Thắng Pháp, còn gọi là Vi Diệu Pháp, viên ngọc quý trong kho tàng minh triết của Đạo Phật, được diễn đạt bằng một ngôn ngữ vô cùng trừu tượng, vì thế không dễ hiểu. Các pháp chân đế, như đã biết, vô cùng rất vi tế và thâm sâu đến nỗi một người bình thường không thể nào cảm nhận hay kinh nghiệm được chúng.

Vì thế, thật may mắn khi chúng ta có thể tiếp cận Pháp chân đế (dhamma) thông qua việc suy xét cụ thể khoảnh khắc hiện tại với câu hỏi:

Hiện giờ cái gì là thật?

Pháp chân đế (hay nói gọn là “pháp”) là cái có thật, chúng luôn tồn tại trong chính đời sống này, từng giây từng phút. Vậy thì: Ở khoảnh khắc này, cái gì là thật? Cái gì chắc chắn có mặt trong khoảnh khắc hiện tại? và thông qua việc suy xét cái đó ta có thể hiểu về pháp (dhamma) mà Đức Phật mô tả?

Một khả năng đúng của câu trả lời sẽ đến ngay sau đây, nó có thể hiển nhiên hoặc gây ngạc nhiên, hoặc nghe có vẻ tầm thường với bạn. Dù gì, nó hết sức gần gũi:

Hiện giờ cái thấy/ cái nghe là có thật

Rõ ràng khi bạn đọc dòng này, việc “thấy” chắc chắn là có thật. Cũng tương tự như vậy, việc “nghe” chắc chắn là có thật với một người không bị điếc.

Vậy Thắng Pháp (Abhidhamma) nói thế nào về cái thấy hay cái nghe, những sự thật vô cùng gần gũi này?

Hãy cùng thử xem xét cụ thể về một thứ thôi: Cái thấy

I. Tổng quan về cái thấy (nhãn thức)

Hãy bắt đầu bằng vài dòng mô tả về nhãn thức (tức “cái thấy”) trong kinh điển (tạng Kinh):

“Do duyên mắt và các sắc, khởi lên nhãn thức”

Thắng Pháp thì mô tả kỹ hơn một chút về nhãn thức hay “cái thấy”. Cái thấy này có thật, nó là một pháp (dhamma). Trong bốn loại pháp chân đế: tâm, tâm sở, sắc và Niết bàn thì nó thuộc loại tâm (citta). Nói về tâm thì lại có 89 loại tâm và “cái thấy” là hai trong số 89 loại tâm đó. Vì thế, “cái thấy” chính là một pháp chân đế, cụ thể nó là một tâm có chức năng “nhìn”, hay “thấy”. Để đơn giản, bài này sẽ gọi pháp đó là “tâm thấy”.

Thắng Pháp mô tả tâm thấy sinh khởi như thế nào:

. Khi có sắc cảnh sắc (đối tượng thị giác) in dấu lên sắc nhãn căn, và

. Có đủ điều kiện (duyên) cho nghiệp quá khứ trổ quả

Lúc đó tâm thấy sinh lên, thực hiện chức năng của nó là nhận biết đối tượng thị giác đã in dấu, sau đó diệt đi ngay.

Đọc đến đây chắc bạn thấy hơi kỳ kỳ phải không? Không sao, bạn cứ kiên nhẫn tôi sẽ giải thích từng thứ một ngay từ đây.

Có một sự khác nhau giữa hai cách diễn đạt. Đầu tiên là cách diễn đạt thông thường mà ai cũng biết:

.Tôi thấy abcd (ví dụ Tôi thấy cái xe) chẳng hạn

Thắng Pháp thì nói khác, về cơ bản, Thắng Pháp nói như sau:

.Tâm thấy thấy đối tượng thị giác

Đi sâu hơn một tí nhé.

Nếu như trong cách diễn đạt thông thường ta có một động từ [thấy], một chủ thể cụ thể [tôi] và một đối tượng cụ thể [cái xe] thì Thắng Pháp dùng toàn các ngôn từ trừu tượng:

 [tâm thấy] thấy [đối tượng thị giác]

Và nếu để ý thêm, ta sẽ thấy diễn đạt trên chỉ gồm toàn các pháp:

.[tâm thấy] là tâm, nó là một pháp chân đế (một trong bốn loại pháp chân đế: tâm, tâm sở, sắc, Niết bàn)

.[đối tượng thị giác] là sắc, nó là một pháp chân đế

.* [thấy] thì không phải pháp chân đế, nó là chức năng hay đặc tính bất biến của [tâm thấy], bất cứ khi nào [tâm thấy] sinh lên, nó đều thấy đối tượng của nó.

Ví dụ trên, thông qua việc “thấy”, một sự thật rất gần gũi, đã minh hoạ ở mức độ cơ bản phát biểu: “Pháp chân đế là cái có thật, chúng luôn tồn tại trong chính đời sống này, từng giây từng phút”.

Đó chỉ là ví dụ bước đầu, còn nhiều điều thú vị đáng ngạc nhiên về pháp nữa. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tiếp từng pháp (dhamma) một trong ví dụ trên.

II. Tâm thấy là một pháp chân đế

Hãy cùng nhìn lại mô tả của Thắng Pháp về việc “thấy”:

[tâm thấy] thấy [đối tượng thị giác]

Điều thú vị đáng ngạc nhiên đầu tiên là khi xem xét mô tả trên, ta không thấy có một con người, một chúng sinh hay tự ngã nào tham gia vào việc “thấy” cả. Thông thường, chúng ta cho rằng “tôi thấy”, “ai đó” hoặc ít ra là “con vật nào đó” thấy. Nếu không có “ai đó”, chúng ta cho rằng không thể có chuyện “thấy” cái gì hết được. Nhưng sự thật tột cùng là như vậy.

Như phần trước đã nói: Không có người suy nghĩ mà chỉ có sự suy nghĩ. Chỉ có tâm suy nghĩ sinh khởi và khi tâm suy nghĩ sinh khởi thì nó phải làm cái việc “suy nghĩ”, suy nghĩ là bản chất hay đặc tính bất biến của tâm suy nghĩ, một pháp chân đế, một thực tại tột cùng. Chỉ những thực tại tột cùng mới thực sự tồn tại, duy trì được bản chất nội tại của chúng, còn “con người” thì không thực sự tồn tại, cũng không có bản chất nội tại bất biến nào.

Hoàn toàn tương tự và nhất quán như thế, cũng không có con người nào thấy mà chỉ có tâm thấy thấy mà thôi.

Và đó chính là cái hiểu đúng, là trí tuệ minh triết đầu tiên mà bạn chỉ có thể tìm thấy ở Thắng Pháp mà thôi.

Nếu lấy ví dụ nôm nay dễ hiểu thì tôi sẽ nói “tâm thấy” giống như một cái app (chương trình) chụp ảnh . Khi có một chương trình tự động khác gọi đến thì cái chương trình chụp ảnh ấy được khởi chạy, chụp một cái hình trong một khoảnh khắc sau đó lập tức biến mất. “Lập tức biến mất” là một điều thú vị đáng ngạc nhiên tiếp theo. Điều này cũng một đặc tính bất biến của mọi pháp chân đế trừ Niết bàn: Chúng được tạo ra (hay gọi là sinh khởi lên), thực hiện chức năng bất biến của chúng rồi biến mất ngay lập tức. Chúng không tồn tại kéo dài, mọi hiện tượng tinh thần hay vật chất có thật (các pháp chân đế hay các thực tạiđều không tồn tại kéo dài.

Thêm vài điều thú vị đáng ngạc nhiên nữa. Bạn có để ý tôi dùng ví dụ một app (chương trình) được “khởi chạy” bởi một “chương trình tự động khác” hay không?

Lại xin phép nhắc lại một lần nữa. Không có con người nào tham gia vào những tiến trình của việc “thấy” và cũng không có con người nào tạo ra “tâm thấy” hết. “Trong cái thấy chỉ là cái thấy” bởi vì tâm thấy chẳng liên quan gì đến con người nào cả. Vì chẳng liên quan đến một chủ thể nào hết nên không có tâm thấy nào là chủ quan hết. Tâm thấy là hoàn toàn khách quan. Ví dụ về chương trình chụp ảnh được khởi chạy bởi “một chương trình tự động khác” đã phản ánh ý nghĩa rằng đó là một hiện tượng xảy ra một cách hoàn toàn khách quan. Mưa, gió là những hiện tượng xảy ra do các tiến trình thời tiết khách quan. Mọi pháp chân đế cũng có đặc tính tương tự: chúng xảy ra do sự vận hành khách quan của các quy luật và các tiến trình được mô tả trong Thắng Pháp (mà thuật ngữ Thắng Pháp gọi là duyên hệ) và bản thân chúng cũng là hoàn toàn khách quan, không hề mang bất kỳ yếu tố nhân tính hay tự ngã nào hết.

Cái thấy là hoàn toàn khách quan? Rất nhiều người “không chịu được” điều này. Chẳng phải tôi có thể lựa chọn mình nhìn cái gì, chẳng phải tôi có thể tự quyết định xem tivi hay không xem tivi mà đọc báo sao?

Pháp rất thâm sâu, vi diệu, khó nắm bắt còn ngã kiến (ý niệm về ngã) thì đã bám rễ rất sâu dày trong vòng luân hồi vô cùng tận. Chúng ta luôn cảm nhận đằng sau những quyết định và lựa chọn là những chủ thể con người. Nhưng một lần nữa quan điểm của Thắng Pháp là nhất quán: Không có người quyết định mà chỉ có sự quyết định, không có người lựa chọn mà chỉ có sự lựa chọn. Bản thân sự quyết định hay sự lựa chọn cũng chỉ là các yếu tố tâm lý, đằng sau chúng là một trong bốn loại pháp chân đế: các tâm sở. Các tâm sở là các thực tại (các pháp) tột cùng khác với tâm nhưng đồng sinh, đồng diệt cùng tâm và cũng thực hiện các chức năng bất biến của chúng mà trong trường hợp này là sự lựa chọn hay sự quyết định. “Tâm sở” là một lĩnh vực rộng lớn nữa mà bài này sẽ không đi sâu vào.

Một điểm nữa: Bạn có thể tự suy xét thêm về “cái nghe”. Bạn có thực sự kiểm soát hay quyết định được cái nghe không? Bạn có thực sự kiểm soát được âm thanh gì bạn sẽ nghe thấy vào thời điểm hiện tại? Bạn có thể biết được chính xác âm thanh gì mình sẽ nghe thấy ở một thời điểm tương lai? Hãy tự kiểm nghiệm điều đó và bạn có thể hiểu thêm về đặc tính “hoàn toàn khách quan” này của các pháp chân đế: ở khoảnh khắc nào pháp nào sinh khởi là hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của bạn hay của bất kỳ ai.

Nếu bạn tò mò “chương trình tự động khác” nào tạo ra “tâm thấy” vậy (?) thì câu trả lời chính xác theo Thắng Pháp đó là “nghiệp quá khứ”. Vì tâm thấy được tạo ra bởi “nghiệp quá khứ” nên nó là một thực tại là quả (vipaka). Những khái niệm như “nghiệp”, “quả”, “duyên hệ” khá phức tạp nên tôi sẽ không đi sâu vào trong khuôn khổ bài này.

Điều tôi muốn các bạn nhớ là: Nếu không có nghiệp quá khứ, sẽ không có ai có thể nhìn thấy bất cứ cái gì. Thực ra thì chuẩn xác hơn nữa: Nếu không có nghiệp quá khứ, sẽ không ai có thể nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ chạm được bất cứ cái gì, không ai có thể có được bữa ăn, cái điện thoại, vợ chồng/con cái hay bất kỳ tài sản nào. Thế giới này sẽ không xuất hiện trước bạn nếu không có nghiệp quá khứ. Vì thế, nếu thấy biết ơn Chúa hay một đấng nào đó về bữa ăn, về tài sản, về những mối quan hệ … của bạn, kỳ thực, thứ ta biết ơn chính là Nghiệp quá khứ của chính ta mà thôi.

III. Tâm thấy thấy cái gì?

Xin nhắc lại mô tả của Thắng Pháp về tâm thấy:

. Khi có sắc cảnh sắc (đối tượng thị giác) in dấu lên sắc nhãn căn, và

. Có đủ điều kiện (duyên) cho nghiệp quá khứ trổ quả

Lúc đó tâm thấy sinh lên, thực hiện chức năng của nó là nhận biết đối tượng thị giác đã in dấu, sau đó diệt đi ngay.

Phần trước chúng ta đã điểm qua vài điều thú vị đáng ngạc nhiên về “tâm thấy”. Tiếp theo, ta sẽ xem xét về một thực tại (pháp) khác trong mô tả trên: Đối tượng thị giác.

Như phần trước đã xem xét, mô tả của Thắng pháp chỉ dùng toàn các “pháp” mà thôi. Vì thế, “đối tượng thị giác” ở đây cũng là một pháp chân đế (dhamma). Trong bốn loại pháp chân đế: tâm, tâm sở, sắc và Niết bàn thì nó thuộc loại sắc.

Trong mô tả của Thắng Pháp, cái mà “tâm thấy” nhìn thấy thì chỉ là một sắc, sắc này, như mọi pháp chân đế, là vô cùng vi tế nỗi một người bình thường không thể nào cảm nhận hay kinh nghiệm được. Cho nên, đối tượng mà “tâm thấy” nhìn thấy không phải là con người, cũng không phải là con vật, không phải cái cây, cái bàn, hay cái điện thoại, hay bất cứ cái gì tồn tại kéo dài hết. “Tâm thấy” thì chỉ nhìn thấy một sắc pháp, sắc pháp ấy như đã nói, sinh lên và rồi diệt đi ngay, nó không thể là con người hay đồ vật (hay bất cứ thứ gì tồn tại mà chúng ta thường biết). Đó là điều thú vị đáng kinh ngạc tiếp theo: Tâm thấy thì không thấy con người hay đồ vật ….

Ta sẽ còn quay trở lại sự thật đáng kinh ngạc nói trên sau, còn hiện giờ, hãy biết quan điểm của Thắng Pháp là như vậy: Tâm thấy chỉ thấy một sắc, sắc ấy vô cùng nhỏ bé, không có hình dạng hay thậm chí màu sắc gì hết. Cả tâm thấy và cái mà nó nhìn thấy đều sinh lên rồi diệt đi ngay lập tức.

Để tiếp tục ví dụ trước, tôi sẽ nói tâm thấy giống như chương trình chụp ảnh, nó sinh lên và làm một nhiệm vụ duy nhất là chụp một cái ảnh, nhưng cái ảnh mà nó có khả năng chụp được chỉ là một pixel thôi. Chương trình (chụp ảnh) này chỉ chụp được một tín hiệu pixel đơn lẻ mà thôi.

Các bạn hãy để ý từ “tín hiệu” ở đây. “Một tín hiệu pixel” minh hoạ rằng cái pixel đó chỉ loé lên rồi biến mất ngay. Như thế, sắc mà làm đối tượng thị giác (còn gọi là sắc cảnh sắc) cho “tâm thấy” hoàn toàn không giống như điều ta hình dung về vật chất thông thường mà nó chỉ là một đặc tính đơn lẻ của hiện tượng vật chất loé lên trong chớp mắt. Theo Thắng Pháp, ở mức độ nền tảng tột cùng, ẩn dưới tất cả những hiện tượng trong cuộc sống hàng ngày chỉ là các hiện tượng danh và sắc, trong đó các hiện tượng danh (bao gồm hai loại pháp chân đế là tâm và tâm sở) thì vận hành các hiện tượng tinh thần (hay ý thức) còn sắc thì vận hành các hiện tượng vật chất. Tuy nhiên, sắc không nên được diễn giải theo nghĩa vật chất thông thường (như các hạt cơ bản của vật lý chẳng hạn), mà nên được hình dung như các đặc tính cứng mềm, nóng lạnh, căng chùng, nhìn thấy được ….. mà thôi.

Theo Thắng Pháp, có tất cả 28 sắc, hay tôi xin gọi nôm na là 28 loại đặc tính vật chất. Đối tượng thị giác là một loại đặc tính trong số đó. Mỗi loại sắc là một đặc tính riêng biệt, một sắc thì chỉ có một đặc tính bất biến và đặc tính này khác biệt với toàn bộ 27 loại đặc tính (sắc) còn lại.

Ngoài “đối tượng thị giác” (sắc cảnh sắc), mô tả của Thắng Pháp về “tâm thấy” còn đề cập đến một loại sắc khác nữa: sắc nhãn căn. Tiếp theo ta sẽ cùng tìm hiểu về loại sắc này.

IV. Chiếc “camera” vô hình

Tương tự như sắc cảnh sắc đã được giới thiệu ở phần III, “sắc nhãn căn” ở đây cũng là một pháp chân đế (dhamma). Trong bốn loại pháp chân đế: tâm, tâm sở, sắc và Niết bàn thì nó thuộc loại sắc.

Đến đây có thể vài bạn cũng đoán trước được. Vì mọi sắc đều hết sức vi tế, sinh lên rồi diệt ngay đi, cho nên sắc nhãn căn thì không phải và không thể là “con mắt” mà mọi người thường biết. Sắc nhãn căn, như mọi sắc, chỉ là một đặc tính vô cùng bé nhỏ và vô hình: không những nó không có hình dạng mà còn không thể được nhìn thấy.

Có thể bạn sẽ hơi ngạc nhiên nhưng như trong phần trước đã nói: một loại sắc thì chỉ có một đặc tính duy nhất và đặc tính của loại sắc này sẽ không thể là đặc tính của loại sắc khác. Trong 28 sắc, chỉ có duy nhất một loại sắc có thể được nhìn thấy: đối tượng thị giác, loại sắc được giới thiệu ở phần III. Nói cách khác, bản thân đối tượng thị giác là đặc tính có thể nhìn thấy, và như thế toàn bộ 27 loại sắc khác nó đều không có đặc tính “có thể được nhìn thấy”. Hơn nữa, vì đối tượng thị giác đã là đặc tính có thể nhìn thấy, nó không thể có bất kỳ đặc tính nào khác nữa, vì thế đối tượng thị giác thì không cứng, không mềm, không nóng, không lạnh, …

Để tiếp tục ví dụ trước, tôi sẽ nói sắc nhãn căn giống như một màn hứng sáng dùng một lần, bé xíu và vô hình. Tâm thấy thì giống như chương trình chụp ảnh. Khi tâm thấy sinh lên, nó sử dụng màn hứng sáng dùng một lần đó để thực thi một nhiệm vụ duy nhất là chụp một cái tín hiệu pixel đơn lẻ.

Với tư cách là một sắc, sắc nhãn căn cũng không phải là vật chất mà chỉ là một đặc tính thần kinh vật chất. Đặc tính của sắc nhãn căn cần phải được hiểu cùng với đặc tính của đối tượng thị giác. Theo Thắng Pháp, sắc nhãn căn có đặc tính duy nhất và bất biến là: có thể được in dấu bởi đối tượng thị giác. Đến lượt nó, đối tượng thị giác cũng có đặc tính duy nhất và bất biến là: có thể in dấu lên sắc nhãn căn (in dấu ở đây là thuật ngữ của Thắng Pháp). Sắc nhãn căn thì không thể được nhìn thấy, không cứng, không mềm, không nóng, không lạnh… Đối tượng thị giác thì không thể được in dấu, không cứng, không mềm, không nóng, không lạnh…. Cả hai đều là sắc pháp, đều chỉ là các đặc tính không tồn tại kéo dài. Khi đối tượng thị giác diệt đi thì sắc nhãn căn được nó in dấu cũng cùng diệt đi.

Có một điều thú vị đáng ngạc nhiên về sắc nhãn căn mà một người không nghiên cứu Thắng Pháp không thể biết được, đó là điều kiện (hay còn gọi là duyên) khiến cho nó sinh khởi.

Ở phần trước ta đã biết “tâm thấy” là quả, nó là kết quả của “nghiệp quá khứ”. Cũng chính “nghiệp quá khứ” là một điều kiện cần thiết cho sắc nhãn căn sinh khởi. “Nghiệp quá khứ” tạo ra cả hai: “tâm thấy” và “sắc nhãn căn”. Ở những người mù bẩm sinh, Thắng Pháp giải thích “nghiệp quá khứ” trong trường hợp này thiếu năng lực để tạo ra “sắc nhãn căn” cùng “tâm thấy” trong suốt cuộc đời người đó.

V. “Tôi thấy cái xe” là cả một câu chuyện dài

Đến đây ta mới tìm hiểu được một lượt mô tả của Thắng Pháp về tâm thấy:

. Khi có sắc cảnh sắc (đối tượng thị giác) in dấu lên sắc nhãn căn, và

. Có đủ điều kiện (duyên) cho nghiệp quá khứ trổ quả

Lúc đó tâm thấy sinh lên, thực hiện chức năng của nó là nhận biết đối tượng thị giác đã in dấu, sau đó diệt đi ngay.

Ở mức độ một tâm thấy đơn lẻ, nó chỉ nhìn thấy một pháp đơn lẻ, pháp ấy chẳng có hình dạng hay mầu sắc gì. Một người bình thường không thể nào cảm nhận hay kinh nghiệm được sự thật tột cùng này. Điều mà chúng ta cảm nhận được vẫn chỉ là “tôi thấy cái xe” chẳng hạn …. mà thôi.

Để giúp bạn đọc hình dung ở mức độ lý thuyết về các tiến trình danh sắc ẩn sâu dưới tình huống “tôi thấy cái xe” nói trên, tôi sẽ đưa ra giải thích kèm ví dụ ngay sau đây.

Một cách ngắn gọn thì chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi “tôi thấy cái xe” thôi, đã có vô số loại tâm xảy ra:

. Có vô số “tâm thấy” đã sinh lên và diệt đi, và không chỉ thế

. Có vô số “tâm suy nghĩ” về các pháp chân đế cùng các khái niệm liên quan …. đã sinh lên và diệt đi

Để hiểu chính xác và cụ thể tóm tắt trên theo đúng Thắng Pháp thì các bạn sẽ phải học thêm khá nhiều về trình tự và lộ trình tâm, về các tâm lộ, các luồng tốc hành tâm, lộ trình nhãn môn, các lộ trình ý môn nối đuôi ….. Việc trình bầy những điều đó nằm ngoài khả năng của bài viết này. Thay vào đó, tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện ở mức độ ví dụ đại khái, trong khả năng của mình:

a. Do nghiệp quá khứ làm duyên, chương trình chụp ảnh sinh lên và ghi nhận một tín hiệu pixel đơn lẻ rồi diệt đi ngay.

b. Ngay sau chương trình chụp ảnh nói trên diệt đi, do các duyên hệ khách quan, bắt buộc có nhiều chương trình suy nghĩ sinh lên và ghi nhớ, suy nghĩ lại về cái pixel đã diệt đi rồi nói trên, sau đó cũng lại diệt đi luôn.

a’. Chương trình chụp ảnh lại sinh lên và lại ghi nhận một tín hiệu pixel đơn lẻ khác rồi diệt đi ngay.

b’. Ngay sau khi chương trình chụp ảnh nói trên diệt đi, lại có nhiều chương trình suy nghĩ sinh lên và ghi nhớ, suy nghĩ lại về cái pixel đã diệt đi rồi nói trên, sau đó cũng lại diệt đi luôn.

c. Vô số lần các chương trình được mô tả ở a,b, a’, b’ sinh lên và diệt đi, tuỳ thuộc vào kích cỡ của cái xe, sau đó

d. Chương trình chụp ảnh sinh lên và ghi nhận tất cả pixel đơn lẻ đã được ghi nhận (từ các bước a đến c ở trên) làm cảnh tổng thể rồi diệt đi

e. Ngay sau d, do các duyên hệ khách quan, bắt buộc có nhiều chương trình suy nghĩ sinh lên và ghi nhớ, suy nghĩ về cảnh sắc tổng thể được d ghi nhận rồi diệt đi

(Lại có nhiều lần các chương trình được mô tả ở d. và e. sinh lên rồi diệt đi)

f. Chương trình suy nghĩ sinh lên và phân định ra hình dáng của cái xe được tập hợp bởi nhiều cảnh tổng thể được được ghi nhận (từ các bước d và e ở trên). Ở đây, cái hình dáng được phân định (bởi chương trình suy nghĩ) lúc này hoàn toàn là một khái niệm chứ không phải là (sắc) pháp chân đế nữa.

(Lại có nhiều lần các chương trình suy nghĩ f. sinh lên rồi diệt đi)

g. Chương trình suy nghĩ sinh lên, suy nghĩ về hình dáng được ghi nhận (bởi nhiều chương trình suy nghĩ f. ở trên) và phân định ra tên gọi chung của đối tượng là là cái xe” . Ở đây, cái “tên gọi” này cũng hoàn toàn là một khái niệm.

Như vậy, để nhận thức ra được cái xe hay từng bộ phận của cái xe, rất nhiều lộ trình tâm thức qua nhãn căn và qua suy nghĩ diễn ra, đầu tiên chúng bắt từng sắc pháp (đối tượng thị giác) làm đối tượng, sau đó các tâm suy nghĩ lồng ghép các “pixel” đối tượng thị giác mà lúc này thực chất đã diệt đi rồi làm một đối tượng tổng thể. Rồi lộ tâm qua nhãn thức và các lộ tâm suy nghĩ nối đuôi lại diễn ra nhiều lần cho đến khi phân định ra hình khối. Tiếp đến có vô số các lộ tâm suy nghĩ về hình khối để cuối cùng phân định ra tên gọi của đối tượng. Từ thời điểm tâm suy nghĩ về hình khối cho đến khi tâm suy nghĩ phân định được tên gọi thực chất các tiến trình tâm thức lúc đó chỉ xảy ra trong suy nghĩ chứ không còn liên quan gì đến sắc nhãn căn và thực chất lúc đó các (sắc) pháp chân đế làm nền tảng cho khái niệm “cái xe” hay “con người” (hay bất cứ đối tượng có-vẻ-tồn-tại-kéo-dài nào mà ta nghĩ ta nhìn thấy) đã diệt đi từ lâu rồi, chúng không còn ở đó nữa.

Vài điều thú vị đáng kinh ngạc ta có thể thấy từ câu chuyện trên là:

. Các tâm thấy không hề và cũng không thể sinh khởi liên tục.

. Mỗi khoảnh khắc chỉ có một tâm duy nhất. “Tâm thấy” và “tâm suy nghĩ” không thể diễn ra cùng một lúc. Khoảnh khắc ta nhận ra “cái xe” hay “con người” là khoảnh khắc diễn ra trong suy nghĩ, xảy ra khi “tâm thấy” đã diệt đi hoàn toàn rồi. Cái thấy thì không thể suy nghĩ, không thể thấy và nghĩ đồng thời, cũng không thể thấy và nghe cùng lúc, chúng là những tâm khác nhau kinh nghiệm những đối tượng khác nhau ở những thời điểm khác nhau.

. Các tâm khác nhau sinh và diệt nối tiếp nhau vô cùng nhanh. Rất nhanh sau khi cái thấy diệt đi, chúng ta đã suy nghĩ về con người hay đồ vật rồi.

. Nếu không có sự ghi nhớ và các tâm suy nghĩ thì “cái xe” hay “con người” không thể xuất hiện. Nói cách khác, đó là các khái niệm được dựng nên bởi sự suy nghĩ và ghi nhớ.

. Với một người bình thường, các pháp chân đế, đối tượng thực sự của các “tâm thấy”, không xuất hiện. Thay vào đó, những thứ xuất hiện chỉ toàn là khái niệm do sự suy nghĩ và ghi nhớ (không như-nó-là) tạo dựng nên. Đó là lý do vì sao nếu không có Giáo pháp của Đức Phật, nào ai biết rằng tất cả mọi người đều sống trong thế giới của khái niệm, không hiểu sự thật tại sao các sự vật hiện tượng xuất hiện lại hình thành, và cái gốc để mọi “thứ” hình thành là do các pháp chân đế (dhamma).

VI. Tạm kết

Từ góc độ tối hậu, cuộc sống giống như một giấc mơ, có rất nhiều điều trong giấc mơ nhưng khi tỉnh dậy thì chẳng có gì cả.

Không thể hiểu sự thật nếu không hiểu những gì đang ở đây lúc này như-nó-vốn-là: các đặc tính khác nhau sinh lên bởi duyên. Sunnata – sự trống rỗng, đã diệt đi, đã biến mất hoàn toàn không còn lại gì nữa. Sau khi pháp sinh khởi, nó biến mất lập tức, nhưng pháp tiếp theo sinh lên rất nhanh, che phủ sự thật về pháp vừa biến mất.

Tại khoảnh khắc cái thấy thấy đối tượng thị giác, cuộc sống là cái thấy. Tại khoảnh khắc nghe âm thanh, cuộc sống là cái nghe….. Tại khoảnh khắc của suy nghĩ, cuộc sống là suy nghĩ. Chúng ta cho những kinh nghiệm của bản thân là rất quan trọng, nhưng ta quên mất mỗi khoảnh khắc kinh nghiệm đều vô cùng ngắn ngủi. Chúng ta dính mắc vào các kinh nghiệm ngắn ngủi đó, cho đó là cái gì đó lâu dài và thuộc về chúng ta.

Càng nghiên cứu Thắng Pháp, chúng ta càng được nhắc nhở rằng các thực tại xuất hiện đều là vô thường và vô ngã. Không có tự ngã hay con người nào phối hợp các kinh nghiệm khác nhau qua các căn. Khi cái thấy sinh khởi, nó chỉ thấy đối tượng thị giác, và không phải là một tự ngã hay một con người đang thấy. Bản chất mỗi khoảnh khắc kinh nghiệm chỉ là một sát na tâm (citta). Sự thật là không có một loại thức hay tâm nào trường tồn mà có rất nhiều loại tâm tiếp nối nhau không ngừng và điều này cũng chỉ ra rằng không có một tự ngã nào có thể lựa chọn hay điều khiển được thực tại. Tất cả đều sinh khởi do duyên riêng của chúng rồi diệt đi ngay lập tức.

Bài viết được gửi về từ độc giả An Le

Tìm hiểu thêm về tác giả bài viết tại: http://emptyan.blogspot.com/2022/11/goc-nho-vi-dieu-phap.html 

Share This Post!