Khái niệm mở đầu
Khi học về cách biểu đạt ngôn ngữ, chúng ta cần phân biệt hai cách biểu đạt khoa học và nghệ thuật. Hai cách biểu đạt đó khác nhau về đối tượng. Đối tượng là gì? Theo nghĩa Hán–Việt, đối tượng là cái đồ vật (sự vật) được kéo lại đặt gần trước mắt ta (đối diện với ta) để ta xem xét.
Trong cuộc sống, có rất nhiều “đồ vật”, nhưng chỉ cái đồ vật nào được ta chú ý tới, khi đó ta mới có đối tượng để nghiên cứu, xem xét. Ví dụ: trẻ em bị đói.
Chuyện trẻ em bị thiếu đói trên thế giới không làm rung động tấm lòng những kẻ vô cảm. Với những kẻ vô cảm, vấn đề trẻ em đói nghèo không bao giờ thành đối tượng nghiên cứu, xem xét của họ.
Với nhà khoa học, và với người nghệ sĩ, vấn đề trẻ em đói nghèo sẽ trở thành đối tượng nghiên cứu, xem xét của họ.
Sau khi xem xét, nghiên cứu đối tượng trẻ em nghèo đói, nhà khoa học và người nghệ sĩ sẽ có những cách biểu đạt khác nhau.
Người nghệ sĩ sẽ chụp ảnh, làm phim,… nhà văn và nhà thơ sẽ viết bài,… họ dùng ngôn ngữ nghệ thuật để làm lay động tấm lòng con người, sao cho con người bớt vô cảm trước nỗi đau của nhân loại.
Nhà khoa học sẽ dùng ngôn ngữ khoa học để chỉ ra những nguyên nhân, những giải pháp về mặt khoa học. Nhà nông học chẳng hạn sẽ nghĩ đến cách gia tăng mức sản xuất thóc lúa. Nhà thực phẩm học tìm cách có thêm thực phẩm bổ sung, thay thế, để có nhiều lương thực đa dạng hơn. Nhà dinh dưỡng học nghiên cứu tình trạng thiếu dinh dưỡng và suy dinh dưỡng…
Còn nhà hoạt động chính trị – xã hội thì làm gì và có cách biểu đạt như thế nào? Cả những công dân bình thường không là nhà khoa học và cũng không là nghệ sĩ – nhưng không vì thế mà thờ ơ, vô cảm trước những hiện tượng có vấn đề trong xã hội – những công dân này làm gì và có cách biểu đạt như thế nào?
Đó chính là đối tượng nghiên cứu của chúng ta trong phần này: Những vấn đề mang tính chính trị – xã hội trong cuộc sống và cách biểu đạt bằng tiếng Việt.
Đối tượng nghiên cứu chính trị – xã hội
Khi nói đến xã hội chúng ta hiểu đó là sự sống chung của mọi người trong cộng đồng quốc gia – dân tộc. Ví dụ: xã hội Việt Nam là nơi sống chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam với sự điều hành của Nhà nước Việt Nam. Mở rộng ra, như xã hội Mỹ, là nơi sống chung của cộng đồng các dân tộc nhập cư cùng nhau xây dựng một quốc gia đa dân tộc – vì vậy mà họ có tên gọi là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Trong lòng một cộng đồng lớn, còn có những cộng đồng nhỏ; nào là những người sống ở thôn quê, ta có xã hội nông thôn; có những người sống ở miền núi, ta có xã hội miền núi; có những cộng đồng nhỏ không mang nguồn gốc Việt, nhưng vẫn sống chung trong xã hội Việt Nam.
Tất cả các cộng đồng nhỏ tạo thành cộng đồng lớn đó gắn bó với nhau bằng những mối liên hệ vật chất và tinh thần rất chặt chẽ.
Trước hết là mối liên hệ lịch sử: Người Việt Nam chấp nhận có quan hệ “đồng bào” với nhau từ xa xưa – “đồng bào” có nghĩa là “chung một bọc”, đó là cái bọc trứng được lịch sử ghi lại từ thời bà Âu Cơ lấy ông Lạc Long Quân mà sinh ra. Ngoài mối liên hệ “máu mủ” đó, còn là mối liên hệ xây dựng và bảo vệ đất nước và duy trì được xã hội Việt Nam như ngày nay. Người Việt Nam trong xã hội Việt Nam chấp nhận những mối liên hệ lịch sử kể cả khi sử liệu chỉ là truyền thuyết hoặc đã được chứng minh bằng khoa học xác thực. Ai phá hoại mối liên kết “đồng bào”, kẻ đó tự tách mình ra khỏi xã hội Việt Nam và bị cả xã hội lên án.
Tiếp đến là mối liên hệ kinh tế: Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long và vựa lúa sông Hồng và vùng Thanh Nghệ không chỉ đem lại no ấm cho người Việt Nam ở riêng các vùng đó. Khi xuất khẩu gạo chẳng hạn, người ta gọi chung đó là gạo Việt Nam, không riêng gạo của riêng tỉnh nào. Những khu công nghiệp ở khắp nơi cũng mang lại ích lợi kinh tế cho các vùng trồng lúa và cây ăn quả. Những hạt cà phê Tây Nguyên và những mẻ cá đầy khoang thuyền của ngư dân miền biển hoặc công trình nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt… đều cùng mang lại lợi ích kinh tế cho cả xã hội Việt Nam. Ai không thấy nao lòng lo lắng trước nạn hạn hán khiến người nông dân phải đương đầu trước nhất thay cho cả xã hội, kẻ đó tự đẩy mình ra khỏi xã hội Việt Nam.
Xã hội còn gắn bó với nhau vì những mối liên hệ văn hóa, tinh thần. Trước hết, rõ ràng là cuộc sống của một xã hội liên hệ với nhau qua ngôn ngữ. Ngay cả khi trong xã hội có nhiều cộng đồng nhỏ với những ngôn ngữ khác nhau, thì cả xã hội vẫn duy trì một ngôn ngữ chung thống nhất. Về văn hóa, điều thấy rõ nhất là việc có những tập tục chung: ở Việt Nam, tục ăn Tết Nguyên đán, các ngày lễ Trung thu, Vu Lan, các thủ tục cưới xin, ma chay, giỗ tết… thể hiện rõ nhất văn hóa và tâm lý của cả xã hội.
Đó là những nét chính để cảm nhận được “hình thù” một xã hội. Có một nét quan trọng là tổ chức cho xã hội gắn kết – chúng ta sẽ nghiên cứu tiếp. Và đây là điều cuối cùng nhưng lại hết sức quan trọng cần chú ý: Mặt chính trị chi phối đời sống xã hội.
Chính trị đúng hoặc sai, tốt hoặc xấu, tiến bộ hay bảo thủ… sẽ chi phối các mối liên kết xã hội, khiến các mối liên kết (lịch sử, kinh tế, văn hóa) dù đã gây dựng được từ nhiều đời vẫn có thể suy yếu, mà kết quả là xã hội sẽ hỗn loạn, bất an.
Vấn đề chính trị – xã hội
Nhu cầu của một xã hội là tất cả các thành viên, tất cả các cộng đồng nhỏ trong cộng đồng lớn đều được sống ổn định, yên lành, phát triển hài hòa, để cùng mưu cầu hạnh phúc riêng trong hạnh phúc chung.
Nhu cầu mang tính xã hội đó được bảo đảm nhờ cuộc sống trong đồng thuận. Đồng thuận là nguyên lý sống chung trong xã hội văn minh gồm ba nguyên tắc nhỏ: (a) Cùng lao động trong cộng đồng; (b) Cùng tôn trọng giá trị văn hóa – tinh thần của nhau; (c) Cùng phát hiện và tháo ngòi xung đột.
Vấn đề chính trị – xã hội nảy sinh khi những hiện tượng vốn dĩ bình thường trong đời sống xã hội bỗng phát triển theo hướng không bình thường.
Nếu bạn dùng một tờ báo hoặc một trang báo mạng và tìm đến những bài có chứa những từ sau: tòa án, phạm tội, dân sự, hình sự, nghèo khổ, ly dị, đi học, bỏ học, thất nghiệp, biểu tình, bãi công, phòng bệnh, chữa bệnh,… bạn sẽ có ngay một cảm nhận cái gì là bình thường trong đời sống xã hội và cái gì bình thường đã phát triển theo hướng không bình thường.
Khi xảy ra những hiện tượng chính trị – xã hội bất bình thường đó, ta sẽ gọi đó là những xung đột xã hội. Xung đột giữa đoàn kết và mất đoàn kết, xung đột giữa giàu và nghèo, xung đột giữa nhu cầu yên bình và cuộc sống hỗn loạn…
Khi trong xã hội có nảy sinh những xung đột chính trị – xã hội, trong một xã hội lành mạnh, tất cả mọi thành viên của xã hội sẽ cùng phát hiện và cùng tháo ngòi xung đột. Các thiết chế xã hội sẽ hoạt động bảo đảm cho xã hội tiếp tục chung sống hài hòa, hạnh phúc trong đồng thuận xã hội.
Xã hội Việt Nam thời nhà Trần, tuy vẫn là chế độ phong kiến đấy, nhưng nhờ huy động được lòng đồng thuận xã hội nên vua và dân một lòng, quân giặc dù có “đông như quân Nguyên”, thì ba lần kéo quân xâm lăng nước ta cũng là ba lần thất bại nhục nhã ê chề.
Tại sao lại cần có đồng thuận xã hội? Tại vì xã hội nào cũng đa dạng và càng đa dạng thì càng phát triển. Một xã hội không thể chỉ có nông dân, còn phải có người buôn bán, còn phải có sản xuất công nghiệp (do đó mà có cả người chủ lẫn công nhân làm thuê), các tầng lớp người đó phải sống với nhau trong tinh thần đồng thuận. Có người dân thì cũng còn phải có cả “người làm quan” nữa như là những đại diện của dân để tổ chức thực thi pháp luật. Dân và “quan” phải sống với nhau trong tinh thần đồng thuận. Một xã hội không thể chỉ có một tôn giáo, có nhiều tôn giáo và các tôn giáo phải sống với nhau trong tinh thần đồng thuận.
Và đây là điều to tát nhất: Một xã hội phải biết mình đang sống như thế nào và mình sẽ đi về nơi nào – đi về nơi chiến tranh mù mịt hay đi về phương trời thanh bình, đi về nơi bụng đói cật rét hay đi về nơi ấm no hạnh phúc, đi về nơi đầu óc dốt nát mù mịt hay đi về chốn thênh thang của trí tuệ tự do? Xã hội phải sống với nhau trong tinh thần đồng thuận để bảo đảm tương lai của muôn đời con cháu.
Luật pháp
Luật pháp là điều không thể thiếu để xã hội có chuẩn mực cho cuộc sống đồng thuận. Luật pháp có thể chưa thỏa mãn toàn thể xã hội – thì xã hội sẽ dùng đồng thuận để thay đổi luật pháp sao cho thích hợp hơn.
Luật pháp do cuộc sống đòi hỏi phải có. Vì sao? Vì suy cho cùng, xã hội tuy “đoàn kết” nhưng là đoàn kết theo cách của những người dưng nước lã với nhau. Những người dưng sống với nhau như hàng xóm láng giềng đó chỉ có tin cậy nhau dựa cơ sở trên những quy định của luật pháp. Ngay cả những người hoàn toàn có quan hệ máu mủ với nhau, nhưng do sự phát triển khác nhau, thì trong cuộc sống họ cũng phải tin cậy nhau trên cơ sở luật pháp.
Có luật pháp thì phải có tổ chức thực thi. Khi thực thi luật pháp, cần có người thực hiện nghiêm minh. Điều khó khăn là làm cách gì cho toàn thể mọi người trong xã hội đều am hiểu và tôn trọng luật pháp? Ở Hoa Kỳ, người ta có sáng kiến Bồi thẩm đoàn rất hay. Tất cả các công dân khi đủ 18 tuổi đều phải tham gia Bồi thẩm đoàn hoạt động trong bốn năm dưới sự chỉ huy của một thẩm phán có uy tín. Trong bốn năm, Bồi thẩm đoàn dự các cuộc xử án và được giảng giải về nội dung và cách xử án. Trong bốn năm, mỗi người tham gia Bồi thẩm đoàn sẽ được chủ tọa xử một vụ án dân sự (không được thực hành xử vụ án hình sự) (Nền dân trị Mỹ, Alexis de Tocqueville, nxb Tri thức, 2006, tr.313).
Kết luận
Ấm no và hạnh phúc là mơ ước muôn đời của loài người. Đó là mục tiêu kép của bất kỳ con người nào. Người bình thường thì cầu mong gia đình mình, mẹ cha mình, con cháu mình, họ hàng bè bạn mình được sống ấm no hạnh phúc. Người trí thức thì tổ chức cuộc sống đồng thuận trên cơ sở nâng cao trí tuệ con người và cổ vũ đạo đức của con người.
Cách biểu đạt ngôn ngữ lúc này sẽ rất đa dạng. Có khi phải dùng đến cách biểu đạt khoa học để phân tích những vấn đề xã hội phải giải quyết. Có khi phải dùng đến cách biểu đạt nghệ thuật để khéo léo gợi ý những vấn đề con người để lưu ý xã hội đến con đường chông gai loài người đang đi.
Phạm Toàn
Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)