không bao giờ có nạn đói, không bao giờ có cảnh áp bức, không bao giờ đời sống của người dân bị đe dọa. Những nhà trí thức còn phải cùng với nhân dân tìm cách xây dựng một thể chế cho đất nước và nhân dân được bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công bằng, văn minh…
Con người sẽ cùng nhau xử lý những vấn đề chính trị – xã hội đó bằng cách biểu đạt bằng ngôn ngữ pháp lý.
Phạm Toàn
Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)